Tình phụ tử: Người Cha tốt làm cho mỗi ngày đều là Ngày Từ Phụ
Hơn 10 năm trước, con gái và gia đình cháu đến thăm tôi ở thành phố Asheville, tiểu bang North Carolina. Cháu trai lớn nhất của tôi mới khoảng 5 tuổi. Giống như nhiều đứa trẻ cùng tuổi, cậu bé yêu thích các nhân vật truyện tranh có sức mạnh siêu phàm, và tôi không hay biết rằng bác cháu, tức là con trai cả của tôi, đã nói với bé Michael rằng ông ngoại là một siêu anh hùng. Con trai cả của tôi nói với cậu bé rằng: Mỗi đêm, ông ngoại cháu đều đi vào thành phố và chiến đấu với những kẻ xấu.
Chiều muộn hôm đó, bé Michael đã hỏi tôi về thanh kiếm và bao kiếm được treo trên tường phòng ngủ của tôi, một thanh kiếm nghi lễ mà tôi có từ lâu khi còn là học sinh lớp tám trong trường quân sự. Sau khi lấy bộ bao kiếm cũ kỹ, ọp ẹp khỏi bức tường, tôi để nó bên cạnh, rút thanh kiếm ra khỏi bao, và vung thanh gươm, nhắm về phía trần nhà.
Đôi mắt của cháu trai tôi mở to và sáng rỡ như mắt mèo trong hẻm lúc nửa đêm.
“Chúa ơi!” Cậu bé hét lên. “Ông đúng là một siêu anh hùng!”
Tất nhiên, tôi không hiểu cháu trai mình có ý gì khi hét lên như vậy cho tới khi con trai tôi giải thích về điều đó.
Tình huống đó đã khiến mọi người được một tràng cười sảng khoái, một phần vì chắc chắn tôi không phải là Người Dơi hay Người Nhện. Tôi là con của một người cha đã qua đời, tôi là cha của bốn đứa con đã trưởng thành, và là ông của 22 đứa cháu. Tôi đã làm đúng một số điều với vai trò của người con và người cha, và tôi cũng đã làm sai một vài điều, nhưng tôi đã học được vài bài học từ những sai lầm của mình, cũng giống như những người cha khác.
Và bây giờ Ngày Từ Phụ lại đến, và đã đến lúc chúng ta suy ngẫm một lần nữa về ý nghĩa của việc làm cha.
Những người cha vùng vẫy
Không ai từng nhìn lại nửa thế kỷ hoàng kim vừa qua của việc làm cha.
Ly hôn, phúc lợi cho các bà mẹ đơn thân, tòa án ưu ái dành quyền nuôi con cho các các bà mẹ hơn là dành cho những người cha, những người cha bế tắc, những đứa trẻ không nhận cha và ngược lại, chính phủ thất bại trong việc giáo dục tình phụ tử thông qua các bục giảng, các cuộc tấn công rộng rãi từ các “bậc thầy” văn hóa và các học giả về chế độ phụ hệ và về nam tính: trát của tòa án chống lại việc làm cha có tính chất lâu dài và phá hoại.
Đừng hiểu lầm tôi. Tôi biết rất nhiều người cha vĩ đại, những người đàn ông luôn hướng về gia đình, gắn kết với con cái, đưa ra lời khuyên — và khi cần, là kỷ luật — trong nỗ lực nuôi dạy những người con gái và con trai của họ khôn lớn. Trong cộng đồng nơi tôi sống, các gia đình đông con phổ biến hơn, và gần như tất cả gia đình đó đều có người cha tích cực.
Mặt khác, tôi cũng biết những người cha bỏ rơi gia đình của họ, những người cắt đứt liên lạc với con cái của họ, và trong một số trường hợp, chưa bao giờ gặp những đứa trẻ đó. Sự thất bại và thiếu vắng những người cha có thể được thấy ở nhiều thành phố lớn của chúng ta, nơi những đứa trẻ mồ côi cha, hầu hết là nam giới, lớn lên trên đường phố dưới sự dụ dỗ của những kẻ buôn bán ma túy và băng đảng. Gần đây: Một thiếu niên có tinh thần không bình thường đã sát hại 21 người tại Trường tiểu học Robb ở thành phố Uvalde, tiểu bang Texas, có mối quan hệ rạn nứt với cha, cũng như chị gái của cậu, cô tiết lộ rằng người cha ghẻ lạnh của cô đã không dành đủ thời gian cho gia đình.
Nói tóm lại, những người cha — những người cha tốt — có ý nghĩa quan trọng.
Nhưng thế nào là người cha tốt?
Sự hiện diện là chìa khóa
Nếu quý vị là người cha đang nuôi con trong nhà, đôi lời khuyên nhủ này dường như là thừa thãi. Quý vị lăn ra khỏi giường vào buổi sáng, chuẩn bị để đi làm, ăn bữa sáng cùng các con. Quý vị làm bất cứ nghề gì để mưu sinh — thợ xây, thợ cơ khí tự động, phó chủ tịch của một công ty nhu liệu — rồi quý vị bước vào thế giới, làm việc vì gia đình, và trở về nhà vào buổi tối để gặp lại các con và người vợ của mình. Ở đây chúng ta không cần thiết đặt câu hỏi cũ rích về chất lượng hay số lượng thời gian quý vị dành cho con cái. Quý vị ở bên con nhiều nhất có thể.
Sự hiện diện cũng có nghĩa là giữ lời hứa và nghĩa vụ. Nếu quý vị nói với con gái rằng quý vị sẽ cổ vũ cô bé trong trận bóng đá, hãy xuất hiện. Nếu con trai mong đợi một câu chuyện trước giờ ngủ, quý vị hãy đọc câu chuyện “Goodnight, Moon” (Chúc ngủ ngon, Mặt trăng) cho cậu bé nhé.
Sự hiện diện áp dụng ngay cả đối với những người cha không còn ở cùng nhà với các con của họ. Nếu quý vị muốn trở thành người cha tốt và ảnh hưởng đến các con mình, hãy đến thăm chúng thường xuyên nhất có thể. Nếu quý vị sống ở San Diego và các con sống ở Des Moines, hãy gọi điện thoại thường xuyên và sắp xếp những cuộc trò chuyện trên nền tảng công nghệ Zoom. Thậm chí tốt hơn, quý vị hãy gửi thư cho chúng. Trẻ em thích nhận thư, và những dòng viết tay hoặc thậm chí đánh máy là một hình thức giao tiếp thân mật.
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”
Ngày nay, quý vị không còn nghe thấy những câu nói thời xưa như vậy nhiều nữa.
Thật quá tệ.
Ý nghĩa của thành ngữ trên rất rõ ràng: Dù quý vị cư xử theo cách nào khi là một bậc cha mẹ, trong trường hợp này đang nói về người cha, thì con của quý vị có thể sẽ cư xử giống hệt cách của quý vị.
Trong bài thơ có nhan đề “Children Learn What They Live” (Trẻ em học được gì từ cuộc sống), tác giả Dorothy Law Nolte bắt đầu bài thơ của mình theo cách này:
“Nếu trẻ em sống giữa sự chỉ trích, các em sẽ hình thành thói quen quy kết người khác.Nếu trẻ em sống trong bầu không khí thù địch, các em sẽ hay gây gổ với người khác.Nếu trẻ em sống trong sợ hãi, các em sẽ luôn lo lắng, sợ sệt.Nếu trẻ em sống trong sự thương hại, các em sẽ thường xuyên than thân trách phận.Nếu trẻ em sống trong sự nhạo báng, các em sẽ trở nên nhút nhát.”
Sau đó, tác giả chuyển sang những tình cảm tích cực hơn như thế này:
“Nếu trẻ em sống trong sự sẻ chia, các em sẽ trở nên rộng lượng.Nếu trẻ em sống giữa những người trung thực, các em sẽ rèn luyện được đức tính thật thà.Nếu trẻ em sống trong lẽ phải, các em sẽ biết lẽ công bằng.Nếu trẻ em sống trong sự tử tế và biết quan tâm, các em sẽ rèn luyện được đức tính lễ độ.”
Đơn giản là bằng tấm gương của chúng ta — cách chúng ta cư xử với những người khác, cách chúng ta giải quyết các tình huống tồi tệ chẳng hạn như xe không khởi động được hoặc mất việc, cách đối xử với gia đình hàng ngày — chúng ta, những người cha đang định hình con cái của mình.
Rèn luyện thành những người thắng cuộc
Chúng ta đang sống trong một thế giới đổ vỡ, và xét theo mức độ trầm cảm của trẻ em, vô số tin tức xấu hàng ngày đang ảnh hưởng đến chúng. Nếu chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc sống của các con, những người cha phải hành động như lá chắn và thanh gươm chống lại văn hóa tiêu cực, bảo vệ con khỏi cái xấu và điều tệ hại, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương nơi chúng cho tất cả những điều đáng trân trọng trên thế giới này. Danh sách này là vô tận: đó là những người bạn, gia đình, các hoạt động như thể thao hoặc đi bộ đường dài, những cuốn sách hay, thiên nhiên, ngồi trước hiên nhà vào buổi tối.
Khi truyền lại cho các con khả năng tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, chúng ta trao cho trẻ em tinh thần đương đầu trước những cơn bão tố sẽ ập đến. Mưa gió và bão táp là không thể tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta dạy con tình yêu, lòng biết ơn, lý trí, và sự dũng cảm, những đức tính này sẽ là những bờ đê chống lại bất kỳ cơn gió mạnh nào mà con chúng ta gặp phải trên đường đời.
Hãy sửa chữa những lỗi lầm
Giống như Ngày Hiền Mẫu, đối với nhiều người, Ngày Từ Phụ không phải tất cả đều là ánh nắng mặt trời và hoa hồng. Đối với mỗi người cha có con, dù con đã lớn hay chưa, tổ chức một tiệc nướng ngoài trời ở sân sau cho ông nội/ông ngoại hoặc trao tặng rất nhiều món quà và những tấm thiệp bày tỏ lòng biết ơn cho ông, cũng có những người cha khác đã không nói chuyện với con gái và con trai của họ trong nhiều năm. Thật kỳ lạ là một số độc giả của tôi thấy mình trong tình trạng đáng buồn tương tự. Có lẽ những người con trưởng thành của quý vị nghĩ rằng quý vị là người cha tồi và không muốn dính dáng gì đến quý vị. Hoặc có thể quý vị là một người cha trẻ với những đứa con của riêng mình, nhưng từ chối mối liên hệ với người cha đã rời bỏ rơi bạn khi bạn còn bé.
Có lẽ Ngày Từ Phụ mang đến cơ hội để gặp một người con lạc lối từ lâu hoặc với người cha bị coi thường, hãy dành cho mối quan hệ đó một cơ hội nữa. Một tấm thiệp gửi qua bưu điện hoặc một cuộc điện thoại có thể là bước nhỏ đầu tiên hướng tới việc hòa giải mối quan hệ cha – con. Rốt cuộc, quý vị có gì để mất đâu?
Nào, khoác lên mình áo choàng của siêu anh hùng
Giống như cháu trai của tôi, nhiều người trong các quý vị là những người cha đang đọc bài viết này từng muốn trở thành siêu anh hùng khi còn nhỏ.
Vậy đây là cơ hội của các quý vị đó!
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times