PHÂN TÍCH: Liên minh Trung Quốc–Nga ‘đã rạn nứt’ sau cuộc binh biến Wagner
Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng cuộc nổi dậy của Wagner đã mang lại tác động lan tỏa vượt ra khỏi biên giới nước Nga. Một số nhà phân tích cho rằng đó có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh với Moscow do Bắc Kinh dẫn đầu để đối kháng với thế giới tự do.
Trong 24 giờ đầy kịch tính, nhóm bán quân sự này đã thu hút sự chú ý của thế giới khi chiếm được thành phố Rostov, một trung tâm chiến thuật quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Dẫn đầu cuộc nổi dậy là ông Yevgeny Prigozhin, một đồng minh từng được nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tin cậy. Ông Putin đã mô tả hành động này là một “cú đâm sau lưng.”
Ông Prigozhin hiện đang sống lưu vong ở Belarus theo một thỏa thuận rằng Nga sẽ không buộc tội hình sự đối với ông ấy. Nhưng sau khi ông đặt ra phép thử đáng gờm nhất đối với ông Putin trong hơn hai thập niên cầm quyền của tổng thống Nga này, thì theo nhận định các nhà quan sát ngoài cuộc, chuyến bay của ông còn lâu mới khép lại vấn đề.
“Chúng tôi thấy các vết rạn nứt đang lộ diện,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói với CBS. “Rất khó nói được là những rạn nứt này đến từ đâu và chúng xuất hiện khi nào,” ông nói, “nhưng tôi không nghĩ chúng ta đã chứng kiến diễn biến cuối cùng.”
Theo nhà phân tích địa chính trị Gordon Chang, những rạn nứt này không chỉ xuất hiện trong chế độ Nga.
Ông Chang, tác giả cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Đổ Sắp Tới Của Trung Quốc), nói với The Epoch Times, “Trung Quốc đang cố gắng lật đổ toàn bộ hệ thống quốc tế. Mặc dù Trung Quốc hùng mạnh, nhưng họ không mạnh đến thế. Họ cần những đồng minh như ông Putin, và nếu ông Putin sắp không tồn tại nổi, thì Trung Quốc sẽ gặp rắc rối.”
Bắc Kinh ‘dao động’
Bắc Kinh đã giữ im lặng khi các lực lượng của ông Prigozhin hành quân đến Moscow. Họ chỉ lên tiếng lần đầu tiên sau một ngày của thỏa thuận hòa hoãn vốn ngăn chặn quân đội vũ trang của ông Prigozhin tiếp tục tiến quân. “Đây là công việc nội bộ của nước Nga,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. “Là nước láng giềng thân thiện và là đối tác điều phối chiến lược toàn diện của Nga trong kỷ nguyên mới, Trung Quốc ủng hộ Nga trong việc duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và thịnh vượng.”
Ông Chang cho biết Bắc Kinh phản ứng chậm trễ như vậy là do “họ không biết phải nói gì.”
“Điều này trở thành vấn đề đối với ông Tập Cận Bình là vì ông ấy đã tuyên bố quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga,” ông Chang bình luận về nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Và đối tác ‘không giới hạn’ này gần như đã bị bỏ qua trong những diễn biến đáng kinh ngạc đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này đã khiến Trung Quốc có chút dao động.”
Ông Tập và ông Putin công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Lúc đó, hai nhà lãnh đạo này đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hai năm, đồng thời chế giễu cái mà họ gọi là việc phương Tây “can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc.
Cuộc gặp đó diễn ra chưa đầy ba tuần trước khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Khoảng một năm sau, hồi tháng Ba, ông Tập Cận Bình trở thành khách mời danh dự tại Moscow. Khi chia tay ông Putin, nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc tươi cười nói rằng họ là hai người đang thúc đẩy “sự thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm.”
Nhưng cuộc nổi dậy vừa qua đã khiến Bắc Kinh hoảng hốt.
Trong một cuộc đảo chính chớp nhoáng tương tự vào năm 1992, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhốt nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong biệt thự nghỉ dưỡng của ông ở Crimea. Sau ba ngày, âm mưu này thất bại nhưng lại là ngòi nổ dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của Liên Xô bốn tháng sau đó.
Ông Chang cho rằng ông Putin cũng đang ở một vị thế tương tự.
Ông nói: “Ông ấy đã có thể ngăn chặn cuộc nổi dậy lật đổ ông ấy, nhưng nước Nga đã bị làm cho bất ổn, vì vậy tôi không nghĩ rằng đây là đoạn kết của sự kiện này.”
Đối với chế độ Trung Quốc, vốn luôn trông cậy Nga là một đồng minh hiệu quả để lật đổ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, thì đây không phải là điềm lành.
“Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là bất khả chiến bại, là thống trị thế giới,” ông Chang nói. “Chà, bây giờ họ trông không đáng sợ lắm. Tuần trước họ trông đáng sợ hơn rất nhiều so với bây giờ.”
Các rắc rối ở quê nhà
Vị thế chính trị suy yếu của ông Putin không phải là mối quan tâm duy nhất trong tính toán của Bắc Kinh.
Vài ngày sau cuộc nổi dậy của Wagner, ông Tập đã thăng cấp tướng cho hai chính ủy. Một số người cho rằng đây là một hành động nhằm củng cố quyền lực của ông. Một sĩ quan quân đội Trung Quốc, viết cho PLA Daily, tờ báo chính thức của cơ quan tác chiến quân sự cao nhất của Trung Quốc, cho rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc phải “nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia,” đồng thời sẵn sàng “đối mặt với những thử thách lớn trong một vùng biển đầy bão tố.”
“Trung Quốc tin rằng Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn như vậy vì không có sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với chính phủ, vì vậy ông Tập Cận Bình sẽ hoàn toàn nâng cao quan điểm đó,” ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson và là cố vấn cao cấp về chính sách Trung Quốc cho chính phủ cựu Tổng thống Trump, nói với The Epoch Times. Ông lưu ý rằng trong hơn một thập niên cầm quyền của mình, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng nhiều quan chức quân sự cao cấp để củng cố quyền lực.
Ông Dư cho hay: “Ông ấy biết trong các binh lính bình thường của quân đội, có nhiều người oán hận ông. Vì vậy, đó là lý do tại sao vấn đề này là vô cùng đáng lo ngại đối với ông ấy.”
Ông Chang cho biết các vấn đề trong nước cũng sẽ khiến Bắc Kinh luôn trong tình trạng báo động.
“Người Trung Quốc luôn lo lắng về các cuộc cách mạng màu, như họ nói, và các cuộc cách mạng rất dễ lan truyền — chúng thật sự dễ lan rộng.”
Tháng Mười Một năm ngoái (2023), một vụ hỏa hoạn khiến nhiều người tử vong tại một tòa nhà cao tầng ở Tân Cương đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước. Những người biểu tình giơ những tờ giấy trắng để phản đối các lệnh phong tỏa hà khắc do COVID của chế độ này trong cái được gọi là các cuộc biểu tình giấy trắng.
Phong trào lắng xuống với việc Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế COVID trong khi âm thầm bắt giữ những người tham gia. Nhưng đằng sau vụ việc này, ông Chang nhận ra rằng một sự bất mãn rộng lớn hơn sẽ không biến mất.
“Một số người thực sự đang yêu cầu Đảng Cộng sản và ông Tập Cận Bình phải hạ đài,” ông nói, trích dẫn một phần trong những khẩu hiệu mà người biểu tình đã hô vang.
Các nhà kinh tế đã hy vọng rằng việc chấm dứt chính sách zero COVID có thể thúc đẩy chi tiêu nội địa của Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Tuy nhiên, xét trên nhiều cấp độ, tình hình ở Trung Quốc có vẻ không khả quan hơn nửa năm trước.
Các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ với một khoản nợ 23 ngàn tỷ USD; những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 có tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục trên 20%; doanh số bán địa ốc tiếp tục sụt giảm. Trong năm nay, nước này sắp phải đối mặt với điều có thể là cuộc di cư của những nhà triệu phú lớn nhất thế giới, trong khi ngày càng có nhiều người vỡ mộng cũng đang đào thoát khỏi đất nước.
Ông Chang nói, “Ông Tập Cận Bình không có cách nào ngoài việc siết chặt hơn nữa, và cuối cùng đó sẽ không phải là một giải pháp vì nền kinh tế đang sa sút.”
Bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cũng xem các vấn đề kinh tế là một trở ngại lớn.
Bà nói với The Epoch Times: “Sau cuộc nổi dậy này, ông Putin thậm chí có thể lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, vì vậy tham vọng lãnh đạo trật tự thế giới của Trung Quốc sẽ được củng cố.” Bà cho biết suy thoái kinh tế sẽ là vấn đề số một cản trở ông Tập thực hiện hoài bão của mình.
Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết hiện tại, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục “túm tụm lại với nhau để sưởi ấm” khi họ đối đầu với phương Tây, mỗi bên sẽ nhận được những gì họ cần từ mối quan hệ này.
Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine kéo dài, Nga có thể sẽ thấy bản thân ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là khách hàng chính mua loại dầu mà Nga từng xuất cảng sang châu Âu.
Ông Chang nói rằng đây là lúc thế giới tự do cần phải hành động quyết đoán hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Lục Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times