Trung Quốc: Các cuộc biểu tình của công nhân tăng gấp đôi vào năm 2023, đe dọa quyền cai trị của ĐCSTQ
Theo một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hồng Kông, các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công nhân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể vào năm 2023, gấp đôi so với năm trước (2022). Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng các cuộc biểu tình lan rộng như vậy có thể dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bản tin Nhân sự Trung Quốc (CLB), một tổ chức bất vụ lợi ở Hồng Kông hay “ủng hộ và tích cực tham gia vào phong trào công nhân mới nổi ở Trung Quốc,” đã ghi nhận 1,779 cuộc biểu tình đòi quyền lợi tính đến ngày 31/12/2023 trong bối cảnh nước này sa thải hàng loạt, cắt giảm tiền lương, và đóng cửa doanh nghiệp.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), từng là luật sư ở Trung Quốc và hiện là nhà bình luận thời sự sống tại Canada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng sự xuất hiện của những cuộc biểu tình quy mô lớn trong giới công nhân Trung Quốc là “hệ quả tất yếu” của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc.
Ông Lại tin rằng các cuộc biểu tình này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình của công nhân lan khắp toàn quốc trong năm 2023
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ vào năm 2023 bất chấp việc chính quyền đột ngột dỡ bỏ các biện pháp zero-COVID hà khắc kể từ tháng 12/2022.
Theo CLB, số lượng đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế giảm xuống và điều kiện kinh tế khó khăn ở trong nước đã khiến các nhà máy phải đưa ra các quyết định như sa thải công nhân, chuyển địa điểm để giảm thiểu chi phí, hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Báo cáo của CLB tiết lộ rằng các cuộc biểu tình này chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp định hướng xuất cảng — như điện tử, may mặc, đồ chơi, và xe hơi — trong đó công nhân đã phản đối về nhiều vấn đề như tiền lương, sa thải, chuyển địa điểm sản xuất, và yêu cầu bồi thường.
Các cuộc biểu tình đòi quyền lợi nổ ra trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả bốn thành phố trực thuộc trung ương của ĐCSTQ.
Theo báo cáo của CLB, tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất lớn, đã ghi nhận 510 cuộc biểu tình với quy mô khác nhau vào năm ngoái, mức cao nhất ở quốc gia này.
Số lượng cao thứ hai được ghi nhận ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc với 108 cuộc biểu tình, tiếp theo là tỉnh miền trung Hà Nam và tỉnh phía bắc Sơn Tây, mỗi tỉnh ghi nhận 100 cuộc biểu tình.
Trong số bốn thành phố trực thuộc trung ương, Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, được cho là đã ghi nhận 33 cuộc biểu tình vào năm ngoái, trong khi Thượng Hải ghi nhận 47 cuộc biểu tình, Trùng Khánh ghi nhận 35, và Thiên Tân ghi nhận 25.
Vào ngày 07/01/2023, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Trùng Khánh sau khi Zybio, Inc., nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 sa thải đột ngột hàng ngàn công nhân. Đây là một trong những cuộc biểu tình sớm nhất trong tháng đầu tiên của năm 2023 được ghi nhận trong báo cáo của CLB. Chính quyền địa phương đã điều động cảnh sát chống bạo động đến để trấn áp cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình khác
Theo Nikkei Asia, từ tháng 06/2022 đến tháng 10/2023, quốc gia này đã ghi nhận 1,777 cuộc biểu tình liên quan đến lĩnh vực địa ốc. Hai phần ba trong số những người biểu tình này là người mua nhà và chủ sở hữu nhà. Họ đã tổ chức biểu tình để phản đối “sự chậm trễ của dự án, vi phạm hợp đồng, cáo buộc gian lận, và tay nghề kém,” báo cáo cho biết. Hầu hết những người biểu tình còn lại là công nhân xây dựng đòi nợ lương.
Vào ngày 21/07/2023, hàng ngàn bậc cha mẹ đã tập hợp tại nhiều cơ quan chính phủ khác nhau ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây để phản đối các chính sách mà chính quyền đã đưa ra, trong đó hạn chế học sinh tiếp cận các cơ hội giáo dục trung học và đại học.
Do chính quyền Trung Quốc có lịch sử che đậy thông tin nên rất khó để đánh giá quy mô thực sự của các cuộc biểu tình này.
‘Họ phải chiến đấu cho sự sống còn của mình’
Ông Lại cho biết các chiến dịch đòi quyền lợi gần đây ở Trung Quốc thu hút số người tham gia “nhiều hơn” và các sự kiện này “ngày càng dữ dội hơn bao giờ hết.”
Ông nói thêm rằng nhiều người hiện đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, không có tiền để nuôi nấng gia đình, trả tiền học cho con, trang trải chi phí y tế, và trả các khoản vay thế chấp.
Ông Lại nói: “Những người này chỉ còn cách đứng lên để bảo vệ quyền lợi chính đáng, đòi nợ lương, và đòi cơ hội việc làm cho bản thân họ.”
Hơn nữa, để phù hợp với việc quyết tâm trở lại thời kỳ cách mạng của ông Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “đã ngăn cản các nhà đầu tư ngoại quốc và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc can dự vào Trung Quốc.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu học giả về lịch sử Trung Quốc hiện đang cư trú tại Úc, tin rằng các cuộc biểu tình lan rộng trong giới công nhân chủ yếu xuất phát từ “ý chí sinh tồn” của họ.
Ông Lý nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “Tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ đã bòn rút tài sản của xã hội, còn những công nhân ở tầng đáy của xã hội thì bị đẩy đến mức chịu đựng giới hạn của họ. Khi không còn có thể bảo đảm các nhu cầu cơ bản và sự sống còn của mình, thì họ buộc phải phản kháng.”
Ông nói, hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và không thể cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào cho tầng lớp công nhân nghèo, đồng thời nói thêm rằng “họ phải chiến đấu cho sự sống còn của mình.”
Các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của ĐCSTQ
ĐCSTQ đã áp dụng một biện pháp cứng rắn để đàn áp những người bất đồng chính kiến và những người biểu tình nhằm duy trì quyền cai trị độc tài của mình.
Tuy nhiên, một khi người dân đã dám đứng lên để tranh đấu cho cuộc sống của họ, thì cũng có nghĩa là họ không còn sợ hãi sự đàn áp của ĐCSTQ nữa, ông Lý cho hay và nói thêm rằng đây là điều mà nhà cầm quyền này rất sợ.
“Loại phản kháng này của người dân xuất phát từ chính nội tâm của họ, điều đó là chân thật, và họ không sợ sự đàn áp bạo lực của ĐCSTQ. Những người này biết rằng nếu phản kháng thì họ có thể sẽ mất mạng, nhưng nếu không kháng cự thì chắc chắn là họ cũng chẳng sống nổi. Thế thì hà cớ gì mà họ lại không kháng cự cơ chứ?!”
Theo ông Lại, trên thực tế ĐCSTQ không thể dập tắt tất cả các chiến dịch biểu tình trên toàn quốc.
“ĐCSTQ đang phải đối mặt với những thách thức trên diện rộng, làn sóng thất nghiệp và sa thải nối tiếp nhau ảnh hưởng đến nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Các cuộc biểu tình và các vụ việc đòi quyền lợi đang không ngừng gia tăng, với tình trạng hỗn loạn nổ ra khắp nơi trên toàn quốc. … Tôi có thể thấy trước được rằng ĐCSTQ không có cách nào để giải quyết được tất cả mọi trường hợp.”
“Ở một mức độ nào đó, tình trạng này gây ra mối đe dọa đáng kể cho sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times