Bất ổn kinh tế thúc đẩy ‘cơn sốt vàng’ phá kỷ lục ở Trung Quốc
Cùng với sự trỗi dậy của thị trường vàng quốc tế, giá vàng tại Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tăng vọt, liên tục phá vỡ kỷ lục lịch sử. Tuy nhiên, những người trong thị trường tin rằng động lực chính của “cơn sốt vàng” là việc các ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng nắm giữ vàng.
Trong tháng qua, giá vàng tiếp tục tăng. Vào sáng ngày 08/04, giá trang sức vàng 24 karat đã tăng từ 712 nhân dân tệ mỗi gram (98.4 USD) lên 728 nhân dân tệ (100.6 USD) trong vòng một giờ, tăng khoảng 2.2%.
Trên thị trường cổ phiếu hạng A ở Trung Quốc, các cổ phiếu khái niệm liên quan đến vàng đã có đà tăng mạnh mẽ kể từ ngày 08/04, với ít nhất bốn cổ phiếu đạt mức giá trần hàng ngày.
Hôm 07/04, Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) công bố dữ liệu cho biết kể từ tháng 11/2022, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong 17 tháng liên tiếp. Tính đến cuối tháng 03/2024, trữ lượng vàng đã đạt 72.74 triệu ounce, tăng 160,000 ounce so với tháng trước.
Việc ngân hàng trung ương công bố dữ liệu mới về hoạt động mua vàng quy mô lớn đã trực tiếp kích thích xu hướng tăng mạnh gần đây trên thị trường vàng Trung Quốc.
Tích trữ vàng
Kể từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu tăng dự trữ vàng, “cơn sốt vàng” trên thị trường Trung Quốc đã nóng lên. Vào năm 2024, không chỉ trang sức vàng mà cả vàng miếng phù hợp để đầu tư cũng trở nên vô cùng phổ biến.
Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Bank of China, cũng như các tổ chức như China Gold và Shanghai Gold Exchange, đều đã bán vàng thỏi của chính họ, với giá có xu hướng tăng liên tục.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, người bán cũng nhắm đến những người có nguồn vốn hạn chế, giới thiệu những hạt vàng nặng khoảng 1 gam (0.03 ounce) với nhiều hình dạng khác nhau, phù hợp hơn với những người có vốn tiết kiệm hạn hẹp. Xu hướng tích trữ vàng hiện nay đang thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều người trẻ bất an, ngay cả khi lượng tài sản của họ có hạn.
Động lực chính đằng sau giá vàng tăng vọt
Nguyên nhân chính đằng sau sự tăng vọt của giá vàng ở Trung Quốc và trên thị trường quốc tế là do lượng vàng nắm giữ trên quy mô lớn của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dẫn đến giá vàng quốc tế tăng đều đặn.
Ông David Rosenberg, chủ tịch của Rosenberg Research & Associates, và nhóm của ông cho biết trong một ghi chú gần đây rằng họ tin rằng động lực chính đằng sau giá vàng cao kỷ lục gần đây là phía cầu, vì các ngân hàng trung ương trên thế giới đang định giá lại vàng như một tài sản dự trữ. Trong quý 3/2023, các ngân hàng trung ương đã mua 361 tấn vàng.
Ông Rosenberg cũng cho rằng việc giá vàng tăng gần đây là do rủi ro địa chính trị toàn cầu và triển vọng kinh tế vĩ mô khó lường. Theo hãng truyền thông kinh doanh Trung Quốc Tài Tân (Caixin), sự đồng thuận giữa những người trong ngành ở Trung Quốc nhìn chung nhất quán với nhóm của ông Rosenberg.
Ông Đổng Kỳ (Dong Qi), nhà nghiên cứu thị trường tại Công ty Chứng khoán Quốc Thái Quân An (Guotai Junan Securities) của Trung Quốc, tin rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc và các quỹ ETF vàng (quỹ giao dịch trao đổi vàng) là động lực thúc đẩy xu hướng tăng giá này của thị trường. Từ tháng 11/2022 đến tháng 02/2024, lượng mua vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc chiếm 60% lượng mua ròng của ngân hàng trung ương toàn cầu. Trong khi đó, các quỹ ETF vàng của Trung Quốc có dòng vốn chảy vào ròng liên tục, trong khi các quỹ ở các quốc gia khác lại chứng kiến dòng vốn ròng chảy ra trong cùng thời kỳ.
Ông Đổng cho biết trong chuyên mục Cách Long Hội (Gelonghui) ngày 08/04 rằng tính đến tháng 02/2024, các quỹ ETF vàng toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn chảy ra lũy kế là khoảng 5.7 tỷ USD và các quỹ ETF được bảo đảm bằng vàng vật chất đã chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng trong tháng thứ chín liên tiếp. Tuy nhiên, điều này hầu như không gây tổn hại đến diễn biến của giá vàng, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc và các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục mua vào.
Ông Lưu Trường (Liu Chang, bí danh), một nhân sự cấp cao trong ngành tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 10/04 rằng câu nói “loạn thế trữ vàng kim” của người Trung Quốc là phù hợp với tình hình hiện tại ở Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nghiêm trọng, lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã chạm mức thấp nhất, và các sản phẩm đầu tư liên tục thất bại. Địa ốc, thị trường chứng khoán, và việc làm toàn bộ các phương diện đều ảm đạm, khiến công chúng ngày càng hoang mang. Đã có sự gia tăng mua vàng để bảo toàn tài sản mà không còn lựa chọn nào khác trước mắt.
Nhiều rủi ro khác nhau trên thị trường vàng Trung Quốc
Trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, việc mua vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro ở Trung Quốc. Một số nhà bán lẻ vàng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân ở Bắc Kinh, chẳng hạn như China Gold, đã đột ngột đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của họ, dẫn đến việc không thể thu hồi số vàng được cất giữ trong các cửa hàng.
Một số cửa hàng trực tuyến bán những hạt đậu bằng vàng cũng đột ngột đóng cửa, gây ra nhiều vấn đề về dịch vụ sau bán hàng và yêu cầu bồi thường.
Một số người tiêu dùng ở Trung Quốc cho biết đã mua phải các sản phẩm vàng không đủ độ tinh khiết hoặc thiếu trọng lượng hoặc thậm chí là vàng thỏi giả.
Các thỏi vàng giả được làm bằng vonfram mạ vàng và không thể phân biệt được bằng mật độ của chúng vì mật độ của vàng và vonfram khá giống nhau. Ngay cả huỳnh quang tia X cũng không thể phát hiện ra sự khác biệt trừ phi thỏi vàng được khoan hoặc cắt mở.
Do tình trạng tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc, một số người tiêu dùng lo ngại rằng ngay cả việc mua vàng thông qua các kênh hợp pháp như ngân hàng cũng không đảm bảo tính xác thực 100%.
Gần đây, Thâm Quyến đi đầu trong việc yêu cầu người mua phải ghi danh tên hợp pháp của mình để mua sản phẩm vàng có giá trị vượt quá 20,000 nhân dân tệ (2,800 USD). Mô hình này có thể được khai triển trên toàn quốc tại Trung Quốc trong tương lai.
Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà phân tích kinh tế và chính trị Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 11/04 rằng nguy cơ vàng vật chất của Trung Quốc bị cướp bóc cũng đang gia tăng.
Ông nói: “Yêu cầu của chính quyền Trung Quốc về hạn ngạch và ghi danh tên hợp pháp làm dấy lên mối lo ngại rằng, giống như nhiều năm trước, khi Trung Quốc bị trừng phạt vì hành động khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan, thì ở đó có thể có việc bắt buộc người dân phải bán lại vàng với giá thấp.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times