Ông trùm truyền thông Hồng Kông Vu Phẩm Hải, người công khai ủng hộ ĐCSTQ, tuyên bố phá sản
Hầu như toàn bộ tài sản và cổ phần trong tập đoàn của ông đã bị các ngân hàng quốc doanh của ĐCSTQ kiểm soát.
Ông Vu Phẩm Hải (Yu Pun-hoi), chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Nam Hải được Niêm yết tại Hồng Kông, đã bị một tòa án Hồng Kông tuyên bố phá sản hôm 26/03. Ông là một nhân vật nổi bật ở Hồng Kông đã công khai ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Lệnh phá sản này được ban hành sau một đơn khai phá sản do CCB International Overseas Ltd, một công ty con của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), đệ trình. Theo tờ báo The Standard của Hồng Kông, công ty của ông Vu được cho là nợ CCB International Overseas hơn 416 triệu dollar Hồng Kông (53.13 triệu USD).
Cùng ngày, các luật sư của ông Vu đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa và đệ trình bằng chứng mới chứng minh giá trị cổ phần của ông tại Tập đoàn Nam Hải đủ để bù đắp khoản nợ. Tuy nhiên, đơn này đã bị CCB International Overseas và tòa án bác bỏ.
Ông Vu ban đầu nắm giữ 59.25% cổ phần của Tập đoàn Nam Hải. Nhiều cổ phiếu trong số này trước đây đã được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Bốn trong số những công ty con của ông, vốn nắm giữ 45.82% tổng số vốn, đã bị bên được ủy thác của CCB International Overseas tiếp quản hồi tháng 05/2023. Trong khi đó, cổ phần của CCB International Overseas tại Tập đoàn Nam Hải đã tăng lên 50.85%.
Một công ty con khác, Staverley Assets, cho thấy có 4.65% vốn cổ phần của Tập đoàn Nam Hải đã được chuyển sang cho CITIC Capital của Trung Quốc. Vợ cũ của ông Vu, bà Cung Ái Minh (Kung Ai Ming) và con trai ông là Vu Bản Hy (Yu Ben Hei) cùng nắm giữ khoảng 9.41% cổ phần của Tập đoàn Nam Hải, số cổ phần này trước đó cũng đã được chuyển sang cho CITIC Capital.
Tại thời điểm này, phần lớn cổ phần của Tập đoàn Nam Hải đã được chuyển sang cho các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.
Tập đoàn Nam Hải có mối quan hệ chặt chẽ với vốn nhà nước của ĐCSTQ. Các cổ đông lớn gồm các ngân hàng đầu tư Trung Quốc như CITIC Group và Central Huijin Investment, do Quốc Vụ viên của ĐCSTQ kiểm soát.
Ra mắt đế chế truyền thông
Ông Vu lần đầu tiên nổi tiếng khắp Hồng Kông thông qua thương vụ mua lại tờ báo Minh Báo (Ming Pao) hồi năm 1992. Ở tuổi 33, ông đã thắng thầu mua lại tờ Minh Báo trước sự cạnh tranh từ News Corporation của ông Keith Rupert Murdoch, gây chấn động ở Hồng Kông.
Minh Báo là một tờ báo hàng đầu ở Hồng Kông vào thời điểm đó. Sau khi tiếp quản, ông Vu được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Báo chí Hồng Kông và thành lập một đế chế truyền thông đồ sộ. Ông không chỉ mở rộng Minh Báo sang Canada mà còn mua lại Asia Weekly từ Time Warner ở Hoa Kỳ.
Năm 1994, ông thành lập công ty cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên tại Hồng Kông. Đồng thời, ông cũng thành lập Chinese Television Network Inc., ra mắt kênh Hoa ngữ 24 giờ đầu tiên trên toàn cầu và có các văn phòng tin tức ở nhiều quốc gia lớn.
Giao dịch kinh doanh ở Trung Quốc
Sau năm 1999, ông Vu tận dụng cơ hội đến từ chính sách thị trường chứng khoán và địa ốc của Trung Quốc, liên tục mua lại các công ty vỏ bọc để tái cơ cấu và gây quỹ. Ông một lần nữa nhận được sự trợ giúp nhiệt thành từ chính quyền ĐCSTQ và phát triển các ngành CNTT, địa ốc, rạp chiếu phim, truyền thông mạng, v.v.
Năm 2000, sau khi tái cấu trúc công ty, ông thành lập Tập đoàn Nam Hải và Sino-i Technology.
Các công ty con của Tập đoàn Nam Hải thâm nhập sâu vào lĩnh vực điện ảnh, sở hữu hơn một nghìn rạp chiếu phim ở Hoa lục.
Ông Vu cũng đầu tư sản xuất vài bộ phim về lịch sử và văn hóa Trung Quốc nhưng lại thất bại ở phòng vé. Trong số đó, bộ phim “Khổng Tử” năm 2010 đã được trình chiếu trên toàn cầu với quy mô phân phối 2500 bản phim, tạo nên kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim này đã trở thành tài liệu giảng dạy hữu ích để ĐCSTQ quảng bá các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các Viện Khổng Tử là một phần trong nỗ lực tuyên truyền của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ dưới vỏ bọc Khổng Tử.
Năm 2008, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Trung-Mỹ thuộc Đại học Thanh Hoa và hai năm sau đó thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Văn hóa Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, và giữ chức chủ tịch của cả hai trung tâm này. Ông Vu đã trở thành đại sứ quảng bá “quyền lực mềm của Trung Quốc,” ủng hộ quan điểm của ĐCSTQ về vai trò của Trung Quốc trên thế giới và quan hệ Trung-Mỹ với tư cách là một học giả văn hóa, ông đã được mời tham gia nhiều cuộc họp bàn tròn quốc tế và đối thoại Track II.
Để tăng cường mối quan hệ với ĐCSTQ, năm 2008, ông Vu ghi danh vào Trường Chủ nghĩa Marx tại Đại học Bắc Kinh hàng đầu của Trung Quốc và lấy bằng Tiến sĩ về triết học Marx. Nếu không có sự tin tưởng và cho phép đặc biệt từ ban lãnh đạo ĐCSTQ, một người 50 tuổi như ông Vu sẽ không chắc lấy được bằng tiến sĩ về chủ nghĩa Marx.
Đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ
Năm 2009, ông Vu mua lại trang tin tức Hoa ngữ Duowei News có trụ sở tại Hoa Kỳ, giữ lại đội ngũ ban đầu để tiếp tục các hoạt động.
Duowei News trước đây được nhiều người coi là một cơ quan ngôn luận của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Sau khi ông Vu tiếp quản, trụ sở chính chuyển từ New York về Bắc Kinh. Nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn không thay đổi, chỉ là ủng hộ nhiều hơn cho nhà lãnh đạo hiện tại của nước này là ông Tập Cận Bình.
Nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Hà Thanh Liên (He Qinglian) đã chỉ ra trong cuốn sách của bà “Xâm nhập Đỏ: Sự thật về Mở rộng Toàn cầu của Truyền thông Trung Quốc” rằng Duowei News đảm nhận nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch đưa thông tin giả bất cứ khi nào có những cuộc đấu tranh nội bộ căng thẳng bên trong ĐCSTQ.
Ngày 04/06/2015, ông Vu thành lập trang tin tức trực tuyến HK01 tại Hồng Kông. Ban đầu, trang tin này gồm có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, khi ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát Hồng Kông, HK01 bắt đầu thể hiện lập trường ủng hộ ĐCSTQ dưới sự chỉ đạo của ông Vu.
Những thất bại trong kinh doanh
Ngày 01/04/2022, Tập đoàn Nam Hải bị đình chỉ giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Nguyên nhân là do tập đoàn này không công bố báo cáo kết quả hoạt động thường niên năm 2021 như dự kiến.
Ngày 26/04/2022, Duowei News đột ngột đóng cửa. Hầu hết nhân viên đều bị sa thải, và một số ít được chuyển sang HK01.
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Lý Mộc Dương (Li Muyang) cho biết do ảnh hưởng của đại dịch, Tập đoàn Nam Hải đã lỗ chồng chất đến gần 5 tỷ nhân dân tệ (700 triệu USD) kể từ năm 2021. Tuy nhiên, hội đồng quản trị đã chọn không đóng cửa hoạt động kinh doanh rạp chiếu phim bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà thay vào đó đã ngừng hoạt động của Duowei News, vốn chỉ có vài chục nhân viên, rõ ràng là vì lý do chính trị.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Chương Kiệt (Zhang Jie) chỉ ra rằng Duowei News thỉnh thoảng đăng các bài báo dường như là chỉ trích ông Tập vì họ tự ra vẻ là một kênh truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại được cho là độc lập. Ông nói, “Tôi đoán rằng một số bài báo của họ có thể đã [vô tình] chọc giận ông Tập.”
Tháng 06/2022, CCB International Overseas đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Hồng Kông để đòi nợ ông Vu và hai công ty của ông, cuối cùng dẫn đến việc ông phá sản.
Tháng 07/2022, ông Vu và Tập đoàn Nam Hải bị Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (China Merchants Bank) khởi kiện lên một tòa án Trung Quốc, khẳng định rằng ông Vu nợ hơn 53.4 triệu USD. Ngân hàng Thương mại Trung Quốc sắp tiếp quản công ty sản xuất phim của ông Vu, Orange Sky Golden Harvest, trước khi công ty này mang lại cho ông bất kỳ lợi nhuận nào sau khi ông mua lại hồi năm 2017.
Cho đến nay, gần như toàn bộ tài sản và cổ phần của Tập đoàn Nam Hải đã bị các ngân hàng quốc doanh của ĐCSTQ tiếp quản. Sau phán quyết của tòa án Hồng Kông hôm 26/03, tài sản của ông về cơ bản đã trở nên vô giá trị.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times