Nhịn ăn có thể giúp cải thiện mạch máu bị tổn thương do đường huyết cao
Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến vô số bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả rối loạn chức năng của ty thể trong tế bào nội mô - nguồn năng lượng của tế bào.
Trong những năm gần đây, nhịn ăn đã nhận được nhiều sự chú ý như một phương pháp giảm cân, thu hút sự quan tâm và nghiên cứu đáng kể trong cộng đồng khoa học. Nghiên cứu đã phát hiện thấy việc nhịn ăn hoặc hạn chế lượng calorie có thể kích thích quá trình tự thực ở chuột mắc bệnh tiểu đường, từ đó cải thiện sức khỏe mạch máu.
Đường huyết cao và sức khỏe mạch máu
Thực phẩm và đồ uống nhiều đường là một trong những nguyên nhân chính gây tăng cân. Hơn nữa, cũng có thể gây hại cho mạch máu của bạn.
Sức khỏe mạch máu có liên quan chặt chẽ đến sự co bóp và giãn của mạch máu, quá trình này chủ yếu được điều chỉnh bởi nitric oxide do mạch máu sản sinh.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tập san Diabetes (Bệnh tiểu đường) đã cho thấy rằng, khi lượng đường trong máu cao, chức năng của các tế bào nội mô mạch máu bị suy giảm. Nói chính xác hơn, bộ phận năng lượng của những tế bào này – được gọi là ty thể – gặp trục trặc.
Sự rối loạn chức năng này dẫn đến giảm khả dụng sinh học của nitric oxide, khiến mạch máu khó giãn nở. Điều này cuối cùng dẫn đến rối loạn chức năng nội mô và các vấn đề sức khỏe mạch máu khác.
Ăn kiêng và tự thực bào
Vì sức khỏe mạch máu có liên quan chặt chẽ với các hợp chất này, làm thế nào cơ thể có thể duy trì sức khỏe của nội mô? Câu trả lời nằm ở chức năng tự làm sạch của cơ thể – quá trình tự thực bào.
Nghiên cứu cho rằng quá trình tự thực trong tế bào cơ thể là điều rất quan trọng để duy trì chức năng của ty thể tế bào. Khi quá trình tự thực được kích hoạt, các tế bào có thể loại bỏ ty thể bị rối loạn chức năng, từ đó duy trì tổng lượng nitric oxide trong tế bào nội mô và cải thiện sức khỏe của tế bào nội mô mạch máu.
Lei Zhao, người có bằng tiến sĩ về khoa học y sinh và là tác giả chính của nghiên cứu, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng rối loạn chức năng nội mô có liên quan chặt chẽ đến bệnh mạch máu do tiểu đường, bệnh võng mạc và bệnh thận. Ngoài ra, tăng đường huyết, sản phẩm cuối cùng của glycation (AGEs) và lipoprotein mật độ thấp bị oxy hóa là thủ phạm chính gây ra rối loạn chức năng nội mô ở bệnh tiểu đường.
Tự thực là một quá trình của tế bào gồm nhiều bước giúp loại bỏ các protein, bào quan và lipid oxy hóa bị hư hỏng, còn yếu tố phiên mã EB (TFEB) là yếu tố điều hòa chính của quá trình tự thực.
Thí nghiệm cho thấy quá trình tự thực của nội mô mạch máu suy giảm ở bệnh nhân tiểu đường và có đường huyết cao. Trong khi đó cả phương pháp nhịn ăn gián đoạn và tăng biểu hiện yếu tố TFEB đều khôi phục khả năng tự thực của chuột bị tiểu đường.
Bà Zhao cho biết, “Kết quả thí nghiệm phát hiện rằng can thiệp vào cách ăn uống bằng việc hạn chế lượng calorie hoặc nhịn ăn là một phương pháp hiệu quả để giải cứu chức năng nội mô ở bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, TFEB có thể đóng vai trò là mục tiêu điều trị để cải thiện bệnh tiểu đường và bệnh mạch máu do tiểu đường.”
Chuyên gia gợi ý ăn ít hơn vào bữa tối
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, giám đốc điều hành của Northern Medical Center tại New York, chia sẻ trên The Epoch Times rằng ông thích ăn từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều và bỏ bữa tối hoặc ăn nhẹ. Ông lưu ý rằng bỏ bữa sáng và ăn nhiều hơn vào bữa tối có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ cũng như tiêu hóa vào ban đêm.
Trong khi phương pháp nhịn ăn tập trung vào thời điểm ăn hơn là lượng calo nạp vào, tiến sĩ Dương chỉ ra rằng nếu không ăn trong 16 tiếng sẽ dẫn đến tâm lý bù trừ trong bữa ăn và gây ra ăn quá nhiều, điều này có thể vô hiệu tác dụng của việc nhịn ăn.
Tiến sĩ Dương gợi ý rằng trong thời gian nhịn ăn, nên ăn nhiều thực phẩm hữu cơ và có nguồn gốc thực vật, tránh ăn quá nhiều đường và chất béo, đồng thời uống nhiều nước. Bạn cũng nên tập thể dục vừa phải trong khoảng “cửa sổ” ăn uống vì điều này có thể mang lại kết quả tốt hơn.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times