Trung Quốc rút lại phát ngôn của phái viên phủ nhận chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sau phản ứng dữ dội của châu Âu
Trung Quốc đã phủ nhận những nhận xét của phái viên nước này tại Pháp nghi ngờ về chủ quyền của Ukraine và các quốc gia thành viên Liên Xô cũ khác sau khi gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo Âu Châu.
Hôm thứ Ba (25/04), Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cho biết những bình luận của đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye) về Ukraine “không phải là một tuyên bố về chính sách, mà là một biểu hiện quan điểm cá nhân” và không nên bị bất kỳ bên nào diễn giải quá đi.
“Trung Quốc tôn trọng tình trạng chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã,” đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Bắc Kinh đã khẳng định lại lập trường của mình đối với cuộc chiến Nga-Ukraine, nói rằng họ sẽ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế “để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.”
Sự việc này diễn ra sau cuộc phỏng vấn của ông Lư với truyền thông Pháp hôm 21/04, trong đó ông nói rằng Crimea trong lịch sử là một phần của Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có tư cách thực sự theo luật quốc tế, gây ra sự phẫn nộ trong các quốc gia Âu Châu.
Ông nói: “Theo luật quốc tế, ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô cũ này cũng không có tư cách, tư cách thực sự, theo luật pháp quốc tế, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào để cụ thể hóa tư cách là một quốc gia có chủ quyền của họ.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh đã bác bỏ nhận xét của ông Lư, nói rằng Bắc Kinh tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia” và ủng hộ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
“Liên Xô là một quốc gia liên bang và nói chung là một chủ thể của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế. Điều này không phủ nhận tư cách là quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã,” bà Mao nói với các phóng viên.
Kể từ khi đế chế cộng sản của Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các nước cộng hòa cũ của khối này, chẳng hạn như Ukraine, Estonia, Latvia, và Lithuania, đã trở thành các quốc gia độc lập có chủ quyền. Ba quốc gia vùng Baltic này hiện là thành viên của NATO và Liên minh Âu Châu.
‘Những nhận xét không thể chấp nhận được’
Ông Josep Borrell, trưởng ban chính sách đối ngoại của EU, nói với các phóng viên hôm thứ Hai (24/04) rằng việc Bắc Kinh tự mình giữ khoảng cách với “những nhận xét không thể chấp nhận được” của ông Lư là “tin tốt.”
“Khi nói đến cuộc chiến phi lý của Nga đối với Ukraine, Trung Quốc, với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc,” ông Borrell nói.
Bắc Kinh đã kiềm chế không lên án cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đồng thời đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia này đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, trong đó nói rằng ĐCSTQ ủng hộ Nga phản đối việc mở rộng NATO.
goại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trên Twitter rằng nhận xét của ông Lư đã cho thấy lý do tại sao các quốc gia Baltic không thể tin tưởng Trung Quốc làm trung gian hòa giải hòa bình ở Ukraine.
Ông Landsbergis nói rõ: “Nếu ai đó vẫn đang thắc mắc tại sao các Quốc gia Baltic không tin tưởng để cho Trung Quốc ‘môi giới hòa bình ở Ukraine’, thì đây là lời một đại sứ Trung Quốc lập luận rằng Crimea là của Nga và biên giới của các quốc gia chúng tôi không có cơ sở pháp lý.”
Estonia, Latvia, và Lithuania đã chỉ trích nhận xét của ông Lư và yêu cầu câu trả lời từ phía Bắc Kinh.
“Những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp liên quan đến luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics nói trên Twitter, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “rút lại hoàn toàn” nhận xét của ông Lư.
Hôm 23/04, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định rằng họ “đoàn kết hoàn toàn” với tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ, những nước mà họ cho là đã giành được độc lập “sau nhiều thập niên bị áp bức”.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times