Kỳ oan cuối cùng đã rửa sạch, con trai Nhạc Phi được hoán đổi cốt Tiên
Vào đêm trừ tịch ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 thời Nam Tống (ngày 27 tháng 01 năm 1142), tại đình Phong Ba ở chùa Đại Lý, Hàng Châu, đại anh hùng danh tiếng một thời Nhạc Phi đã bị gian tặc Tần Cối sát hại bởi tội danh “Mạc tu hữu” (muốn giết thì giết, cần gì phải có tội). Con trai trưởng của Nhạc Phi là Nhạc Vân và ái tướng Trương Hiến cũng đồng thời bị sát hại.
Sau khi Nhạc Phi gặp nạn, gia quyến bị liên đới, không còn tài sản, toàn bộ gia tộc bị lưu đày đến Huệ Châu, Quảng Đông, không được tự do mà phải chịu sự ngược đãi, lăng mạ. Lúc ấy ở Huệ Châu, con trai thứ ba của Nhạc Phi là Nhạc Lâm (Nhạc Lâm tự là Thương Khanh) và em trai Nhạc Chấn bị bắt, giam chung ở trong một căn phòng bằng đất nằm sát tường chùa. Anh em họ cùng nằm trên giường tre, ăn uống, ra vào đều bị giám sát.
Vào năm Thiệu Hưng thứ 32 (năm 1162), Tống Hiếu Tông lên ngôi, triều đình rửa oan cho Nhạc Phi, truy phong Nhạc Phi làm Ngạc Vương, thụy là Vũ Mục, Trung Vũ, cải táng tại Thê Hà Lĩnh, Tây Hồ (tức “mộ Nhạc Ngạc Vương nhà Tống” ở Tây Hồ, Hàng Châu ngày nay), hạ chiếu phát trả điền trạch đã bị tịch thu của nhà họ Nhạc, đồng thời truy tìm người nhà Nhạc Phi để phong tước. Lúc Nhạc Phi gặp nạn, Nhạc Lâm mới 12 tuổi. Đến lúc Hiếu Tông Hoàng đế rửa oan khuất cho Nhạc Phi, Nhạc Lâm đã 32 tuổi rồi. Nhà họ Nhạc bị lưu đày đã trải qua hai mươi năm gian khổ.
Khi triều đình còn chưa hạ chiếu lệnh phong tước cho Nhạc Lâm, vào buổi tối nọ, Nhạc Lâm đang nghe tiếng chuông chùa thì ngủ thiếp đi, trong mộng ông nhìn thấy một tiểu tốt mặc áo bào màu xanh, dáng vẻ như một người lính. Tiểu tốt ấy dắt tay áo vào thắt lưng, tay cầm giỏ trúc có đao, kiếm, chùy, đục. Cậu ta chắp tay kính lễ với Nhạc Lâm và nói lớn rằng: “Tôi phụng sắc chỉ của Thượng đế, thay đổi tiên cốt cho quan nhân”.
Tiểu tốt nói xong liền ngồi lên giường, Nhạc Lâm chỉ cảm thấy mồ hôi tuôn như mưa, đặc biệt là lúc cậu tiểu tốt kia dùng các công cụ trong giỏ trúc để cắt xương mình, nhưng kì lạ là không hề cảm thấy đau đớn. Trong chốc lát, cậu tiểu tốt lặng lẽ thu dọn lại dụng cụ, từ trên giường bước xuống, cung kính: “Hoán cốt xong rồi”. Nói xong, cậu ta chắp tay cáo biệt rời đi. Nhạc Lâm vén màn nhìn thử, trên mặt đất có một đầu lâu còn nguyên vẹn. Nhạc Lâm kinh hãi một phen, từ trong mộng tỉnh lại, ngẩng đầu lên nhìn thì đã là buổi trưa.
Em trai Nhạc Chấn ngồi bên cạnh nói: “Tối qua nghe tiếng anh rên rỉ, em vội chạy đến xem, không ngờ gọi hay lắc người thế nào anh cũng không tỉnh lại. Không còn cách nào, em chỉ có thể ngồi bên cạnh cẩn thận chăm sóc, đến bây giờ còn chưa rửa mặt, chải đầu”.
Nhạc Lâm liền đem chuyện trong mộng kể hết với Nhạc Chấn. Vừa nói xong thì có kiệu đến nghênh tiếp Nhạc Lâm, cung kính chúc mừng ông được Hoàng thượng cáo mệnh trao cho chức quan.
Qua câu chuyện này, có thể thấy sự trung liệt của Nhạc Phi và sự thống khổ mà người nhà ông phải gánh chịu quả thật khiến người ta đau lòng. Nhưng mặt khác, thực sự là thiện ác cuối cùng đã có quả báo, kỳ oan tất có lúc được rửa sạch. Sau khi gia quyến của Nhạc Phi phải chịu oan mà bị hại suốt hai mươi năm, cuối cùng họ đã có cơ hội rửa oan, cháu con đời sau đều được phong thưởng, cũng là ông trời giúp đỡ họ. Còn kẻ hại chết trung thần là Tần Cối cho đến bây giờ vẫn còn phải quỳ gối trước mộ Nhạc Phi.
Nguồn tư liệu: “Di kiên chí – Nhạc Thị lang hoán cốt”
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ