Điểm tương đồng giữa Lịch Maya và Lịch Trung Quốc thời cổ đại: Liệu đã có mối liên hệ từ xa xưa?
Hệ thống lịch Maya và lịch Trung Quốc thời cổ đại có nhiều điểm tương đồng đến mức có khả năng chúng đã phát triển gắn liền với nhau, theo lời của tác giả David H. Kelley quá cố, người đã viết một bài nghiên cứu về chủ đề này và đã được công bố vào tháng 08/2016 sau khi ông qua đời.
Ông Kelly là một nhà khảo cổ được đào tạo tại Harvard và là nhà kim thạch học tại Đại học Calgary, Canada. Vào những năm 1960, ông trở nên nổi tiếng vì những đóng góp đáng kể vào việc giải mã văn tự Maya. Bài viết “Những nhân tố Á Châu trong sự phát minh ra Lịch Maya” của ông được viết vào 30 năm trước, nhưng đến gần đây mới được công bố và đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí Pre-Columbiana.
Tiến sĩ Stephen Jett, biên tập viên của tạp chí Pre-Columbiana cho hay, vào năm 1980, một tạp chí khoa học chuyên ngành đã từng yêu cầu [đăng tải] bài nghiên cứu này. Tuy nhiên, ông Jett cho biết, “các biên tập viên đã khước từ bài viết vì nó quá dài so với định dạng dành cho tạp chí; có thể hiểu được đối với một nỗ lực mang tính cách mạng như vậy. Ông Dave đã không muốn làm giảm giá trị của bài viết này, và ông không bao giờ đăng tải nó ở một tạp chí nào khác.” Trước khi ông Kelly qua đời, tiến sĩ Jett đã được ông cho phép công bố bài viết này.
Giả thiết mà ông Kelly trình bày có thể gây ra tranh cãi. Ông nói rằng các hệ thống lịch pháp cho thấy hơn 1,000 năm về trước, lục địa Á – Âu và Trung Mỹ đã có tiếp xúc với nhau, trái ngược với sự hiểu biết của khảo cổ học dòng chính cho rằng sự tiếp xúc này chỉ diễn ra lần đầu tiên cách đây vài trăm năm.
Nói chung, ông Kelley ủng hộ giả thuyết còn nhiều tranh luận về mối liên hệ vượt trùng dương vào thời cổ đại này. Nhiều học giả khác tán thành lý thuyết này và tạp chí Pre-Colombiana cũng chuyên nghiên cứu về nó. Những điểm tương đồng giữa các hệ thống lịch chỉ là một phần trong hàng loạt bằng chứng đang được hoàn thiện về sự tiếp xúc từ thời xa xưa.
Ông Kelley cũng không phải là người duy nhất nhận thấy những nét tương đồng giữa các hệ thống lịch pháp này. Tuy nhiên, với tư cách là một chuyên gia về lịch sử Maya, phân tích của ông là nền tảng để tiến hành các nghiên cứu sâu hơn.
Một nhà nghiên cứu khác, trùng hợp có cùng tên nhưng khác tên đệm, là ông David B. Kelley (chúng tôi sẽ dùng tên đầy đủ của ông để tránh nhầm lẫn trong bài viết này; còn tên “Kelley” sẽ chỉ được dùng để nói đến ông David H. Kelley), đã sử dụng một chương trình máy tính để phân tích kỹ hơn về các điểm tương đồng giữa hai hệ thống lịch pháp này.
Ông David B. Kelley là một nhà ngôn ngữ học Đông Á tại Trường đại học Nữ sinh Showa ở Tokyo. Bài nghiên cứu của ông có tiêu đề là “Comparing Chinese and Mesoamerican Calendar Dates” (So sánh ngày tháng giữa lịch Trung Quốc và lịch của khu vực Trung Mỹ) cũng được đăng tải trên ấn phẩm gần đây của tạp chí Pre-Columbiana.
Các điểm tương đồng
Trong cả hai hệ thống lịch pháp, các ngày được liên kết với yếu tố khác nhau (như nước, lửa, đất, v.v.) và các loài động vật. Mặc dù các cặp liên kết đa dạng này không hoàn toàn nhất quán giữa hai hệ thống, nhưng chúng thường có sự tương ứng với nhau.
Một số điểm khác biệt có thể được giải thích bằng những thay đổi theo thời gian; cùng một hệ thống lịch pháp nguyên gốc có thể đã được các nền văn hóa điều chỉnh theo những cách khác nhau.
Chúng ta sẽ chỉ khám phá một vài ví dụ về các điểm tương đồng mà ông Kelley và ông David B. Kelley đã đề cập đến.
Các con vật (Địa chi)
Các ngày giống nhau trong lịch Maya và lịch Trung Quốc được liên kết với các con vật là nai, chó, và khỉ. Các ngày khác cũng tương đối ăn khớp, nhưng chúng không có sự tương ứng chính xác.
Chẳng hạn như, một ngày ứng với hình ảnh báo đốm trong lịch Maya, thì sẽ ứng với loài hổ trong lịch Trung Quốc. Một ngày khác ứng với cá sấu trong lịch Maya, thì sẽ ứng với loài rồng trong lịch Trung Quốc. Mặc dù các biểu hiện cụ thể có thể khác nhau dựa trên hệ động vật hoặc truyền thuyết ở địa phương, nhưng các cặp liên kết này có thể về bản chất là giống nhau.
Các loài vật thuần hóa ở Cựu Thế giới, chẳng hạn như ngựa, cừu, bò, và heo cũng vắng bóng trong lịch Maya.
Một ví dụ nữa về điểm tương đồng giữa lịch Trung Quốc và lịch của khu vực Trung Mỹ là biểu tượng kết hợp giữa con thỏ và mặt trăng.
Ông Kelley đã viết, “Ngày 8 trong lịch Aztec, ngày Con thỏ, do thần Mayauel cai quản. Đây là nữ thần mặt trăng và nữ thần của loại rượu pulque làm từ xương rồng.” Các miêu tả về con thỏ trên mặt trăng được tìm thấy lần đầu tiên ở khu vực Trung Mỹ vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. “Người Trung Quốc rất yêu mến hình ảnh thỏ ngọc giã thuốc trường sinh trên cung trăng. Hình ảnh này xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc thời nhà Hán vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên hoặc sớm hơn một chút.”
Ông Kelley kết luận rằng: “Các loài vật có tên trong hệ thống lịch Maya … rõ ràng đều có nguồn gốc từ một nguyên mẫu của hệ thống lịch mở rộng Á – Âu.”
Hệ thống lịch Trung Quốc cũng tương ứng với loại lịch Á – Âu này. Ở Cựu Thế giới thời cổ đại, các hệ thống lịch pháp giao thoa với nhau. Vì vậy, ông Kelley đã nghiên cứu lịch của người Hy Lạp, Ấn Độ, và các hệ thống khác như là những ví dụ về lịch pháp trong các nền văn hóa khác nhau đều có nguồn gốc tương tự nhau, nhưng có những biến thể hơi khác nhau.
Điều này đã giúp ông hiểu được các điểm tương đồng và khác biệt giữa lịch Trung Quốc và lịch Maya. Ông đưa ra kết luận rằng cả hai hệ thống này xét cho cùng đều có chung nguồn gốc và không phát triển riêng rẽ. Điều này cũng cho thấy rằng đối với các yếu tố mà lịch Maya lệch với lịch Trung Quốc, thì chúng vẫn có thể tương thích với các hệ thống lịch Á – Âu khác, điều này củng cố cho lý thuyết về mối liên hệ [văn hóa] rất sớm từ thời cổ đại.
Các yếu tố ngũ hành
Ông David B. Kelley đã sử dụng chương trình máy tính InterCal, do nhà thiên văn học Denis Elliott của Viện Công nghệ California Caltech phát triển, để tìm kiếm các cặp tương hợp giữa các ngày trong lịch Maya ứng với các yếu tố ngũ hành là hỏa, thủy, thổ, kim, và mộc của Trung Quốc.
Ban đầu, ông không tìm thấy cặp tương hợp nào cho các yếu tố ngũ hành này, song ông đã tìm thấy các cặp tương quan với loài vật tương ứng như ông Kelley đã phát hiện. Nhưng khi ông điều chỉnh các tham số trong phép so sánh một chút, thì ông đã thấy có khá nhiều sự tương đồng.
Tại đây, một số giải thích về bối cảnh cần được nêu ra. Ngày tháng bắt đầu của lịch Maya luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù không ai biết chắc chắn lịch Maya bắt đầu từ khi nào, nhưng thông thường người ta cho rằng lịch này bắt đầu vào ngày 11/08/3114 trước Công Nguyên.
Ông David B. Kelley đã bắt đầu với giả định này, và tìm thấy 9 cặp tương hợp giữa hai hệ thống lịch trong khoảng thời gian 60 ngày đã cho bất kỳ. Tất cả các cặp tương hợp này đều có liên quan tới tên ngày và các loài vật tương ứng.
Nhưng sau đó ông đã thử điều chỉnh ngày bắt đầu khác đi một chút. Khi ông dời ngày bắt đầu lùi đi bốn ngày, đến ngày 07/08/3114, thì số cặp tương hợp đã tăng từ 9 lên 30 trong khoảng thời gian 60 ngày bất kỳ, và các cặp này đã bao gồm các yếu tố ngũ hành.
Bên cạnh sự điều chỉnh về ngày tháng bắt đầu ra, độ chính xác của phép so sánh này có tồn tại một số hạn chế. Ông Elliot cảnh báo rằng chương trình của ông sẽ càng thiếu chính xác khi người ta sử dụng nó để phân tích các ngày ở thời gian xa hơn trong quá khứ.
Tuy nhiên, ông David B. Kelley đã viết: “Mặc dù thiếu sự tương đồng chặt chẽ, nhưng khả năng [tồn tại] một loại quan hệ mang tính hệ thống nào đó giữa tên ngày trong lịch của khu vực Trung Mỹ với Thiên Can [yếu tố ngũ hành] và Địa Chi [loài vật tương ứng] trong lịch Trung Quốc là điều khá thú vị, ít nhất là như vậy.”
“Thật vậy, đối với ý tưởng hệ thống lịch của khu vực Trung Mỹ có khả năng liên quan dẫu chỉ một chút đến hệ thống lịch Trung Quốc, nếu chúng ta có thể chứng minh rằng ý tưởng này thỏa đáng ở mức độ nào đó, thì chúng ta sẽ có cơ hội để khảo sát tính toán lịch pháp của Trung Mỹ dựa vào một hệ thống đã biết (chẳng hạn như lịch Trung Quốc),” ông chia sẻ.
Đó là còn chưa đề cập đến tác động đối với sự liên lạc giữa Cựu Thế giới và Tân Thế giới vào thời cổ đại.
Biểu tượng, các cặp liên kết không phải là khoa học chính xác
Ông Kelley đã vấp một vấn đề hóc búa là tháo gỡ những nút thắt về sự thay đổi của các cặp liên kết theo thời gian. Ông đưa ra một vài ví dụ về các cặp liên kết thoạt nhìn có vẻ không tương ứng với nhau, song có thể có một mối liên hệ nào đó.
Chẳng hạn như, lịch Maya của người Pipil từ Guatemala có Rùa ở vị trí thứ 19; lịch của người Mã Lai cũng có Rùa ở vị trí thứ 19; các lịch Maya và lịch Aztec khác có Bão Sấm Sét ở vị trí thứ 19; lịch của người Hindu có Chó Cái ở vị trí thứ 19.
“Bão Sấm Sét, Chó Cái, và Rùa thường sẽ được xem là không có sự tương ứng nhất quán,” ông Kelly viết. “Tuy nhiên, vị nữ thần ứng với ngày thứ 19 trong lịch Aztec là Chantico, nữ thần lửa, bà đã bị các vị thần khác [trừng phạt và] biến thành một con chó.”
“Khái niệm về Chó Sấm Sét được phát hiện ở châu Á trên khắp các khu vực chịu ảnh hưởng của Phật Giáo và cũng được tìm thấy ở Mexico. Một bản thảo của người Tây Tạng thực sự cho thấy một con Chó Cái Sấm Sét ngồi trên một con rùa, khéo léo xâu chuỗi các khái niệm liên quan tương ứng với vị trí thứ 19 của loài vật trong các loại lịch pháp. Quyển sách chép tay Madrid Codex của người Maya cũng miêu tả một con chó ngồi trên lưng một con rùa — một điều dị thường về mặt sinh học.”
Bên cạnh các liên kết về loài vật và yếu tố [ngũ hành], ông Kelley và ông David B. Kelley đều lưu ý đến các điểm tương đồng về mặt ngôn ngữ học giữa tên ngày cùng với bằng chứng thuyết phục khác.
Ông David B. Kelley đã viết: “Có lẽ một trong những khía cạnh thú vị nhất khi so sánh các chữ số trong các hệ thống của khu vực Trung Mỹ nằm ở ngôn ngữ học, lĩnh vực mà chúng ta có thể chứng minh rằng các từ ngữ phản ánh hệ đếm nhị thập phân trong một số phương ngữ của người Maya, và các từ ngữ phản ánh hệ đếm thập phân trong một số phương ngữ của Trung Quốc, gần như có thể thay thế lẫn nhau.”
Ông Kelley kết luận rằng: “Theo tôi, sự tương ứng mà tôi đã thảo luận này đã cho thấy các mối giao lưu văn hóa theo dạng thức nào đó giữa những người ở lục địa Á – Âu và những người ở Guatemala hoặc vùng lân cận Mexico thời cổ đại một cách đầy thuyết phục.”
Ông phỏng đoán rằng sự liên lạc này có thể diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ông nói những kết luận của mình “có thể gây ra tranh cãi, nhưng chúng là các lời giải tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy được.”
Trong chuyên mục Beyond Science, Epoch Times khai thác các bài nghiên cứu và báo cáo liên quan đến những hiện tượng và học thuyết thách thức hiểu biết hiện nay của chúng ta. Chúng tôi đào sâu vào những ý tưởng khơi dậy trí tưởng tượng và mở ra các khả năng mới.
Văn Sơn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times