Phân tích: Cơ quan ngôn luận của Trung Quốc gặp khó khăn khi thị phần toàn cầu thu hẹp
Trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các phương tiện truyền thông chính thức của mình để đưa Trung Quốc và “tiếng nói của Đảng” vào thị trường Mỹ. Một trong những cánh tay tuyên truyền ở ngoại quốc của họ, Trung Quốc Nhật báo (China Daily), dường như là một tổ chức tin tức hợp pháp và thành công, nhưng các hồ sơ tài chính cho thấy tờ báo này chủ yếu được ĐCSTQ tài trợ, thiếu người đăng ký và doanh thu thực sự. Ngoài ra, lượng phát hành của tờ báo này ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang giảm do sự hoài nghi ngày càng tăng đối với Trung Quốc và nội dung tin tức bị thao túng của tờ báo này.
Được thành lập năm 1981, Trung Quốc Nhật báo là một tờ nhật báo Anh ngữ có trụ sở tại Bắc Kinh, thuộc sở hữu của Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSTQ và chịu sự giám sát của Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện. Tờ báo này điều hành các văn phòng chi nhánh ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, nhưng không giống như các hãng thông tấn toàn cầu khác, phần lớn nhất trong thu nhập hoạt động của tờ báo này không phải từ lượng đặt mua online hoặc quảng cáo. Chi phí hoạt động của tờ báo này phần lớn đến từ nguồn tài trợ của ĐCSTQ. Khoản tiền này được hiểu là một hình thức đầu tư nhưng những gì họ kỳ vọng nhận lại không phải là lợi nhuận mà là truyền bá tuyên truyền của cộng sản.
Trung Quốc Nhật báo khoe khoang trên trang web chính thức của họ rằng họ “hợp tác với các tổ chức truyền thông lớn ở hơn 20 quốc gia trên thế giới để xuất bản phụ trang ‘China Watch’”. Phụ trang này được xác định là một quảng cáo trả tiền và được đưa vào các ấn phẩm tiếp cận hơn năm triệu “người dẫn dắt dư luận và độc giả cao cấp, bao gồm các chính trị gia, doanh nhân, và học giả.” Trung Quốc Nhật báo mô tả các hãng truyền thông ngoại quốc này là “những đối tác bền vững”.
Các phụ trang China Watch được tạo ra để trông có vẻ trung lập và thú vị. Nhưng sau khi đã thu hút được sự chú ý của người đọc, thì phần phụ trang này chuyển sang đưa tuyên truyền của ĐCSTQ vào một cách tinh vi.
Chẳng hạn, tháng 11/2021, phần phụ trang của China Watch trên Tạp chí Time bao gồm bốn trang đưa những tin tức đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc và các chính sách của ĐCSTQ. Nội dung viết, “Phạm Tịnh Sơn thu hút khách du lịch với phong cảnh hữu tình.” Tiếp theo là, “Các công ty Ngoại quốc Đặt Niềm tin vào Khả năng Phục hồi” và kỳ vọng nhận được lợi tức phát triển lớn hơn ở Trung Quốc. Một phụ trang trên tờ USA Today hồi tháng Sáu năm ngoái tuyên bố khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một trường học ở Hoa Kỳ vào năm 2015, “ông đã để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với học sinh của trường này.”
Tin tức thật hay PR đắt đỏ?
Xem xét việc China Watch thiên về ủng hộ chế độ Trung Quốc như thế nào, thì câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc Nhật báo có phải là một tổ chức tin tức thực sự hay chỉ đơn thuần là phòng ban quan hệ công chúng của ĐCSTQ. Rất có thể trường hợp này là như vậy vì ĐCSTQ vẫn không ngừng chi trả cho các hóa đơn của ấn phẩm bất chấp tình trạng tài chính suy kiệt của họ.
Báo cáo tài chính năm 2022 của Trung Quốc Nhật báo gửi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận hãng truyền thông này kinh doanh không có lãi. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp chi phí đắt đỏ và doanh thu thấp.
Hai báo cáo nửa năm (từ ngày 10/11/2021 đến ngày 30/04/2022 và từ ngày 01/05 đến ngày 31/10/2022) cho thấy tổng thu nhập của tờ báo này trong năm ngoái là 10.69 triệu USD, trong đó 97% đến từ chủ sở hữu của họ ở Bắc Kinh. Quảng cáo chỉ chiếm 248,000 USD trong tổng doanh thu, còn đơn đặt mua online chỉ mạng lại 41,000 USD. Dựa trên mức giá đặt mua báo online hàng năm của tờ báo này là 120 USD, thì con số trên cho thấy chỉ có 341 người đặt mua báo trong năm 2022.
Khi xem xét bản báo cáo chỉ dành cho ấn bản Hoa Kỳ của Trung Quốc Nhật báo, thì chỉ 0.4% doanh thu của họ đến từ đơn đặt báo và chỉ 2.3% đến từ quảng cáo. Để so sánh, báo cáo thường niên năm 2022 của The New York Times cho thấy 67% doanh thu của họ đến từ đơn đặt báo và 23% đến từ quảng cáo.
Nếu không có sự tài trợ liên tục của ĐCSTQ, thì Trung Quốc Nhật báo không thể tồn tại hay trang trải các chi phí của mình. Từ tháng Năm đến tháng Mười năm ngoái, Trung Quốc Nhật báo đã chi 1.24 triệu USD cho quảng cáo, 1.16 triệu USD cho in ấn, 1.11 triệu USD cho vận chuyển và phân phối, và 287,000 USD cho tiếp thị. Chưa đến 72,000 USD được chi cho các chi phí quản lý, và chưa đến 605,000 USD được sử dụng để trả lương cho nhân viên ở Hoa Kỳ.
Các đối tác phát tán tuyên truyền
Theo các tài liệu từ văn phòng Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc (FARA), Trung Quốc Nhật báo in và phân phối phụ trang China Watch bằng nhiều phương tiện truyền thông và công ty in ấn trên khắp thế giới. Nằm trong số các công ty tham gia vào việc truyền bá tuyên truyền của tờ báo này là The Los Angeles Times, SF Bay Area Printing Services, Sun Sentinel của Miami, Metroland Media của Toronto, Hawaii Hochi, The Boston Globe, Houston Chronicle, The Chicago Tribune, The Seattle Times, Sao Paulo Jornal da Tarde của Brazil, và Walton Press của Atlanta.
Hồ sơ của FARA cũng chỉ ra rằng chi tiêu của Trung Quốc Nhật báo tại Hoa Kỳ đã tăng vọt, từ nửa triệu dollar trong nửa đầu năm 2009 lên hơn 5 triệu USD cứ mỗi sáu tháng kể từ nửa cuối năm 2019. Nhưng dù cho [họ] có chi tiêu nhiều đến thế nào đi chăng nữa, họ có thể sẽ không còn tạo ra kết quả mà ĐCSTQ mong muốn.
Quy mô phát hành thu hẹp
Trung Quốc Nhật báo rõ ràng đang gặp khó khăn với các vấn đề phân phối và đã mất các đối tác nổi tiếng như The New York Times và The Washington Post. Trang web chính thức của tờ báo này không còn tuyên bố có “liên kết đối tác đa dạng với hơn 40 tổ chức truyền thông toàn cầu.”
Trong một ấn phẩm có tiêu đề “Thông báo về việc cải thiện hơn nữa hoạt động phân phối Trung Quốc Nhật báo,” Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng, “Trung Quốc Nhật báo là một trong những công cụ quan trọng của chúng ta trong việc thực hiện hoạt động tuyên truyền ở ngoại quốc.” Nhưng quy mô phát hành của tờ báo này bị thu hẹp chỉ là một trong nhiều mối lo ngại mà ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt.
Trong vài năm qua, ĐCSTQ đã tàn phá thế giới bằng đại dịch COVID-19, hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, và hiện đang bị nghi ngờ thả khinh khí cầu gián điệp trên khắp thế giới. Một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hôm 07/03 cho thấy ĐCSTQ đã vượt qua Nga để trở thành “kẻ thù số một” trong mắt người Mỹ, khiến ĐCSTQ ngày càng khó gây ảnh hưởng đến phương Tây thông qua các nỗ lực tuyên truyền tốn kém ở ngoại quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times