Thiện ác báo ứng: Tội ác che giấu hoàn hảo bị vạch trần một cách kỳ lạ
Tội ác giết người mặc dù đã được kẻ ác che giấu rất hoàn hảo nhưng đến cuối cùng lại bị chính bản thân mình vạch trần một cách kỳ lạ, tại sao lại như vậy? Pháp sư chỉ có thể trị tà ma chứ không thể giải oán thù kiếp trước. Nghiệp báo theo sau những việc làm thiện ác luôn luôn khéo léo và chuẩn xác.
Tự viết cáo trạng phạm tội
Vào thời nhà Thanh, Tổng đốc tỉnh Tứ Xuyên Hoàng Thọ Thần làm quan giám khảo kỳ thi hương. Ở huyện Vu Sơn (thuộc miền Đông thành phố Trùng Khánh) có hai anh em tú tài Vương mỗ. Người anh ra ngoài làm ăn buôn bán, đã hơn 10 năm vẫn chưa trở về. Người anh thường gửi thư về để động viên em trai chăm chỉ học tập, mỗi lần như vậy đều có gửi kèm theo tiền để em trai tùy ý sử dụng, tình cảm anh em vô cùng sâu đậm.
Người anh ở ngoài kiếm được rất nhiều ngân lượng, sau đó quay trở về quê hương, tiền tài tích lũy được khoảng hơn 4,000 lượng bạc. Người em trông thấy thì rất ưa thích, sau khi anh trai trở về không bao lâu thì người em tổ chức một buổi tiệc lớn, mời bạn bè người thân đến để chúc mừng anh trai. Lúc này, quan khách đã tề tựu đông đủ, mọi người cùng nhau vui vẻ chúc mừng.
Tối hôm đó, người anh đột nhiên ôm bụng đau đớn chịu không thấu, lăn qua lộn lại trên giường, khoảng một canh giờ sau thì qua đời. Người em trai ở trước mặt mọi người khóc lóc thảm thiết, liên tiếp giậm chân đấm ngực, đập đầu xuống đất ra vẻ không muốn sống nữa. Dưới sự khuyên giải của mọi người, anh ta mới bình tĩnh lại. Sau đó lại bỏ ra trăm lượng bạc để làm đại Phật sự, siêu độ cho vong linh người anh.
Cũng trong năm này, người em trai tham gia kỳ thi huyện và kỳ thi phủ, thành tích đều xếp hạng đầu, do vậy được chọn làm đồ sinh, mọi người đều khen ngợi rằng đây là phước mà anh ta có được nhờ cung kính huynh trưởng. Vào kỳ thi hương năm sau, quan giám khảo Hoàng Thọ Thần vì cân nhắc đến sự vất vả cực nhọc của các thí sinh, do vậy mà ra chỉ thị cho thuộc hạ rằng: nếu có bài thi nào phạm quy thì âm thầm rút bài đó ra, không cần dán tên của thí sinh lên.
Ở kỳ thi đầu tiên, Vương mỗ nộp bài từ rất sớm. Quan thu bài xem nội dung trong bài thi thì rất kinh hãi, lập tức báo cáo với quan giám khảo. Quan giám khảo lúc này đang bận nên chỉ có thể để bài thi ở chỗ ông ấy, tận đến khi cuộc thi kết thúc mà vẫn không có thời gian xem.
Vương mỗ sau khi kết thúc buổi thi thì lập tức rời trường thi quay trở về quê nhà. Đến tháng Chín công bố danh sách đỗ đạt thì Vương mỗ đã về Vu Sơn từ lâu rồi. Quan giám khảo đột nhiên gửi thư khẩn điều Vương mỗ đến tỉnh thành, Vương mỗ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không biết là chuyện gì. Đợi đến khi anh ta gặp được quan giám khảo thì quan giám khảo liền ném bài thi cho anh ta rồi mắng rằng: “Những việc ngươi đã làm, lòng dạ quả thật độc ác, ngươi có chết cũng không đền bù được tội lỗi của mình”.
Vương mỗ cảm thấy khó hiểu liền cầm bài thi lên xem, mặt hắn tái mét, nhìn thấy những gì mình viết trên bài thi đều không phải là văn chương ứng thí, mà nội dung viết bên trên đại ý là: Tôi nhìn thấy huynh trưởng đem về rất nhiều tiền của, vì muốn một mình nuốt trọn số tiền đó, liền trong lúc tổ chức yến tiệc đã bỏ độc vào rượu của huynh trưởng, hại chết huynh ấy. Sau đó lại làm các việc như đại Phật sự, siêu độ vong linh v.v… để che mắt mọi người. Bạn bè thân quyến đều không hề hay biết còn khen ngợi tôi. Tôi đã khiến huynh trưởng phải hàm oan nơi chín suối, tội này thật đáng muôn chết, nay tự viết khẩu cung nhận tội.
Vương mỗ sau khi bị thẩm tra thì thừa nhận tội lỗi. Hắn lập tức được giao cho quan hình pháp, phán xử tội chém đầu theo luật pháp. (Trích từ “Sĩ ấn trai thiệp bút”)
Chuyện xấu mà kẻ ác đã làm mặc dù đã được che giấu rất kỹ lưỡng, nhưng Thần cũng không tha thứ, cũng sẽ dùng mọi cách để vạch trần nó, trừng phạt kẻ phạm tội, tiếp theo sau đây là một câu chuyện tương tự.
Pháp sư chỉ có thể trừ tà ma chứ không thể hóa giải oán thù
Thời nhà Tống, ở Phúc Châu có viên quan Đề hình họ Vương. Hơn một năm nay, trong lòng Vương mổ luôn có một nỗi phiền muộn lớn, khiến cuộc sống vì vậy mà bồn chồn không yên. Chuyện là người em dâu của ông mắc bệnh, cứ một mực chỉ đích danh ông mà mắng nhiếc không thôi. Vương mổ đã dùng mọi phương pháp tế lễ cầu nguyện nhưng tình trạng vẫn không có chuyển biến. Em dâu của ông giống như như bị quỷ ám vậy.
Sau đó, Vương mỗ hay tin ở cửa khẩu Phúc Châu có vị tuần kiểm Tôn đạo sĩ, từng được dị nhân truyền thụ cho bản lĩnh trị bệnh bằng bùa phép vô cùng linh nghiệm, do vậy mà tìm đến ông ta để cầu xin giúp đỡ. Tôn đạo sĩ đầu tiên bảo cả nhà họ Vương trai giới 7 ngày, sau đó Tôn đạo sĩ mặc quan phục chỉnh tề, chuẩn bị đốt cáo trạng để báo cáo lên Thượng Thiên.
Người em dâu của Vương mổ không biết làm sao mà biết được sự việc này, liền nói với người nhà họ Vương rằng: “Tôn tuần kiểm chỉ có thể trừ tà ma, nhưng ta không phải là tà ma, ta là oan hồn, ông ta không cách nào xử lý ta được”.
Tôn đạo sĩ sau khi đến nhà họ Vương thì bảo người nhà cho mời phu nhân đến gặp mặt.
Vương mổ nói: “Bệnh của cô ấy rất nặng, nếu đi gọi thì nhất định sẽ bị cô ấy mắng nhiếc, làm sao gọi ra gặp khách được chứ?”
Tôn đạo sĩ đáp: “Chi bằng cứ đi gọi thử xem sao”, nô bộc trong nhà nghe lời chạy đi gọi.
Người em dâu của Vương mổ nói: “Được, đợi ta rửa mặt chải tóc rồi sẽ ra”.
Sau khi nghe nô bộc báo tin thì mọi người tập trung lại cùng đợi ở đại sảnh. Một lúc sau thì mọi người nhìn thấy em dâu Vương mổ ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ bước vào đại sảnh, dáng vẻ trang trọng, hoàn toàn không có vẻ gì là bệnh cả.
Cô ta sau khi nhìn thấy Tôn đạo sĩ thì nói thẳng rằng: “Cả nhà ta 4 người, không tội tình gì vậy mà lại bị giết oan, hàm oan mà chết. Ta đã kiện lên Thượng Thiên, món nợ này nhất định phải đòi, mong Pháp sư đừng can thiệp!
Nói rồi, người em dâu của Vương mổ liền vạch phần áo trước ngực, để lộ ra vết sẹo cho Tôn đạo sĩ xem, vết sẹo cũ kinh khủng đến mức không dám nhìn. Cô ta lại nói tiếp: “Đây là khổ hình mà kiếp trước ta phải chịu, oán thù này làm sao buông bỏ?”
Tôn đạo sĩ khuyên bảo cô đừng tiếp tục dùng pháp thuật ma quỷ để nhiễu loạn nữa. Sau cùng, người em dâu của Vương mổ cảm tạ rồi quay trở về phòng.
Tôn đạo sĩ nói ra nguyên do ẩn giấu đằng sau câu chuyện này, ông hỏi Vương mổ: “Ông vẫn còn nhớ câu chuyện ở Kiếm Châu (nay là Nam Bình Phúc Kiến) chứ?”, Vương mổ không nhớ ra là chuyện gì. Lúc này Tôn đạo sĩ mở lòng bàn tay của mình ra cho Vương mổ xem. Trong lòng bàn tay của ông viết tên của 3 người. Vương mổ vừa trông thấy thì cúi đầu không nói được gì, thần sắc vô cùng sợ hãi và hối hận.
Tên của 3 người đó đều là những người đã chết tại Nam Kiếm Châu. Vương mổ lúc còn làm Thông phán tại Nam Kiếm Châu thì có biết 3 người này. Trong huyện trực thuộc của Nam Kiếm Châu xảy ra một vụ án cướp, Vương mổ đích thân đốc thúc binh sĩ truy bắt bọn cướp về quy án. Binh sĩ bắt được một cặp vợ chồng, dưới sự khổ hình bức cung, 2 người bị giết chết sau khi bị gán ghép tội danh. Người con gái xuất giá ở làng bên nghe nói cha mẹ bị giết thì chạy đến khóc than, đau khổ thống thiết trách mắng Vương mổ thậm tệ. Vương mổ nổi giận, liền giết luôn cả cô ấy. Cô gái lúc đó còn đang mang thai, Vương mổ 1 lúc giết oan 4 mạng người.
Tôn đạo sĩ lúc này mới nói với Vương mổ rằng: “Loại oán thù tiền kiếp này, pháp thuật của tôi không cách nào giải trừ được, chỉ có thể tạm thời hòa hoãn; sau này nếu bệnh lại tái phát thì ông đừng tìm tôi nữa”.
Sau khi đạo sĩ quay về thì người em dâu của Vương mổ mới yên ổn được 2 tháng, sau đó thì bệnh tình lại tái phát. Vương mổ trong lòng có điều khuất tất, vì vậy cũng qua đời không lâu sau đó, bệnh của em dâu Vương mổ từ đó cũng biến mất.
Cổ Dung biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ