Nhạc Phi dạy con tận trung báo quốc, chối từ vinh hoa
Nhạc Phi là vị đại thần danh tướng, nhưng cuộc sống của ông vẫn luôn giản dị tiết kiệm. Ông đã dạy con có lối sống cao thượng, khiêm nhường và trở thành 1 mãnh tướng uy danh.
Nhạc Phi dạy con trai mình chỉ mặc áo vải bố, không mặc áo lụa, mỗi bữa cơm nhiều nhất chỉ có một món thịt, ngày thường không được uống rượu. Ngoài lúc đọc sách luyện võ, còn phải làm ruộng canh tác, trồng lương thực, hái rau, tưới nước, v.v.
Nhạc Vân từ nhỏ đi theo cha Nhạc Phi lên chiến trường vào sinh ra tử, Nhạc Phi yêu cầu đối với con mình vô cùng nghiêm khắc. Có một lần trong khi huấn luyện quân sự, Nhạc Vân cưỡi ngựa lao xuống dốc, không cẩn thận bị trượt ngã, ngã xuống từ trên yên ngựa. Nhạc Phi trách mắng: “Nếu như có quân địch đuổi theo phía sau, thì như vậy sao được!” đồng thời chiểu theo quân pháp mà phạt Nhạc Vân một trận. Chúng binh sĩ nhìn thấy việc này, nhận được bài giáo huấn sâu sắc. Từ đó về sau, mọi người đều luyện tập nghiêm túc hơn.
Mỗi khi đối đầu với quân địch, Nhạc Phi luôn mệnh lệnh cho Nhạc Vân đi đánh trận đầu. Sự huấn luyện nghiêm khắc của cha cùng với ma luyện trên chiến trận, đã tạo cho Nhạc Vân bản lĩnh vững chắc. Tay Nhạc Vân cầm một chiếc búa sắt lớn nặng 40kg, xông pha chiến trường không gì cản nổi, đánh đâu thắng đó, bất khả chiến bại.
Trong trận Tô Châu năm 1134 SCN, Nhạc Vân mười sáu tuổi, phi nhanh như mũi tên đầu tiên nhắm bắn vào kẻ địch, trảm tướng đoạt ải, lập chiến công chém đầu tướng quân địch. Xét thấy công lao trước đó, các tướng sĩ liên tục cầu xin công lao cho Nhạc Vân; hoàng đế Cao Tông cũng muốn ghi nhớ công lao của Nhạc Vân. Đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng Nhạc Phi vì con trai mà báo cáo công lao lên trên.
Sau chiến thắng trong trận Yển Thành năm 1140, Nhạc Vân vâng lệnh cha, dẫn theo 800 khinh kỵ binh phi nhanh đến Dĩnh Xương, tiêu diệt đội quân đang vây hãm thành của Kim Ngột Thuật. Nhạc Vân vung búa múa kiếm đoạt mệnh mấy tướng trong quân địch, bản thân bị thương hơn trăm chỗ.
Nhạc Vân liên tiếp giành được những chiến thắng vang dội, với công lao thành tích nổi bật. Tuy nhiên, Nhạc Phi kiên quyết không cho Nhạc Vân thỉnh công thăng quan. Còn các tướng lĩnh khác đều nhận được phong thưởng. Khi triều đình muốn thăng chức cho Nhạc Vân, Nhạc Phi kiên quyết từ chối và nói: “Phục vụ cho đất nước, là phận sự của cha con chúng tôi. Nếu như nhận lệnh phong thưởng như vậy, Nhạc Vân có thể vì lập được chiến công mà dương dương tự đắc, đắc chí tự mãn, thì ta cũng sẽ khó mà dẫn dắt quân sĩ lãnh đạo tướng lĩnh; điều này thực sự là có hại cho đất nước”. Văn võ khắp triều biết được việc này, đều vô cùng cảm động trước gia giáo nghiêm khắc có trách nhiệm với con cái của Nhạc Phi.
Nhạc Phi và Nhạc Vân, cha con hai đời anh hùng. Đáng buồn là khi đó triều đại Nam Tống đã đến ngày vì tư lợi mà suy bại, nên chí hướng của tráng sĩ cũng khó mà được đền đáp. Vào năm 1142, hai cha con đều bị gian thần Tần Cối giết hại trong ngục tại đình Phong Ba, khi đó Nhạc Phi ba mươi chín tuổi, và Nhạc Vân hai mươi hai tuổi.
Lục Văn
Cửu Ngọc biên dịch