Beethoven và những bản giao hưởng bí tích
Beethoven có một tầm nhìn huy hoàng về một vũ trụ không thể tưởng tượng được, và ông đã vẽ nên vinh quang ấy theo cách mà không ai khác có thể làm được.
Tôi vẫn còn đang rùng mình chấn động. Tôi vừa mới nghe bản “Giao hưởng số 5” của Beethoven – một lần nữa – hoàn toàn như một khải huyền. Một khúc tuỳ hứng, sự bùng nổ táo bạo gợi lên tiếng cười gần như bất an. Thật là ly kỳ và lôi cuốn, chân thật và hoàn toàn ngoạn mục – đó là tác phẩm đặc sắc của một người đàn ông phi thường, người có tầm nhìn xa trông rộng và hoàn toàn không chút mơ hồ hão huyền. Người đàn ông đó là ngài Ludwig van Beethoven.
Chúng ta không thể nói về Beethoven mà không nhắc đến Mozart. Trong khi Beethoven thực sự có đi theo bước chân của Mozart, nhưng ông chắc chắn đã tạo nên hướng đi riêng biệt của mình. Một so sánh ngắn gọn giữa hai bậc thầy này có thể thực sự hữu ích cho chúng ta hiểu hơn về Beethoven.
Điểm khác biệt lớn nhất là Mozart thường xuyên sử dụng các âm giai trưởng và giai thứ xen kẽ nhau. Các âm giai thứ thường thể hiện sự buồn bã. Kỹ thuật xen kẽ các âm giai trưởng và giai thứ của Mozart đã thay đổi màu sắc để nỗi buồn trở nên tinh tế, nhạy cảm, và sâu sắc hơn. Đối với Mozart, mặt trời không bao giờ rời xa, và dường như lúc nào tia nắng cũng sắp sửa xuyên qua tán mây đen.
Tuy nhiên, đối với Beethoven, bạn không bao giờ có thể lầm lẫn ý định của ông. Bà Mitsuko Uchida, nghệ sĩ dương cầm hòa nhạc nổi tiếng, gọi Beethoven là “có chủ ý,” bởi vì ông sử dụng các kỹ thuật xung kích một cách hàm ý. Khi nghe nhạc của ông, hoặc là bạn nhìn chăm chú vào vực thẳm của nỗi buồn, hoặc là bạn đang phi nước đại trên lưng ngựa, cắm cờ trên cây quyền trượng, xông pha vào chiến trường. Mặc dù có thể hơi phóng đại, nhưng ta có thể nói một khi Beethoven ra quyết định là ông sẽ theo tới cùng. Điều này vừa đáng giá vừa ngạc nhiên, nhưng cũng không còn chừa chỗ cho sự mơ hồ nữa.
Ngài Beethoven là một người có quan điểm và mục tiêu rõ ràng. Ông có tầm nhìn huy hoàng về một vũ trụ không thể tưởng tượng được, và ông đã vẽ nên vinh quang ấy theo cách mà không ai khác có thể làm được. Bạn hãy thử nghe “Bản giao hưởng thứ năm” được trình diễn đầy đủ dàn nhạc và xem liệu bạn có thể nghĩ ra bất kỳ một bản nhạc nào khác gần với sức mạnh khủng khiếp, táo bạo đó không. Thật là một hiện tượng mà ngay cả thể loại nhạc rock hiện đại mạnh nhất cũng bị ủ rũ khi so sánh.
“Bản sonata Số 4,” hay còn được biết đến với tên gọi “Sonata Ánh trăng,” khiến tôi rơi lệ mỗi khi lắng nghe. Tác phẩm là một lời than thở mê hồn với vẻ đẹp sâu sắc, héo úa và nỗi buồn tột cùng. Beethoven đưa thể loại sonata “thanh lịch” lên những cao trào cảm xúc chưa ai từng nghe. Ngay cả những chuyển động ngắn ngủi tới cung Sol thăng trưởng dường như cũng không khiến cho bản nhạc tươi vui lên. Và theo những cách nào đó, âm nhạc cổ điển thực sự đã phát triển nhờ tác phẩm này. Beethoven thể hiện sự giận dữ kịch tích thay vì lòng trắc ẩn nhẹ nhàng của Mozart, và sự kịch tính này đã làm rõ sự khác biệt của hai nhà soạn nhạc.
Beethoven được biết là bị chứng ù tai suy nhược và thính lực dần suy yếu. Điều này chắc hẳn đã góp phần tạo nên bản chất kiên quyết trong âm nhạc của ông. Ông thường bày tỏ về nỗi lo lắng của mình rằng thời gian không còn nhiều nữa. Vào thời điểm “Bản giao hưởng thứ chín” của ông được trình diễn tại Vienna vào năm 1824, ông đã bị điếc nặng
Chúng ta khó có thể hình dung một hoàn cảnh bi kịch hơn: người đã sáng tác ra thứ âm nhạc của sự rực rỡ đáng kinh ngạc và vẻ đẹp đầy khao khát như vậy sẽ không bao giờ được nghe thấy âm nhạc của mình. Điều này nói lên sức mạnh bất khuất của tinh thần con người dường như luôn hiện hữu trong tác phẩm của ông. Bản thân Beethoven đã phải vượt qua một tuổi thơ khó khăn, và ông phải vật lộn với sức khỏe của mình, nhưng ông vẫn quyết tâm trở thành một nhà soạn nhạc – một nghệ sĩ – theo đúng nghĩa của mình.
Biết rằng sự nghiệp của mình sẽ sụp đổ nếu như công chúng biết đến căn bệnh điếc của mình, Beethoven rút lui vào âm nhạc và sống ẩn dật, cố gắng sáng tác bất cứ âm nhạc nào còn đọng lại trong ông. Người ta khó có thể tưởng tượng sự tuyệt vọng và bật lực tột cùng mà ông đã trải qua. Nhưng bằng cách nào đó ông đã cố gắng kéo mình thoát khỏi bờ vực thẳm. Chấp nhận số phận của mình, ông đã sáng tác “Bản giao hưởng thứ ba” hay “Eroica” (Anh hùng) như một lời thách thức. Tác phẩm này đã làm lu mờ sự tráng lệ và phức tạp của những bản nhạc trước đó của ông và được tán thưởng rộng rãi như một kiệt tác. Sau này, ông viết, “Hãy để chứng điếc của tôi không còn là một bí mật nữa.”
Sau đó, ngay trước lễ Giáng sinh năm 1808, Beethoven đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại Nhà hát ở Wien, thành phố Vienna. Điều đáng chú ý là ông ra mắt năm tác phẩm lớn. Trong số đó có “Bản giao hưởng Đồng quê,” “Bản hòa tấu piano thứ tư” và “Bản giao hưởng thứ năm,” một số bản nhạc quan trọng nhất từng được viết – tất cả đã được ra mắt vào đêm mùa đông duy nhất đó!
Khi đó, tình hình tài chính của ông đang gặp khó khăn, sức khỏe cũng đang giảm sút, nhưng Beethoven đã mang đến một trong buổi hòa nhạc thử thách nhất mà khán giả thời đó từng biết. Đến phút cuối cùng, ông vẫn bất chấp, không nhượng bộ mà lựa chọn hoặc là sống, hai là chết bởi sự kiên quyết trong âm nhạc của mình và bản thân ông với tư cách là một nghệ sĩ. Khán giả đã bị mê hoặc. Họ say mê với buổi biểu diễn. Ông đã chứng tỏ bản thân với thế giới, và những tác phẩm ấy – biểu tượng của âm nhạc – là minh chứng cho sự thiên tài của ông.
Không lâu sau, Beethoven phải ngừng biểu diễn trước công chúng do sức khỏe và bệnh điếc ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn sáng tác một trong những tác phẩm siêu thường, mộng ảo nhất: “Fidelio,” bản “Hammerklavier” kỳ ảo, bản “Tứ tấu dây,” và bản “Giao hưởng thứ chín” vô song. Đó là một đột phá điển hình, bản Giao hưởng thứ chín là lần đầu tiên một dàn hợp xướng được đưa vào trong một sáng tác giao hưởng – tạo nên tiếng vang như sấm.
Ngài Beethoven là một người đàn ông khó tính, dễ nổi nóng gần như phát điên. Dù kiêu hãnh và ương ngạnh, chúng ta khó có thể tưởng tượng một người nào khác ngoài Beethoven có thể vượt qua con đường đời mà ông được định sẵn để sáng tác với niềm đam mê và sự táo bạo huy hoàng mà ông khao khát. Ông cố gắng vượt lên sự thấp hèn của cuộc sống, và thông qua âm nhạc của mình, đưa chúng ta theo. Bên trong con người ông là một người có đức tin ngoan đạo. Ông viết rằng ông nhìn thấy Đấng Sáng Thế trong mọi điều và nhìn thấy mọi điều đều tồn tại trong Đấng Sáng Thế.
Khi nhà tài trợ của Beethoven, Thái tử nước Áo Rudolf, được thăng lên làm Tổng giám mục, ông được ủy thác sáng tác bản “Missa Solemnis,” hay “Bản Thánh lễ.” Ông cho rằng ngày hôm đó là ngày huy hoàng nhất trong cuộc đời mình, và rằng tác phẩm sẽ là một tượng đài cho phép màu của sự hài hòa và đức tin của nhân loại. Thông qua vai trò này, ông sẽ thể hiện tiếng nói của con người trước Đấng Sáng Thế.
Vì vậy, những đoạn mà ông viết cho dàn hợp xướng ở gần cuối chương “Credo” là gần như bất khả thi để bất kỳ ai có thể hát. Trong phần trình bày của Beethoven về sự tôn vinh Đấng Sáng Thế, dàn hợp xướng sẽ phải cống hiến hết mọi thứ có thể với cung cách con người, rồi lại phải thăng hoa lên cao hơn nữa, cố gắng lên cao hơn, rồi lại thăng hoa lên như bản thân ông đã luôn làm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều mang chủ ý nhân văn và tâm linh. “Khúc hoan ca,” một phần của “Bản giao hưởng thứ chín” là một ví dụ nổi tiếng. Nhiều người bị áp bức trên khắp thế giới đã cất tiếng hát đoạn nhạc khúc này để thể hiện hy vọng: những người từ Congo ở Phi châu cho tới Chile, đến Bức tường Berlin và thậm chí là những người biểu tình ở Thiên An Môn ở Trung Quốc.
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times