Aspirin có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng bằng cách cải thiện hệ miễn dịch
Khả năng chống ung thư của aspirin phụ thuộc vào việc cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ác tính.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học cho rằng aspirin có khả năng bảo vệ con người khỏi căn bệnh ung thư đại trực tràng nguy hiểm vốn có thể gây tử vong. Nhưng chỉ đến bây giờ họ mới giải mã được lý do tại sao loại thuốc giảm đau thông thường này có thể đạt được thành tựu như vậy.
Các nhà nghiên cứu phát hiện khả năng chống ung thư của aspirin phụ thuộc vào việc cải thiện miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ác tính.
Aspirin tăng khả năng giám sát miễn dịch các khối u
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư xảy ra đại tràng hoặc trực tràng. Trên toàn cầu, đây là loại ung thư phổ biến thứ ba và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai liên quan đến ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư đại trực tràng chiếm khoảng 1/10 tổng số ca ung thư. Theo WHO, vào năm 2020, có gần 2 triệu ca ung thư đại trực tràng mới trên toàn thế giới – thường được phát hiện muộn, hạn chế khả năng điều trị – khiến hơn 930,000 người tử vong.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Cancer (Tập san Ung thư), một tập san được bình duyệt của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cho rằng aspirin có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng bằng cách cải thiện một số khía cạnh của phản ứng miễn dịch tự nhiên chống lại các tế bào ác tính. Các nhà khoa học đã phân tích 238 bệnh nhân ung thư đại trực tràng trải qua phẫu thuật từ năm 2015 đến năm 2020, trong đó 12% sử dụng aspirin thường xuyên. Kết quả từ mẫu mô cho thấy người dùng aspirin ít bị ung thư di căn hơn và khả năng thâm nhiễm tế bào miễn dịch khối u cao hơn so với người không sử dụng.
Phân tích sâu hơn trong phòng thí nghiệm cho thấy việc tiếp xúc với aspirin làm tăng biểu hiện của protein CD80 trên một số tế bào miễn dịch. CD80 được biết đến với vai trò điều chỉnh hoạt động tế bào và sự biểu hiện ngày càng tăng đã nâng cao khả năng của tế bào miễn dịch trong việc phát hiện các protein liên quan đến khối u.
Bệnh nhân ung thư trực tràng sử dụng aspirin có nồng độ CD80 cao hơn trong mô trực tràng khỏe mạnh, cho thấy aspirin kích thích khả năng giám sát miễn dịch.
Tiến sĩ Marco Scarpa, bác sĩ phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Đại học Padova ở Ý và là nhà nghiên cứu chính, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cơ chế bổ sung trong phòng ngừa hay điều trị ung thư bằng aspirin bên cạnh cơ chế thuốc cổ điển liên quan đến ức chế viêm.”
Bà Nazlie Latefi, người có bằng tiến sĩ về khoa học thần kinh, hóa sinh và sinh học phân tử và không liên quan đến nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng aspirin cũng có thể bảo vệ chống lại ung thư đại trực tràng bằng cách giảm viêm, một điều có thể làm giảm khả năng chống ung thư của hệ miễn dịch.
Vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ ý nghĩa của các phương pháp điều trị hoặc chiến lược phòng ngừa mới.
Từ giảm đau đến phòng ngừa bệnh tật
Lịch sử của aspirin bắt nguồn từ khoảng 3,500 năm trước khi người Ai Cập cổ đại sử dụng vỏ cây liễu, một nguồn hợp chất tự nhiên. Tuy nhiên, chất này chỉ được tổng hợp thành thuốc vào năm 1897 bởi nhà hóa học Felix Hoffmann của Bayer, cuối cùng trở thành một trong những loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Các bằng chứng cho thấy loại chất có nguồn gốc tự nhiên này đang chứng tỏ là có hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng.
Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng aspirin liều thấp (81mg ít nhất 3 lần/tuần) làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú do hormone ở hơn 57,000 phụ nữ được theo dõi trong 8 năm. Các tác giả viết: “Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy việc giảm nguy cơ chỉ xảy ra với aspirin liều thấp chứ không phải với liều thông thường và chỉ ở những phụ nữ có phân nhóm thụ thể hormone dương tính/HER2 âm tính.”
Với liều lượng thấp từ 75mg đến 100mg, aspirin có thể giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng cách làm giảm sự hình thành cục máu đông trong các động mạch xơ vữa. Vì vậy, những người từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ thường được khuyên dùng aspirin hàng ngày để ngăn ngừa cục máu đông.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.