Những họa phẩm tôn vinh tình phụ tử của Bartolomé Esteban Murillo
Những người đam mê nghệ thuật có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh đặc trưng mô tả Đức Mẹ của danh họa Bartolomé Esteban Murillo. Trong tác phẩm của mình, tại góc gian phòng, vị họa sĩ người Tây Ban Nha này đã thể hiện Đức Trinh Nữ Maria với hình ảnh thanh tao nhẹ nhàng, mái tóc đen như gỗ mun và làn da trắng sứ, dịu dàng bên con trai bé bỏng. Hoặc như trong những bức tranh có hình ảnh Bà thả mình bay bổng trên những đám mây trôi trên bầu trời, đều đem đến một đặc ân dịu dàng cho các viện bảo tàng trên toàn thế giới. Đối với mỗi bức chân dung sáng tạo về Mẹ Thiên Chúa, họa sĩ trường phái Baroque này đều tạo ra những bức tranh miêu tả không kém phần tiên phong về tình phụ tử.
Họa sĩ Murillo đã vận dụng những bối cảnh trong Thánh Kinh để minh họa phẩm hạnh của người cha, và nguồn cảm hứng lớn nhất của ông là Thánh Giuse, vị phu quân [về mặt xã hội] của Đức Maria và là người cha nuôi nấng Chúa Giêsu. Với cử chỉ tĩnh lặng và màu sắc trầm hơn những bức vẽ Đức Mẹ sáng ngời, các bức tranh Thánh Giuse của Murillo đã tôn vinh phẩm chất đặc biệt của những người cha vĩ đại.
Phải mất một thời gian dài, nhân vật thánh Giuse mới tìm được vị trí trong lịch sử nghệ thuật. Không có một từ nào được nhắc đến trong Thánh Kinh, ông cũng vắng mặt trong các bức bích họa và chạm khắc của Cơ Đốc Giáo thuở ban sơ, nhưng cuối cùng ông đã xuất hiện trong hình ảnh một người đàn ông đứng tuổi mang đầy vẻ ưu tư trong góc nhỏ của khung cảnh Đức Chúa giáng sinh.
Các biểu tượng của ông đã phát triển vào thời kỳ Phục hưng, để nói lên cuộc hôn nhân [về mặt xã hội] của ông với Đức Trinh Nữ Maria, để ca ngợi vị thánh này như một người chồng mẫu mực. Trong sự trỗi dậy của cuộc Cải cách Tin lành, Thánh Giuse cuối cùng đã ở vị trí trung tâm như một chủ thể xứng đáng ngự trên bệ thờ của chính ngài, không phải là vị trí thành viên của Thánh Gia mà là một người cha hết mực quan tâm, che chở và yêu thương.
Một số vị thánh có đức tính thầm lặng nhưng bền bỉ đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ người Tây Ban Nha để tạo nên hình ảnh mẫu mực của thánh Giuse – một người cha vĩ đại nhất thế giới. Và họa sĩ Murillo, người luôn tìm kiếm những hình ảnh mới về biểu tượng, đã vận dụng sự thăng hoa trong tâm linh để làm nổi bật hình ảnh của Thánh Giuse, tạo nên một số họa phẩm truyền cảm nhất về tình phụ tử trong lịch sử nghệ thuật.
Thánh Giuse trong tranh của họa sĩ Murillo là một người cha nhân từ
Trong mỗi bức tranh của mình về Thánh Giuse, họa sĩ Murillo đã khám phá các phẩm chất khác nhau của người cha như sự cẩn trọng, tận tâm, vui tươi, chân thành, và khoan dung. Bệ thờ tráng lệ được dựng lên vào năm 1665 của ông tại Seville đã mô tả vị thánh Giuse, với kích thước lớn hơn người thực, đang đứng cạnh Chúa Hài đồng phát ánh quang huy.
Thánh Giuse của họa sĩ Murillo trên bệ thờ Seville
Trong phong cách điển hình của mình, họa sĩ Murillo đã sắp đặt một vài mảng kiến trúc cổ ở một bên, để cho phần còn lại của không gian gọn gàng tập trung vào hai nhân vật. Đứng trên đống đổ nát của một bàn thờ cổ, Chúa Giêsu nép mình bên Thánh Giuse trong khi thanh thản nhìn ra ngoài, tự tin trong vòng tay che chở của cha Ngài. Áo choàng màu hoa cà, và làn da mềm mại của Ngài như nhấn mạnh đặc tính của một con người trong đời thường và sự mong manh của một trẻ nhỏ. Thánh Giuse dùng thân mình che chở cho đứa trẻ, giữ ánh mắt thận trọng nhìn về phía xa xa, như thể sẵn sàng lao vào và giải cứu con trai mình khi có dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên. Trong Kinh Thánh, phản ứng nhanh chóng của Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Hài Đồng thoát khỏi cơn thịnh nộ chết người của Vua Herod.
Họa sĩ Murillo đoạn tuyệt với các quy ước về chân dung Thánh Giuse – một người đàn ông lớn tuổi, hom hem. Ông đã vẽ ngài với mái tóc đen bồng bềnh và dáng điệu trẻ trung mạnh mẽ mang nét tương đồng nổi bật giống hình dáng Chúa Giêsu lúc trưởng thành. Khi sáng tác cho một nhà bảo trợ tư nhân, họ đã đề nghị một phiên bản gần gũi hơn để trưng bày trong gia đình; do vậy, họa sĩ Murillo đã thay đổi Thánh Giuse từ một người cha mạnh mẽ thành một người cha trìu mến.
Một tác phẩm nhỏ từ năm 1670 đã mở ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ mật thiết của Thánh Giuse với vai trò làm cha thiêng liêng. Là cha của 11 người con, họa sĩ Murillo đã thành thạo kỹ thuật dựng hình với làn da thịt mũm mĩm của trẻ em; kết quả là Chúa Hài Đồng đáng yêu xuất hiện như sẵn sàng được ôm vào vòng tay. Thánh Giuse âu yếm nhìn cậu bé, với mí mắt hướng xuống và đôi môi hơi hé mở; như thể ông hân hoan với hình dáng bé nhỏ ấy, ngắm nhìn những lọn tóc xoăn vàng, hơi ấm lan tỏa, và mùi hương ngọt ngào của con trai.
Mặt khác, Thánh Giuse tỏ ra chấn động khi nghĩ rằng đứa bé đáng yêu này cũng là Đấng Tối Cao. Một cành hoa đang nở rộ được Chúa Giê-su đặt vào tay Thánh Giuse như ẩn dụ rằng Đức Chúa Trời đã chọn người đàn ông này làm chồng của Đức Maria và là người bảo vệ của Đấng Christ. Những nét cọ mềm mại gợi ấn tượng về sự chuyển động theo bản năng, như thể đây là một bức ảnh chân thực, trong đó Thánh Giuse tự nhiên không hay biết, thể hiện chiều sâu và sự rung cảm dạt dào của tình phụ tử.
Họa sĩ Murillo, người đã mất cả cha lẫn mẹ trước năm 10 tuổi, thực sự đã tạo ra ý tưởng về Gia đình Thánh tại quê nhà. Trong khi một số tác phẩm mô tả cảnh cha mẹ đang làm việc và những đứa trẻ đang nô đùa, thì “Thánh Gia với chú Cún con” được họa ra từ năm 1650, đã ghi dấu một khoảnh khắc hạnh phúc, nghỉ ngơi của cả gia đình sau những giờ làm việc vất vả.
Thánh Giuse đã tạm gác lại công việc thợ mộc trong một xưởng nhỏ để chơi với con trai của mình. Chúa Giêsu trêu đùa chú cún bằng một con chim nhỏ; điểm duy nhất tiết lộ cho chúng ta nhận ra địa vị cao quý của Ngài là chiếc đai màu xanh vàng quanh lưng và ánh quang tỏa sáng trên khuôn mặt Ngài. Một nụ cười dường như nở trên môi Thánh Giuse khi ông về nhìn về phía chú chó nhỏ đang kiên nhẫn, tận hưởng cảm giác yên bình trong ngôi nhà thân yêu.
Đức Mẹ Maria cũng tạm ngưng dệt lụa để ngắm nhìn bức tranh của tình phụ tử, nhưng khi Bà nhìn vào chú chim nhỏ trong tay Chúa Giêsu – biểu tượng nguyện vọng khát khao trong tương lai của Ngài – dù tay đang đặt trên những thanh gỗ bắt chéo của khung dệt, tâm trí bà dường như bắt đầu lạc bước vào những ý tưởng da diết hơn.
Mặc dù họa sĩ Murillo miêu tả Thánh Giuse có mái tóc đen và gương mặt anh tuấn, nhưng ông đã điểm xuyết thêm một vài nếp nhăn trên lông mày và quanh mắt để biểu thị thời trai trẻ đã qua. Họa sĩ truyền tải phẩm giá cao quý của một đời hy sinh bằng cách miêu tả gia cảnh nghèo khó của Thánh Giuse, về sự liên tục cần mẫn làm việc để chăm lo cho gia đình của ngài.
Những người cha thân yêu khác
Những khám phá nghệ thuật của họa sĩ Murillo về tình phụ tử không chỉ dừng lại ở Thánh Giuse. Sau trận dịch hạch càn quét Tây Ban Nha năm 1649, ông đã vẽ sáu bức tranh lớn khắc họa chủ đề “Đứa Con Hoang Đàng” (“Prodigal Son”). Chàng trai trẻ trong câu chuyện ngụ ngôn này đã yêu cầu quyền thừa kế tài sản khi cha anh vẫn còn sống, chỉ để đắm chìm hoang phí trong lối sống hoang đàng. Anh quay về nhà với sự sa sút nghèo nàn, tủi nhục và đói khát, hy vọng được gia nhập vào hàng ngũ hầu cận của cha mình.
Người cha là nhân vật chính của câu chuyện này, chào đón con trai mình về nhà mà không nửa lời oán than hay trách móc. Người cha xuất hiện ở ba trong sáu cảnh: mở cửa trao tiền của mình cho đứa trẻ vô ơn, nhìn cậu rời đi một cách chán nản, và sống động nhất là vui mừng chào đón đứa con tội nghiệp của mình hối cải trở về. Trong bức tranh cuối cùng, các thành viên trong gia đình đứng dưới bóng mát khi một cậu thanh niên trẻ tuổi, ăn mặc rách rưới, khuỵu gối trước một ông lão. Khi các thành viên khác của gia đình, ăn vận trang phục rực rỡ, vẫn đứng dưới bóng của lối vào, thì người đàn ông lớn tuổi, mặc áo choàng màu nâu đất, nghiêng mình về phía chàng trai trẻ. Chữ đất trong tiếng la tinh là ”humus” – là gốc của “humidity” (khiêm tốn) – một trong những đức tính đáng trân trọng nhất của thời đại. Người cha, người đứng về phía con trai, người được đón nhận sự tôn trọng và lòng trung thành của mọi người, ngoại trừ con trai của mình. Ông đã gạt bỏ niềm kiêu hãnh sang một bên để tha thứ cho đứa con trai hèn mọn của mình.
Sau 400 năm, các tác phẩm của Murillo dường như được sáng tác ra chỉ để dành riêng cho ngày Lễ Phụ Thân. Những bức tranh đó là biểu tượng của lòng biết ơn đối với những người đàn ông đã hết lòng bảo bọc, chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương gia đình của họ cho dù hoàn cảnh gian nan đến đâu.
Elizabeth Lev là một nhà sử học nghệ thuật sinh ra ở Mỹ. Bà giảng dạy, thuyết trình, và hướng dẫn tại Rome.