Người dân Bắc Kinh ‘mồ hôi nhễ nhại’ dưới nắng nóng như thiêu đốt khi nhiệt độ liên tục cao kỷ lục
Hôm 19/07, Đài quan sát Khí tượng Bắc Kinh cho biết thủ đô của Trung Quốc đã trải qua 28 ngày nóng hơn bình thường trong năm nay, vì vậy người dân địa phương đang phải vật lộn với cái nóng.
Theo định nghĩa của đài quan sát này, một ngày nóng là một ngày có nhiệt độ vượt quá 35°C (95°F).
Hôm 19/07, đài quan sát đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao cho ngày hôm sau: “Vào ngày 20/07, nhiệt độ cao của Bắc Kinh sẽ đạt khoảng 36°C. Người dân cần đề phòng.”
Số ngày nóng năm nay đã phá vỡ kỷ lục trước đó với 26 ngày nóng được ghi nhận hồi năm 2020.
Hôm 14/07, cư dân Bắc Kinh Lu Xin (hóa danh), sống ở quận Triều Dương, nói với The Epoch Times rằng khi nhiệt độ cao ở Bắc Kinh lên tới hơn 40°C (104°F) vài ngày trước đó, hầu hết mọi người không dám ra ngoài.
“Nếu quý vị bước ra ngoài, quý vị sẽ có cảm giác như bị nướng trên giá nướng BBQ. Ngay cả không khí họ hít thở cũng nóng như thiêu đốt. Anh Lu cho biết lớp nhựa đường trên các con đường đang chảy ra vì nắng.”
Anh nói: “Trời nóng đến mức muỗi cũng không muốn đốt người.”
“Những người làm trong ngành giao thức ăn thật sự gay go rồi. Hai ngày hôm trước, tôi đã đặt một vài món ăn. Ngày hôm qua khi người giao hàng đến, khuôn mặt cậu ấy lấm tấm mồ hôi.”
“Tôi được biết cậu ấy vừa tốt nghiệp đại học năm ngoái, nhưng chưa tìm được việc làm thích hợp nên hiện đang đi giao thức ăn để sống qua ngày. Ngay cả trong những ngày nắng nóng như thiêu đốt cũng không có phụ cấp nắng nóng. Chắc là cuộc sống của cậu ấy không dễ dàng gì.”
Nhiệt độ lập kỷ lục ở Bắc Kinh
Vào tối hôm 22/06, nhiệt độ đo được tại đài quan sát đạt 41.1°C (106°F), cao nhất ở Trung Quốc vào ngày hôm đó và cao thứ hai trong lịch sử Bắc Kinh (đồng hạng) kể từ khi việc ghi chép bắt đầu.
Hôm 23/06, Bắc Kinh đã đưa ra một cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao, cho biết thành phố sẽ tiếp tục có nhiệt độ cao từ ngày 23 đến ngày 25/06, với nhiệt độ cao nhất ở hầu hết các khu vực dao động từ 37°C (98.6°F) đến 40°C (104°F). Đây là cảnh báo đỏ đầu tiên về nhiệt độ cao ở Bắc Kinh trong 8 năm kể từ ngày 01/06/2015, khi tiêu chuẩn sửa đổi cho các cảnh báo như vậy được áp dụng.
Đến ngày 24/06, nhiệt độ quan sát được tại đài quan sát lại vượt quá 40°C (104°F). Đó là lần đầu tiên trong lịch sử quan sát của trạm, nhiệt độ vượt quá 40°C (104°F) trong ba ngày liên tiếp.
Khi nhiệt độ cực đoan tiếp tục kéo dài sang tháng Bảy, Bắc Kinh đã đưa ra một cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao khác hôm 06/07, cho biết nhiệt độ cao ở Bắc Kinh sẽ tiếp tục trong 6 đến 7 ngày, với nhiệt độ cao nhất ở hầu hết các khu vực lên tới trên 40°C (104°F) hôm 06/07.
Đợt sóng nhiệt trên khắp Trung Quốc
Nhiều khu vực ở Trung Quốc đã chịu đựng giai đoạn nhiệt độ cao kỷ lục kể từ tháng trước (06/2023).
Đợt sóng nhiệt này đã quét qua phần lớn phía tây bắc Trung Quốc và một phần đông bắc và tây nam, và nằm trong đợt nhiệt độ cao bất thường trải khắp thế giới.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng Tư năm nay (2023) trên tạp chí Nature Communications cho thấy khu vực Bắc Kinh là một trong những nơi dễ gặp các hiện tượng nhiệt độ cực đoan nhất trên thế giới. Các khu vực khác được xác định “có nguy cơ gặp một đợt sóng nhiệt cao kỷ lục về mặt thống kê cao nhất” bao gồm Đức, Hà Lan, Trung Mỹ, và Afghanistan.
Hôm 06/07, bên cạnh cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao của Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc cũng đưa ra một cảnh báo đỏ vào buổi sáng, cho biết ở hầu hết các vùng của tỉnh Hà Bắc, nhiệt độ cao nhất sẽ lên tới 37-39℃ (998.6-102.2°F), và một số vùng sẽ có nhiệt độ rất cao 40-43℃ (104-109.4°F).
Theo truyền thông địa phương ở Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, cơn bão ngày 17/07 không khiến người dân cảm thấy mát mẻ sau khi phơi mình dưới nắng. Thay vào đó, cơn bão này khiến thành phố “nóng như phòng tắm hơi” khi những hạt mưa biến thành hơi nước trên vỉa hè nóng như thiêu đốt.
Trung Quốc cũng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ cao của nước này, khi nhiệt độ tại thị trấn Tam Bảo (Sanbao) ở vùng trũng Thổ Phồn (Turpan) của Tân Cương tăng vọt tới 52.2℃ (126°F) trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng ngày 16/07 đến 8 giờ sáng ngày 17/07.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times