Quả bơ có công dụng giảm cân hay không?
Nhiều nghiên cứu nhằm mục đích xóa tan những mối lo ngại về việc ăn quả bơ gây béo không có thiết kế nghiên cứu chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu cho rằng “tiêu thụ quả bơ góp phần tạo nên một chế độ ăn uống và dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.” Những người ăn quả bơ có tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hoá chỉ bằng một nửa [so với những không ăn bơ]. Nhưng đó là bởi vì ăn bơ, hay đơn giản chỉ do những người ăn bơ có chế độ ăn uống lành mạnh hơn nói chung?
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm những yếu tố nguy cơ gồm tăng đường máu, tăng triglyceride máu, tăng huyết áp, và béo phì. Đây là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh tiểu đường và tim mạch. Vậy quả bơ có tác dụng gì đến hội chứng chuyển hóa?
Hội đồng Bơ đã tài trợ các nghiên cứu cho thấy rằng quả bơ có thể giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Nhưng [kết luận này được đưa ra] khi so sánh quả bơ với điều gì? Bởi vì những nghiên cứu này được tài trợ bởi Hội đồng Bơ nên cần phải tìm hiểu cách mà các nhà nghiên cứu thiết kế thử nghiệm khi cho ra kết quả này.
Dữ liệu trên bắt nguồn từ một nghiên cứu cắt ngang trên 17,500 người. Những người tham gia được hỏi rằng họ có ăn quả bơ trong 24 giờ gần đây vào 2 ngày riêng biệt hay không. 2% trả lời “có,” vậy nên dữ liệu sức khoẻ từ vài trăm người cho biết gần đây đã ăn quả bơ được đem ra so sánh với dữ liệu sức khoẻ của 17,000 người còn lại không ăn quả bơ. Kết quả là tỉ lệ người mắc hội chứng chuyển hoá trong nhóm ăn bơ chỉ bằng ½ so với nhóm không ăn bơ. Những người trong nhóm ăn bơ cũng gầy hơn với vòng eo thon gọn hơn và trọng lượng cơ thể thấp hơn đáng kể, mặc dù không có sự khác biệt mấy về lượng calo đã hấp thu.
Các tác giả đã xem đây là một bí ẩn “cần nghiên cứu thêm.” Nhưng nghiên cứu này chỉ quan sát về số lượng calo mà người tham gia nghiên cứu tiêu thụ trong vài ngày diễn ra cuộc khảo sát chứ không phải xuyên suốt trong một khoảng thời gian. Nếu như vậy, bạn có thể liên tưởng đến việc mọi người giảm cân sau khi ăn quả bơ có phải vì quả bơ cũng giống như nhiều trái cây khác: hầu hết là nước, chất xơ và ít calo. Loại kem pho mát phết trên bánh mì tròn sẽ chứa lượng calo cao hơn gấp đôi so với kem từ quả bơ tươi. Có thể những người ăn quả bơ chỉ đơn giản là ăn uống lành mạnh hơn những người khác mà thôi. Ví dụ, nếu bạn thường phết sốt quả bơ tươi lên bánh mì nướng, bạn sẽ ít dùng đến bơ sữa hoặc bơ thực vật hơn.
Thật vậy, những người ăn quả bơ cũng nói rằng họ ăn nhiều trái cây, rau quả và ít đường hơn. Không có gì ngạc nhiên khi họ khoẻ mạnh hơn. Điều này được đề cập ngay ở tiêu đề của nghiên cứu do Hội đồng Bơ tài trợ: “Tiêu thụ quả bơ có liên quan đến chế độ ăn uống tốt hơn.” Vậy nên, trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng những người ăn uống lành mạnh hơn sẽ gầy hơn và có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Nhưng, điều này một phần có thể là do họ ăn bơ, không liên quan gì đến bơ, hoặc thậm chí là ăn hay không ăn bơ cũng vậy. Bạn sẽ không biết được cho đến khi bạn tiến hành thử nghiệm.
Vậy quả bơ có ảnh hưởng gì đến cân nặng cơ thể? Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ quả bơ giúp giảm cân, nhưng nghiên cứu này được thực hiện trên chuột cống và dùng chiết xuất từ… lá quả bơ. Có ai lại đi ăn lá quả bơ không? Thực ra ở Nigeria, lá trà từ quả bơ là một thảo dược được dùng để chữa tăng huyết áp. Liệu loại lá này có thật sự hiệu quả không? Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên một số bệnh nhân bị huyết áp cao, và dường như lá quả bơ “có tác dụng độc hại lên gan và có thể gây tổn thương gan.”
Có nghiên cứu nào trên con người liên quan đến quả bơ và cân nặng cơ thể không? Trong thập niên 1960, đã từng có nghiên cứu về quả bơ và cholesterol phát hiện ra rằng các đối tượng sẽ không tăng cân khi thêm quả bơ vào chế độ ăn của họ. Tôi đã tìm thấy tài liệu tham khảo cho nghiên cứu trên trong “Hiệp hội Bơ California niên giám 1960.” Báo cáo này than thở về việc thật khó để “gây ấn tượng với các bà nội trợ” về tất cả những lợi ích không tên của quả bơ.
Nghiên cứu trên đã chứng minh rằng cân nặng cơ thể không thay đổi mấy sau khi ăn bơ. Nhưng các nhà nghiên cứu không chỉ thêm quả bơ vào chế độ ăn – họ còn dùng quả bơ để thay một số chất béo động vật trong bữa ăn. Do đó về cơ bản họ đã thay thế mỡ thành quả bơ. Như thế đương nhiên sẽ không tăng cân! Bây giờ, hãy xem một trường hợp khi thực sự thêm quả bơ vào chế độ ăn. Anh ấy bắt đầu với 154 pound (70kg) và sau 3 tuần ăn thêm bơ thì không hề tăng cân. Có phải quả bơ gây cảm giác no và thoả mãn sau bữa ăn đủ để khiến bạn ăn những thứ khác ít đi? Bạn sẽ không thể biết được cho đến khi tiến hành thử nghiệm.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả của quả bơ Hass đối với cảm giác no và lượng calo được nạp vào sau đó. Thêm 1/2 quả bơ vào bữa trưa đã khiến người tham gia tăng cảm giác no và giảm cơn đói. Nhưng 1/2 quả bơ tương đương với khoảng 112 calo, nên những người tham gia sẽ đương nhiên thấy ít đói bụng hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu cảm giác ít đói bụng có khiến những người tham gia ăn ít hơn 112 calo vào buổi tối hay không? Câu trả lời là không. Trên thực tế, họ đã không ăn ít đi mấy.
Vậy, các nghiên cứu theo dõi trong một khoảng thời gian thì sao? Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã thêm nguyên một quả bơ vào chế độ ăn hàng ngày của mọi người trong 6 tuần. Kết quả cho thấy không có sự tăng cân đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã rất đắc ý tuyên bố rằng nghiên cứu này đã “xóa tan lầm tưởng rằng bơ là loại quả gây béo.” Nhưng cũng giống như nghiên cứu mỡ trước đó: các nhà nghiên cứu đã thêm một quả bơ, nhưng đồng thời cũng bớt đi nhiều chất béo khác như bơ thực vật, sốt mayonnaise và dầu ăn. Đây là một sự thay thế lành mạnh hơn bằng cách giảm bớt thức ăn nhanh và bổ sung dinh dưỡng và chất xơ. Nhưng nếu lượng calo thêm vào và bớt đi là bằng nhau, sẽ không ngạc nhiên nếu chẳng có sự thay đổi nào trong cân nặng. Trên thực tế, ai cũng có thể kết luận rằng nếu ăn quả bơ với một lượng chất béo tương đương với bơ thực vật, sốt mayonnaise, và dầu ăn, thì ảnh hưởng đến cân nặng là như nhau.
Có lẽ các bà nội trợ sẽ không ấn tượng lắm vì họ chỉ biết một chút về thiết kế nghiên cứu phù hợp.
Kiên Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times