Nhà văn Mercy Otis Warren và tự do của Mỹ quốc: Nữ chiến binh dùng ngòi bút để bảo vệ quyền tự do
Bất cứ người Mỹ nào từng tốt nghiệp trung học đều nên biết đến danh tính và công lao của những bậc Quốc phụ nổi tiếng nhất, những nhà ái quốc như cựu tổng thống Washington, cựu tổng thống Jefferson, cựu đệ nhất phu nhân Abigail, và cựu tổng thống John Adams. Một số cựu học sinh có thể nhớ được những nhân vật ít nổi tiếng hơn từ thời kỳ đó, những người từng xuất hiện trong hầu hết các văn bản lịch sử, như điệp viên Nathan Hale, hầu tước Lafayette, nữ anh hùng Molly Pitcher, và thuyền trưởng hải quân John Paul Jones.
Đằng sau những vĩ nhân này là vô số những nhà ái quốc khác — hàng ngàn người trong số họ ít được biết đến trừ những người sống cùng thời với họ — tên tuổi và chân dung của họ đã bị người thời nay lãng quên từ lâu. Đó là những người đàn ông từng chiến đấu trong những trận đánh như Saratoga và Cowpens. Họ đã trải qua mùa đông khắc nghiệt ở Thung lũng Forge. Họ từng đọc và tranh luận về các luận điểm trong bản Hiến Pháp được đề xướng. Đó cũng là những người chị em gái, người vợ, và người mẹ giữ lửa cho tổ ấm gia đình, chăm sóc gia súc và trồng trọt, nuôi dạy con cái, và là chỗ dựa tinh thần cho gia đình mình.
Giữa hai nhóm này — những vĩ nhân và những người ít được biết đến — cùng một vài người khác, đã tham gia vào cuộc cách mạng Hoa Kỳ kinh thiên động địa. Họ từng rất nổi tiếng trong thời đại của mình, nhưng ngày nay chỉ còn tồn tại trên những trang sách lịch sử bụi bặm và bị lãng quên. Vài người trong chúng ta từng nghe nói đến ngài John Randolph, chính trị gia bi quan người Virginia theo chủ nghĩa tự do. Ông nổi tiếng nhất với câu nói: “Tôi là một nhà quý tộc. Tôi yêu sự tự do và ghét sự bình đẳng.” Và cái tên Ethan Allen (nhà sáng lập thuộc địa Vermont) có thể khiến nhiều người Mỹ nghĩ tới công ty đồ nội thất hơn là người đàn ông đến từ vùng Vermont hoang dã mà công ty này đã đặt tên theo.
Trong những nhân vật này, chúng ta tìm thấy bà Mercy Otis Warren (1728-1814), được biết đến rộng rãi vào thời của bà, nhưng thời nay ít nhiều đã bị lãng quên.
Một người con, người vợ, người mẹ, và văn nhân lỗi lạc
Sử gia Nancy Rubin Stuart đã mở đầu bằng một chuỗi lời khen ngợi từ những danh nhân sống cùng thời với bà Mercy Warren trong cuốn sách “The Muse of the Revolution: The Secret Pen of Mercy Otis Warren and the Founding of a Nation” (Nàng Thơ của Cách Mạng: Văn Nhân Bí Ẩn Mercy Otis Warren Và Sự Hình Thành của một Quốc Gia). Cựu Tổng thống John Adams từng gọi bà là “người phụ nữ thành công nhất Mỹ quốc” và miêu tả các tác phẩm mà bà chắp bút là “những minh chứng không thể chối cãi về một thiên tài.” Một trong những người bạn thân thiết nhất với bà Mercy là quý bà Abigail, phu nhân của ngài John, rất say mê thơ và những vở kịch của bà Mercy. Cả cựu tổng thống Jefferson và Washington đều ca ngợi khả năng viết lách và những hiểu biết sâu sắc của bà trong vai trò là một văn nhân. Mặc dù không nằm trong danh sách những người được ca tụng của sử gia Stuart, nhưng vào năm 1791, ngài Alexander Hamilton (một nhà lập quốc và bộ trưởng ngân khố đầu tiên của Hoa Kỳ) đã viết trong một bức thư gửi bà Mercy sau khi ông đọc một tập thơ của bà rằng: “Bản thân tôi không phải là một nhà thơ, nên tôi ít có nguy cơ cảm thấy hổ thẹn với ý nghĩ rằng, ít nhất thì trong sự nghiệp sáng tác kịch nghệ, nữ thiên tài ở Hoa Kỳ đây đã vượt xa cả nam giới.”
Trên nhiều phương diện, người phụ nữ nhận được lời tán dương này của ngài Hamilton vốn rất nổi bật trong thời đại của mình. Bà là con thứ ba trong gia đình có 13 người con của ông James và bà Mary Otis, nhiều minh chứng cho thấy bà lớn lên trong một gia đình giàu có và tràn đầy tình yêu thương ở Barnstable, Massachusetts. Bà học truyền thống nữ công gia chánh từ mẹ và được cha yêu thương hết mực. Cha bà là một luật sư và chính trị gia hoạt động trong phong trào độc lập [chống lại Anh quốc.] Ở tuổi 26, lớn hơn vài tuổi so với những cô dâu bình thường thời bấy giờ, bà kết hôn với ông James Warren, một thương nhân và nông dân 28 tuổi cũng ủng hộ việc tách khỏi Vương quốc Anh. Dựa trên những lá thư còn sót lại, bà Mercy và ông James yêu thương nhau son sắt suốt 54 năm hôn nhân. Họ sinh năm người con trai, ba trong số đó mất trước bà Mercy.
Cho đến khoảng thời gian ngắn trước khi qua đời vào năm 1814, bà Mercy vẫn trò chuyện rất hoạt bát và tiếp đón nồng hậu tất cả những ai đến thăm mình.
Ba người đàn ông ghi dấu trong cuộc đời
Vậy, ai đã giúp rèn giũa người vợ và người mẹ này trở thành một văn nhân đồng thời là người truyền lửa cách mạng, mà những áng thơ và văn xuôi của bà đã tác động đến lịch sử của chúng ta và góp phần thúc đẩy sự ra đời của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền?
Một trong những người có ảnh hưởng đầu tiên tới bà Mercy là cha bà, ngài James Otis. Sau khi trở thành thành viên của Hạ viện Massachusetts, ông mang theo những tin tức và quan điểm chính trị về nhà, và chia sẻ với gia đình. Hơn nữa, trái với thông lệ thời đó, khi bà Mercy 9 tuổi, ông James cho phép bà được tham gia vào các buổi học kèm cùng anh em trai với chú ruột của họ là giáo sĩ Jonathan Russell. Bà Mercy đã học viết lách từ chú của mình. Như sử gia Stuart đã cho chúng ta biết trong cuốn tiểu sử của bà rằng, bà Mercy “nghiền ngẫm những bản dịch của ông Pope và Dryden về thi hào Virgil và Homer,” cũng như đọc Kinh Thánh, các tác phẩm của Shakespeare, và Milton.
Anh trai James của bà, được gia đình gọi là “Jemmy,” đã khích lệ bà học tập, họ thường xuyên thảo luận về những bài đọc sau khi buổi học kết thúc. Khi bà Mercy 11 tuổi, ông James rời nhà để đến học tại Đại học Harvard, nhưng ông vẫn tiếp tục khuyến khích em gái học tập qua những lá thư và những lần về thăm nhà. Và thậm chí hơn cả cha mình, ông là người tin tưởng mãnh liệt vào tự do của Mỹ quốc. Trên thực tế, trong những năm 1760, chính ông James đã khởi xưởng và phổ biến khẩu hiệu “Taxation without representation is tyranny” (Đóng thuế mà không có người đại diện trong Quốc hội là bạo quyền).
Ông James Warren, phu quân yêu dấu của bà Mercy, cũng là người quan trọng nhất trong sự nghiệp viết lách của bà. Đôi khi ông gọi vợ mình bằng một cách trìu mến là “Nhà văn nhỏ bé,” ông Warren khích lệ những nỗ lực văn chương của vợ suốt nhiều năm họ bên nhau. Giống như gia đình bên vợ, ông cũng là người tin tưởng mạnh mẽ vào nền độc lập của Mỹ quốc. Ông từng giữ một số chức vụ quan trọng trong cuộc Cách mạng, dù sau đó không được chính phủ mới ủng hộ do lập trường của ông về Cuộc Nổi dậy của Shays (Shays’s Rebellion) và sự phản đối của ông đối với Hiến Pháp, đặc biệt là việc thiếu sót dự luật về nhân quyền trong Hiến Pháp ban đầu.
Khi nhà văn nhỏ bé sáng tác
Vào đầu những năm 1770, bà Mercy sử dụng bút danh để viết một bộ ba vở kịch chỉ trích thống đốc Massachusetts Thomas Hutchinson, các tác phẩm có lối diễn đạt và chủ đề báo trước về cuộc Cách mạng Mỹ. Những vở kịch của bà đã thúc đẩy việc bãi nhiệm vị thống đốc này. Trong thời kỳ Cách mạng, bà tiếp tục sáng tác những vở kịch, thơ, và các tập sách nhỏ ủng hộ cho chính nghĩa của người Mỹ. Sau chiến tranh, bà cũng xuất bản tuyển tập “Poems, Dramatic and Miscellaneous” (Những Áng Thơ, Kịch và Nhiều Tác Phẩm Khác), là tác phẩm đầu tiên gồm mọi thể loại mà bà phát hành dưới tên riêng của mình.
Vào năm 1805, bà Mercy Warren xuất bản cuốn sách gồm ba tập là “History of the Rise, Progress, and Termination of the American Revolution” (Lịch Sử Khởi Phát, Tiến Triển, và Kết Thúc của Cuộc Cách Mạng Mỹ). Thời nay, phần lịch sử đó, vốn trải dài từ thời đại của những người đi khai hoang đầu tiên cho đến khi Hiến Pháp được phê chuẩn, ít thu hút độc giả phổ thông — phần lớn là do văn phong hoa mỹ, đặc trưng ở thời kỳ mà bà Mercy đã viết kiệt tác này. Ngay cả trong thời đại của bà, doanh số bán cuốn sách này cũng rất ảm đạm, và nhận được nhiều bình phẩm trái chiều.
Tuy nhiên, có một độc giả phản ứng dữ dội với phần lịch sử mà bà Mercy đã viết. Người bạn tốt và cũng là người hâm mộ lâu năm các tác phẩm của bà, cựu tổng thống John Adams, cảm thấy bị xúc phạm với phần bàn luận của bà về ông và vị thế của ông trong lịch sử Mỹ quốc. Trong một cuộc trao đổi thư từ nảy lửa, ông đã công kích bà Mercy vì đã thông tin sai lệch cho công chúng về các hành động và dự định của ông, đồng thời chỉ trích những sai sót trong cuốn sách. Mặc dù cả hai đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt, nhưng phu nhân Abigail Adams vẫn giữ mối giao hảo bạn hữu với bà Mercy. Và sau nhiều năm, phu nhân Abigail đã hàn gắn mối thâm giao giữa gia đình Warren và Adams, giống như cách bà đã hàn gắn sự rạn nứt giữa chồng mình và ngài Thomas Jefferson.
Người đồng hành của bản Tuyên ngôn Nhân quyền
Mâu thuẫn thứ hai giữa hai gia đình này, và giữa nhiều người Mỹ, đã xảy ra nhiều năm trước khi cuốn sách lịch sử của bà Mercy về quốc gia non trẻ này xuất hiện. Ông Adams và những người chủ trương lập chế độ Liên bang (Federalist), mong muốn có một chính phủ trung ương mạnh mẽ hơn để đối phó với những vấn đề mà quốc gia mới này đang gặp phải sau cuộc Cách mạng. Hiến Pháp phần lớn là đề xướng của nhóm này.
Đối lập với những nỗ lực này là những người chống Liên bang (anti-Federalist), do các nhân vật như ngài Thomas Jefferson đại diện. Bà Mercy Warren và gia đình ủng hộ mạnh mẽ nhóm này, vì lo sợ rằng một khi Hiến Pháp được viết ra, đặc biệt là không có tuyên bố rõ ràng nào về các quyền và tự do, thì sẽ tạo nên một chính phủ liên bang có thể chà đạp lên các quyền tự do của người dân. Những người chủ trương lập Liên bang đã đưa ra các bài báo, sau này được gọi chung là “The Federalist Papers” (Luận Cương Liên Bang), [với nội dung] ủng hộ Hiến Pháp nhằm chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này. Còn nhóm chống Liên bang thì làm theo cách rời rạc hơn, là phát hành các cuốn sách mỏng phản bác một số luận điểm nhất định trong Hiến Pháp và kêu gọi phải có một bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.
Một trong những cây bút đó là bà Mercy Warren, tác giả ẩn danh của một cuốn sách mỏng được rất nhiều người đọc, “Observations on the new Constitution; and on the federal and state conventions” (Những quan sát về Hiến Pháp mới; và các hội nghị liên bang và tiểu bang). Mặc dù hơn một thế kỷ đã trôi qua trước khi các nhà sử học nhận ra rằng bà Mercy [là người] đã viết ra những lập luận này — thì hậu duệ của bà đã phát hiện một tài liệu tiết lộ về điều này trong số những bức thư của bà Mercy — lời biện hộ hùng hồn của bà đã giúp thúc đẩy các quyền và tự do mà chúng ta đang tận hưởng thời nay. Như bà Danielle Herring từ Thư viện Luật của Quốc hội Mỹ ghi chú, “Nhà văn Mercy Otis Warren đã để lại một di sản bền vững với tư cách là nàng thơ thầm lặng của Cách mạng Mỹ quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền.”
Bài học từ một cuộc đời
Cuộc đời của bà Mercy Warren đã cho thấy tầm quan trọng mang tính sống còn của giáo dục, đạo đức, và một gia đình giàu tình yêu thương để đi đến cuộc sống hạnh phúc. Sự ủng hộ và tình yêu thương vô điều kiện của chồng bà đã nhấn mạnh tính thiết yếu của những phẩm chất này trong quá trình phát triển và trưởng thành [của một người]. Các đoạn trích trong thư tín của bà Mercy được đưa vào cuốn sách “The Muse of the Revolution” (Nàng thơ của Cách Mạng) bộc lộ về một người phụ nữ độc lập, luôn vui vẻ với bằng hữu và người thân, người đã trao lại món quà tương tự cho những người xung quanh, và người thẳng thắn đối mặt với những khó khăn và chỉ trích.
Hơn nữa, thông qua những lời nói và hành động của bà, nhà văn Mercy Warren một lần nữa nhắc nhở chúng ta về lời cảnh báo xưa cũ “Eternal vigilance is the price of liberty” (Sự cảnh giác vĩnh viễn là cái giá của tự do). Bà đã kiên trì bảo vệ những quyền tự do đó. Hy vọng rằng những người còn lại trong chúng ta sẽ nhớ đến bà và làm điều tương tự.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times