Alexis de Tocqueville: Sự gắn kết về chính trị và xã hội giữa Pháp quốc và Mỹ quốc
Khi các nền cộng hòa non trẻ Mỹ quốc và Pháp quốc đang cố gắng xác lập vị thế của mình, những phân tích của chính trị gia Tocqueville về nền dân chủ đã gắn kết hai quốc gia này lại với nhau
Vào ngày 30/04/1789, tổng thống George Washington đứng trên một ban công ở New York, bàn tay của ông đặt trên cuốn Kinh Thánh. Trước một đám đông lớn tại Hội trường Liên bang ở Wall Street, ông đã tuyên thệ nhậm chức để trở thành tổng thống đầu tiên của quốc gia theo hiến pháp mới. Chưa đầy ba tháng sau, quốc gia mà trên thực tế đã bảo đảm cho Mỹ quốc chiến thắng trong cuộc cách mạng của mình lại đột nhiên rơi vào hỗn loạn. Vào ngày 14/07/1789, Pháp quốc đã chứng kiến sự khởi đầu của cuộc cách mạng ngay tại đất nước của họ khi các nhà cách mạng Pháp xông vào nhà ngục Bastille.
Tuy nhiên, mối liên kết Pháp-Mỹ đã không bị chia cắt. Trải qua hỗn loạn, các cuộc chiến tranh, và những bất ổn chính trị, hai quốc gia này — một quốc gia mới và một quốc gia không ngừng đổi mới — sẽ giữ vững những mối liên kết của họ. Chào đời sáu năm sau khi Cách mạng Pháp kết thúc và không lâu sau khi nhà lãnh đạo Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế nước Pháp, chính trị gia Alexis de Tocqueville đã trở thành hình ảnh hiện thân vĩnh cửu của mối liên kết Pháp-Mỹ này.
Ông Tocqueville sinh ra trong gia đình quý tộc, điều khiến cuộc sống của ông khá nguy hiểm. Trên thực tế, dòng máu cao quý của ông gần như khiến ông không tồn tại. Trong Thời kỳ Khủng bố (Reign of Terror) của Cuộc cách mạng Pháp, các cô dì và anh em họ của ông Tocqueville bị đưa lên máy chém, cùng với ông bà nội và ông cố của ông, ngài Guillaume-Chrétien de Lamoignon de Malesherbes, người đã bảo vệ Vua Louis XVI. Cha mẹ của ông đã bị giam giữ, đang chờ bị hành quyết, nhưng đã được tha nhờ sự sụp đổ đột ngột của chế độ Robespierre, chế độ đã chấm dứt Thời kỳ Khủng bố.
Theo ông Olivier Zunz, một trong những học giả hàng đầu [nghiên cứu] về chính trị gia Tocqueville, gia đình Tocqueville là những người theo chủ nghĩa chính thống (Legitimists), vẫn trung thành với Vương tộc Bourbons dù bị bức hại. Lớn lên ở nước Pháp vào thời Napoléon, chàng trai trẻ Tocqueville vẫn giữ một lòng yêu mến chế độ quân chủ. Tuy nhiên, hành trình về sau của ông đến Mỹ quốc sẽ thay đổi hoàn toàn điều đó.
Dự định cải cách nhà tù của ông Tocqueville
Triều đại của Vua Napoléon kết thúc vào năm 1815 khi ông bị lưu đày trên đảo St. Helena. Thời kỳ Khôi phục chế độ quân chủ Pháp đã đặt Vua Louis XVIII, anh trai của Vua Louis XVI, lên ngôi, nơi ông sẽ tại vị cho đến khi qua đời vào năm 1824. Lòng kiên nhẫn và trung thành với Vương tộc Bourbon đã được đền đáp. Cha của ông Tocqueville, một quận trưởng hoàng gia trong chính phủ, đã tìm cho con trai mình một vị trí tại tòa án Versailles với tư cách là một công tố viên tập sự. Mặc dù ông đã nghiêm túc trong công việc và thể hiện được sự thông minh của mình, nhưng ông không hoàn toàn thành công ở Versailles.
Thời kỳ Khôi phục chế độ quân chủ Pháp tiếp tục dưới thời vua Charles X, người đã trị vì cho đến khi Cách mạng Tháng Bảy — một cuộc cách mạng kéo dài ba ngày vào tháng 07/1830 đã lật đổ vị vua thuộc Vương tộc Bourbon này và thiết lập lại chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) dưới thời Vua Louis-Philippe.
“Alexis de Tocqueville không chắc liệu ông có thể chấp nhận cuộc Cách mạng năm 1830, mang lại chế độ quân chủ lập hiến hay không, bởi ông vẫn trung thành với chế độ quân chủ tuyệt đối (absolute monarchy),” ông Zunz nói trong một cuộc trò chuyện trên chương trình podcast The Sons of History. “Ông đã tuyên thệ trung thành với chế độ quân chủ tuyệt đối vì gia đình ông khuyên bảo ông như vậy để ông có thể có một sự nghiệp.”
Tuy nhiên, thay vì ở lại Pháp, ông Tocqueville quyết định thực hiện một cuộc phiêu lưu khác. Ông và người bạn của mình tên là Gustave de Beaumont, đã trù tính một con đường để đến thăm Mỹ quốc đồng thời cũng mang lại lợi ích cho hệ thống tư pháp rối loạn của Pháp. Đề xướng của họ là nghiên cứu hệ thống nhà tù của Mỹ quốc.
Ông Zunz, người đã viết về trải nghiệm của ngài Tocqueville ở Mỹ quốc trong cuốn sách của mình có nhan đề “The Man Who Understood Democracy” (Người Đàn Ông Thấu Hiểu Nền Dân Chủ), nói rằng việc cải cách nhà tù đã tạo ra một cái cớ khả thi để đến thăm đất nước mới. Lý do duy nhất của vị luật sư trẻ này khi đến thăm Mỹ quốc là để xem liệu ông có thể cam chịu một hình thức chính phủ dân chủ nếu nó đến Pháp hay không. Đề xướng này đã được bộ trưởng bộ tư pháp chấp nhận. Không lâu sau đó, ông Tocqueville và người bạn Beaumont đã đi thuyền băng qua Đại Tây Dương để đến thăm quốc gia cộng hòa mới này.
Ông Tocqueville ở Mỹ quốc
Ở tuổi 26, ông Tocqueville, cùng với ông Beaumont, đến Mỹ quốc vào năm 1831. Là một minh chứng cho sự thông minh của ông, chàng trai người Pháp này đã học tiếng Anh khi đang đi thuyền vượt đại dương. Cả hai sẽ dành chín tháng rưỡi tới thăm đất nước mới, gặp gỡ những người có tầm ảnh hưởng như tổng thống John Quincy Adams và chính trị gia Sam Houston, đồng thời khám phá tinh thần làm việc, các nghi thức tôn giáo, và sự hài hòa xã hội của người Mỹ. Ông Tocqueville, một người suốt đời theo chủ nghĩa bãi nô, đã nêu lên sự trớ trêu khi người Mỹ đã chiến đấu trong một cuộc chiến vì tự do, nhưng vẫn thực hành chế độ nô lệ. Tất nhiên, khi ở đó, họ đã đến thăm các nhà tù và tìm hiểu về cách nước Mỹ vận hành hệ thống tư pháp của họ.
Trong suốt những chuyến đi của mình, họ ghi chép những suy nghĩ và các quan sát vào sổ tay, đồng thời cũng điền vào vài cuốn sổ tay nhiều bản phác thảo về những điều họ thấy. Trải nghiệm của ông Tocqueville đã đưa đến sự ra đời của kiệt tác kinh điển gồm hai tập: “Democracy in America” (Nền Dân Trị Mỹ).
“‘Nền Dân Trị Mỹ’ chỉ là một phần của một cuốn sách phân tích mà thôi,” ông Zunz nói. “Đó không phải là một cuốn sách kể chuyện du lịch. Đó là một cuốn sách để suy ngẫm.”
Ông Zunz cho biết tập đầu tiên, xuất bản năm 1835, chủ yếu nói về Mỹ quốc, trong khi tập thứ hai, xuất bản năm 1840, nói về lý thuyết dân chủ. Mỹ quốc đã chứng minh cho ông thấy rằng lý thuyết bình đẳng thông qua dân chủ có thể thành công.
“Trong nhóm những người theo chủ nghĩa chính thống này, bình đẳng là điều tồi tệ nhất mà họ có thể nghĩ đến,” ông Zunz nêu ra. “Bình đẳng là cào bằng bình quân. Tước bỏ những đặc quyền và ưu tiên của họ. Đó là một từ tồi tệ. Nhưng điều mà ông Tocqueville đã phát hiện ra ở Mỹ là bình đẳng có thể là nguồn gốc của tự do. Bình đẳng có thể mang lại cơ hội cho nhiều người hơn để [họ] đạt được những mục tiêu của mình, để thực hiện cuộc sống của họ. Thay vì có nghĩa là cào bằng bình quân, thì bình đẳng có nghĩa là nâng đỡ.”
Tất nhiên, ông Tocqueville đã nêu lên rằng sự bình đẳng được thực hành ở Mỹ quốc chủ yếu liên quan đến dân số nam giới da trắng.
Thuyết phục người Pháp về nền dân chủ
Mặc dù ông Tocqueville tự mô tả mình là một nhà quý tộc theo bản năng và là một người thuộc phe dân chủ theo lý tính, nhưng ông đã thay đổi [bản thân] từ người theo chủ nghĩa quân chủ sang người theo chế độ dân chủ. Theo ông Zunz, ông là người duy nhất trong gia đình và trong số những bằng hữu cũng như mạng lưới quan hệ rộng rãi của mình đi theo nền dân chủ.
“Chuyến đi đến Mỹ quốc là một phần quan trọng trong đó. Viết ‘Nền Dân Trị Mỹ’ là một phần quan trọng không kém của việc đó,” ông Zunz nói. “Suy ngẫm về chuyến đi này và việc viết cuốn sách đó đã tạo nên một sự khác biệt lớn. Khi nhìn vào Mỹ quốc, ông ấy đang nhìn vào tương lai của Pháp quốc.”
Ông Tocqueville là một sản phẩm của các nhà tư tưởng Khai sáng người Pháp — cũng như hầu hết nước Pháp trong suốt cuộc đời của ông. Là một người thông minh, nhưng ông Tocqueville tin rằng chỉ thông minh thôi thì chưa đủ. Ông mong muốn đưa các lý thuyết dân chủ của mình vào ứng dụng trong lĩnh vực chính trị.
“Các triết gia thế kỷ 18 không hứng thú với việc tham gia vào một vai trò chính trị trực tiếp, và ông Tocqueville đã nhiều lần nêu ra điều này,” ông Zunz lưu ý. “Họ không quan tâm đến công việc cải cách. Họ đã tạo ra những hệ thống kiến thức có ảnh hưởng rất lớn, nhưng [các kiến thức đó] không có mối liên kết nào với chính trị thực tế. Ông Tocqueville muốn đưa lý thuyết chính trị vào chính trị thực tiễn và ngược lại. Ông nghĩ rằng ông có khả năng tạo ra một sự dung hợp độc đáo giữa hai điều đó.
“Ông là một người cả đời chuyên tâm theo đuổi một lý tưởng duy nhất. Trong thế giới lý tưởng này, bình đẳng và tự do là như nhau. Bởi vì nếu bạn bình đẳng với mọi người, bạn hoàn toàn tự do, và nếu bạn hoàn toàn tự do, bạn bình đẳng với mọi người. Thật không may, trong thế giới thực, có quá nhiều người ưa chuộng bình đẳng và sẵn lòng từ bỏ quyền tự do chính trị của mình để giữ nó, điều này lý giải cho sự phục tùng của họ trước một chế độ chuyên quyền nào đó. Công việc cả đời của Tocqueville là chấm dứt điều đó.”
Ông Tocqueville đã có cơ hội khi thắng cử năm 1839. Tuy nhiên, chưa đầy một thập niên sau, cuộc cách mạng lại lần nữa tấn công nước Pháp. Cuộc Cách mạng năm 1848 đã buộc vua Louis-Philippe phải thoái vị và dẫn đến nền Cộng hòa Thứ hai ngắn ngủi, tan rã cùng với Đệ nhị Đế chế vào năm 1852.
“Ông Tocqueville nghĩ rằng bi kịch này của lịch sử Pháp là ý tưởng rằng mọi phong trào cải cách đấu tranh nhân danh tự do đều kết thúc dưới một hình thức của chế độ chuyên quyền,” ông Zunz nói. “Đó dường như là một căn bệnh của người Pháp.”
Biến động chính trị liên tục ở Pháp chỉ thúc đẩy thêm sự kiên định của ông Tocqueville về nền dân chủ, đặc biệt là hình thức cộng hòa được thành lập ở Mỹ quốc. Việc xem xét qua các nền cộng hòa cách mạng, chế độ quân chủ lập hiến, và chế độ quân chủ tuyệt đối đã chứng minh cho chính trị gia người Pháp này rằng một chính phủ mà đem đến cả bình đẳng và tự do sẽ cần có một sự phân chia quyền lực.
Ông Zunz nói: “Mỹ quốc đã cho thấy rằng cách duy nhất để duy trì tự do là phần nào hạn chế sự tự do đó thông qua việc phân chia quyền lực.”
Theo một nghĩa nào đó, căn bệnh này vẫn tiếp diễn ở Pháp sau khi ông Tocqueville qua đời vào năm 1859. Chính phủ Pháp được gọi là nền Cộng hòa Thứ năm, bắt đầu vào năm 1958. Đã có mối đe dọa về một nền Cộng hòa Thứ sáu vào năm 2017. Mặt khác, Mỹ quốc, nhờ có nền tảng từ hiến pháp [có hiệu lực] lâu đời nhất lịch sử, đã giữ vững hình thức chính phủ cộng hòa của mình trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, Mỹ quốc và Pháp quốc vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ ở nhiều khía cạnh nhờ các cuộc bùng nổ quân sự như Chiến tranh Napoléon, dẫn đến [sự ra đời của] Vùng đất mua Louisiana, cũng như việc Mỹ quốc tham gia bảo vệ Pháp trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, ông Tocqueville vẫn là một cầu nối chính giữa hai quốc gia này trên một bình diện chính trị và xã hội.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times