Ăn nhiều dầu đậu nành có thể làm tổn thương sức khỏe đường ruột và viêm đại tràng
Nghiên cứu mới trong lĩnh vực thực phẩm cho thấy ăn nhiều dầu đậu nành có thể liên quan đến viêm loét đại tràng, một bệnh viêm ruột mạn tính.
Bà Poonamjot Deo, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, “Kết quả của chúng tôi thách thức suy nghĩ đã tồn tại hàng chục năm rằng nhiều bệnh mạn tính bắt nguồn từ việc tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa từ các sản phẩm động vật, và ngược lại, chất béo không bão hòa từ thực vật tốt cho sức khỏe hơn.”
Các phát hiện cho thấy rằng ăn nhiều chất béo từ dầu đậu nành có thể đẩy nhanh quá trình khởi phát bệnh viêm đại tràng, phá vỡ vi hệ đường ruột, làm suy yếu quá trình điều hòa tế bào miễn dịch và tác động đến các chất chuyển hóa trong ruột.
Bà Deol cho biết, “Đó là kết hợp giữa [hiện tượng] lợi khuẩn đang chết đi và vi khuẩn có hại đang phát triển khiến đường ruột dễ bị viêm nhiễm hơn và gây ra các tác động tiêu cực.”
Lý do dầu đậu nành không tốt cho sức khỏe
Việc hấp thụ quá nhiều acid linoleic, một trong năm loại acid béo có trong dầu đậu nành, là điều khiến các nhà nghiên cứu lo ngại. Thông thường, dầu đậu nành chứa khoảng 55% acid linoleic.
Acid linoleic là acid béo không bão hòa đa cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Tuy nhiên, cơ thể không thể sản xuất acid linoleic và phải lấy thông qua thực phẩm.
Người ta ước tính rằng cơ thể con người cần 1% đến 2% tổng lượng calorie từ acid linoleic hàng ngày. Tuy nhiên, việc hấp thụ quá nhiều có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch vành, tác dụng phụ tiềm ẩn đối với chức năng não, và các vấn đề trao đổi chất khác nhau. Bà Deol cho biết, “Người Mỹ thời nay đang nhận được 8 đến 10% năng lượng từ acid linoleic hàng ngày, phần lớn là từ dầu đậu nành.”
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy mặc dù ăn nhiều dầu đậu nành không trực tiếp gây viêm đại tràng, nhưng lại làm tổn thương chức năng hàng rào bảo vệ ruột, dẫn đến tăng khả năng bị viêm đại tràng.
Hơn nữa, cách ăn này làm phá vỡ sự cân bằng của một loại protein quan trọng được gọi là yếu tố hạt nhân tế bào gan 4 alpha (HNF4A), có liên quan đến cả viêm đại tràng và ung thư đại tràng.
Ngoài ra, phân tích chuyển hóa cho thấy sự mất cân bằng giữa acid béo omega-6 và omega-3.
Những yếu tố này, dù riêng lẻ hay kết hợp, đều có khả năng góp phần tạo ra môi trường đường ruột kém có thể dẫn đến sự phát triển của viêm đại tràng.
Đó cũng là lý do vì sao các tác giả cũng ghi nhận sự tương đồng giữa sự gia tăng các trường hợp bị bệnh viêm ruột và sự gia tăng tiêu thụ dầu đậu nành ở Hoa Kỳ. Điều này cho thấy có thể có mối liên hệ ở đây.
Ngoài ra, dầu ô liu và một biến thể dầu đậu nành biến đổi gene có chứa 7.42% acid linoleic không làm tăng khả năng bị bệnh viêm đại tràng.
Những phát hiện này cho thấy hàm lượng acid linoleic tăng cao trong dầu đậu nành thông thường có thể là yếu tố quyết định mối liên hệ tiềm ẩn với bệnh viêm đại tràng.
Thành phần acid linoleic trong dầu ăn
Dầu đậu nành là một trong những loại dầu ăn được sử dụng nhiều nhất trong các nhà hàng vì giá rẻ, điểm bốc khói cao, hương vị trung tính và nói chung là không gây dị ứng.
Dầu có hàm lượng acid linoleic cao hơn
Nhiều loại dầu thực vật khác nhau, chẳng hạn như dầu ngô, dầu cây rum, dầu hạt nho và dầu hướng dương, có hàm lượng acid linoleic cao hơn dầu đậu nành.
Dầu có hàm lượng acid linoleic thấp hơn
Dầu canola (hạt cải) thường chứa ít acid linoleic hơn dầu đậu nành, trung bình khoảng 20%. Dầu dừa, cọ, và bơ thậm chí còn có hàm lượng acid linoleic thấp hơn, dao động từ khoảng 2 đến 14%.
Mỡ động vật chứa hàm lượng acid linoleic thấp hơn. Mỡ heo thường bao gồm khoảng 10% acid linoleic, trong khi bơ chỉ có 2%.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times