Luận đàm tướng mệnh: Kiểu người nào thường được quý nhân phù trợ?
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ phát hiện, cuộc đời của một số người sẽ thay đổi hoặc tiền đồ địa vị thăng tiến nhờ có sự bang trợ của một ai đó. Họ sống một đời an nhàn, không phải cật lực phấn đấu vì miếng cơm manh áo. Họ không gắng sức mưu cầu điều gì nhưng lại vô tình được quý nhân giúp đỡ, gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Điều này thực giống như câu nói: “Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tâm cấy liễu liễu thành rừng.” Phải chăng những điều ấy xảy ra tình cờ? Nhìn có vẻ trùng hợp nhưng thực ra không hề ngẫu nhiên!
Trong mệnh có sao Quý nhân
Nếu nắm được quy luật của Bát tự, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một hiện tượng, đó là trong mệnh của những người may mắn này sẽ có một ngôi sao gọi là Ấn Thụ tinh. Khi ngôi sao này là Hỷ dụng thần thì sẽ xuất hiện trường hợp này. Ấn Thụ tinh còn được gọi là Văn Tinh, Khôi Tinh hoặc Văn Chương.
Trong sách toán mệnh “Uyên Hải Tử Bình” có viết: “Những người có Ấn Thọ tinh, đa phần rất tinh tường, trong đời ít bệnh tật, cái ăn cái mặc phong phú, hưởng phúc tài lộc có sẵn.”
Trong “Tương Tâm Phú” nói: “Mệnh chủ Ấn Thụ rất thông minh, thân thể khỏe mạnh, trái tim nhân hậu. Nguyệt trụ Ấn Thụ kết hợp Nhật trụ cho dù không có tài phú vẫn đăng tên bảng vàng, văn chương phong phú, vinh quy bái tổ, danh tiếng như hương.”
Trong “Tiên Hiền Vạn Dục Ngô” nói: “Thân chủ có Ấn Thụ tinh, là tên trong Ngũ hành, là nguồn khí của thân chủ, vì sinh khí, vì cha mẹ (người sinh ra thân chủ là cha mẹ), có thể hỗ trợ trong con đường làm quan, có thể ngăn chặn tổn hại. Cuộc đời gặp nhiều trợ giúp, được hưởng phúc, gặp nhiều điều kỳ diệu.”
Ấn Thụ còn gọi là Văn Tinh, Khôi Tinh hoặc Văn Chương. “Ấn Thụ không gặp thương tổn, nhận được nhiều tình yêu thương từ cha mẹ, tài sản phong phú, an lạc phú quý.”
“Cận Hiền Từ Nhạc Ngô” nói: “Người sinh ra thân chủ là Ấn, Cố Ấn là cha mẹ. Thực ra trong hoàn cảnh này, thân chủ được che chở. Những người Dụng Ấn là an nhàn nhất, được cha mẹ che chở, mọi thứ đều có cha mẹ chăm lo, không cần lao tâm khổ tứ. Đây là ý tứ của Dụng Ấn này.”
Trên đây là những luận thuật về Ấn Thụ tinh trong các sách toán mệnh. Một số câu có thể tương đối khó hiểu, nhưng đại ý là: Ấn Thụ tinh là một ngôi sao quý nhân, sao Phúc tinh. Trong mệnh có sao Ấn Thụ là Hỷ Dụng, những người này thường được sự giúp đỡ của người khác, bình an hưởng phúc, không phải quá lao tâm khổ tứ. Do đó trong các loại mệnh tạo, những người Dụng Ấn Thụ là an nhàn thoải mái nhất.
Câu chuyện có thật: Được quý nhân giúp đỡ
Dưới đây là vài ví dụ lịch sử. Một số người không có ý định làm quan, nhưng vô tình được quý nhân giúp đỡ nên có được quan vị.
Ví dụ 1: Nhân duyên tương kiến, thật là trùng hợp
Vào triều đại nhà Đường, có người tên Lý Thực, là thế tôn thứ tư của Đạo Vương Lý Nguyên Khánh, ông xuất thân gia đình Tôn thất nên ra làm quan. Sau đó, ông được thăng chức làm Ti Nông Khanh, giám sát việc trưng thu thuế quan.
Một người dân tên là Tiêu Hựu không nộp thuế đúng hạn do bận tổ chức tang sự trong nhà. Lý Thực tức giận triệu tập anh ta lên công đường. Vừa lúc này, chiếc xe chở anh ta đến nộp thuế cũng vừa đến nơi, nên không cách nào trị tội.
Cùng lúc ấy, Lý Thực được Hoàng đế ban thưởng, nhưng người phụ trách văn thư trong quan phủ lại có việc ra ngoài, không thể lập tức viết thư cảm tạ. Lý Thực lòng như lửa đốt, mở miệng ra lệnh: “Mau gọi kẻ đang mặc tang phục lại đây.” Sau khi Tiêu Hựu xuất hiện, Lý Thực liền sai anh ta viết ngay một lá thư cảm ơn. Thật không ngờ, Tiêu Hựu lại là người giỏi văn chương thư pháp, nên chẳng mấy chốc đã múa bút thành văn. Lý Thực vui mừng khôn xiết, lập tức đề bạt Tiêu Hựu với Đường Đức Tông tại điện Diên Anh.
Khi Đức Tông nghe tin Tiêu Hựu đang để tang người nhà, nên ngày ngày chờ đợi. Đến ngày mãn tang, ông lại đề bạt Tiên Hựu làm Quan ngự sử. Tiêu Hựu tuy là người dân bình thường, nhưng lại giỏi thư pháp hội họa, ông còn thích những môn văn nhã như đánh đàn, v.v. Nhưng việc ông được bổ nhiệm làm quan hoàn toàn là chuyện tình cờ. Nhìn lại những chuyện đã xảy ra, thật đúng như chuyện tốt ấy “từ trên trời rơi xuống”, nhưng thực ra lại là trong mệnh đã có ắt có ngày nhận được. (Nguồn: “Đường Quốc Sử Bổ” của Lý Triệu thời Đường)
Ví dụ 2: Bị nói xấu được thăng quan
Dương Phổ, tự Hồng Tề, thụy hiệu Văn Định Công, là người Thạch Thủ, Hồ Quảng. Vào những năm đầu triều Minh Anh Tông, ông làm Đại học sĩ trong điện Võ Anh, sau đảm nhận chức Tể tướng. Khi đó, con trai ông từ quê lên kinh thành thăm cha.
Dương Công hỏi con trai rằng: “Trên đường đến đây, trong những huyện phủ con đi ngang qua, con thấy quan chức địa phương của nơi nào tốt?”
Con trai đáp: “Huyện lệnh ở Giang Lăng rất bất hảo.”Dương Công hỏi: “Vì nguyên cớ gì?”
Con trai đáp: “Vì hắn không thịnh tình tiếp đãi con, mà rất hời hợt!”
Dương Công biết được vị huyện lệnh này hóa ra là Phạm Lý người Thiên Đài, nên ghi nhớ trong lòng. Không lâu sau, Phạm Lý được tiến cử làm tri phủ phủ Đức An. Sau khi Phạm Lý đảm nhận chức tri phủ, quả nhiên hết sức tận tâm tận lực làm tròn trách nhiệm, được nhân dân khen ngợi không ngớt.
Dương Công sau đó lại thăng ông làm tả bộ chính sử của Quý Châu. Có người khuyên Phạm Lý nên viết thư bày tỏ lòng cảm ơn. Phạm Lý đáp: “Việc Tể tướng tuyển chọn và bổ nhiệm nhân tài cho triều đình không phải là vì tình riêng. Cần chi lời cảm ơn từ ta?”
Trong chặng đường làm quan của mình, Phạm Lý chưa từng gửi một lá thư cảm tạ nào. Mãi cho đến khi Văn Định Công qua đời, Phạm Lý mới khóc thương làm lễ truy điện, bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn tri ngộ với Dương Công. Chuyện thăng quan tiến chức của Phạm Lý càng không phải chuyện tình cờ. Thực tế là, ông chí công vô tư, cuộc đời thanh liêm, không buông lời xu nịnh. Chỉ vì nhân duyên bị người khác nói xấu, nên lưu lại ấn tượng tốt cho Tể tướng, liên tục được thăng quan tiến chức. Ngay cả bản thân ông cũng không thể ngờ được chuyện này. (Nguồn: “Tiên Tiến Di Phong” của Cảnh Định Hướng thời Minh)
Ví dụ 3: Vì có tài làm thơ nên được đề bạt
Dương Vinh, đảm nhận chức Thiếu sư, Công bộ thượng thư kiêm Đại học sĩ trong triều đình nhà Minh. Một lần, tình cờ nghe được một câu thơ trong bài thơ tống hành, ông đã vô cùng xúc động nên đặc biệt lưu tâm đến tên tác giả. Hóa ra bài thơ này là của Khúc Phương, người Côn Sơn. Ông đã âm thầm ghi lại cái tên này.
Một ngày nọ, tri huyện Côn Sơn là Lạc Vĩnh Niên đến kinh thành để giải quyết công chuyện và bái kiến Dương Vinh.
Dương Vinh đã nhân cơ hội ấy hỏi Lạc Vĩnh Niên rằng: “Ở Côn Sơn có một người tên là Khúc Phương, anh ta là người như thế nào?”
Lạc Vĩnh Niên bối rối không biết trả lời ra sao.
Sau đó Dương Vinh lại hỏi: “Người không biết vị thư sinh ấy sao?” Lạc Vĩnh Niên chỉ đành xấu hổ cáo từ.
Sau khi tri huyện Lạc Vĩnh Niên về đến Côn Sơn, ông đã đặc biệt đi hỏi thăm về Khúc Phương và kết thân với chàng. Không lâu sau, triều đình có thông báo đề bạt người hiền tài, liêm khiết đức hạnh, Lạc Vĩnh Niên liền đề cử Khúc Phương.
(Nguồn: “Ngọc Đường Tùng Ngữ” của Tiêu Hồng thời Minh)
Ngược lại, có những người thân cận Hoàng đế đã lâu nhưng lại không được thăng chức.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận khi cai quản trấn Thái Nguyên, ông đã sống trong nhà của một lão phụ họ Lý trong huyện. Lão phụ rất tôn kính, hết lòng phò tá Triệu Khuông Dận. Sau này, Triệu Khuông Dận trở thành Tống Thái Tổ đã trở về thăm gia đình bà. Lúc ấy, lão phụ đã qua đời, nên Tống Thái Tổ đã tìm con trai của bà, cho ông làm Ngự Trù Sử. Nhưng sau một thời gian dài người con trai không thấy được thăng chức cao hơn, nên đã xin rời đi.
Thái Tổ nói với anh ta: “Năng lực của anh, chẳng lẽ có thể làm Ngự trù sử sao? Quan tước và bổng lộc chỉ xứng đáng trao cho người hiền. Nhưng ta vì tình riêng mà ban cho người quen biết, điều này đã khiến ta gặp các sĩ đại phu mà lòng đầy hổ thẹn. Thế mà anh còn không biết tự hài lòng!” Thực ra, con trai lão phụ vốn không có mệnh làm quan. (Nguồn: “Hậu Sơn Đàm Tùng” của Trần Sư Đạo thời Tống)
Một ví dụ khác: Thái thú muốn tiến cử một người phụ tá, nhưng sau này không làm như thế nữa. Trong mệnh của người này không có quý nhân phù trợ.
Cửu Dự (hoặc Tác Thư), là người Ích Đô, nhờ lập công được làm Tuyên Phủ Sử, Thái thú. Khi Cửu Dự được bổ nhiệm làm Thái thú quận Minh Châu, từng muốn tiến cử một phụ tá, nên hỏi rằng: “Người chi tiêu một ngày bao nhiêu?” Phụ tá trả lời nhà anh ta “có mười miệng ăn, hàng ngày chi tiêu hai nghìn đồng.”
Cửu Dự vô cùng ngạc nhiên nói: “Thân là thái thú nhưng chi tiêu hàng ngày của ta cũng không đạt đến số này. Là cấp dưới, các khoản chi của anh đã gấp đôi ta. Như thế làm sao tránh nổi chuyện tham ô?” Thế rồi ông đã từ bỏ ý định tiến cử người phụ tá này.
(Nguồn: “Tống Sử – Cửu Dự truyện”)
Người xưa thường nói: “Phú quý tại thiên, Thánh hiền do kỷ”: Vinh hoa phú quý đều do ông trời chứ không thể do mình. Nhưng muốn làm hiền nhân quân tử là do bản thân quyết định, chứ không phải do trời.
Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ