Nắng nóng mùa hè và bệnh tiểu đường: Lời khuyên giúp phòng ngừa say nắng và duy trì sức khỏe
Bệnh nhân tiểu đường nên cẩn thận để tránh mất nước và say nắng trong những tháng hè nóng nực.
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và làm thay đổi thói quen ăn uống, có thể gây ra những thay đổi về thể trạng ở một số bệnh nhân bị bệnh mạn tính. Đối với bệnh nhân tiểu đường, liệu tình trạng có thực sự trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè không? Trong môi trường nhiệt độ cao như vậy thì cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề gì?
Thật vậy, nhiệt độ và độ ẩm cao vào mùa hè sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý sức khỏe và kiểm soát bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong những tháng hè nóng nực.
Mất nước và nhiệt độ cao ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu
Nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể mất nước, từ đó ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu. Mất nước làm cho đường trong máu cô đặc hơn, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh nhân tiểu đường cần phải uống đủ nước để duy trì cân bằng chất lỏng và ổn định lượng đường trong máu.
Lựa chọn cách ăn uống
Những thực phẩm chứa nhiều đường hấp dẫn như món tráng miệng trái cây, kem và đồ uống ngọt, lạnh thường được ưa thích trong mùa Hè nhưng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý hơn đến việc tuân thủ các đề nghị về cách ăn uống của bác sĩ và tránh ăn quá nhiều thực phẩm có lượng đường cao.
Tập thể dục và hoạt động thể chất
Tập thể dục vừa phải rất quan trọng để kiểm soát lượng đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và duy trì sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động và tập thể dục ngoài trời của bệnh nhân tiểu đường – vì vậy, người bệnh có thể lựa chọn tập luyện vào thời điểm mát mẻ, đồng thời lưu ý tránh gắng sức quá mức và mất nước.
Thay đổi độ nhạy insulin
Một số bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải những thay đổi về độ nhạy insulin khi thời tiết nóng bức, có thể cần điều chỉnh liều insulin hoặc liều thuốc hạ đường huyết để thích ứng với những thay đổi này.
Mặc dù thời tiết mùa hè có thể có một số tác động đến việc quản lý bệnh tiểu đường, nhưng điều quan trọng là bệnh nhân phải tập trung vào việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ nước, tập thể dục vừa phải và duy trì liên lạc chặt chẽ với các chuyên gia y tế để theo dõi tình trạng bệnh của mình
7 cách phòng ngừa say nắng cho bệnh nhân tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường phải đặc biệt chú ý phòng ngừa say nắng vào mùa hè vì họ có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao và tình trạng mất nước. Dưới đây là một số lời khuyên để phòng ngừa say nắng:
1. Duy trì đủ nước
Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể rất dễ bị mất nước do đổ mồ hôi. Uống đủ nước có thể giúp duy trì mức đường huyết ổn định. Nếu được bác sĩ cho phép, bệnh nhân có thể tăng lượng nước uống vừa phải.
2. Tránh các hoạt động ngoài trời khi thời tiết quá nóng
Bệnh nhân tiểu đường nên tránh các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa. Tốt nhất là nên tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng hoặc buổi tối khi thời tiết tương đối mát mẻ.
3. Tập thể dục vừa phải
Ở nhiệt độ cao, bệnh nhân tiểu đường nên tránh tập thể dục gắng sức. Tuy nhiên, vẫn cần tập thể dục nhẹ nhàng và vừa phải để kiểm soát lượng đường huyết và duy trì sức khỏe tốt. Có thể chọn các hoạt động nhẹ nhàng như bơi lội trong nhà, yoga hay giãn cơ.
4. Mặc quần áo phù hợp
Nên chọn quần áo nhẹ, thoáng khí để giúp hạ nhiệt độ cơ thể và giảm tiết mồ hôi quá nhiều. Đội mũ rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ đầu và mắt khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
5. Sử dụng kem chống nắng và tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời
Da của bệnh nhân tiểu đường có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời so với người bình thường, vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như dùng kem chống nắng có chỉ số SPF cao và tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời.
6. Thường xuyên theo dõi lượng đường huyết
Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi lượng đường huyết chặt chẽ hơn vào mùa Hè. Nếu nhận thấy mức đường huyết tăng hoặc giảm bất thường, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp thích hợp theo lời khuyên của bác sĩ.
7. Cảnh giác với các triệu chứng say nắng
Bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ bị say nắng cao hơn và bệnh nhân nên nhận biết về các triệu chứng của say nắng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và nhịp tim nhanh. Nếu những triệu chứng này xảy ra, nên đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi càng sớm càng tốt và tìm cách điều trị y tế kịp thời.
Chú ý đến khẩu phần ăn trong mùa hè
Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát việc ăn trái cây, món tráng miệng hoặc đồ uống có nhiều đường trong mùa Hè, không nên ăn những món quá cay. Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, bao gồm bột yến mạch, nấm, cần tây, rau bina, mướp đắng và bí đỏ.
Các huyệt dùng cho bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt để giúp cải thiện chức năng của tỳ và vị, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm lượng đường trong máu. Những huyệt này bao gồm Túc tam lý (ST36), Thủ tam lý (LI10), Hợp cốc (LI4).
Theo Trung y, kinh mạch nơi năng lượng của cơ thể con người lưu thông; có 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 cơ quan. Một số điểm trên kinh mạch này được coi là các huyệt. Kích thích các huyệt tương ứng qua châm cứu và xoa bóp có thể điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times