Ông Tập điện đàm với TT Zelensky: Trung Quốc hạn chế thiệt hại sau bê bối phủ nhận chủ quyền của đại sứ tại Pháp
Tổng thống (TT) Ukraine Zelensky đã chờ đợi rất lâu để có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình. Giờ thì cuộc điện đàm đó cuối cùng đã diễn ra. Nhưng tại sao lại là bây giờ? Liệu đây có phải là trùng hợp ngẫu nhiên? Các chuyên gia tin rằng việc này có liên quan đến hạn chế thiệt hại.
Lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, người đứng đầu nhà nước kiêm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một cuộc điện đàm. Tổng thống Zelensky đã chờ đợi cuộc gọi này hơn một năm. Tại sao cuộc điện đàm lại đến vào thời điểm này? Các chuyên gia cho rằng ông Tập muốn giảm thiểu thiệt hại từ vụ bê bối ngoại giao do Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye) gây ra tại Paris.
Cuộc trao đổi ‘căng thẳng’
Theo tuyên bố của Trung Quốc, thì nước này đang cố gắng duy trì vị thế trung lập trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng điều này đã nhiều lần bị phương Tây hoài nghi. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa chính thức lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Hồi tháng Hai, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, các cường quốc Tây phương nghi ngờ vai trò trung gian hòa giải không thiên vị của Trung Quốc. Vài tuần trước, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau ở Moscow. Trên trường quốc tế, cuộc gặp này được xem như sự ủng hộ dành cho Nga.
Nhưng giờ đây ông Tập và ông Zelensky lại điện đàm với nhau — trước sự ngạc nhiên của tất cả những người quan sát. Nhưng tại sao lại là bây giờ?
Theo một phát ngôn viên của tổng thống Zelensky, tổng thống Ukraine và người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã nói chuyện với nhau trong “gần một giờ đồng hồ” vào hôm thứ Tư (26/04). Cuộc điện đàm này “dài và căng thẳng”, tổng thống Zelensky sau đó đã viết trên Twitter. “Tôi tin rằng các cuộc đàm phán, chẳng hạn như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ song phương.” Hiện Kyiv đang cử ông Pawel Ryabikin, cựu bộ trưởng đặc trách các ngành công nghiệp chiến lược, tới Bắc Kinh với tư cách là đại sứ mới.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc muốn cử một phái đoàn cao cấp tới Ukraine nhằm đạt được một “thỏa thuận chính trị” trong cuộc xung đột Ukraine. Một đặc phái viên về các vấn đề Á-Âu của chính quyền sẽ được cử đến Ukraine và các nước khác, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Brussels và Hoa Thịnh Đốn hoan nghênh cuộc gọi giữa Tổng thống Zelensky và ông Tập. Moscow cũng nhấn mạnh “sự sẵn sàng của phía Trung Quốc” trong việc tham gia đàm phán. Đồng thời, Nga cáo buộc tổng thống Ukraine phá hoại tất cả các nỗ lực vì hòa bình. Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chính phủ Ukraine và những người ủng hộ Tây phương của họ đã cho thấy khả năng phá vỡ bất kỳ sáng kiến hòa bình nào.”
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận chính trị người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, cuộc gọi của ông Tập tới Tổng thống Zelensky vào thời điểm này có một mục đích khác, đó là cứu vãn mối quan hệ Trung Quốc-Châu Âu đang leo thang trong bối cảnh vụ bê bối của Đại sứ Lữ.
Nhưng Đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã làm gì để khiến ông Tập phải nhấc điện thoại lên và nói chuyện với tổng thống Ukraine? Điều đó chắc hẳn không chỉ là một sơ suất ngoại giao.
Đại sứ Lư lỡ lời ở Paris
Hôm 21/04, Đại sứ Lư đã xuất hiện trên truyền hình Pháp với tư cách là nhà ngoại giao theo phong cách chiến lang của Trung Quốc. Những tuyên bố của ông về các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và bán đảo Crimea vẫn đang được quốc tế thảo luận sôi nổi.
Trung Quốc đã im lặng trong vài ngày trước khi một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của nước này rút lại những tuyên bố kể trên vào hôm 24/04. Bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng “tuyên bố của Đại sứ Lư Sa Dã không phải là một tuyên bố chính sách mà là quan điểm cá nhân được thể hiện trong một cuộc tranh luận trên truyền hình.” Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước và duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.” Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia có liên quan.
“Trung Quốc tôn trọng địa vị của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với tư cách là các quốc gia có chủ quyền sau khi Liên Xô tan rã.”
Nữ phát ngôn viên này trước đó đã được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS yêu cầu bình luận về những bình luận của Đại sứ Lư liên quan đến bán đảo Crimea. Bà Mao Ninh cũng “vòng vo” trước câu hỏi này bằng những lời ngoại giao sáo rỗng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế, với những đóng góp của chúng tôi nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.”
Có phải quan chức cao cấp của ĐCSTQ — khi không có sự phối hợp từ phía Bắc Kinh — đã tạo ra những làn sóng quốc tế? Tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) từ Hồng Kông viết: “Rất khó có khả năng Đại sứ Lư tự mình phát ngôn mà không được Bắc Kinh cho phép với tư cách là chiến binh sói đầu đàn của đoàn ngoại giao Trung Quốc.”
Các nước vùng Baltic phẫn nộ trước sự khiêu khích của Đại sứ Lư
Nhưng chính xác thì Đại sứ Lư đã nói gì với đài truyền hình Pháp La Chaîne Info hôm 21/04? Ông Lư đã đặt câu hỏi nghi vấn về chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia, và Lithuania. Theo ông Lư, sau khi Liên Xô cộng sản sụp đổ vào năm 1991, các nước cộng hòa đã trở nên độc lập này “không có tư cách thực sự” trong luật pháp quốc tế. Ông Lư cho biết “bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào hiện thực hóa vị thế là quốc gia có chủ quyền của họ.” Đại sứ Lư cũng đã tuyên bố rằng bán đảo Crimea “ngay từ đầu đã thuộc về Nga.”
Những bình luận của Đại sứ Lư đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới — đặc biệt là trong các nước vùng Baltic và các quốc gia thành viên của EU và NATO. Sau khi tham khảo ý kiến của Estonia và Lithuania, ngoại trưởng Latvia đã triệu tập đại biện lâm thời của đại sứ quán Trung Quốc tại Riga. “Chúng tôi mong đợi lời giải thích từ phía Trung Quốc và việc rút lại hoàn toàn tuyên bố này,” Ngoại trưởng Edgars Rinkevics yêu cầu. Người đồng cấp Lithuania của ông, Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis cũng đã viết trên Twitter: “Nếu có bất cứ ai vẫn còn đang thắc mắc tại sao các Quốc gia Baltic không tin tưởng Trung Quốc ‘làm trung gian hòa bình ở Ukraine,’ thì đây là một đại sứ Trung Quốc lập luận rằng Crimea là của Nga và biên giới của các nước chúng tôi không có cơ sở pháp lý.”
If anyone is still wondering why the Baltic States don't trust China to "broker peace in Ukraine", here's a Chinese ambassador arguing that Crimea is Russian and our countries' borders have no legal basis. pic.twitter.com/JaloJnSEx3
— Gabrielius Landsbergis🇱🇹 (@GLandsbergis) April 22, 2023
‘Crimea là của Ukraine. Đế chế Xô Viết không còn tồn tại.’
Đại sứ Ukraine tại Paris, ông Vadym Omelchenko đã hỏi trên Twitter: “Hoặc là rõ ràng có vấn đề về địa lý. Hoặc là những tuyên bố như vậy mâu thuẫn với lập trường của thủ đô Trung Quốc ‘về những nỗ lực mang hòa bình trở lại Ukraine trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.’”
Ông Omelchenko đã đính kèm một đoạn clip phỏng vấn của Đại sứ Lư. Phóng viên Pháp hỏi: “Ông có nghĩ Crimea là của Ukraine không?” Đại sứ Lư trả lời: “Điều đó phụ thuộc vào cách quý vị nhìn nhận vấn đề. … Không đơn giản như vậy đâu.” Đại sứ Lư cũng đã nói: “Đây là một câu chuyện mà trong đó Crimea ban đầu là của Nga. Chính ông Khrushchev đã dâng Crimea cho Ukraine dưới thời Liên Xô.”
Soit il y a des problèmes évidents avec la géographie. — Vadym Omelchenko (@OmelchenkoVadym) April 22, 2023
Soit de telles déclarations sont en désaccord avec la position de la capitale🇨🇳« sur les efforts en faveur du retour de la paix en Ukraine sur la base du droit international et des buts et principes de la Charte de l’ONU». https://t.co/CnnxXxTT7Y
“Câu hỏi trắc nghiệm ‘Ai sở hữu Crimea?’ luôn nói lên nhiều điều như thường lệ,” ông Omelchenko viết trên Twitter. “Không có chỗ cho sự mơ hồ. Crimea là của Ukraine. Đế chế Xô Viết không còn tồn tại. Giai đoạn lịch sử đó đã qua.”
Chuyên gia: Trung Quốc muốn chia rẽ liên minh phương Tây
Hồi đầu tháng Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến công du đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, ông Macron đã bày tỏ quan điểm với các ký giả đi cùng ông, với giọng điệu mà nhiều nhà quan sát xem là PR cho Bắc Kinh. Chẳng hạn, ông Macron đã nói về việc châu Âu ly khai khỏi chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan. Kế hoạch của Trung Quốc dường như đang tiến triển. Ông Macron đã phải chịu rất nhiều chỉ trích.
Ông Dương Chí Hằng (Yang Zhiheng), giáo sư phụ tá về ngoại giao và các vấn đề quốc tế tại Đại học Thiên Chúa Giáo Phụ Nhân (FJCU), Đài Loan, cho biết: “Chiến lược ngoại giao của ông Tập Cận Bình có thể sẽ là chia rẽ các quốc gia trong Liên minh Âu Châu và các quốc gia Á Châu trong quan hệ với Mỹ.” Đây là mục tiêu chính của ông Tập, giáo sư phụ tá Dương nói với The Epoch Times.
Ở Đài Loan, mọi người rất minh bạch về chiến lược của Trung Quốc, không chỉ kể từ khi có dịch Corona. Ông Đinh Thọ Phạm (Ding Shu-fan), cựu giáo sư Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU), đã xác nhận với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: Định hướng chung của ĐCSTQ (ĐCSTQ) là sử dụng châu Âu làm đối trọng với Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản này đã gặp nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu vì mục đích này. Trung Quốc muốn khuyến khích châu Âu áp dụng quyền tự chủ chiến lược và không tham gia chiến lược bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ. Giáo sư Đinh cho biết, mỗi quốc gia có một vị thế hoặc mối bang giao khác nhau với Trung Quốc nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau. ĐCSTQ sử dụng điều này để tạo ra một loại chia rẽ. Kết quả là, châu Âu với tư cách là một khối liên minh không thể đồng thuận cho một chính sách đối phó với Trung Quốc, chuyên gia về Trung Quốc này cảnh báo.
Có phải Đại sứ Lư đã làm mọi chuyện rối tung lên?
Trong một bài viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Dương Uy (Yang Wei), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cho biết: “Các lãnh đạo ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào tổng thống Pháp, có lẽ họ nghĩ rằng điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống ở phương Tây. Giới lãnh đạo cộng sản mong đợi Pháp giúp xoa dịu quan hệ Trung-Âu. Nhưng Đại sứ Lư Sa Dã đã làm hỏng việc này.”