Những ngôi sao âm nhạc đầu tiên: Các nữ danh ca Bel Canto
Các nữ danh ca opera đã mang đến cho công chúng những tác phẩm đầy kịch tính.
Lớn lên ở thủ đô đất nước, tôi rất thích theo dõi các sân khấu opera địa phương. Trong đó có cả những nỗ lực không ngừng nhằm quảng bá loại hình nghệ thuật trí thức này. Sáng tạo nhất trong số đó có lẽ là chương trình “Opera in the Outfield” (Nhạc kịch ngoài trời), nơi những người yêu âm nhạc tề tựu tại Sân vận động Nationals Park để xem nữ ca sỹ Renée Fleming hát trên màn hình khổng lồ. Lúc đó, ông Plácido Domingo đang là giám đốc Công ty Nhạc kịch Quốc gia Washington, và cũng có mặt để diễn thuyết. Chỉ ngồi cách ông tầm 15 mét, tôi tưởng tượng mình có thể cảm nhận được trường năng lượng của ông khiến tôi được đắm mình trong nguồn cảm hứng.
Chương trình “Opera in the Outfield” (Nhạc kịch ngoài trời) là một sự kiện nổi tiếng hiện đã tổ chức được 13 mùa. Thật tuyệt vời khi chứng kiến một số thành công trong việc đưa âm nhạc nghệ thuật đến gần hơn với đời sống thường nhật, bởi vì đây không phải là trường hợp thường thấy.
Hai trăm năm trước, người ta không cần sử dụng đến các sách lược quảng bá đặc biệt như vậy để thu hút quần chúng. Vào thế kỷ 19, opera đã phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội, chứ không chỉ trong giới nhà giàu và giới trí thức. Một đêm diễn opera kết hợp giữa [khâu dàn dựng sân khấu] như trong quá trình sản xuất một bộ phim có kinh phí lớn, với tính chất sống động của một buổi hòa nhạc, và các nữ danh ca giống như các ngôi sao âm nhạc nổi tiếng. Các ca sỹ hạng A nhận mức thù lao cao hơn nhiều so với các nhà soạn nhạc. Họ có thể khiến chương trình đó thành công hay thất bại, và thu hút được lượng khán giả cuồng nhiệt.
Đáng tiếc là, những minh tinh này sống trước thời mà ông Thomas Edison phát minh ra thiết bị thu âm. Ký ức duy nhất của chúng ta về họ chỉ còn lại trong những bức chân dung và sách lịch sử, chúng ta phải dựa vào trí tưởng tượng của mình để lấp đầy những mô tả về giọng hát của họ. Dẫu vậy, một số mô tả trong đó lôi cuốn đến mức những nhân vật này vẫn khiến chúng ta say đắm cho đến thời nay.
Phong cách Bel Canto
Mặc dù opera là thể loại âm nhạc quốc tế, nhưng trái tim của nó vẫn luôn đặt ở nước Ý. Vào đầu thế kỷ 19, một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của opera là Gioachino Rossini. Ở đỉnh cao danh vọng, ông Rossini còn được ngưỡng mộ hơn cả Beethoven.
Ông Rossini cùng các nhà soạn nhạc đương thời là ông Vincenzo Bellini và ông Gaetano Donizetti, đã giúp định hình phong cách hát opera mới gọi là bel canto, nghĩa là “kỹ thuật hát đẹp.” Như thuật ngữ này gợi ý, các khúc aria của ông Rossini đòi hỏi một giọng hát thanh lịch, âm vực linh hoạt, và các giai điệu được kiểm soát tốt — mà người ca sỹ có thể phải trau dồi suốt một thời gian dài. Mặc dù mục đích của phong cách này là mang lại cảm giác thanh thoát khi nghe, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Sử gia âm nhạc Charles Burney (1726-1814) miêu tả sự nghiệp của một ca sỹ — mà ở phương diện nào đó có thể rất đúng với phong cách hát bel canto. Ông viết, khi thị hiếu bị “sự tinh tế, tỉ mỉ, các nốt cao, hoặc các kỹ thuật luyến láy nhanh” chi phối, thì người ca sỹ sẽ phải “dằn vặt cả ngày lẫn đêm để cố gắng làm được những điều không thể, nếu không anh ấy sẽ bị khán giả lắng nghe một cách hờ hững như nghe một ca sỹ hát nhạc ballad trên đường phố.”
Thay thế từ “anh ấy” bằng “cô ấy” trong mô tả của ông Burney, và chúng ta sẽ hình dung được đời tư của những nữ danh ca nổi tiếng trong mắt công chúng là như thế nào.
Tài năng diễn xuất của nữ danh ca Maria Malibran
Trong tiếng Ý, từ “Diva” có nghĩa là “Nữ Thần”. Đối với những khán giả hâm mộ ca sỹ Maria Malibran, bà chắc chắn là người như vậy. Các tư liệu ghi chép về thời kỳ này đề cập đến danh ca Malibran nhiều hơn bất cứ nghệ sỹ biểu diễn nào khác. Một lá thư gửi đến nữ ca sỹ từ một người bạn (cũng là một sử gia) ái mộ bà, ông Ernest Legouvé, đã miêu tả những cảm xúc mà chàng trai trẻ cảm nhận được khi nghe bà hát: “Chính là ngả mũ thán phục, thưa quý bà, người ta phải ngả mũ thán phục khi nhắc đến bà.”
Nữ ca sỹ Malibran xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên khi mới 5, 6 tuổi. Bà từng không hài lòng với khả năng ca hát của mình và bước xuống sân khấu khi đang biểu diễn giữa chừng, rồi tuyên bố rằng mình hát như “chó sủa”. Khán giả không đồng tình, mà vỗ tay nồng nhiệt. Tuổi thơ của bà trải qua quá trình luyện tập và biểu diễn liên miên, vì thế sau khi lớn lên, bà rất yêu thích những con búp bê và các trò chơi mà bản thân đã bỏ lỡ thời thơ ấu. Các bài viết đương thời không chỉ miêu tả về giọng hát điêu luyện mà còn cả kỹ năng diễn xuất tuyệt vời của bà. Danh ca Malibran dễ dàng [hóa thân] vào các vai diễn hài hước của ông Rossini cũng như các vai diễn bi kịch của ông Bellini. Khán giả cảm thấy kinh ngạc trước cách mà bà dường như hoàn toàn nhập vai vào những cảm xúc chân thật của nhân vật.
Bà chính thức ra mắt công chúng vào ngày 14/01/1828, ở tuổi 19. Vai diễn này nằm trong vở opera bi kịch “Semiramide” của nhà soạn nhạc Rossini, phỏng theo truyền thuyết về Nữ hoàng Semiramis xứ Assyria. Do chứng bệnh sợ sân khấu, ban đầu bà không được đón nhận lắm. Nhưng khi kiểm soát được nỗi sợ hãi, bà đã dần dần chinh phục được thính giả của mình. Thể hiện chất giọng nữ trung cao (mezzo-soprano) với âm vực đáng kinh ngạc, bà hoàn toàn thả mình vào những cảm xúc trong vai diễn, và khéo léo tô điểm ngẫu hứng cho các nốt nhạc mà ông Rossini sáng tác. Đến cuối buổi diễn, khán giả bị cuốn vào “hiện tượng phấn khích hàng loạt.” Kể từ đó, công chúng gọi bà là “La Malibran.”
Bà đã khiến cả châu Âu say đắm suốt gần một thập niên. Không một nữ danh ca nào có thể khiến công chúng phấn khích như bà đã làm được. Nhưng rồi, vào năm 28 tuổi, bà qua đời trong một tai nạn cưỡi ngựa sau khi ngã từ trên lưng ngựa xuống. Giống như nam tài tử James Dean và nữ minh tinh Marilyn Monroe, bi kịch qua đời khi còn rất trẻ đã củng cố vị thế huyền thoại của bà. Một trong những người viết tiểu sử cho bà, sử gia April FitzLyo, miêu tả bà là “hiện thân của trường phái lãng mạn.”
Giọng hát vô song của nữ danh ca Henriette Sontag
Nữ danh ca Henriette Sontag lớn hơn bà Malibran hai tuổi. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kịch nghệ, bà cũng xuất hiện sân khấu khi còn rất nhỏ. Bà từng hát trong nhiều vai nổi tiếng, trong đó có hát phần giọng nữ cao (soprano) tại buổi ra mắt Bản Giao hưởng Số 9 của Beethoven, và thậm chí còn biểu diễn trong cùng một vở nhạc kịch nơi bà Malibran đã có buổi ra mắt xuất sắc. Mặc dù bà Sontag thiếu khả năng diễn xuất như bà Malibran, nhưng kỹ thuật thanh nhạc của bà được cho là vượt trội hơn.
Bà Sontag đặc biệt giỏi trong việc thực hiện điều mà tất cả các nữ danh ca vĩ đại thời đó mong mỏi làm được: khả năng ứng tác để tô điểm thêm cho phần nhạc đã được viết. Không phải tất cả các ca sỹ đều có thể làm được điều này. Có lần, giọng nữ cao Adelina Patti đã thêm thắt vào khúc aria nổi tiếng “Una voce poco fa” trong vở nhạc kịch “The Barber of Seville” (Người Thợ Cắt Tóc Thành Seville) một cách thái quá và lê thê. Sau buổi biểu diễn, nhà soạn nhạc Rossini đến bên bà, và nói, “Tuyệt lắm, nữ ca sỹ yêu quý của tôi, nhưng ai đã viết bản nhạc mà cô vừa biểu diễn vậy?” Về sau, ông đã cố gắng trau chuốt những nốt nhạc trong các khúc aria của mình tỉ mỉ hơn, để tránh những thêm thắt không hay.
Tuy nhiên, nhà soạn nhạc Rossini xem bà Sontag là ngoại lệ đối với quy tắc này. Ông từng đến thăm bà ở Paris để cảm ơn bà vì đã biến tấu một bài hát trong vở opera “Matilde di Shabran” của ông, thậm chí ông còn cho phép bà trau chuốt các bản aria của mình khi bà thấy phù hợp.
Giống như nữ danh ca Malibran, bà Sontag cũng có sự nghiệp thành công suốt một thập niên trước khi kết hôn với một quý tộc người Sardinia. Mặc dù bà giải nghệ gần 20 năm, nhưng vào những năm cuối đời bà đã quay lại sự nghiệp sân khấu và đi khắp Đại Tây Dương. Khi lưu diễn ở Mexico, bà đã qua đời trong một trận dịch tả ở tuổi 48. Mặc dù qua đời ở tuổi trung niên thường không được tôn vinh như những bi kịch thời son trẻ, song nữ ca sỹ Sontag vẫn là một trong những ngôi sao vào thời đó.
Các nữ danh ca nhạc kịch có vẻ lỗi thời trong thời đại của những ngôi sao nhạc pop, những người vượt trội hơn các bậc tiền bối của mình về cảnh tượng lộng lẫy và danh tiếng toàn cầu. Ấy thế mà, những nữ danh ca opera vẫn nổi bật như những cá nhân đã tạo dựng nên tên tuổi của mình — mà không cần đến máy ảnh hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. [Tuy giờ đây] họ không còn thu hút ánh đèn sân khấu nữa, nhưng họ vẫn khẳng định được vị thế của mình trên sân khấu lịch sử.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times