Nam Hàn bỏ mô tả ‘đối tác chiến lược’ về Trung Quốc trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mới nhất
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nam Hàn và Trung Quốc, Seoul đã loại bỏ cụm từ “đối tác chiến lược” mô tả mối bang giao của hai nước khỏi tài liệu an ninh quốc gia mới nhất của mình.
Hơn nữa, một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy gần 80% người dân Nam Hàn không tin Trung Quốc cộng sản.
Hôm 07/06, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố phiên bản mới nhất của Chiến lược An ninh Quốc gia Nam Hàn, một tài liệu cao cấp nhất về định hướng chính sách ngoại giao và an ninh của nước này.
Tài liệu chiến lược mới này gọi việc Bắc Hàn gia tăng năng lực phi đạn hạt nhân là “thách thức nghiêm trọng nhất” và nhấn mạnh các biện pháp đối phó mạnh mẽ, với một trọng tâm chính sách mới là liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ và sự hợp tác Nam Hàn-Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Tài liệu này đã loại bỏ cụm từ “mối quan hệ đối tác chiến lược” mô tả mối quan hệ của nước này với Trung Quốc trong thời các chính phủ tiền nhiệm của các cựu tổng thống Lee, Park, và Moon. Thay vào đó, cụm từ này được thay thế bằng “hướng tới một mối bang giao lành mạnh và chín chắn hơn dựa trên sự tôn trọng và sự trao đổi lẫn nhau.”
Tài liệu này cũng đề xướng nên áp dụng “một giọng điệu ngoại giao thẳng thắng dựa trên các nguyên tắc và lợi ích quốc gia” và nói thêm rằng “THAAD là một vấn đề về chủ quyền an ninh của Nam Hàn.”
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense-Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối) là một hệ thống chống phi đạn do Hoa Kỳ thiết kế và chế tạo được lắp đặt tại Nam Hàn từ năm 2016 đến năm 2017 như một bức tường thành chống lại một cuộc tấn công phi đạn tiềm năng của Bắc Hàn.
Nhưng Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc khai triển THAAD ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc và từ đó đã áp dụng một loạt biện pháp đối phó với Nam Hàn.
Ngoài ra, trật tự của các quốc gia trong chính sách ngoại giao Đông Á đã được thay đổi từ “Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga” trong các chính phủ tiền nhiệm thành “Nhật Bản, Trung Quốc, và Nga”.
Một nguồn tin cao cấp trong văn phòng tổng thống Nam Hàn nói với The Korean Herald rằng theo thông lệ, việc liệt kê các quốc gia ngoại giao theo thứ tự quan hệ đồng minh và thân thiện, đồng thời nói thêm rằng “việc sắp xếp các quốc gia theo thứ tự gần gũi hơn với Nam Hàn trong các vấn đề về nhà nước pháp quyền, hiến pháp, tự do, và định hướng giá trị, là tiêu chuẩn.”
Nhận định của đặc phái viên Bắc Kinh châm ngòi cho sự chỉ trích
Hôm 08/06, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Hàn ông Hình Hải Minh (Xing Haiming) đã gặp lãnh đạo đảng đối lập chính, ông Lee Jae-myung, tại đó ông Hình đã gián tiếp chỉ trích chính phủ Nam Hàn.
Ông Hình cho biết: “Một số người đặt cược rằng Hoa Kỳ sẽ thắng và Trung Quốc sẽ thua, nhưng đây rõ ràng là một nhận định sai lầm. Điều có thể nói với sự quả quyết là: Những người đặt cược vào sự thất bại của Trung Quốc chắc chắn sẽ hối hận về sau.”
Nhận định của ông Hình đã làm dấy lên sự chỉ trích và tranh cãi rộng rãi ở Nam Hàn.
Bộ Ngoại giao Nam Hàn đã triệu tập ông Hình vào ngày hôm sau và cảnh báo ông về những nhận xét “vô nghĩa và khiêu khích” của ông. Bộ này cáo buộc ông vi phạm các nghi thức ngoại giao và can thiệp vào các công việc nội bộ.
Hôm 10/06, Phụ tá Ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung đã gặp Đại sứ Nam Hàn tại Trung Quốc Jeong Jae-Ho để phản đối việc Seoul triệu tập ông Hình, qua đó thể hiện chính sách ngoại giao ăn miếng trả miếng.
Theo Yonhap News, Tổng thống Yoon đã trực tiếp chỉ trích hành vi của ông Hình trong một cuộc họp kín hôm 13/06.
Ông Yoon nói: “Xét từ thái độ của Đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh, người ta nghi ngờ liệu ông ấy, với tư cách là một nhà ngoại giao, có hiểu được sự tôn trọng lẫn nhau hay tình hữu nghị hay không.”
‘Không bao giờ khúm núm trước ĐCSTQ’
Hôm 18/06, ông Kim Taewoo, cựu giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Nam Hàn của Seoul và là một cựu nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Phân tích Quốc phòng Nam Hàn, nói với The Epoch Times rằng Chiến lược An ninh Quốc gia mới phản ánh “mối bang giao của Nam Hàn với Trung Quốc” kể từ khi ông Yoon nhậm chức tổng thống.
Ông Kim nói: “Tài liệu chiến lược mới phản ánh ý chí của chính phủ Tổng thống Yoon nhằm đảo ngược thái độ khúm núm của chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in đối với Trung Quốc, minh chứng là cách giải quyết gần đây của họ đối với những nhận định khiêu khích của Đại sứ Trung Quốc Hình [Hải Minh].”
Ông Kim cho biết mặc dù một số người ở Nam Hàn bày tỏ sự lo lắng rằng mối bang giao giữa Nam Hàn và Trung Quốc sẽ căng thẳng hơn nữa xét về các khía cạnh kinh tế và địa chính trị, nhưng “[tài liệu chiến lược này] đã đi đúng hướng, và chúng ta chỉ có thể đưa ra lập trường rõ ràng và dứt khoát trước Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]. Nếu không, việc hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản để đối phó với Bắc Hàn sẽ trở nên khó khăn.”
Ông nói thêm: “Chúng ta nên hiểu rằng chúng ta không bao giờ nên khúm núm trước ĐCSTQ, hơn nữa Nam Hàn càng nhượng bộ, càng khúm núm thì ĐCSTQ càng lấn tới.”
Ông tin rằng chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in từng đóng một vai trò trọng tài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Nếu Nam Hàn dùng dằng khi lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì niềm tin của cả hai nước này [đối với Nam Hàn] cuối cùng sẽ mất đi,” ông Kim nói, “đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang đối đầu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.”
Ông lấy ví dụ về Chiến tranh Mùa đông khi Liên Xô xâm lược Phần Lan năm 1939. Vào thời điểm đó, Phần Lan đang phải lựa chọn giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, rốt cuộc đã đánh mất lòng tin của cả hai nước. Khi Liên Xô xâm lược Phần Lan, Đức Quốc xã đã không giúp đỡ. Cuối cùng, 1/10 đất đai của Phần Lan đã bị Liên Xô chiếm đóng và phải đầu hàng.
Theo ông Kim, trước tình hình thực tế như vậy, chính sách Trung Quốc do chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in áp dụng không có lợi cho Nam Hàn.
Ông nhấn mạnh, “Nam Hàn hiện đang đối mặt với một vấn đề ngoại giao với [ĐCSTQ], đó là Nam Hàn chỉ có thể đối phó với mối đe dọa an ninh đối với Bắc Hàn nếu nước này xích lại gần Hoa Kỳ và Nhật Bản. ĐCSTQ nên nhận ra sự thật này.”
Khảo sát: Nhiều người dân Nam Hàn không tin tưởng Trung Quốc
Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Đánh giá Ý kiến Công chúng Nam Hàn (KOPRA) thực hiện, với sự ủy quyền từ nhóm dân sự Nam Hàn Justice Media Citizen Action, cho thấy rằng hơn 3/4 người dân Nam Hàn “không tin tưởng Trung Quốc,” bất kể xu hướng chính trị.
Trong số 1,036 người được hỏi, 76% cho biết họ “không tin tưởng Trung Quốc,” trong đó, 64% được xác định là “thiên tả” và 85% được xác định là “bảo tồn truyền thống.”
Về nhóm tuổi, 81% những người ở độ tuổi 20, 82% ở độ tuổi 30, và 74% ở độ tuổi 40 và 50 trả lời rằng họ “không tin tưởng Trung Quốc.”
Về nhận xét gây tranh cãi của ông Hình, 74% số người được hỏi cho rằng điều đó là “không phù hợp,” trong khi 20% trả lời là “phù hợp.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times