Vạn vật đều có linh: Gà khôn báo thù, chim và rùa báo oán cho ân nhân
Vạn vật có linh, không giới hạn trong hình thể lớn nhỏ. Động vật có linh tính tại một thời khắc đặc biệt có thể hiển lộ ra cho mọi người trông thấy.
Câu chuyện thứ nhất: Gà khôn báo thù
Vào mùa thu năm Đinh Dậu niên hiệu Thuận Trị, có một vị tăng nhân đi hóa duyên, khi đi qua một khu chợ ở Nam Quan huyện Cao Bình thì ông ghé vào một cửa hàng. Đột nhiên, có một con gà từ trong cửa hàng này bay ra, nhào về phía tăng nhân rồi nhằm thẳng mặt của ông mà mổ tới tấp. Mọi người bên ngoài nhìn thấy mặt của tăng nhân bị mổ đến nỗi da tróc thịt bong, bèn chạy đến xua đuổi con gà. Không ngờ con gà này giống như có thù oán với vị tăng nhân, càng hung hăng mổ mãnh liệt không dừng. Vị tăng nhân nhanh chóng rời khỏi cửa hàng, con gà vẫn chạy theo sát ở phía sau cố đuổi theo, đuổi đến hơn mười bước mới dừng lại. Tất cả mọi người chứng kiến sự việc lúc đó đều cảm thấy rất kỳ lạ.
Ngày hôm sau, vị tăng nhân lần nữa đi ngang qua cửa hàng này, lại bị con gà kia nhào tới mổ vào mặt khiến máu chảy nhuộm đỏ cả quần áo. Mọi người trong chợ biết chuyện được thêm một phen kinh ngạc khó hiểu. Lúc này có hai vị bộ khoái (đảm đương công việc như cảnh sát, tuần tra, truy bắt tội phạm) cũng mắt thấy tai nghe cảnh tượng này, bèn chặn tăng nhân lại tra hỏi. Trên mặt vị tăng nhân không một chỗ nào còn nguyên vẹn, như người mất hồn, kinh hãi không nói nên lời.
Hai bộ khoái nhanh chóng dẫn tăng nhân đến nha môn để thẩm vấn, tăng nhân liền kể lại chi tiết nội tình.
Nửa tháng trước, khi tăng nhân tá túc qua đêm tại một tiệm bánh mì, lúc ấy nhìn thấy trên cái bễ thổi lửa có một cái túi tiền, lòng tham nổi lên, bèn thừa dịp lúc xung quanh không người đã giết chủ tiệm, lấy trộm túi tiền rồi nhanh chóng rời đi trong đêm.
Sau khi người chủ tiệm chết, gia quyến đem gà ra chợ bán và một người dân ở Nam Quan đã mua con gà này. Mặc dù vụ án giết người đã báo Quan, nhưng tăng nhân cho rằng sự việc xảy ra ở một thôn làng hẻo lánh và đã rơi vào im lặng đã lâu, nên cũng dần dần yên tâm. Không ngờ rằng lại gặp phải con “gà hung dữ” kia. Trong tâm ông ta liền minh bạch rằng con gà này là tới để báo thù cho chủ nhân.
Con gà đã chứng kiến vụ giết người, một mực nhớ kỹ khuôn mặt hung thủ. Đến ngày nhìn thấy khuôn mặt này, liền lao tới báo thù cho chủ nhân của mình, quả thực vô cùng nghĩa khí.
(Theo “Khoáng viên tạp chí”)
Câu chuyện thứ 2: Chim ngậm đơn kiện cứu ân nhân
Ở Nghi Hưng tỉnh Chiết Giang có một gia đình họ Lục nọ trồng trúc quanh nhà thành rừng. Chim chóc rất yêu thích nơi này, bởi vậy nơi đây trở thành một phong cảnh tuyệt đẹp của các loài chim. Ông chủ Lục rất yêu quý những con chim này và không cho phép thợ săn bắn chúng. Nếu trời mưa, có tuyết rơi hay gặp khi thời tiết giá lạnh, ông chủ Lục liền lấy ngũ cốc rải trong rừng để nuôi dưỡng bầy chim trong những khóm trúc.
Vào năm Thuận Trị thứ ba, có một kẻ mưu hại ông chủ Lục, quy kết ông là “nghịch đảng”, vì vậy ông đã bị bắt và thẩm vấn nghiêm ngặt ở nha môn. Vào thời điểm ấy, tù nhân tay chân bị xiềng xích có đến hàng nghìn người, đơn kiện liên quan và lời bào chữa tích lại chất đầy như núi. Bỗng nhiên có một trăm con chim bay đến trước công đường, làm huyên náo rung chuyển bầu trời. Khi ông chủ Lục bị triệu đến xét hỏi, có một con chim bay đến bàn quan phủ ngậm lấy cáo trạng vu cáo hãm hại ông Lục rồi bay vụt đi, bầy chim lúc này cũng mới tản đi.
Tình huống này khiến quan thẩm vấn hết sức kinh ngạc, biết có chuyện khác thường, nhất định có điều khuất tất nên ngay sau đó đã lập tức triệu tập kẻ báo quan đến nha môn. Sau vài cuộc thẩm vấn tra hỏi nghiêm khắc, cuối cùng sáng tỏ rằng ông chủ Lục đã bị hắn vu cáo hãm hại.
Với lòng cảm kích, sau đó ông chủ Lục đã xây một tòa kiến trúc mang tên “Nghĩa Điểu Đình” trong quận để tuyên dương linh tính và nghĩa cử của bầy chim. “Nghĩa Điểu Đình” tọa lạc ở trong thành Bì Lăng vào thời nhà Thanh.
Chim muông cũng chính nghĩa như vậy, có thể nói là không có linh tính sao?
(Theo “Quả báo văn kiến lục”)
Câu chuyện thứ 3: Rùa báo án
Vào năm Chí Chính thứ nhất, Lô Văn Bích (tự Bá Ngọc) đảm nhận chức Huyện Doãn Kinh Sơn. Một ngày nọ bỗng nhiên có một con rùa lớn leo lên sảnh trước, hai mắt nhìn thẳng vào ông, giống như hàm oan muốn khiếu nại điều gì. Lô văn Bích liền sai người hầu đi theo con rùa xem chuyện gì xảy ra. Khi rời khỏi thị trấn khoảng sáu, bảy dặm, đến một cái giếng bỏ hoang thì con rùa kia nhảy vào đó. Người hầu biết rằng có chuyện xảy ra ở nơi này, bèn gọi dân làng đến giúp đỡ. Quả nhiên phát hiện dưới giếng có một xác chết, người chết chính là một thương nhân, hai ngày trước đã ra ngoài làm ăn buôn bán với một thương nhân khác. Hóa ra ông bị người thương nhân kia giết hại, rồi ném xác xuống cái giếng bỏ hoang này để che đậy tội ác và bỏ trốn. Thân nhân của người chết nói: “Khi còn sống ông ấy không bao giờ ăn thịt rùa, hễ nhìn thấy rùa bị bán thì đều sẽ mua về rồi phóng sinh”. Vì vậy rùa đã báo án cho ông.
(Theo “Cảnh tâm lục”)
Những câu chuyện này đều muốn truyền tải một thông điệp: Không chỉ con người, vạn vật đều có linh. Bản năng tiên thiên của động vật không bị mất đi bởi ích kỷ và mưu lợi, trí tuệ của chúng trong việc báo ân cũng vì vậy mà vượt qua sức tưởng tượng của con người.
Lý Mai biên tập
Tâm Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ