Trí tuệ cổ xưa: Một niệm thiện lương cũng đủ để cứu dân làng khỏi chết đói
Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.
Đôi khi cuộc sống xô đẩy chúng ta vào ngõ cụt và ta khiến ta không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận cho số phận đẩy đưa. Nhưng đừng vội buông xuôi, vì những nền văn hóa truyền thống cổ xưa và những vị hiền triết ở khắp nơi đều chỉ ra rằng chỉ một suy nghĩ hoặc một hành động thiện lương cũng có thể xoay chuyển một tình huống ngặt nghèo.
Có từ rất lâu trước khi Trung Cộng nắm quyền kiểm soát đối với Đại Lục, và là một phần của văn hóa truyền thống Trung Hoa, câu chuyện này đã được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ nhằm nói lên một niềm tin của cổ nhân rằng một thiện niệm cũng có thể xoay chuyển vận mạng một con người.
Ta chính là điều mà ta nghĩ. Ý niệm của ta là ngọn nguồn của mọi thứ mà ta có. Và chúng ta tạo nên thế giới này bằng chính những ý niệm.
— Đức Phật Thích Ca
Câu chuyện ấy có bối cảnh ở vùng đồi núi phía tây của tỉnh Chiết Giang. Nơi đó có một người đàn ông trẻ tuổi sống buông thả, thích say sưa cùng mỹ vị. Cuộc sống của anh ta đã từng nhuốm màu của trộm cướp, của sự háu ăn và những xung động xác thịt.
Trong làng, anh ta thường trộm các thứ vật dụng từ bạn bè hoặc gia đình mình. Vì thế người dân cũng thường xuyên ca thán rằng anh ta không sống nổi dù chỉ một ngày thiện lương. Tệ hơn nữa, anh cũng thường xuyên quấy rối những phụ nữ xung quanh nơi anh sống. Chán chường vì những hành vi không lấy gì làm tốt đẹp đó, dân làng tự hỏi liệu tất cả những gì anh ta trông đợi có phải là một kết cục đáng sợ hay không?
Rồi một ngày định mệnh, một tai họa ập đến với ngôi làng.
Cả làng đột nhiên bị bao trùm bởi mây đen, sấm rền, chớp giăng đầy trời. Những tưởng đây là dấu chấm hết cho tất cả, và không ai trong làng có thể sống sót. Và mọi người dường như đều đang vẫy vùng cố gắng cứu lấy chính mình khỏi thảm kịch đang diễn ra.
Người dân trong làng bắt đầu chạy từ những cánh đồng nơi họ đang làm việc về nhà cùng gia đình để tránh khỏi trận gió mưa kinh hoàng.
Tuy nhiên, kẻ lười nhác kia đã làm điều hoàn toàn ngược lại. Thay vì ở nhà, anh đột nhiên muốn đi thăm đồng ruộng. Chứng kiến hành động điên rồ đó của anh, người nhà đã cảnh báo anh về những hiểm nguy có thể xảy ra khi ra ngoài lúc này.
Khi thấy anh không mảy may đoái hoài đến lời họ nói, họ to tiếng: “Đi đi, để sét đánh chết nhà ngươi, lỡ sét có đánh thật thì bọn ta cũng không có ở đó để cứu ngươi đâu.”
Không lay chuyển trước những lời nói mắng nhiếc, anh liền cầm cuốc lao thẳng ra đồng. Đây không phải lần đầu tiên anh nghe những lời thô thiển như vậy và anh đã quen với chúng vì từ bấy lâu nay trong làng không ai coi trọng anh.
Khi đi đến cánh đồng lúa mì, anh bàng hoàng chứng kiến cả cánh đồng đang chìm trong biển nước. Không nao núng, anh biết mình phải hành động nhanh chóng để cứu lấy mùa màng. Với lòng quyết tâm, anh nhủ thầm: “Mình cần phải làm điều gì đó, nếu không mọi công lao khó nhọc mà dân làng đổ ra sẽ thành vô ích, và cả làng sẽ bị chết đói.”
Bất chấp cơn mưa như trút nước và sấm chớp gầm vang, người đàn ông vẫn xắn tay áo và bắt đầu công việc.
Một mình anh đơn độc cùng cây cuốc bắt tay vào công việc trên ruộng lúa mì. Anh nâng đỡ những thân lúa, từng hàng một, từng hàng một. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể tự thân làm công việc như thế này, nhưng anh đã dám đặt sinh mạng vào tình thế hiểm nguy để giúp dân làng trong thời khắc sống còn.
Theo các vị hiền nhân, thiên đình động lòng trước nguyện ý cứu lấy dân làng mà không màng nguy hiểm bản thân của người đàn ông này, vì thế cuộn mây đen đã biến mất một cách kỳ diệu sau khi anh xong việc.
Cơn mưa như trút kia cuối cùng đã ngừng, bầu trời trở nên sáng sủa như thể là phần thưởng dành cho người đàn ông đã từng lười nhác một thời nhưng có thiện tâm và tấm lòng vô tư vô ngã.
Như Phật Thích Ca dạy rằng: “Ta chính là điều mà ta nghĩ. Ý niệm của ta là ngọn nguồn của mọi thứ mà ta có. Và chúng ta tạo nên thế giới này bằng chính những ý niệm.”
Thật vậy, một suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ thiện tâm có thể đưa ta đi đúng hướng, và dẫn ta đến những thành tựu mỹ mãn.
Điều tương tự cũng đã xảy ra khi người đàn ông này đã quên mình mà hành thiện. Đối với anh, mọi thứ đã thay đổi. Dù trước đó có suy kiệt về thể chất, tinh thần và cả tâm hồn, nhưng anh đã cảm nhận được sự biến chuyển và có được sự hồi thăng. Cuối cùng anh nhận ra chân giá trị của cuộc đời và sự quan trọng trong mỗi một hành vi, vì thế anh đã tự hứa với chính mình sẽ thay đổi để bản thân tốt hơn.
Truyện kể rằng, sau khi chứng kiến sự cải biến đáng kinh ngạc ấy, mọi người trong làng bắt đầu kính trọng anh. Từ ngày đó, anh làm việc siêng năng và quyết phải đi trên con đường ngay chính.
Câu chuyện này ngụ ý khuyên chúng ta rằng một niệm thiện lương có sức mạnh đủ để hướng ta trở lại với ánh quang minh dù ta đang phải trải qua những ngày giông bão nhất của cuộc đời.
Chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và tiếp tục nhận lấy nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách đăng ký nhận bản tin Truyền cảm hứng tại TheEpochTimes.com/newsletter
Bà Daksha Devnani viết những câu chuyện về cuộc sống, truyền thống và con người với lòng dũng cảm kiên cường, truyền cảm hứng cho niềm hy vọng và mỹ đức trong nhân loại.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: