Kỳ 9: Long tộc thời Lý – bảo hộ và chiến công
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Là một triều đại thịnh trị bậc nhất cổ kim với các vị vua hiền minh tín Phật, nên không khó hiểu khi các thành viên Long tộc lại hiện diện thường xuyên nhất trong thời đại này.
Kỳ 8: Long mạch thời Lý – cuộc chiến âm thầm 200 năm
Kim long hiện thân, bảo hộ hoàng triều
Nhà Lý do Thái Tổ Lý Công Uẩn thành lập nên. Ngài là một tục gia đệ tử của Phật môn của thiền sư Vạn Hạnh. Là chân mệnh thiên tử của một triều đại hùng mạnh bậc nhất lịch sử, cuộc đời của các vua nhà Lý đầy những vinh quang gắn liền với các giai thoại của Rồng suốt từ Thái Tổ cho đến Thần Tông. Chỉ có đời Huệ Tông chính sự mục nát nên không còn long tộc bảo hộ nữa. Và kết quả là sau Huệ Tông đến đời Chiêu Hoàng là mất nước.
Vì sao mà Lý triều lại có nhiều rồng vàng xuất hiện đến thế? Như đã trình bày ở trên, long tộc ngoài nhiệm vụ bảo hộ cho Thiên tử, còn phụ trách hộ Pháp cho Phật môn. Thời nhà Lý là thời Phật giáo là quốc giáo, từ vua đến dân đều tín sùng Phật.
Kể từ Lý Thái Tổ là tục gia đệ tử nhà Phật lên ngôi, các vị cao tăng như Vạn Hạnh, Minh Không, Không Lộ, Giác Hải và nhiều cao tăng khác… đều tận tâm phù trợ hoàng triều. Các vua Lý Thánh Tông là đệ tử đời thứ nhất, Lý Anh Tông đời thứ ba, Lý Cao Tông thế hệ thứ năm của Thiền phái Thảo Đường. Những điều này đã tạo thành năng lượng cát tường, khiến cho long tộc càng phải thường trụ tại nơi này vừa để bảo hộ hoàng gia cũng như hộ Pháp vệ Đạo.
Vậy có thể kết luận rằng sự xuất hiện của Rồng trong các đời vua chính là thể hiện vận số của triều đại đó gắn liền với ân sủng từ Thiên thượng khi các vị minh quân sống đúng Đạo và hồng truyền Chính Pháp. Khi vận số suy, hôn quân cai trị, Đạo pháp suy vi thì long tộc và rồng sẽ không còn xuất hiện. Đó cũng là đến lúc thay triều đổi đại vậy. Chính sử từ sau đời Cao Tông nhà Lý trở đi không còn ghi lại sự xuất hiện của rồng nữa, mãi cho đến khi nhà Trần lên ngôi.
Các ghi chép về rồng trong chính sử thời Lý như sau:
“Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long.” (Đại Việt sử ký toàn thư-Lý Thái Tổ)
“Năm thứ 11 [1020] cho làm Nguyên soái đi đánh Chiêm Thành có trại Bó Chính. Đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, chỉ một mình vua đỡ lấy con rồng. Đến nơi, đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về. Năm thứ 19 [1027], mùa xuân, tháng 3, ngày mùng 1 Bính Thân, vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế. Đêm ấy có ánh sáng khắp trong quán. Tuệ Long kinh ngạc dậy xem thì thấy rồng vàng hiện ở mắc áo.
Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 [1029] Tháng 6, rồng hiện lên ở nền điện Càn Nguyên” (Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Thái Tông)
“Giáp Thân, [Minh Đạo] năm thứ 3 [1044] Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự.
Quý Tỵ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 5 [1053] Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 5, động đất 3 lần. Mồng 10, có mây không có mưa, rồng vàng hiện ở gác Đoan Minh. Bầy tôi chúc mừng, duy có nhà sư Pháp Ngữ nói: “Rồng bay trên trời, nay lại hiện ở dưới là điềm không lành” (Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Thánh Tông)
“Quý Hợi, /Anh Vũ Chiêu Thắng/ năm thứ 8 [1083], (Tống Nguyên Phong năm thứ 6). Mùa xuân, vua thân duyệt các hoàng nam, định làm 3 bậc. Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long”
Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện. Kỷ Hợi, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 10 [1119]
Mùa đông, tháng 10, duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm v.v…Bèn ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí thế trăm phần hăng hái. Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện bay theo thuyền.
Canh Tý, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 1 [1120] Mùa thu, tháng 9, có rồng vàng hiện.
Ất Tỵ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 6 [1125] Rồng vàng lượn ở bảo đài kỳ thọ ở Động Vân.
Bính Ngọ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 7 [1126] Mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Ngày hôm ấy rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang.”
(Đại Việt sử ký toàn thư-Lý Nhân Tông)
“Nhâm Tý, [Thiên Thuận] năm thứ 5 [1132], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, đêm có rồng vàng từ điện Vĩnh Quang hiện ra ở cung Lệ Quang. Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 [1134] Mùa thu, tháng 7, rồng vàng ban đêm hiện ở điện Vĩnh Quang.” (Đại Việt sử ký toàn thư-Lý Thần Tông)
Tiếp tục Nam tiến, công phạt Chăm Pa
Như đã nói ở các phần trước, con đường Nam tiến là con đường máu mà dân tộc ta phải mở ra bằng mọi giá nếu muốn thoát khỏi cảnh vong quốc và tồn tại vững vàng trước sức ép của Bắc triều. Khởi nguồn từ nhà tiền Lê đào kênh nhà Lê thông xuống Nghệ An, các vua nhà Lý với lực lượng hải quân tinh nhuệ khét tiếng đã nối tiếp truyền thống Nam tiến với những cuộc công phạt đất Chăm Pa với những thành công rất lớn, làm vững vàng thêm vùng đất phía Nam.
Bắt đầu từ Lý Thái Tổ, nhà Lý đã khởi động Nam tiến bằng cách tấn công Chăm Pa.
“Kỷ Mùi, [Thuận Thiên] năm thứ 10 [1019] Mùa đông, tháng 12, sai Khai Thiên Vương [Phật Mã] và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Tỵ, chém được tướng của chúng là Bố Linh tại trận, người
Chiêm chết đến quá nửa” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm 1044 sau khi vua Lý Thái Tông lên ngôi, bèn tiếp tục dẫn quân tấn công Chăm Pa vì bỏ tuế cống 16 năm và không chịu thần phục triều Lý.
“Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giá, xác chất đầy đồng. Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Năm 1069 vua Lý Thánh Tông đem quân đánh Chăm Pa vì trước đó họ cho quân quấy nhiễu biên giới.
“Kỷ Dậu [Thiên Huống Bảo Tượng] năm thứ 2 [1069], mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củvà dân chúng 5 vạn người. trận này vua đánh chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.
Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước”(Đại Việt sử ký toàn thư)
Năm 1104, sau nhiều năm quân Chăm quấy nhiễu biên giới và cướp lại các châu Chế Củ đã dâng, Lý Thường Kiệt vâng mệnh vua thảo phạt Chăm Pa lần nữa.
“Giáp Thân, /Long Phù/ năm thứ 4 [1104], (Tống Sùng Ninh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành, nói tình hình hư thực của nước ta. Vua Chiêm Thành là Chế Ma Na nhân thế đem quân vào cướp, lấy lại 3 châu Địa Lý v.v… mà Chế Củ đã dâng. Đến đây, sai Lý Thường Kiệt đi đánh, phá được, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
“Đinh Hợi, [Chính Long Bảo Ứng] năm thứ 5 [1167]. Mùa thu, tháng 7, sai Thái uý Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành.
Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hoà. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Tiếp quản một quốc gia non trẻ nhỏ bé vừa độc lập khỏi Trung Hoa khổng lồ, ấy thế mà nhà Lý đã thành công xây dựng nên một triều đại huy hoàng 200 năm, lúc cường thịnh còn đem binh uy hiếp tận Thiên triều. Không chỉ là chính trị và binh nghiệp mà đến ngày nay những thành tựu văn hóa còn sót lại của Lý triều vẫn làm kinh ngạc hậu nhân mãi không thôi. Thậm chí một chi hệ nhỏ bé nhà Lý lưu lạc qua Triều Tiên mà còn thịnh mãi đến ngày nay, mới thấy Phật ân hạo đãng và công đức của các vua Lý thịnh như thế nào. Âu cũng là điều chứng minh cho thấy Phật pháp không phải là mê tín và sự sùng Phật của các vua Lý dẫu có bị các sử quan đời sau chê cười thì cũng đã dựng nên một triều đại huy hoàng có một không ai trong lịch sử nước nhà. Vĩ đại thay vua Lý và càng hùng vĩ thay Phật pháp vô biên.
Đông Phong