Hồng Kông: Nhà hoạt động Châu Đình chia sẻ trải nghiệm trong tù
Cô Châu chia sẻ rằng mối đe dọa lớn nhất mà cô cảm nhận được ở trong tù đến từ cảnh sát của lực lượng An ninh Quốc gia, những người cứ ba tháng lại đề nghị cô ký biên bản một lần.
Cô Châu Đình (Agnes Chow), cựu phó tổng thư ký của tổ chức ủng hộ quyền tự quyết cho Hồng Kông Demosisto, hiện đang sống lưu vong ở Canada, mới đây đã chia sẻ trải nghiệm của mình trong nhà tù Hương Cảng.
Cô Châu Đình, 27 tuổi, là cựu phát ngôn viên của nhóm hoạt động Học dân tư triều (Phong trào tư tưởng của những người học thức) và là lãnh đạo của Đảng Demosisto Hồng Kông cùng với anh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và những người khác. Cô thông thạo tiếng Nhật và được mệnh danh là “Nữ thần Học thức.” Cô đã từng đến Nhật Bản để tham gia các hoạt động như diễn đàn thảo luận về tình hình chính trị của Hồng Kông và có được tiếng tăm nhất định ở Nhật Bản.
Vào tháng 08/2020, theo Đạo luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, cô Châu bị bắt vì có liên quan đến vụ án của cựu sáng lập hãng thông tấn Apple Daily Lê Trí Anh (Jimmy Lai). Vào tháng 12/2020, cô bị kết án mười tháng tù giam vì “xúi giục người khác tham gia tụ tập trái phép” và các tội danh khác liên quan đến việc tham gia vào phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ năm 2019.
Kể từ khi được trả tự do vào tháng 06/2021, cô Châu thường xuyên phải báo cáo tình hình cho cảnh sát của lực lượng an ninh quốc gia, sổ thông hành (passport) của cô bị thu giữ và hoạt động đi lại của cô bị hạn chế. Năm 2023, được phép sang Canada du học, cô Châu tuyên bố cô đã quyết định sống lưu vong và sẽ không quay lại Hồng Kông để tường trình với cảnh sát.
Cô viết trong một bài đăng trên Instagram: “Tôi không muốn bị ép buộc phải làm bất cứ điều gì nữa, và tôi không muốn bị buộc phải đến Hoa lục thêm lần nào nữa.”
Cô cũng tiết lộ rằng sau khi ra tù, cảnh sát an ninh nhà nước đã đề nghị cô đến thăm Hoa lục và buộc phải viết thư cảm ơn trước khi cô có thể sang Canada du học.
Hôm 06/02, cảnh sát Hồng Kông thông báo rằng cô Châu chính thức bị truy nã và sẽ bị “truy lùng suốt đời.”
Trong một đoạn video được công bố vào ngày 26/02, cô Châu Đình cho biết cô cảm thấy rất khó chịu khi mới vào tù, ngày nào cô cũng khóc. Ban đầu cô bị giam tại Trại cải huấn La Hồ nhưng bất ngờ được nâng lên thành phạm nhân “Hạng A” và bị giam tại Trại cải huấn Đại Lãm cùng với các phạm nhân phạm tội nghiêm trọng khác bị kết án tù chung thân.
Cô chia sẻ rằng mặc dù các bạn tù của cô bị tuyên những tội danh nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng họ không phải là những người độc ác đến vậy, cô rất hòa hợp với các tù nhân cùng phòng và không bị bắt nạt.
Cô cho hay, “Về môi trường sống ở trong tù, mọi người đều là người bình thường, có lúc họ đau khổ, có lúc họ vui và cũng có lúc họ không vui.”
Trở thành tù nhân hạng A đồng nghĩa với việc bị giám sát an ninh ở mức cao hơn. Mỗi lần cô Châu ra tù để đến bệnh viện, cô đều phải ngồi trên chiếc xe chở tù nhân có biệt danh là “Uy Long Thiết Giáp,” giống như ngồi trong một bốt điện thoại chật hẹp, nơi toàn bộ không gian bị bịt kín, khiến cô có cảm giác ngột ngạt.
Học các kỹ năng mới trong tù
Về cuộc sống trong tù, cô gái này được giao nhiệm vụ gấp phong bì và cặp tài liệu của chính quyền trong tù. Sau đó, cô được phân công giặt quần áo và sử dụng máy may.
Agnes nói: “Mặc dù đó là một quá trình khó khăn, và không ai muốn ngồi tù, nhưng hoàn cảnh này đã giúp tôi có thêm một kỹ năng, đó là biết cách dùng máy may.”
Chế độ ăn trong tù, đúng như cô Châu dự đoán, rất nghèo nàn. Tuy bữa sáng và bữa tối không có vấn đề gì nhưng cô lại không quen ăn cháo vào bữa trưa, đặc biệt là cháo đậu xanh, vì mỗi lần ăn cô đều cảm thấy buồn nôn và đau bụng. Cô tin rằng đó là do tính hàn của đậu xanh và việc bị giam cầm đã khiến sức khỏe của cô trở nên tồi tệ hơn, điều mà rất nhiều tù nhân nữ cũng có trải nghiệm tương tự.
Đọc tiểu thuyết giúp cô quên đi nỗi đau thực tại
Cô Châu tiết lộ rằng điều cô thích làm trong tù sau khi hoàn thành công việc là đọc tiểu thuyết, vì tiểu thuyết có thể giúp cô tạm thời quên đi nỗi đau thực tại. Cô đã đọc hơn 20 cuốn tiểu thuyết của tác giả Nhật Bản Keigo Higashino, cũng như trọn bộ “Harry Potter” và “Đấu trường sinh tử” (The Hunger Games).
Cô tâm sự, “Có những lúc sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết, phải quay về với thực tại, thấy mình bị bao quanh bởi bốn bức tường và ngồi trên một chiếc giường ván cứng, [tôi] thực sự cảm thấy trống trải và bất hạnh.”
Cô cũng thường xuyên viết thư cho bằng hữu khi ở trong tù. Trong khi hầu hết các bức thư của cô đều được gửi đi một cách suôn sẻ, thì có một bức thư viết vào ngày 04/06, ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, đã không thể đến tay người nhận, và vẫn chưa biết liệu bức thư này có liên quan gì đến yếu tố chính trị hay không.
“Đối với các tù nhân, mỗi chữ họ viết, mỗi bức tranh họ vẽ đều là từ tận đáy lòng của họ, và là một trong những phương tiện liên lạc hiếm hoi để họ giao tiếp với thế giới bên ngoài. Vì vậy cho dù lý do tại sao tiếng nói của họ không được truyền ra ngoài có là gì đi nữa, thì điều này cũng khiến tù nhân rất đau lòng.”
Nhân viên an ninh quốc gia đặt ra mối đe dọa lớn nhất
Nhà lãnh đạo chính trị trẻ tuổi này chia sẻ rằng mối đe dọa lớn nhất mà cô cảm nhận được ở trong tù đến từ nhân viên của lực lượng An ninh Quốc gia, những người yêu cầu cô ký vào Thông báo Tạm giữ Giấy tờ Thông hành ba tháng một lần. Cô không nhớ nổi họ đã yêu cầu cô làm việc này bao nhiêu lần.
Khi Cảnh sát An ninh Quốc gia đến thăm cô tại Trại cải tạo Đại Lãm, cô cảm thấy rất sợ hãi, lo lắng rằng mình sẽ bị bắt và bị truy tố lần nữa vì Luật An ninh Quốc gia và sẽ không thể ra khỏi tù.
Cô Châu Đình kết thúc video bằng câu nói rằng sự tự do của cô hiện tại là điều rất khó mới có thể giành được, và cô sẽ tiếp tục làm phim để chia sẻ những câu chuyện cuộc sống thú vị của mình. Tuy nhiên, vì lo ngại về an ninh, cô có thể không quay phim chụp ảnh trên đường phố.
Đây là lần đầu tiên cô Châu dựng video kể từ khi cô ra tù, video gần đây nhất trên kênh của cô được phát hành vào tháng 11/2020. Trong phần bình luận, nhiều cư dân mạng đã để lại tin nhắn bằng tiếng Trung, tiếng Anh, và tiếng Nhật để ủng hộ cô tiếp tục làm phim, và một số người đã tài trợ cho cô qua YouTube.
“Thật tuyệt vời khi thấy bạn quay trở lại như thế này! Mặc dù, như những người khác đã nói, đằng sau đoạn video có thể có những giọt nước mắt và những nỗi buồn vô hình, nhưng chỉ cần bạn vẫn còn ở đây, thì chúng tôi cũng ở đây!” một bình luận bằng tiếng phổ thông viết.
“Một số cư dân mạng gọi bạn là ‘người con của Hồng Kông,’ và bạn xứng đáng với danh hiệu đó. Bạn đã cống hiến rất nhiều cho Hồng Kông, cho dân tộc này, trải qua muôn vàn khổ nạn và bị cầm tù,” một bình luận khác bằng tiếng Quảng Đông viết.