Nhãn ‘hữu cơ’ không có ý nghĩa như trước đây

Doanh số bán thực phẩm hữu cơ vượt 60 tỷ USD Mỹ trong năm 2022 nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn có thể đang lợi dụng các lỗ hổng [trong yêu cầu sản xuất thực phẩm hữu cơ].

Thực phẩm hữu cơ thường được xem là sự lựa chọn thực phẩm tốt nhất nhưng một số chuyên gia cho rằng nhãn “hữu cơ” có thể không còn ý nghĩa như trước đây.

Sự thay đổi của ý nghĩa “hữu cơ”

Nói chung, thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được trồng hoặc sản xuất mà không dùng một số loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón nhất định. Đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, hữu cơ thường có nghĩa là các sản phẩm như thịt, cá, trứng và sữa không chứa hormone tổng hợp và thức ăn chăn nuôi biến đổi gene.

Phong trào hữu cơ bắt đầu vào những năm 1940 sau khi nông dân bắt đầu dùng các loại phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp trong Cách mạng Xanh để tăng năng suất, thay vì dựa vào các phương pháp truyền thống hơn như ủ phân, trồng luân canh, trồng xen canh và chăn thả gia súc trên đồng cỏ, vốn là các kỹ thuật để bảo đảm chất lượng và độ phì nhiêu của đất. Khi mối lo ngại về xói mòn đất và những tác động bất lợi của việc dùng các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp đối với môi trường gia tăng thì phong trào hữu cơ cũng phát triển theo.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thuật ngữ hữu cơ này không còn giữ nguyên ý nghĩa như ban đầu khi bắt đầu được đưa vào hệ thống cung cấp thực phẩm.

Bà Marion Nestle, cựu giáo sư chuyên về dinh dưỡng, nghiên cứu thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại New York University và là cố vấn chính sách dinh dưỡng cấp cao trước đây tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ý nghĩa ban đầu của “hữu cơ” gần giống với những gì mà thời này người ta gọi là nông nghiệp tái sinh – canh tác dựa vào các phương pháp truyền thống hơn để phục hồi chất lượng đất, tăng khả năng phục hồi của đất, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm sự đa dạng sinh học cũng như sinh kế của nông dân. Bà lưu ý rằng những gì mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gọi là “hữu cơ” thường không bảo đảm những điều này.

Bà Nestle nhận xét, “Các tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hạn chế thuốc trừ sâu, biến đổi gen và bùn thải nhưng không yêu cầu phải áp dụng các phương pháp [nông nghiệp] tái sinh, mặc dù một số nông dân hữu cơ có thực hành các phương pháp này.”

Bà cho biết hữu cơ công nghiệp có thể bỏ qua các yêu cầu hữu cơ, đồng thời cho biết thêm, “Hữu cơ công nghiệp tuân theo các quy tắc hữu cơ cần phải có nhưng lại cắt giảm các công đoạn để giảm chi phí.”

Việc cắt giảm công đoạn và quy mô kinh tế đã đem lại lợi thế đáng kể cho các trang trại công nghiệp lớn hơn và những gì mà bà Nestle gọi là “Hữu cơ lớn” so với các trang trại nhỏ hơn do gia đình sở hữu. Khi được hỏi liệu có lỗ hổng nào trong hệ thống hữu cơ mà các doanh nghiệp lớn hơn có thể khai thác, bà Nestle trả lời, “Có. Mọi thứ đều có thể.”

Thực phẩm hữu cơ có bổ dưỡng hơn không?

Cộng đồng y khoa và khoa học hiện vẫn còn tranh luận giữa việc liệu thực phẩm hữu cơ có thực sự bổ dưỡng hơn thực phẩm được trồng thông thường hay không.

Bà Kerry Torrens, chuyên gia dinh dưỡng đã có giấy phép hành nghề và là cộng tác viên thường xuyên cho tập san và chương trình “Good Food” (“Thực phẩm tốt”) của đài truyền hình BBC, nói với The Epoch Times rằng, “Cho đến nay, vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng dài hạn nào đo lường các kết quả sức khỏe trực tiếp từ thực đơn ăn uống hữu cơ.” Bà Torrens đã chỉ ra sự phức tạp của những so sánh như vậy, đồng thời lưu ý rằng ở cấp độ dinh dưỡng đa lượng sự khác biệt giữa hai loại thực phẩm này là không đáng kể.

Bà cho biết thêm, “Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát dường như đang đưa ra một số phát hiện quan trọng liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với các lợi ích sức khỏe.” Những lợi ích này dường như liên quan đến những gì không có trong thực phẩm hữu cơ nhiều hơn là những gì có trong thực phẩm hữu cơ.

Bà Torrens cho biết, người tiêu dùng có lý do để lo ngại về việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu, không chỉ vì sức khỏe của chính họ mà còn của thế hệ tương lai. Thuốc trừ sâu được cho là có liên quan đến nhiễm trùng tai ở trẻ em, các vấn đề về sinh sản và dị ứng, cùng nhiều mối lo ngại khác. Bà Torrens cho biết thêm, “Nhận thức hiện tại ủng hộ độc tính của các hóa chất này, vì vậy việc giảm tiếp xúc với các hóa chất sẽ mang lại lợi ích sức khỏe. Ngoài ra, chất lượng của đất rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh và dân số tương lai.”

Một nghiên cứu quan sát đã phát hiện rằng những người tiêu thụ nhiều thực phẩm hữu cơ nhất đã giảm 25% nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, loại nghiên cứu này không thể chứng minh được mối liên hệ nguyên nhân và kết quả, vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn.

Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều có cùng quan điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi [người tiêu dùng] dễ dàng tìm thấy nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, thì họ cần chú trọng đến việc ăn thực phẩm toàn phần thay vì phân vân về nhãn hàng hữu cơ.

Đưa ra sự lựa chọn

Với quá nhiều nhầm lẫn xung quanh nhãn hữu cơ, một số tổ chức đang cố gắng giúp người tiêu dùng dễ dàng quyết định sản phẩm nào cần mua.

Các nhóm vận động, bao gồm Nhóm Công tác Môi trường (EWG), đã tạo ra các công cụ trợ giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm hữu cơ nào đáng mua. Một nguồn thông tin phổ biến có tên là “Dirty Dozen” (“Mười hai sản phẩm bẩn”) liệt kê các loại trái cây và rau củ có nhiều khả năng bị nhiễm hóa chất và có hàm lượng thuốc trừ sâu cao, thường là do vỏ mỏng hoặc không có vỏ. Danh sách mới nhất này bao gồm các loại trái mọng, rau xanh như rau bina và cải xoăn, táo, đào và đậu xanh.

Ngoài ra, dựa trên phân tích của Nhóm Công tác Môi trường về dữ liệu gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, “The Clean Fifteen” (“Mười lăm sản phẩm sạch”) liệt kê các loại trái cây và rau củ không phải hữu cơ nhưng tương đối an toàn để ăn do hàm lượng dư lượng thuốc trừ sâu thấp hơn. Trong đó, bơ, bắp ngọt, thơm (dứa) và hành tây đứng đầu danh sách này.

Việc lựa chọn ăn thực phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ hay phương pháp thông thường cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: mối quan tâm cá nhân, tình hình tài chính, vị trí địa lý và nguồn thực phẩm sẵn có.

Các thành phố lớn như New York hay Los Angeles thường xuyên có các chợ nông sản cung cấp nông sản và thịt gia súc từ các trang trại hoạt động ngay bên ngoài thành phố. Những người sống ở những khu vực nhỏ hơn, xa xôi hơn có thể phải vất vả hơn để tìm nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ. Ở những khu vực này, có thể chú trọng hơn vào việc thay thế thực phẩm chế biến sẵn bằng nhiều trái cây và rau củ. Việc hiểu rõ hơn về nguồn cung cấp thực phẩm, cách chúng tác động đến sức khỏe và những lựa chọn sẵn có, có thể giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn