Sống một cách có chủ đích
Cách nhanh nhất để có được một cuộc sống tốt hơn là bạn nên loại bỏ những gì làm phiền đến bạn.
Tôi có thể đoán hai điều về bạn:
- Bạn đang đọc bài viết này, vì vậy có khả năng bạn là một người thường xuyên đọc các lời khuyên làm thế nào để sống tốt hơn.
- Bạn đã dừng lại và đọc về chủ đề làm thế nào để sống có chủ đích hơn, điều này cho tôi biết rằng có thể bạn chưa tìm thấy chủ đích riêng cho mình.
Không sao cả, không phải ai cũng tìm được chủ đích riêng cho mình. Điều đầu tiên tôi muốn nói về việc sống một cuộc sống có chủ đích, đó là một hướng đi chứ không phải là nơi để dừng chân. Đó là một công cụ chứ không phải thước đo của cuộc sống. Cuộc sống là thứ cần được đón nhận với lòng biết ơn, xứng đáng được tận hưởng và cách sống có chủ đích — không phải là vấn đề cần được tối ưu hóa.
Sống có chủ đích giúp ta loại bỏ những phiền nhiễu và cho phép ta tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống.
Vậy sao chúng ta lại không sống có chủ đích?
Theo kinh nghiệm của tôi, có một vài trở ngại thường xuyên xảy ra khi chúng ta quyết định bắt đầu sống có chủ đích.
Rào cản đầu tiên mà chúng ta thường gặp phải là vì có quá nhiều cách sống để chúng ta lựa chọn. Chúng ta có quá nhiều ý tưởng về kiểu người mà chúng ta muốn trở thành. Hoặc chúng ta đã bắt đầu đi theo một con đường riêng do mình lựa chọn, rồi lúc nào đó ta đọc một cuốn sách hoặc bài báo hay, và sau đó bị kéo đi sang một hướng khác. Một phần là do ta chúng ta lo sợ bị bỏ lỡ thứ gì đó tốt hơn.
Rào cản thứ hai thường liên quan đến tính bền vững. Chúng ta hay đòi hỏi quá nhiều, thay đổi quá nhanh và thường gánh vác nhiều hơn những gì chúng ta có thể gánh vác. Chúng ta thường hay thêm nhiều tập quán và thói quen mới vào cuộc sống của mình, nhưng toàn bộ sẽ tan rã ngay nếu ta đụng phải căng thẳng trong cuộc sống.
Giải pháp cho các vấn đề phức tạp
Tôi đã bị thuyết phục rằng khi tôi đang cố gắng tìm ra giải pháp cho một vấn đề phức tạp (như “cách sống có chủ đích”) thì điểm tốt nhất để bắt đầu là xem xét những gì có thể loại bỏ thay vì thêm vào.
Phép trừ mạnh hơn nhiều so với phép cộng. Hãy để tôi minh họa bằng một ví dụ đơn giản.
Từ xưa đến nay, con người ta sống và làm việc dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng trong 50 năm qua, tỷ lệ ung thư da đã tăng cao cùng với doanh số kem chống nắng cũng tăng cao. Cả hai tỉ lệ thuận với nhau. Như vậy, vấn đề nằm ở đâu?
Khi chúng ta bắt đầu sử dụng kem chống nắng thường xuyên (giải quyết vấn đề bằng cách bổ sung), chúng ta cũng bắt đầu tiếp xúc với các hóa chất mới chưa được thử nghiệm trong thời gian dài. Một số trong số chúng hiện có liên quan đến một số loại ung thư. Đồng thời, chúng ta hiện có hơn 40% dân số Hoa Kỳ thiếu “sinh tố” vitamin D. Cho dù kết quả của những ví dụ cụ thể này là gì, việc thêm bất cứ thứ gì vào một hệ thống phức tạp sẽ tạo ra những tác động thứ cấp khó có thể đoán trước được.
Theo tôi, lựa chọn an toàn hơn là nên ít phụ thuộc vào kem chống nắng hơn (giải quyết vấn đề bằng phép trừ): tìm bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày và mặc quần áo bảo vệ làn da của bạn, bao gồm cả nón rộng vành. Ngoài ra, đừng dành cả tuần ở trong nhà và sau đó là dành cả cuối tuần để tắm nắng ở bãi biển — hãy phơi nắng giảm dần với liều lượng ít hơn. Hãy thoa kem chống nắng khi cần thiết nếu bạn không thể tự bảo vệ mình một cách an toàn. Đơn giản chỉ có vậy thôi!
Sống có chủ đích bằng phép trừ
Ý tưởng loại bỏ hoặc giảm bớt này có thể mang lại hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó rất giống với khái niệm cắt tỉa một bụi cây hoặc một cái cây để làm cho cây khỏe mạnh và đâm nhiều chồi mới.
Mặc dù bạn có thể bị cám dỗ để thực hiện một loạt các thay đổi hoặc bổ sung trong cuộc sống của mình, nhưng bí quyết thực sự là tập trung. Có một câu nói tuyệt vời của Steve Jobs về chủ đề như sau:
“Mọi người thường nghĩ rằng tập trung nghĩa là nói CÓ với điều bạn phải tập trung vào. Nhưng không phải nghĩa đó. Tập trung có nghĩa là nói KHÔNG với hàng trăm ý tưởng ngổn ngang đẹp đẽ đang hiện hữu. Bạn phải lựa chọn cẩn thận.”
Tất nhiên là ông ấy đúng. Sống có chủ đích không phải lúc nào bạn cũng nói “CÓ,” mà là bạn nên nói “KHÔNG,” không phải những gì bạn đang bắt đầu làm, mà là những gì bạn đang ngừng làm. Dọn dẹp sạch phần gốc rễ bị chết, cắt tỉa những cành yếu và cây già cỗi, mầm xanh và hoa trái sẽ tự sinh trưởng.
Khi bạn tập trung vào việc loại bỏ — giả sử như những điều phiền nhiễu lớn nhất hoặc thói quen tồi tệ nhất của bạn — bạn sẽ không bị sa lầy vào một biển cả với nhiều khả năng kích hoạt, hoặc một danh sách dài với các kỹ thuật tự trợ giúp mới để bạn thử. Bạn cũng không bị choáng ngợp khi làm quá nhiều việc và thay đổi quá nhanh, bởi vì loại bỏ là một cách đơn giản và mạnh mẽ hơn nhiều để cải thiện cuộc sống của bạn. Mọi người đều biết sự phân tâm lớn nhất của họ và quen thuộc với những thói quen tồi tệ nhất của họ. Cho đến khi bạn tự chủ động chăm sóc cái cây ăn trái này của bạn thì bạn không cần phải tập trung vào việc gì nữa.
Bắt đầu cắt cành và tỉa cây
Nếu bạn đã sẵn sàng để bắt đầu cắt tỉa — đây là một số việc ban đầu:
Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng. Điều gì hiện đang ngốn hết thời gian của bạn nhưng không tăng thêm giá trị về mặt nghỉ ngơi, hưởng thụ hoặc ý nghĩa thực sự? Xóa những hoạt động này khỏi cuộc sống của bạn hoặc đặt chúng vào những thời điểm cụ thể khác. Có thể bạn thích thứ gì đó nhưng cảm thấy khó thực hiện, hãy thử nhịn chúng trong một thời gian.
Loại bỏ những thói quen tồi tệ nhất của bạn. Có rất nhiều ẩn số khi bạn thêm vào một thói quen mới nào đó trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như: Tôi nên bắt đầu từ đâu? Nó sẽ bền vững không? Tôi có đủ thời gian cho việc này không? Thay đổi này sẽ có tác động như thế nào? Đây là một công thức cho sự không chắc chắn và thiếu tự tin. Nhưng bạn đã biết những thói quen tật xấu của mình là gì và hiểu rõ về tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống của bạn. Giải quyết những thói quen xấu của bạn là một việc nên làm và thường có kết quả tốt và cũng là việc nên làm nếu bạn muốn thay đổi chính mình.
Ngừng đọc self-help. Sách và blog về self-help (như sách này) có thể là nguồn cảm hứng và lời khuyên ban đầu tuyệt vời để bạn tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Nhưng tôi nhận thấy rằng nhiều người thường gặp khó khăn ở bước này. Suy nghĩ và đọc về việc thay đổi cuộc sống của họ mang lại cho họ cảm giác tự kiểm soát, không có bất kỳ phần khó khăn nào. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng đó là lời khuyên quan trọng rằng một khi bạn đã quyết định bắt đầu sống có chủ đích và bạn có ý tưởng chung về hướng mình đang hướng tới, bạn nên cắt bớt việc đọc và bắt đầu thực hiện.
Nói ‘KHÔNG’ với những cơ hội tốt. Không thiếu những cơ hội tốt và những thú vị để theo đuổi trong cuộc sống. Lý do mà hầu hết mọi người không sống có chủ đích là hiếm khi họ ngồi yên một chỗ và không làm gì cả ngày, mà điển hình hơn là họ bị kéo theo hàng trăm hướng khác nhau và không bao giờ thực sự tập trung nỗ lực của mình vào việc gì nhất định. Đừng để bị phân tâm bởi những thứ đánh bóng trong cuộc sống— hãy tiếp tục loại bỏ những thứ gây xao nhãng, loại bỏ những thói quen tật xấu và nên tập trung vào một vài điều thực sự quan trọng đối với bạn.
Thực hiện các ý tưởng đơn giản một cách nghiêm túc.
Nếu bạn muốn bắt đầu sống có chủ đích, bạn cần phải từ bỏ ý nghĩ rằng có một công thức kỳ diệu nào đó mà bạn chưa khám phá ra.
Bí mật là thực hiện những ý tưởng đơn giản một cách nghiêm túc.
Bạn không cần phải bắt đầu bằng cách thêm bất cứ thứ gì vào cuộc sống của mình; việc trước tiên là nên loại bỏ bớt.
Bạn không cần thêm thông tin; chỉ cần bắt đầu làm!
Bài viết này ban đầu được xuất bản trên This Evergreen Home.
Minh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: