Nhà soạn nhạc Beethoven và sự ra đời của Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic
Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic sẽ ra sao nếu không có Bản giao hưởng số 9 của Beethoven?
Đối với những người yêu âm nhạc cổ điển, việc có thể phát trực tiếp các buổi hòa nhạc trên các nền tảng mạng xã hội là một tiện lợi đáng hoan nghênh trong thế giới bận rộn này. Tuy nhiên, không gì sánh được việc tự thân trải nghiệm. Với người dân ở thành phố, thì một đêm đi xem dàn nhạc biểu diễn cũng giống như một chuyến dã ngoại thư thái và có chi phí tương đối thấp. Những người dân sống ở New York, London hay Paris thật may mắn khi có thể dễ dàng tiếp cận những tài năng [âm nhạc] hàng đầu.
Hiếm có dàn nhạc nào tuyển dụng các nghệ sĩ tài năng tốt hơn Dàn nhạc Vienna Philharmonic. Sau hơn 180 năm tồn tại, đây cũng là một trong những dàn nhạc lâu đời nhất, liên tục được xếp hạng là một trong những dàn nhạc hay nhất thế giới. “Âm thanh của Vienna” huyền thoại từng được phân tích kỹ càng: Phải chăng, chính các nhạc cụ đặc biệt khiến dàn nhạc này trở nên độc đáo với thính giả? Hay do quá trình đào tạo đặc biệt mà các nhạc công lĩnh hội? Hay do sự cộng hưởng âm thanh của phòng hòa nhạc chính, Vienna Musikverein? Có rất nhiều giả thuyết, nhưng câu trả lời vẫn là điều bí ẩn.
Thành phố của âm nhạc nhưng lại không có dàn nhạc giao hưởng
Vào đầu thế kỷ 19, thành phố Vienna đã gắn liền với lượng lớn các nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại: Haydn, Mozart, Beethoven, và Schubert, là vài ví dụ trong số đó. Nhưng Vienna lại không có dàn nhạc chuyên nghiệp thường trực dành cho âm nhạc giao hưởng. Điều này có nghĩa là “Thành phố âm nhạc” không thể biểu diễn thỏa đáng các tác phẩm của những thiên tài âm nhạc của chính quốc gia mình.
Tuy nhiên, những vở opera của nhà soạn nhạc Mozart lại là ngoại lệ. Vào thời điểm này, các vở opera vẫn được biết đến nhiều hơn các bản nhạc giao hưởng; loại hình nghệ thuật này đã phát triển trước đó và hết sức phổ biến. Còn các bản giao hưởng không được diễn tấu thường xuyên. Khi đó, như nhà soạn nhạc lãng mạn Hector Berlioz từng lưu ý, những người chơi nhạc nghiệp dư có xu hướng khiến khán giả có ấn tượng ban đầu không tốt [về nhạc giao hưởng].
Có rất nhiều nhạc công sống ở Vienna, nhưng họ thiếu một người đứng đầu có khả năng dẫn dắt. Mặc dù lúc đó thành phố có một số nhạc trưởng tài năng, gồm cả nhà soạn nhạc Salieri (đối thủ nổi tiếng của Mozart), nhưng không ai có thể sánh được với các nhạc trưởng ở các thành phố Âu Châu, chẳng hạn như Paris.
Một nhạc trưởng thiên tài
Hãy bàn về nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc Otto Nicolai. Ở ông, Vienna đã tìm thấy một nhạc trưởng tài năng có thể sánh ngang với những nhạc trưởng giỏi nhất của Pháp và Đức thời bấy giờ. Giống như Mozart, ông Nicolai đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc đầy triển vọng từ khi còn nhỏ. Nhà soạn nhạc Berlioz nhận định ông Nicolai là một trong những vị chỉ huy dàn nhạc vĩ đại nhất mà mình từng gặp, ông nói, “Nhà soạn nhạc Nicolai là một trong những người mà chỉ riêng tầm ảnh hưởng của ông thôi cũng đủ để mang lại ưu thế âm nhạc rõ rệt cho thị trấn nơi ông sống.”
Chính xác thì điều gì khiến nhạc trưởng Nicolai tài ba như vậy? Nhà soạn nhạc Berlioz lưu ý về một số phẩm chất, như: Ông là người “có học thức” và “ lòng nhiệt thành,” với bản năng cảm âm mạnh mẽ, thể hiện sự chú tâm tuyệt vời đến từng chi tiết, và “chuẩn xác” trong phương pháp chỉ huy dàn nhạc của mình.
Sau khi ông Nicolai đến Vienna để chỉ huy dàn nhạc thuộc Nhà hát Court Opera của thành phố này, năm 1842, ông đã giúp tập hợp các nhạc công từ dàn nhạc opera để thành lập một dàn nhạc riêng chỉ dành cho âm nhạc giao hưởng. Cho đến nay, các thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Philharmonic vẫn biểu diễn tại Nhà hát Vienna State Opera, nơi họ được tuyển chọn.
Nhạc trưởng Nicolai thậm chí còn viết một “Tuyên bố của người sáng lập” khuyên Vienna hãy thức tỉnh khỏi những giấc mộng biểu diễn.
“Trin tin tin! Nghe này! Nghe này! Đã đến lúc, không còn các nhạc công chỉ ngủ, hoặc chơi vĩ cầm trên giường nữa! Hỡi những người con trai của Thần Apollo, tất cả hãy tập hợp lại, [và] chung tay làm nên điều gì đó vĩ đại!”
Mục đích chính của ông Nicolai khi giúp thành lập Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic là để biểu diễn các tác phẩm của nhà soạn nhạc Beethoven. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các sáng tác của Beethoven đã đưa nhạc giao hưởng lên một tầm cao mới về độ phức tạp, mang đến những khó khăn cho cả những nhạc công chuyên nghiệp. Vì lý do này, nhà soạn nhạc Berlioz từng than thở rằng “không tới sáu nơi trên thế giới” mà người ta có thể nghe các tác phẩm của bậc thầy này được diễn tấu một cách chính xác.
Thành công ở nơi mà những người khác đã thất bại
Một năm sau khi thành lập, ông Nicolai đã chuẩn bị cho Dàn nhạc Vienna Philharmonic một trong những khoảnh khắc mang tính lịch sử nhất: biểu diễn Bản giao hưởng số 9 (Ninth Symphony) của nhà soạn nhạc Beethoven.
Bản Giao hưởng “Hợp xướng” ra mắt công chúng vào năm 1824. Lúc này Beethoven đã mất thính lực hoàn toàn, ông chỉ huy bản nhạc vụng về đến mức nhạc trưởng thứ hai phải đứng sau ông để dẫn dắt các nhạc công. Mặc dù dàn nhạc nghiệp dư chưa được chuẩn bị tốt để chơi tác phẩm này, và chỉ được diễn tập hai lần, nhưng buổi biểu diễn thành công đến nỗi giọng nữ trầm Caroline Unger phải vỗ nhẹ vào Beethoven để báo cho ông biết về sự hoan nghênh nồng nhiệt đang diễn ra sau lưng ông.
Trong gần 20 năm tồn tại tiếp theo của dàn nhạc, chưa có một nhạc trưởng nào biểu diễn thành công hoàn hảo tác phẩm này. Nếu những bản giao hưởng thời đầu của Beethoven đã đầy tính thử thách, thì Bản giao hưởng số 9 được xem là gần như bất khả thi, [vì nó] đòi hỏi một dàn nhạc lớn nhất từng được quy tụ cho tới thời điểm đó, cũng như một dàn hợp xướng có đầy đủ các nghệ sĩ độc xướng thanh nhạc.
Độ khó quá mức của Bản giao hưởng số 9 đã ảnh hưởng đến những đánh giá ban đầu của giới phê bình. Khi bản nhạc này được diễn tấu lần đầu ở London vào năm 1825, Bản giao hưởng số 9 đã không được đón nhận nồng nhiệt. Một nhà phê bình viết cho tờ Harmonicon đã chỉ trích rằng đó là bản nhạc “chán ngắt,” trường độ của nó không “đủ để thu hút sự chú tâm của bất kỳ khán giả nào.” Chương cuối cùng có đoạn điệp khúc nổi tiếng ngày nay là “Ode to Joy” lại rất “không đồng nhất,” thiếu “kết cấu dễ hiểu,” và dường như không liên quan gì đến ba chương đầu tiên. Nhà phê bình này đề nghị rằng tác phẩm nên được biên soạn thành một “bản nhạc kiểu mẫu có thể sản xuất được,” gần giống với bản nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc Haydn.
Các nhà phê bình của Vienna đồng tình rằng Bản giao hưởng số 9 dài đến khó chấp nhận. Các nhạc công phàn nàn rằng nó quá khó để chơi. Bởi vì Bản giao hưởng số 9 chưa bao giờ được diễn tấu hoàn chỉnh, nên một số người cho rằng bản nhạc này không thể trình diễn được.
[Tuy nhiên], nhạc trưởng Otto Nicolai đã tìm cách thay đổi quan điểm này. Một lượng lượng lớn các nhạc công và ca sĩ đã gây khó khăn trong việc đồng bộ dàn nhạc của ông. Vậy làm thế nào mà ông thành công trong việc này?
Vâng, trên cả những phẩm chất xuất sắc của mình, nhà soạn nhạc Berlioz lưu ý đến một kỹ năng ở ông Nicolai mà những người khác còn thiếu, và đó là tố chất cần thiết của tất cả các nhạc trưởng lỗi lạc: ông Nicolai là một “nhà tổ chức không mệt mỏi.” Ông đưa ra những yêu cầu khắt khe và kỷ luật nghiêm ngặt từng được mô tả là độc đoán. Ông không cho phép các nhạc công của mình lãng phí thời gian. Để chuẩn bị cho các nghệ sĩ, ông để họ trải qua 13 buổi diễn tập miệt mài. Ông đã hợp nhất các nhạc công khác nhau của mình thành một cá thể duy nhất cho đến khi họ có thể chơi như một nhạc cụ.
Thành công và di sản
Buổi biểu diễn Bản giao hưởng số 9 của nhạc trưởng Nicolai đã thành công rực rỡ. Đây là cách diễn giải công khai đầu tiên về kiệt tác của nhà soạn nhạc Beethoven mà có thể làm hài lòng những ý tưởng ban đầu của người sáng tạo ra nó. Nhưng vinh quang này lại không kéo dài lâu.
Trong những năm này, ông Nicolai đã sáng tác nên tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông thời nay: một vở nhạc kịch chuyển thể từ tác phẩm “The Merry Wives of Windsor” (Những Người Vợ Vui Vẻ của Windsor) của đại văn hào Shakespeare. Tuy nhiên, các đạo diễn nhạc kịch ở thành phố Vienna đã từ chối sản xuất tác phẩm này. Mặc dù ông Nicolai là người chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Court Opera nhưng ông không có toàn quyền quyết định các nhạc công của mình sẽ biểu diễn gì. Năm 1847, ông từ chức và rời Vienna đến Berlin, nơi tác phẩm vĩ đại của ông được công diễn hai năm sau đó. Tuy nhiên, vinh quang của ông chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, bởi vì ông đã qua đời do đột quỵ ngay sau khi được bổ nhiệm làm nhạc trưởng của Nhà hát Opera Quốc gia Berlin (The Berlin State Opera).
Không ai có tố chất tương đương để thay thế sự vắng mặt của nhạc trưởng Nicolai, và Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic phải chịu cảnh sa sút kéo dài hơn một thập niên. Sau đó vào năm 1860, vận may hiếm hoi của nó bắt đầu thay đổi. Nguyên nhân hồi sinh của dàn nhạc này là gì? Không gì khác hơn là màn trình diễn thành công của tác phẩm “The Merry Wives of Windsor” (Những Người Vợ Vui Vẻ của Windsor)! Thật xứng đáng, khi sự tôn kính mà dàn nhạc này dành tặng một cách muộn màng cho nhà sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng đã khởi đầu một kỷ nguyên vàng của những buổi biểu diễn tuyệt vời.
Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic từng tự hào về một số nhạc trưởng nổi tiếng trong thời gian này, từ những vị nhạc trưởng chỉ ghé thăm như nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi và Richard Wagner cho đến các giám đốc thường trực như ông Gustav Mahler. Sau khi ông Berlioz làm nhạc trưởng khách mời chỉ huy dàn nhạc Philharmonic vào năm 1845, ông bày tỏ rằng Dàn nhạc Vienna Philharmonic “có lẽ có thể sánh ngang với các dàn nhạc giao hưởng khác, nhưng không có dàn nhạc nào vượt qua được.” Nhận định của nhạc trưởng Berlioz vẫn tiếp tục đứng vững cho tới tận ngày nay.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected], và tiếp tục tìm thấy nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách ghi danh nhận bản tin Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter