Kẽm có thể rút ngắn thời gian bị bệnh cảm lạnh thông thường nhưng không ngăn ngừa được bệnh
Kẽm được biết đến rộng rãi với vai trò điều biến hệ miễn dịch, nhưng một số nhà khoa học cho biết họ “không mấy tin tưởng” vào việc kẽm có thể làm giảm thời gian bị bệnh cảm lạnh.
Theo một bài tổng quan hệ thống, việc bổ sung kẽm có thể không ngăn ngừa được bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng bằng chứng cho thấy khoáng chất này làm giảm thời gian bị bệnh xuống vài ngày.
Một bài báo được đăng tải gần đây trên Cơ sở dữ liệu tổng quan hệ thống Cochrane đã kiểm tra 34 nghiên cứu hiện có với 8,526 người tham gia để đánh giá xem liệu kẽm có hiệu quả và an toàn trong việc ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh thông thường hay không. 19 thử nghiệm trên người đã xem xét kẽm như một phương pháp điều trị và 15 thử nghiệm đánh giá khả năng ngăn ngừa cảm lạnh của kẽm.
Khi các nhà khoa học chia nhỏ nghiên cứu, họ nhận thấy việc bổ sung kẽm có thể làm giảm rất ít hoặc không đáng kể nguy cơ bị bệnh cảm lạnh so với giả dược. Tuy nhiên, bài tổng quan từ 8 nghiên cứu trên 972 người cho thấy kẽm có thể làm giảm thời gian của các triệu chứng cảm lạnh xuống khoảng hai ngày.
Đồng thời, các tác giả cho biết họ không mấy tin tưởng vào bằng chứng cho thấy kẽm có thể tác động tích cực đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tác giả cao cấp Susan Wieland, trợ lý giáo sư tại Trường Y khoa thuộc University of Maryland cho biết trong một bản tin của Cochrane, “Bằng chứng về tác dụng của kẽm vẫn chưa được xác định: chúng tôi cần những nghiên cứu sâu hơn trước khi tin tưởng vào điều này. Các nghiên cứu trong tương lai nên áp dụng phương pháp tiêu chuẩn để quản lý và báo cáo phương pháp điều trị cũng như xác định và báo cáo kết quả. Các nghiên cứu bổ sung tập trung vào loại và liều lượng hứa hẹn nhất của sản phẩm kẽm và sử dụng phương pháp thống kê thích hợp để đánh giá kết quả quan trọng với bệnh nhân sẽ cho phép chúng tôi hiểu rõ liệu kẽm có vai trò trong điều trị cảm lạnh thông thường hay không.”
Tác dụng phụ thường gặp do bổ sung kẽm trong nghiên cứu bao gồm mùi vị khó chịu, mất khứu giác, nôn mửa, co thắt dạ dày và tiêu chảy. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo. Tuy nhiên, các tác giả cho biết lợi ích tiềm tàng của kẽm cần được cân bằng với tác dụng phụ.
Đồng tác giả Daryl Nault thuộc Đại học Y tế Tích hợp Maryland cho biết trong thông cáo báo chí: “Những người đang cân nhắc sử dụng kẽm để điều trị cảm lạnh nên lưu ý đến cơ sở bằng chứng hạn chế và tác dụng phụ có thể xảy ra. Cuối cùng, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân khi quyết định xem nguy cơ gặp tác dụng phụ khó chịu tiềm ẩn có xứng đáng với lợi ích của việc rút ngắn thời gian bị bệnh hay không.”
Kẽm là gì?
Theo Viện Y tế Quốc gia, kẽm là một khoáng chất thiết yếu tham gia vào nhiều quá trình sinh học, bao gồm chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, tổng hợp DNA và phân chia tế bào. Kẽm cũng ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác của một người.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu kẽm có thể làm giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Kẽm cũng làm giảm khả năng sản xuất kháng thể và thay đổi biểu hiện của các cytokine – vốn có vai trò điều phối phản ứng miễn dịch và làm suy yếu khả năng của hệ miễn dịch trong việc tạo ra phản ứng hiệu quả chống lại mầm bệnh.
Tiến sĩ Craig M. Wax, bác sĩ và chuyên gia chính sách chăm sóc sức khỏe, nói với The Epoch Times, “Kẽm được biết đến là chất điều biến miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ miễn dịch.”
Kẽm đã được nhiều người coi là chất chống viêm và chống oxy hóa, và khi được sử dụng với các hợp chất khác sẽ rút ngắn thời gian bị bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tiến sĩ Wax cho biết, tất cả các tác nhân chúng tôi sử dụng để chống lại COVID-19 trên lâm sàng, chẳng hạn như hydroxychloroquine và quercetin, đều đưa kẽm vào tế bào để thực hiện các hoạt động.
Hơn nữa, kẽm “làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng ssRNA [single-stranded RNA – RNA chuỗi đơn] và rút ngắn thời gian bị bệnh khi dùng sớm.” Ông cho biết thêm, kẽm cũng “ức chế trong gần như toàn bộ vòng đời của HSV [herpes simplex virus].”
Trong một bài tổng quan trước đây của Cochrane về kẽm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 15 thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược bằng cách dùng viên ngậm kẽm trong ít nhất 5 ngày liên tục để điều trị hoặc ít nhất 5 tháng để ngăn ngừa cảm lạnh thông thường. Họ phát hiện việc bổ sung kẽm có liên quan đến “giảm đáng kể” thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh, đồng thời tìm thấy “sự khác biệt đáng kể” giữa những người dùng kẽm và nhóm đối chứng.
Đáng chú ý, bổ sung kẽm trong vòng 24 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cảm lạnh ở người khỏe mạnh. Khi bổ sung kẽm trong ít nhất 5 tháng để phòng ngừa, các tác giả nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh, nghỉ học và kê đơn kháng sinh đã giảm ở trẻ em.
Sự khác biệt trong thử nghiệm có thể giải thích kết quả của bài tổng quan
Mặc dù bài tổng quan Cochrane gần đây bao gồm 34 thử nghiệm nhưng chúng khác nhau về nhiều mặt. Các thử nghiệm đã áp dụng nhiều dạng, liều lượng cũng như đường dùng kẽm khác nhau. 17 trong số 34 nghiên cứu sử dụng viên ngậm kẽm. Một số nghiên cứu sử dụng kẽm acetate, trong khi nghiên cứu khác dùng kẽm gluconate và orotate. Liều lượng thay đổi từ 45 đến 276 miligram/ngày. Một nghiên cứu dùng kẽm gluconate qua đường mũi và kết hợp với kẽm orotate đường uống.
Trong số 17 nghiên cứu không sử dụng viên ngậm, kẽm được dùng dưới dạng viên nang, bột hòa tan, viên nén, si-rô và qua đường mũi. Các thử nghiệm không bao gồm các biến thể của kẽm có sinh khả dụng cao nhất, chẳng hạn như kẽm picolinate và kẽm bisglycinate, cũng như không bao gồm kẽm citrate, kẽm glycinate hoặc kẽm monomethionine.
Ngoài ra, không có sự nhất quán trong cách đo lường hoặc báo cáo kết quả. Một số thử nghiệm sử dụng khoảng thời gian cố định và hỏi người tham gia liệu cuối cùng họ có bị cảm lạnh hay không. Những người khác tính toán thời gian từ khi các triệu chứng bắt đầu đến khi hết và mỗi nghiên cứu định nghĩa điều này khác nhau. Theo thông cáo của Cochrane, hầu hết nghiên cứu không theo dõi các triệu chứng riêng lẻ, chẳng hạn như đau họng, ho hoặc sốt, vì vậy “không đủ bằng chứng để đưa ra bất kỳ kết luận đáng tin cậy nào về các triệu chứng cụ thể.” Các phương pháp được sử dụng để kiểm tra xem kẽm có hiệu quả hay không cũng khác nhau đáng kể.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times