5 cách trau dồi đạo đức làm việc của Tổng thống Teddy Roosevelt
Dù đang ở vị trí nào, hay nhận mức lương bao nhiêu, đạo đức tốt trong công việc sẽ khiến một nhân viên trở nên nổi trội
Cách đây vài tuần, tôi tình cờ chứng kiến cuộc trò chuyện giữa một cậu thanh niên 17 tuổi và một cặp vợ chồng trung niên. Sắp tốt nghiệp trung học, anh chàng 17 tuổi này lịch sự hỏi người chồng đang làm công việc gì.
Ít lâu sau, cặp vợ chồng đã sắp xếp thời gian để cậu học sinh trung học đến thăm và tìm hiểu về hoạt động bên trong của công ty của người chồng. Nhớ lại tâm trạng háo hức muốn giúp đỡ cậu thanh niên của người đàn ông này trong các cuộc nói chuyện trước đó, tôi hình dung ra những suy nghĩ chợt hiện lên trong ông về viễn cảnh một tài năng mẫn cán chưa được bộc lộ đang đứng trước mặt mình.
Ngày nay, nhu cầu có nhân viên giỏi vượt xa mong muốn của công ty do một người làm chủ [như của ông chồng trong câu chuyện bên trên]. Và theo đánh giá từ một bài báo gần đây trên tờ Wall Street Journal, không phải mọi nhà tuyển dụng đều tìm được trợ thủ tốt ở nhóm người trẻ tuổi như anh bạn 17 tuổi của tôi trên đây. Về việc này, các nhà tuyển dụng đang dần xóa đi sự phân biệt tuổi tác và đón nhận những nhân viên sắp về hưu hơn là đến từ các trường trung học, họ hy vọng rằng nhóm nhân viên chính chắn hơn này ít nhất sẽ dành trọn tám giờ làm việc hiệu quả, mẫn cán, trung thực mỗi ngày, ngay cả khi việc đào tạo về công nghệ cho họ khó khăn hơn so với những người trẻ.
“Nhóm này sẵn sàng làm việc ca đầu tiên hoặc trực ca cuối ngày, thay phiên nhau làm việc trong bữa trưa và giờ giải lao hoặc thậm chí có mặt ngay khi cần,” một nhà tuyển dụng nói với The Wall Street Journal.
Ngoài sự linh hoạt và mẫn cán, những nhân viên lớn tuổi không nhất thiết phải tìm được mức lương cao, cũng không nhanh chóng chuyển sang một vị trí mới để thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp. Họ trở thành nhân sự đầy tiềm năng trong mắt các nhà tuyển dụng.
Tôi đã làm công việc tuyển dụng trong thập niên vừa qua, nên tôi thấu hiểu điều này. Mặc dù tôi đã tìm ra vài nhân viên rất giỏi trong thế hệ trẻ, nhưng tôi cũng có chút ngạc nhiên trước những điều mà các nhân viên trẻ tuổi yêu cầu, cũng như biểu hiện thiếu trung thành một khi họ đã vào được công ty. Trường hợp đó nhiều đến mức, tôi cũng bắt đầu nghĩ rằng tuyển dụng nhân viên lớn tuổi sẽ hợp lý hơn.
Vì bản thân tôi phần nào vẫn là một thành viên của thế hệ trẻ, nên tình cảnh oái ăm này cũng thách thức tôi. Chúng ta đã đánh mất những nguyên tắc làm việc chăm chỉ ở đâu, và làm sao để tìm lại chúng? Các bài viết của Tổng thống Hoa Kỳ Teddy Roosevelt có thể giải đáp câu hỏi này.
Theo Tổng thống Roosevelt, điều đầu tiên tạo nên một nhân viên giỏi là sẵn sàng đặt công ty lên vị trí ưu tiên hơn cả thời gian dành cho bản thân. Trong một lá thư năm 1899 gửi cho chị gái Anna Roosevelt Cowles, ông đã giải thích việc đi nghỉ phép trong khi đảm đương công việc thống đốc New York khó khăn như thế nào. Ông không chối bỏ nhu cầu nghỉ ngơi của mình, nhưng ông nhận ra rằng những phận sự trong công việc cần được ưu tiên hơn mong muốn cá nhân.
Ông viết trong thư, “Em phải quyết định rằng khi em là Thống đốc, mọi thứ phải thuận theo [các yêu cầu của] công việc này, và em chỉ có thể thỉnh thoảng tận dụng các kỳ nghỉ khi có dịp.”
Cũng trong lá thư đó, Thống đốc Roosevelt đã tiết lộ yếu tố khác của một nhân sự giỏi: đó là, sự say mê làm công việc có ý nghĩa.
“Em rất vui khi trở thành Thống đốc — đó là, được làm công việc có ý nghĩa, điều khiến tất cả những phiền toái và lo lắng thực sự chỉ là vấn đề vụn vặt,” ông viết.
Kỳ thực, một nhân viên giỏi không nhất thiết phải kiếm được nhiều tiền nhất và được tăng lương liên tục; thay vào đó, anh ấy sẽ thấy mãn nguyện nếu biết mình đang làm việc vì một mục đích tốt đẹp, ngay cả khi việc đó không mang lại nhiều tiền.
Tương tự như vậy, một nhân viên giỏi sẵn sàng bắt đầu từ những việc nhỏ và làm tốt những công việc nhỏ nhặt ấy.
Trong một bài diễn văn năm 1903 tại Đại Học California – Berkeley, ông Roosevelt nói, “Tôi mong đợi ở các bạn tinh thần làm việc thẳng thắn, nghiêm túc, trong tất cả những việc nhỏ hằng ngày trong công việc, trong cuộc sống gia đình, trên mọi phương diện, và sau đó khi cơ hội đến, nếu bạn đã hoàn thành bổn phận của mình trong những điều nhỏ bé, thì tôi tin là bạn sẽ đạt đến tiêu chuẩn của một người cao quý.”
Về bản chất, Tổng thống Roosevelt đang nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải khởi đầu với mức lương cao ngay lập tức, cũng không phải một văn phòng lớn hay gói phúc lợi hậu hĩ. Tận tâm trong những điều nhỏ nhặt sẽ dần mở ra cánh cửa dẫn bạn tới những cơ hội lớn.
Người ta không thể miêu tả làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi mà không kể đến những phẩm chất tốt, và về điều này, ông Roosevelt đã không làm mọi người thất vọng.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào cơ thể cường tráng và khỏe mạnh,” ông tuyên bố trong một bài diễn văn tại Đại Học Minnesota. “Tôi tin tưởng hơn nữa vào tâm trí mạnh mẽ. Và tôi tin điều quan trọng hơn tất thảy, hơn cả thể xác, hơn cả trí óc, và đó là phẩm cách.”
Tính cách nào tạo nên thành công trong công việc, không chỉ cho nhân viên mà còn cho chủ công ty? Trung thực, nhã nhặn, tử tế, và mẫn cán là một vài điểm tốt đầu tiên có thể kể đến.
Cuối cùng, một nhân viên giỏi là người không bỏ cuộc chỉ vì những năm tháng tạo dựng sự nghiệp của mình đã qua. Người đó tiếp tục “hướng đến tương lai, không hoài niệm về quá khứ,” như ông Roosevelt đã viết vào năm 1908. Họ cũng không coi thường một vị trí, cho nó là thấp kém nếu vị trí đó được trả ít hơn hoặc thấp hơn trên nấc thang sự nghiệp so với những gì mình đã có trước đó.
Ông viết: “Tôi chưa bao giờ thông cảm chút nào với nhóm người nghĩ rằng vì mình đã may mắn được giữ một vị trí cao, nên sau đó người đó không thể cảm thấy vui vẻ ở một vị trí kém nổi bật hơn.”
Nếu nền kinh tế sớm rơi vào suy thoái như nhiều người dự đoán, thì người ta sẽ không dễ dàng kiếm tiền. Khi thời điểm đó đến, chính những người đã học được các nguyên tắc đạo đức làm việc tốt của ông Roosevelt sẽ có lợi thế khi nhận được các công việc đó.
Ái Như biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times