Minh tinh Broadway đột ngột rút khỏi vở nhạc kịch về vụ thảm sát Thiên An Môn khi đang lưu diễn ở Trung Quốc
Minh tinh Broadway Zachary Noah Piser đã đột ngột rút khỏi vai chính trong vở nhạc kịch kể về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 chỉ vài tuần trước khi vở kịch mở màn.
Anh Piser đưa ra thông báo này hôm 25/08 khi đang đi lưu diễn ở Trung Quốc. Anh đã đăng một tuyên bố ngắn gọn kèm chữ ký trên Instagram: “Tôi đã rút vai diễn khỏi vở nhạc kịch Thiên An Môn.” Không có lý do nào được đưa ra.
Anh Piser, một diễn viên người Mỹ sinh ra ở California, có mẹ là người Trung Quốc và cha là người Mỹ, được cho là sẽ đảm nhận vai chính trong vở “Tiananmen: The New Musical” (Thiên An Môn: Tân Nhạc Kịch) ra mắt ở Phoenix, Arizona vào ngày 04/10 tới.
Theo các bài đăng khác trên Instagram của anh Piser và truyền thông nhà nước Trung Quốc, khi đưa ra thông báo này, anh đang đi lưu diễn để biểu diễn các vở nhạc kịch nổi bật của sân khấu Broadway tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Người quản lý của anh, ông Dave Brenner, nói với CNN rằng “một sự khác biệt đầy sáng tạo” đã khiến anh ấy rút vai khỏi vở nhạc kịch này.
Một bài báo trên tạp chí Playbill, xuất bản chỉ một ngày trước khi anh rút lui khỏi vở nhạc kịch, viện dẫn lời anh Piser rằng, “Tôi tự hào mang câu chuyện đầy mạnh mẽ này lên sân khấu. Việc giúp phát triển tác phẩm này từ năm 2015 khiến việc bắt nguồn từ vai diễn này trở nên ý nghĩa hơn nhiều.”
Cuộc biểu tình và vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được Trung Quốc gọi là sự kiện ngày Lục Tứ.
Sau hai tháng diễn ra biểu tình rầm rộ để chống lại nạn tham nhũng và đòi quyền dân chủ, quân đội của chế độ cộng sản Trung Quốc đã nổ súng vào các sinh viên đại học và người dân ủng hộ dân chủ không mang vũ khí tại Quảng trường Thiên An Môn và trên các con đường lớn ở Bắc Kinh.
Việc ước tính có bao nhiêu người thiệt mạng trong cuộc đàn áp này vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo tài liệu bí mật của Anh quốc công bố năm 2017, tối thiểu khoảng 10,000 người đã thiệt mạng.
Biến cố xảy ra vào ngày 04/06/1989 là một chủ đề bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt nghiêm ngặt, và bất kỳ việc tưởng niệm nào về sự kiện này đều có thể dẫn đến án tù.
Câu hỏi về việc tại sao anh Piser rút lui khỏi vai diễn
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả văn hóa hiện đang sống ở Hoa Kỳ và là cựu quan chức của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, ĐCSTQ kiểm duyệt nghiêm ngặt bất cứ điều gì về sự kiện Lục Tứ này.
Ông Ngô cho biết hàng năm vào khoảng ngày 04/06, ĐCSTQ sẽ thực hiện các biện pháp cảnh giác nghiêm ngặt, và mọi hoạt động tưởng niệm sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động; thậm chí việc thắp nến và đăng tải hình ảnh thắp nến lên mạng cũng sẽ bị kiểm duyệt.
“Do ĐCSTQ lo sợ sự kiện ngày 04/06 sẽ gợi lại ký ức đau thương của nhiều người, khơi dậy sự oán giận của nhiều người dân đối với ĐCSTQ, và việc tưởng niệm ngày 04/06 sẽ gây ra một làn sóng chống cộng sản mà đảng này sẽ không thể chống chọi nổi,” ông cho biết.
Ông Ngô bày tỏ niềm tin rằng ĐCSTQ đã đóng một vai trò nào đó trong quyết định của anh Piser để từ bỏ vai diễn trong vở “Thiên An Môn: Tân Nhạc Kịch.”
Ông cho rằng do anh Piser là một nghệ sĩ biểu diễn Broadway nổi tiếng nên điều đó sẽ có tác động lớn nếu anh đảm nhận vai chính trong vở nhạc kịch này.
Ông cũng tin rằng ĐCSTQ phải có sự dàn xếp cẩn thận đằng sau việc anh Piser rút lui khỏi vở diễn này, bởi vì một hành động vào phút cuối như vậy là hiếm thấy trong xã hội phương Tây vốn coi trọng chữ tín.
Ông Ngô có rất nhiều thắc mắc về những gì đã xảy ra.
Cho rằng vở “Thiên An Môn: Tân Nhạc Kịch” sẽ được ra mắt vào tháng Mười, tại sao anh Piser lại có thể biểu diễn ở Trung Quốc vào thời điểm này? Làm sao anh ấy được mời đi lưu diễn tại Trung Quốc? Khoản tiền nào có thể được đưa ra để khiến anh ấy rút lui khỏi dự án được thực hiện theo hợp đồng?
Ông Ngô lưu ý rằng vì ông Piser có gốc Hoa nên “hoặc ĐCSTQ đã gây cho ông rất nhiều áp lực tinh thần hoặc là trả cho ông rất nhiều tiền để khiến ông rút lui khỏi vở nhạc kịch. Đây là những phương pháp thông thường của ĐCSTQ.”
Ông cảnh báo: “Đây không phải là một vấn đề tầm thường. Vụ việc này sẽ nhắc nhở xã hội Mỹ rằng chiến lược của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ — can thiệp bằng các phương pháp đặc biệt — đã đạt đến mức cần thiết.”
Hôm 31/08, ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh, một nguyệt san Hoa ngữ tập trung vào nhân quyền, dân chủ, và công bằng xã hội ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, mặc dù đã 34 năm trôi qua kể từ vụ thảm sát, sự kiện ngày 04/06 vẫn là một chủ đề rất nhạy cảm đối với ĐCSTQ.
Ông Hồ cho biết những sự việc xảy ra ở Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989 là một tội ác khủng khiếp, và ĐCSTQ muốn tiếp tục che đậy.
Ông Hồ cũng cho rằng anh Piser đã rút lui khỏi vai diễn dưới áp lực của ĐCSTQ, một hành động có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công ty chế tác của Mỹ.
“Điều này cũng phản ánh một vấn đề rất phổ biến — một số người Trung Quốc đã định cư và làm việc ở phương Tây hy vọng có cơ hội quay trở lại Trung Quốc để kinh doanh, biểu diễn, hoặc thực hiện một số hoạt động,” ông Hồ cho biết.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Phương Hiểu.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times