Một đài tưởng niệm được tạo nên từ những tiếng nói
Tác phẩm mới của sử gia Allen Guelzo về trận chiến Gettysburg mang đến góc nhìn chân thực và sâu sắc về sự kiện bước ngoặt này trong lịch sử Hoa Kỳ.
Màn đêm buông xuống kết thúc cuộc giao tranh ác liệt vào ngày 02/07/1863. Sau đó, người lính Liên minh miền Bắc John Day Smith tường thuật rằng: “Đó là một đêm thao thức. Tiếng kêu la của những người lính bị thương, nằm giữa hai chiến tuyến, vật vã vì đau đớn, bị cơn sốt hành hạ là những cảnh tượng xót xa nhất.” Anh lính Smith rời vị trí, mang nước đến cho một “chiến hữu tội nghiệp đang kêu cứu,” và phát hiện một người lính miền Nam 17 tuổi bị bắn xuyên qua một bên phổi. Cậu bé đang hấp hối nói với Smith rằng cậu là người con duy nhất của một bà mẹ góa bụa, cậu đã bỏ trốn khỏi nhà để gia nhập quân đội. Smith quỳ xuống cạnh người lính trẻ, cầu nguyện cho cậu và cố gắng an ủi cậu. Đến rạng sáng, anh quay lại thì thấy cậu bé nằm im như cũ, “Đôi mắt vô hồn, nhìn lên bầu trời buổi sáng, nhưng dường như không nhìn thấy gì và cũng chẳng quan tâm.”
Sau đó, Smith viết rằng: “Người mẹ tội nghiệp, cô đơn ngồi đợi bên lò sưởi ấy không bao giờ biết được đứa con duy nhất của mình đã gặp phải điều gì … Những người mẹ khác, trên khắp đất nước này, trái tim đau đớn khôn nguôi. Họ đã chờ đợi trong vô vọng, chờ những đứa con không bao giờ trở về. Chiến tranh là như vậy.”
Trong cuốn sách mới phát hành “Tiếng Nói Từ Gettysburg: Những Bức Thư, Giấy Tờ, và Hồi Ký Từ Trận Chiến Lớn Nhất Cuộc Nội Chiến” (Voices From Gettysburg: Letters, Papers, and Memoirs From the Greatest Battle of the Civil War), sử gia Allen C. Guelzo đã mang đến cho độc giả vô vàn những câu chuyện riêng tư như vậy, tái hiện bản hùng ca bi tráng về trận chiến lớn nhất từng diễn ra trên lục địa Bắc Mỹ này. Có nhiều năm giảng dạy lịch sử Nội Chiến tại Trường Đại học Gettysburg, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về trận chiến đó, ông Guelzo là người hướng dẫn lý tưởng cho tất cả những ai muốn khám phá cuộc đụng độ quan trọng này giữa Liên bang miền Bắc (quân phục Xanh) và Hiệp bang miền Nam (quân phục Xám).
Bức tranh tổng thể
Trong ghi chú của tác giả về quyển sách “Tiếng Nói Từ Gettysburg,” ông Guelzo viết rằng khi sinh sống và giảng dạy tại Gettysburg, ông đã học được “không gì có thể thay thế việc lắng nghe tiếng nói của những người đã đích thân trải qua trận Gettysburg năm 1863, dù là binh lính hay dân thường.” Tuy nhiên, giống như tất cả những người hướng dẫn giỏi, ông sẽ dẫn dắt người đọc đi xuyên qua vô số hồi ức này. Lời bình luận tinh tường ở đầu mỗi phần, kiến thức vững chắc về chiến thuật và chiến lược quân sự thời kỳ đó, cũng như sự thông thạo về địa hình chiến trường của ông khiến những câu chuyện từ [đoạn lịch sử] xa xăm này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Chương sách kể về [giai đoạn] trước trận chiến, “Những người chỉ huy,” cung cấp những góc nhìn khác nhau về tính cách và thành tích của hai vị tướng Robert E. Lee và George Meade. Khi đọc sách của tác giả Guelzo về hai vị tướng rất khác nhau này, chúng ta nhận thấy rằng họ chịu chung cảnh ngộ tại trận Gettysburg: những sai sót trong cơ cấu chỉ huy.
Chiến thắng của tướng Lee tại trận Chancellorsville vào tháng Năm đi kèm với cái giá rất đắt. Ông mất đi vị tướng thân tín nhất của mình, tướng Stonewall Jackson, và nhiều sĩ quan của ông đã tử trận hoặc bị thương. Do đó, tướng Lee phải chịu áp lực rất lớn trong việc tái cơ cấu Quân đội Bắc Virginia.
Tướng Liên minh George Meade thì bị chỉ trích nặng nề vì đã không tiêu diệt quân đội của tướng Lee khi đội quân này rút lui về Virginia; [vì nếu] Tướng Meade thành công, thì điều này có thể kết thúc cuộc chiến. Khi ấy, ông chỉ mới nắm quyền chỉ huy Binh đoàn Potomac được ba ngày trước khi trận chiến bắt đầu. Ông không có thời gian để cơ cấu lại bất cứ thứ gì và chịu “cái nhìn thiếu thiện cảm của các thiếu tướng khác” vây quanh mình. Mặc dù vị chỉ huy mới này khá thận trọng và thậm chí là lo sợ tướng Lee, tác giả Guelzo viết: “Những gì tướng Meade làm được đã giúp ông trở thành người sở hữu một trong những chiến công đáng kể của cuộc Nội Chiến.”
Người kể chuyện
Ngoài viết về các cuộc Nội Chiến, tác giả Guelzo còn có niềm đam mê với âm nhạc cổ điển. Ông đã viết cả nhạc cổ điển Mỹ và Âu Châu, đồng thời nghiên cứu cuộc đời của những nhạc trưởng như Toscanini. Trong tác phẩm “Tiếng Nói Từ Gettysburg,” ông đảm nhiệm vai trò như nhạc trưởng và chỉ huy dàn hợp xướng, sắp xếp những gì có thể nói là “tổ hợp các âm thanh lộn xộn” thành một dàn đồng ca kể lại lịch sử.
Từ những người lính tham chiến, chúng ta biết về cách tấn công và phản công, về quá trình chiến đấu trên các đấu trường chết chóc nổi tiếng như chiến địa Wheatfield và Peach Orchard. Chúng ta cũng nghe nói về cảnh tàn sát khủng khiếp khi chiến đấu vào thời điểm mà thuốc giảm đau, thuốc khử trùng, và thuốc kháng sinh phần lớn vẫn chưa được tìm ra. Khi tướng Lee rút lui về phía nam, ông John Daniel Imboden và người của ông phụ trách các toa xe chở những người lính bị thương. Sau này, ông thuật lại: “Rất ít toa xe có được chút rơm bên trong, và tất cả đều không có lò xo [giảm xóc].” Ông đã ghi lại những chi tiết khủng khiếp về nỗi đau khổ của những người lính này, những tiếng nức nở, những lời cầu nguyện, và nguyền rủa của họ. Nhiều người trong số họ van xin được để lại ven đường để kết thúc sự sống.
Đây cũng là ấn tượng của một cậu bé đến từ thị trấn Gettysburg, Albertus McCreary, nhà của cậu nằm trong phòng tuyến của quân miền Nam. Cậu và gia đình cậu có thể cảm nhận được sự chấn động và rung chuyển của tiếng đại bác, và “tiếng đạn sắc bén xuyên qua cây cối trong sân khiến chúng tôi sợ hãi tột độ.” Cậu miêu tả rằng quân miền Nam “rách rưới và bẩn thỉu, và họ chẳng có gì để ăn.” Khi quân miền Nam tụ tập quanh nhà cậu bắt đầu reo hò, cậu bé biết được rằng tướng Robert E. Lee và đội quân của ông đang đi ngang qua. “Ông ấy trông rất giống một người lính, ngồi thẳng trên yên ngựa với bộ râu cắt ngắn và bộ quân phục màu xám của quân miền Nam.”
Nhìn chung, tuyển tập giai thoại này đã tái hiện một bức tranh sống động, đưa chúng ta tiệm cận với thực tế của trận chiến Gettysburg năm 1863.
Tiếp nhận một cách cẩn trọng
Như tác giả Guelzo đã nêu ra, các sử gia phải đặc biệt thận trọng khi sử dụng các nguồn sơ cấp như giai thoại cá nhân và hồi ức. Nhiều câu chuyện trong cuốn “Tiếng Nói Từ Gettysburg” được ghi lại gần 40 năm sau trận chiến, [trích lại từ] các bài diễn văn trước công chúng, sách lịch sử, và tạp chí. Người kể chuyện có đáng tin cậy không? Liệu khả năng hồi tưởng của họ có còn sắc bén đến mức có thể kể lại nội dung của cuộc trò chuyện từ lâu như vậy không?
Mặc dù chắc chắn rằng ký ức có thể đánh lừa chúng ta, nhưng chúng ta nên nhớ rằng những năm tháng chiến tranh đó đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng những người lính lâm trận. Trong những khoảnh khắc sinh tử trên chiến trường, các giác quan chứa đầy adrenaline có thể hấp thụ những ấn tượng khó quên, thứ mà trong những hoàn cảnh thông thường hơn sẽ bị lãng quên chỉ trong một tuần.
Hơn nữa, những người lính chiến đấu ở trận Gettysburg của cả hai bên thường sát cánh cùng với bằng hữu và người quen từ các thị trấn và quận của họ. Khi chiến tranh kết thúc, họ có thể đã trở về nhà cùng với những người chiến hữu hiểu rất rõ gian khổ họ đã trải qua, cùng nhau hồi tưởng về ký ức khi có dịp. Một số cựu binh đã đọc qua phần tường thuật về các trận chiến mà họ tham gia, như được chứng minh rõ ràng qua những chi tiết mà một số người kể chuyện chia sẻ trong cuốn sách “Tiếng Nói Từ Gettysburg.” Cuối cùng, nhiều người trong số những cựu chiến binh này chắc chắn đã chia sẻ một số câu chuyện của họ với bạn bè và các thành viên trong gia đình khi ngồi [hàn huyên] ngoài hiên nhà hoặc trong phòng khách. Tất cả những việc lặp đi lặp lại này chắc chắn sẽ giúp khắc sâu ký ức của họ.
Thời điểm để tôn vinh và ghi nhớ
Gần cuối cuốn “Tiếng Nói Từ Gettysburg,” tác giả Guelzo viết: “Ngày nay, trận Gettysburg vẫn là tâm điểm của các cuộc tranh luận, diễn giải lại, và tưởng nhớ. Sự kiện này được hiểu theo nhiều cách khác nhau, như là bước ngoặt của cuộc Nội Chiến, là một ví dụ điển hình của nước Mỹ về bảo tồn lịch sử, như là sự tái sinh của nền dân chủ Mỹ, và như một hình mẫu lịch sử cho các vở diễn tái hiện, ngành du lịch, và thậm chí vật phẩm.
Mang theo tinh thần tưởng nhớ đó, năm 1868, Đại quân của nền Cộng hòa (Grand Army of the Republic), một tổ chức lớn gồm các cựu chiến binh Liên bang miền Bắc do Thiếu tướng John Logan lãnh đạo, đã ban hành Đạo luật Ngày Lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Đạo luật này tuyên bố ngày 30/05 là “Ngày Trang Trí,” khi các cộng đồng tham gia cầu nguyện và trang trí mộ của những người đã ngã xuống trong chiến tranh bằng “những bông hoa đẹp nhất của mùa xuân.” Năm 1968, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ngày lễ Thứ Hai Thống nhất (Uniform Monday Holiday Act), quy định ngày Thứ Hai cuối cùng của tháng Năm là Ngày Lễ Chiến Sỹ Trận Vong.
Trong bài diễn văn của mình tại thị trấn Gettysburg, Tổng thống Abraham Lincoln đã nói về những người đã mất như sau: “Từ những người đã ra đi trong vinh dự này, chúng ta càng phải cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp mà vì nó, họ đã chấp nhận đánh đổi tất thảy những gì của mình — chúng ta ở đây hạ quyết tâm rằng họ sẽ không hy sinh một cách vô ích — rằng quốc gia này, dưới bàn tay Thiên Chúa, sẽ khai sinh ra nền tự do mới — và chính quyền của dân, do dân, vì dân, sẽ không lụi tàn khỏi trái đất.”
Vào ngày Lễ Chiến Sỹ Trận Vong này, khi chúng ta tưởng nhớ những người đã hy sinh mạng sống của mình để phục vụ đất nước, thì lời tuyên bố tại Gettysburg là điều mà tất cả chúng ta nên thực hiện cho riêng mình.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times