Tòa Bạch Ốc cho biết không có kế hoạch mời Canada tham gia AUKUS, quân đội Canada bày tỏ lo ngại
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết không có kế hoạch mời Canada tham gia hiệp ước an ninh giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ vốn tập trung vào hợp tác công nghệ quốc phòng.
Hiệp ước an ninh ba bên, AUKUS, được thiết lập hồi năm 2021 và được xem là một biện pháp chống lại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi trọng tâm chính hiện tại, hay còn gọi là “trụ cột một” của hiệp ước này là giúp Úc phát triển chiến hạm ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thì trọng tâm “trụ cột hai” gồm có hợp tác trên nhiều công nghệ, như chiến tranh điện tử, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ lượng tử.
Ông Kirby cho biết trong chương trình Question Period của CTV hôm 11/06, hiệp ước này hiện đang tập trung rất nhiều vào các chiến hạm ngầm nên không có kế hoạch cụ thể nào để mở rộng ra ngoài phạm vi đó hoặc đưa Canada vào trong đó. Ông cho biết AUKUS hiện bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh bởi vì hai nước này có kinh nghiệm về chiến hạm ngầm chạy bằng công nghệ hạt nhân.
“Đó không phải là một liên minh; đó không phải là một loại câu lạc bộ nào đó,” ông nói và cho biết thêm rằng mọi người đang nhìn nhận sai về AUKUS.
Tuy nhiên, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân Canada (Canadian Joint Operations Command) đã bày tỏ lo ngại về việc Canada vắng mặt trong hiệp ước này.
‘Tại sao chúng ta không được thêm vào?’
“Thực tế là công nghệ [chiến hạm ngầm hạt nhân] đã tồn tại được một thời gian, vì vậy việc chia sẻ công nghệ đó không phải là vấn đề lớn,” Phó Đô đốc Bob Auchterlonie nói với The Canadian Press hồi tháng Một.
“Vấn đề là khi quý vị bắt đầu nói về công nghệ tân tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, machine learning, lượng tử, tất cả những thứ này thực sự quan trọng trong tương lai. Đó là những cuộc thảo luận mà chúng ta cần tham gia. Và vấn đề là: Tại sao chúng ta không được có mặt trong đó?”
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ hợp tác với Canada theo những cách khác, chẳng hạn như thông qua Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD). “Chúng tôi phối hợp rất tốt với Lực lượng Vũ trang Canada,” ông nói. “Chúng tôi biết Canada là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Nhưng khi được hỏi liệu sau này Canada có thể được đưa vào AUKUS hay không, ông Kirby trả lời: “Tôi không có gì để nói về điều đó… Thực sự không có cuộc thảo luận hay kế hoạch nào.”
Mặc dù trụ cột một tập trung vào chiến hạm ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng hồi tháng Năm, các đối tác của AUKUS đã công bố một bước đột phá toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.
“Công việc này đã chứng kiến các tài sản tích hợp công nghệ AI của Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ được khai triển chung ở thời điểm ban đầu trong một nhóm hợp tác để phát hiện và theo dõi các mục tiêu quân sự trong một môi trường đại diện trong thời gian thực,” một thông cáo báo chí hôm 26/05 cho biết. “Việc đẩy nhanh sự phát triển của những công nghệ này sẽ có một tác động lớn đến năng lực quân sự của nhóm.”
Vai trò của AUKUS trong việc chống lại ĐCSTQ
Báo cáo hôm 06/06 của một tổ chức tư vấn Úc nhấn mạnh tầm quan trọng của hai sáng kiến AUKUS trong việc chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một phân tích của 2 triệu nghiên cứu khoa học cho thấy Bắc Kinh có một vị trí đứng đầu lớn mạnh về năng lực quân sự.
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết: “Trên một số lĩnh vực công nghệ, vị trí dẫn đầu của Trung Quốc quá cao đến mức không có nhóm quốc gia nào vượt quá thị phần của họ — làm nổi bật tầm quan trọng của tác động tăng tốc khi các đối tác cùng chí hướng hợp tác nhiều hơn.”
Theo phát hiện của ASPI, khoảng 14% tác giả có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc đã được đào tạo ở các quốc gia AUKUS, với hầu hết (8.5%) ở Hoa Kỳ.
Ông Kirby cho biết căng thẳng với quân đội Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang gia tăng, báo hiệu một nhu cầu lớn hơn về an ninh, cùng với các cuộc liên lạc ngoại giao.
Hôm 03/06, một chiến hạm Trung Quốc đã tiến đến trong phạm vi 150 yard (137 mét) có thể va chạm với hàng không mẫu hạm USS Chung-Hoon của Mỹ đang đi cùng tàu HMCS Montreal của Canada ở Eo biển Đài Loan.
Ông Kirby cho biết nếu những vụ việc như thế này tiếp tục, thì những hành động gây hấn có thể dẫn đến xung đột thực sự.
Bản tin có sự đóng góp của Cindy Li
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times