Khởi nguồn của nền âm nhạc Tây phương: Nhà soạn nhạc Léonin và Nhà thờ Đức Bà
Một nhà soạn nhạc ẩn danh người Pháp mang đến cho chúng ta những âm hưởng đầu tiên của âm nhạc Tây phương.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều quen thuộc với thánh ca Latinh vì cách nó được lồng vào các bản nhạc phim, đặc biệt là trong những phân cảnh hồi hộp gay cấn. Trong phim “Lord of the Rings” (Chúa tể của những chiếc nhẫn), tiếng thánh ca báo hiệu sự xuất hiện của ma nhẫn Nazgul, và người xem có thể biết được họ sắp nhìn thấy những kẻ cưỡi ngựa mặc đồ đen đuổi theo Frodo qua rừng.
Tuy nhiên, thánh ca Gregorian truyền thống gắn liền với lời ca tụng và niềm hân hoan hơn là nỗi kinh hãi. Âm nhạc này cũng phức tạp hơn nhiều so với các bản cải biên hiện đại, chỉ lặp đi lặp lại một hoặc hai câu nhạc, và được sáng tác nhằm khơi dậy một phản ứng cảm xúc đơn giản từ khán giả. Điều này có thể gây ngạc nhiên vì các bài bình ca (plainchant) truyền thống vốn không có nhạc cụ đệm và thuộc thể loại đơn âm — nghĩa là chỉ có một dòng giai điệu cho tất cả các giọng hát.
Tuy nhiên, khi bạn nghĩ kỹ, sẽ có rất nhiều cách khác nhau để ngân lên một giai điệu. Ngày xưa, ca đoàn có khi hát đồng thanh, có khi hát thay phiên nhau. Có những lúc, lời ca mang tính “đối đáp,” trong đó một nghệ sĩ độc xướng hát xen kẽ với ca đoàn. Một âm tiết được hát có thể tương ứng với một nốt nhạc hoặc được kéo dài qua nhiều nốt. Phong cách thứ hai này được gọi là “melisma”; hãy liên tưởng tới hình ảnh các tu sĩ thực hiện một nghi thức tôn giáo theo cách hát hơi giống bài “I Will Always Love You” của danh ca Whitney Houston.
Trong suốt giai đoạn đầu của thời Trung cổ, sáng tác khuyết danh vẫn là nguyên tắc chung. Chúng ta chỉ biết đến một vài tên tuổi. Một trong số đó là nhạc sĩ kiêm tu sĩ Nokter Balbulus (“Người nói lảm nhảm” hoặc “Người nói lắp”). Tu sĩ dòng Thánh Benedict này đã khám phá ra một phương pháp viết nhạc giúp các ca sĩ ghi nhớ những giai điệu melisma dài, vốn phức tạp hơn nhiều so với các đoạn vocal run (chạy một hoặc nhiều note trong một khoảng thời gian ngắn) của Whitney Houston.
Dù bình ca có độ phức tạp cao, nhưng âm nhạc Cơ Đốc Giáo vẫn có giai điệu đơn giản trong suốt một ngàn năm đầu tiên tồn tại. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi vào thiên niên kỷ thứ hai.
Một thiên tài khuyết danh
Tác giả Burkholder và Palisca mô tả sự phát triển của âm nhạc đa âm như “một trong những thành tựu vẻ vang nhất thời Trung cổ” trong cuốn sách của họ, “Norton Anthology of Western Music” (Tuyển tập Âm nhạc Tây Phương Norton). Thú vị thay, có hai tên tuổi gắn liền với âm nhạc đa âm. Đầu tiên là nhà soạn nhạc “Magister Leoninus,” hay Bậc thầy Léonin. Ông chỉ được biết đến từ một tư liệu ở thế kỷ 13, có tên “Anonymous IV” (Khuyết Danh IV) — được đặt tên như vậy vì đây là chuyên luận ẩn danh thứ tư trong bộ sưu tập của một nhà cổ vật. Cái tên này đề cập đến cả chuyên luận và vị tác giả không rõ danh tính của nó, một người Anh từng học tại Đại học Paris.
Tư liệu Anonymous IV cho chúng ta biết rằng ông Léonin đã biên soạn cuốn “Magnus liber organi” hay Cuốn sách Vĩ đại về Đa âm. Mặc dù cuốn sách này không còn tồn tại, nhưng các tác phẩm được cho là có trong cuốn sách đó, theo ghi chép của Anonymous IV, đã được ghi lại trong một số bản thảo viết tay sau này. Tuy nhiên, tại sao mọi người nên quan tâm đến vị tác giả vô danh của một cuốn sách đã thất lạc, chỉ được nhắc đến trong một bản thảo viết tay duy nhất do một nhà lý luận âm nhạc khuyết danh viết?
Chúng ta nên quan tâm vì ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. “Cuốn sách vĩ đại” này và tác giả của nó đại diện cho sự khởi đầu của nền âm nhạc Tây phương mà chúng ta biết đến ngày nay.
Léonin là ai?
Nhà soạn nhạc người Pháp này đạt được nhiều thành tựu to lớn từ khoảng năm 1150 đến năm 1200. Việc cuốn Anonymous IV gọi ông là “bậc thầy” cho thấy rằng ông là một trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Paris. Sau đó, ông phụng vụ tại nhà thờ chính tòa Thánh Etienne, nhưng nhà thờ đã bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà.
Những đổi mới của ông Léonin tuy đơn giản nhưng sâu sắc. Ông phát triển phong cách được gọi là “organum” (đa âm): đa âm cơ bản là thêm một giọng độc lập khác vào phần đơn ca của bài thánh ca đối đáp. Cuốn sách vĩ đại của ông được cho là đã ghi lại một dạng ký âm ban đầu để phối hợp các phần. Các “điệu thức nhịp điệu” này liên quan đến việc kết hợp hai loại nốt cơ bản là “breve” (nốt ngắn) và “longa” (nốt dài), (tương ứng với các nốt tròn đôi và nốt tròn bốn của chúng ta). Hai loại nốt này sẽ kết hợp theo sáu cách, tương ứng với các nhịp thơ cơ bản được sử dụng trong thể thể thơ truyền thống: nhịp thơ iamb (hai âm tiết, một ngắn một dài), nhịp thơ trochee (một âm tiết nhấn mạnh theo sau là một âm tiết không nhấn mạnh), nhịp thơ dactyl (một âm tiết nhấn mạnh theo sau là hai âm tiết không nhấn mạnh), nhịp thơ anapest (hai âm tiết ngắn hoặc không nhấn, theo sau là một âm tiết dài hoặc nhấn mạnh), nhịp spondee (hai âm tiết dài hoặc nhấn mạnh), và nhịp pyrrhic (hai âm tiết ngắn hoặc không có trọng âm).
Chúng ta không biết có bao nhiêu phát minh của nhà soạn nhạc Léonin là của riêng ông, hoặc là ông đã mượn từ những vị tiền bối vô danh bao nhiêu. Có lẽ đó là một sự kết hợp: Ông sống ở giao điểm của quá trình chuyển đổi từ truyền thống truyền miệng sang viết lách. Các nhà soạn nhạc bắt đầu viết lại trên giấy trắng mực đen những gì được truyền lại thông qua thói quen ghi nhớ. Trong cuốn sách “Music Through Sources and Documents” (Âm Nhạc Thông Qua Các Nguồn Tài Liệu và Văn Bản), bà Ruth Halle Rowen nhấn mạnh vào nhận thức của tác giả Anonymous IV về sự thay đổi của các xu hướng [âm nhạc]. Anonymous IV thậm chí còn ám chỉ điều này khi ông viết: “Từ xa xưa người ta đã học bằng những lời truyền miệng” và “họ dạy người khác bằng cách nói: ‘Hãy lắng nghe và ghi nhớ điều này khi bạn hát.’”
Mặc dù các thuật ngữ và ký âm của thời kỳ này hầu như không còn được sử dụng phổ biến, nhưng chúng vẫn là cội nguồn trực tiếp của các kỹ thuật âm nhạc thời nay. Người kế thừa của nhà soạn nhạc Léonin, người mà tác giả Anonymous IV gọi là “Perotinus Vĩ Đại,” hay “Pérotin Đại Đế,” đã đưa những tiến bộ của thầy mình đi xa hơn nữa, bổ sung thêm các phần cho giọng tam ca và tứ ca.
Âm nhạc và Kiến trúc
Cả hai nhà soạn nhạc Léonin và Pérotin đều gắn bó mật thiết với Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi họ làm việc trong nhiều thập niên. Còn về cuộc sống thường nhật của họ thì chúng ta chỉ có thể suy đoán. Tác giả Anonymous IV thậm chí viết về ông Pérotin còn ít hơn viết về ông Léonin, nhưng dường như bản chất công việc của họ gồm cả việc làm linh mục và âm nhạc. Anonymous IV cho chúng ta biết rằng nhà soạn nhạc Léonin là một người chơi “organista” xuất chúng, một thuật ngữ có thể mang nghĩa là nghệ sĩ thanh nhạc hoặc nhà soạn đa âm thời kỳ đầu. Ông có phải là một thành viên trong dàn hợp xướng? Một giám đốc âm nhạc? Một giáo viên? Ông có thể đảm nhiệm tất cả các vai trò này.
Trong thời đại mà những tòa nhà chọc trời có thể được xây dựng chỉ trong vài tháng, người ta sẽ kinh ngạc khi hình dung về một dự án xây dựng kéo dài hàng thế kỷ. Nhà soạn nhạc Léonin hẳn đã chứng kiến những bệ móng của Nhà thờ Đức Bà được xây dựng vào năm 1163, những trụ bay được dựng lên vào năm 1180, và bệ thờ cao được thánh hiến vào năm 1182. Khó có thể nói rằng ông không được truyền cảm hứng từ tòa kiến trúc này – công trình sẽ trở thành tòa nhà cao nhất mà người ta có thể cư trú tại thời điểm đó. Có phải ông đã sững sờ khi nhìn công trình hùng vĩ ấy vươn cao lên bầu trời và khát khao làm điều tương tự cho thế giới của giai điệu?
Bất kể suy nghĩ cụ thể của họ là gì, sự sáng tạo của nhà soạn nhạc Léonin và Pérotin phản ánh quá trình xây dựng công trình kiến trúc tinh xảo này đang diễn ra xung quanh họ. Ở nhiều phương diện, vai trò của họ đối với âm nhạc Tây phương cũng như vai trò của Homer đối với văn học Tây phương. Giống như viên đá đặt nền của Nhà thờ Đức Bà, hai tên tuổi này đã trở thành nền móng cho tất cả những ai tiếp bước họ.
Chắc chắn nhà soạn nhạc Léonin sẽ ngỡ ngàng trước những loại hình đa âm phức tạp phát triển nhanh chóng trong những thế kỷ tiếp theo, giống như ông sẽ kinh ngạc trước những cửa sổ hoa hồng mà ông không bao giờ kịp chiêm ngưỡng. Bước tiến về sau của âm nhạc giao hưởng, giống như ngọn tháp cuối cùng được úp lên đỉnh ngôi nhà thờ chính tòa ông yêu mến, có lẽ vẫn nằm ngoài tầm tưởng tượng của ông.
Thánh ca Trung cổ ‘hiện đại’?
Ngày nay, có rất ít máy thu thanh xách tay chơi nhịp theo các điệu thức giai điệu của các nhà soạn nhạc Léonin và Pérotin. Tuy nhiên, đã có những nỗ lực nhằm hồi sinh thánh ca Trung cổ trong thời hiện đại. Vì cấu trúc của các ngôn ngữ bản địa hiện đại khiến việc áp dụng cùng các quy tắc phát âm trở nên khó khăn, nên các nỗ lực thành công giống hệt như sự hồi sinh đầy sống động cho một ngôn ngữ đã đi vào dĩ vãng.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times