Một lời cầu nguyện cho các nạn nhân của ĐCSTQ
Nhiều người hỏi: họ có thể làm gì để giúp đỡ những người bị bức hại ở Trung Quốc?
Chuyện này thật không dễ dàng. Các quốc gia khác, chứ chưa nói đến những công dân bình thường, dường như thường có ít ảnh hưởng đến hoạt động đàn áp này của chế độ Trung Cộng.
Nhân quyền bị thờ ơ và bị lạm dụng; tinh thần thượng tôn pháp quyền bị chà đạp; các hiệp định và chuẩn mực quốc tế bị vi phạm; còn xã hội dân sự thì bị hắt hủi.
Chế độ này vốn coi thường các giá trị được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các công ước và điều ước quốc tế khác.
Tuy nhiên, họ lại quá mẫn cảm với một cuộc điều tra hồ sơ của mình, thường gọi bất kỳ sự chỉ trích nào cũng đều là “Chủ nghĩa Đế quốc phương Tây” hoặc “sự can thiệp vào chủ quyền của họ.”
Sự mẫn cảm này cho thấy những tiếng nói trên toàn thế giới, cả quốc gia và cá nhân, đều có một tác động nhất định.
Vô số câu chuyện Xô Viết cho thấy những người bị bức hại thường được củng cố quyết tâm như thế nào nhờ biết được rằng các cá nhân và tổ chức ở nơi khác nhận thức được hoàn cảnh của họ và sẵn sàng tiếp tục nêu lên vấn đề đó với chính phủ sở tại.
Mỗi cá nhân có thể làm nhiều thứ khác nhau. Tuy nhiên, dù có vẻ nhỏ nhặt và không quan trọng, nhưng những việc làm đó có thể tạo thêm tiếng nói ngày càng mạnh dần trên thế giới.
Đầu tiên là phải nhận thức được tình hình ở Trung Quốc.
Thông tin về cuộc đàn áp thoát khỏi sự kiểm duyệt. Nhiều nhà bình luận và quan sát viên đang ghép lại với nhau thành một bức tranh chân thực về cuộc đàn áp hàng triệu người này. Ngoài ra, có cả những câu chuyện được thu thập bí mật trực tiếp từ Trung Quốc.
Thứ hai, những lời nhắc nhở liên tục đến các nhà lãnh đạo ở phương Tây, củng cố sự nhận thức và thiện chí của họ để lên tiếng cho chính họ.
Một thập niên trước, có rất ít sự xem xét kỹ lưỡng đối với chế độ Trung Quốc; bây giờ, thì có nhiều hơn nhiều — và ngày càng nhiều nữa.
Các nhà lãnh đạo chính trị, những người thiếu hiểu biết hoặc miễn cưỡng bình luận, đang được thay thế bằng những người sẵn sàng nêu lên vấn đề này.
Các quốc gia đã được khích lệ hành động. Ví dụ, đạo luật Magnitsky hiện đã hiện hữu ở nhiều quốc gia. Điều này đã cho phép đưa ra các lệnh trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền.
Các nhà lãnh đạo ít bị cám dỗ bởi lợi nhuận kinh doanh.
Sự táo bạo mới này xuất phát một phần từ sự hung hăng không hề che đậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng điều đó cũng nảy sinh từ sự hiểu biết rõ ràng hơn của cả người dân và các nhà lập pháp về bản chất của chế độ này.
Hãy cầu nguyện cho người dân Trung Quốc
Đối với các tín đồ tôn giáo, có một hồi đáp thứ ba, đó là cầu nguyện.
Tuần này đánh dấu tuần cầu nguyện toàn cầu lần thứ ba cho Trung Quốc.
Đó là sáng kiến của một mạng lưới không chính thức, bao gồm các nhà lập pháp Cơ Đốc Giáo từ khắp nơi trên thế giới, những người đã thực hiện một chiến dịch khuyến khích tất cả mọi người — nhà thờ, cộng đồng tôn giáo, và các nhóm người có thiện chí — cầu nguyện cho người dân Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của nhóm này vừa tuyên bố: “Chúng tôi lo lắng và đau buồn trước cuộc bức hại và đàn áp nhắm vào các tín đồ Cơ Đốc Giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác của Trung Quốc, một số thậm chí còn phải chịu đựng nạn diệt chủng. Chúng tôi cầu nguyện cho chính quyền Trung Quốc cầm quyền với sự tôn trọng nhân phẩm phổ quát và bất biến cũng như sự tự do lương tâm và tôn giáo.”
Tuyên bố này phản ánh mối quan tâm rộng khắp về những hạn chế đối với việc thực hành tôn giáo, đối với cuộc đàn áp các tín đồ, và phá hủy những nơi thờ phượng ở Trung Quốc.
Tuần lễ Cầu Nguyện Toàn Cầu được khởi xướng hồi năm 2021, để đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á Myanmar, Đức Hồng y Charles Bo, để cầu nguyện cho người dân và giáo hội ở Trung Quốc.
Ông Bo không lạ gì đối với sự đàn áp và lạm dụng nhân quyền. Ông từng chứng kiến tình cảnh này ở đất nước mình trong nhiều năm.
Sau khi Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (Joseph Zen) của Hồng Kông bị bắt, Đức Hồng Y Bo đã nhắc lại và thúc đẩy mạnh mẽ lời kêu gọi của mình. Ông viết: “Tôi kêu gọi các tín hữu Cơ Đốc Giáo thuộc mọi truyền thống ở khắp mọi nơi, hãy cầu nguyện trong tuần cầu nguyện này, đặc biệt là cho Hồng Kông, và Giáo hội ở Trung Quốc, cũng như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những người khác đang phải đối mặt với cuộc đàn áp ở Trung Quốc.”
Giáo hoàng Francis cũng đã kêu gọi cầu nguyện cho Trung Quốc trong dịp này.
“Chúng ta có một bổn phận quan trọng: đồng hành với anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc bằng lời cầu nguyện nhiệt thành và tình hữu nghị đồng môn. Thật vậy, họ cần cảm thấy trong cuộc hành trình phía trước rằng, họ không đơn độc.”
Ngoài những lời cầu nguyện của các tín đồ, các nhà lập pháp đã kêu gọi tất cả những người có liên quan cần được cung cấp thông tin về hoàn cảnh khó khăn mà nhiều người ở Trung Quốc phải nếm trải dưới các luật lệ và chính sách đàn áp và bất công.
“Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp và thành viên của các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, và hợp tác làm việc để thúc đẩy nhân phẩm, tự do, và hòa bình ở Trung Quốc trong thời gian này.”
Đó là một thông điệp mà tất cả những người có thiện chí, những người có và không có tín ngưỡng, đều tán thành. Thông điệp này không giới hạn cho bất kỳ một nhóm tín ngưỡng nào, mà mở rộng cho tất cả những ai tin vào phẩm hạnh và tự do của nhân loại.
Chính tinh thần của người dân cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và Bức tường Berlin. Tinh thần đó được khuyến khích bởi hàng triệu người bình thường trên khắp thế giới, những người đã lên tiếng — và cầu nguyện — cho những người bị đàn áp.
Chế độ cộng sản sợ nhất chính tinh thần này. Tinh thần đó không thể bị chặn đứng bởi xe tăng hay tra tấn. Tinh thần đó có thể được nuôi dưỡng bằng suy nghĩ, lời nói, và hành động của người dân trên thế giới.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times