Kỳ 5: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Kỳ 1: Truyền kỳ về long tộc và long mạch Đại Việt
Kỳ 2: Long tộc, long mạch và sự hình thành triều đại
Kỳ 3: Long tộc, long mạch và khí số quốc gia
Kỳ 4: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Hình tượng Rồng thời Đinh Lê
Hình tượng Rồng thời kỳ đó không còn lưu lại nhiều trong sử sách ngoại trừ hình Rồng chạm trên bệ đá ở lăng vua Đinh ở Hoa Lư. Hình tượng rồng này khá đặc biệt khi rồng có 2 chi trước lại là tay của một người phụ nữ nắm hai sừng Rồng, các chi còn lại là chân Rồng 5 móng, tượng trưng cho Hoàng đế. Người viết cho rằng hình tượng hai tay nữ nắm sừng Rồng có nghĩa là một người phụ nữ sẽ ảnh hưởng lớn đến ngai vị của hai triều đại này. Người đó chính là hoàng hậu Dương Vân Nga, là người phụ nữ với số phận lạ lùng “con vua mà lấy hai chồng làm vua”. Nhưng cũng nhờ có quyết định sáng suốt của bà mà sự truyền thừa ngai vua từ nhà Đinh đang lung lay sang nhà Lê một cách êm đẹp. Đất nước có đủ thời gian chống Tống ngoại xâm, Lê Hoàn đã chứng minh bản thân là một vị hoàng đế anh minh, đem lại cho quốc gia 24 năm thịnh trị và mở mang bờ cõi.
Huyệt quý Long Mã, cờ lau khai quốc
Đại long mạch Phong Châu đã đem đến cho Văn Lang một triều đại hoàng kim vĩ đại nhất trong lịch sử của tất cả các quốc gia phía Nam kéo dài hơn 2.500 năm. Tuy nhiên nguyên lý Âm Dương bất biến vẫn là định luật cơ bản của vũ trụ này, trong đó không cho phép bất kỳ điều gì tồn tại mãi ở một trạng thái. Do đó sau thời đại huy hoàng của long tộc lớn nhất phương Nam của Kinh Dương Vương Lạc Long Quân phải là thời đại Bắc thuộc đen tối kéo dài suốt nghìn năm. Tuy nhiên long tộc Nam phương vẫn không quên nhiệm vụ của mình khi vẫn lặng lẽ bảo hộ và giúp cho các vị anh hùng khởi nghĩa vụt lên thành công dẫu chỉ trong thời gian ngắn như An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Triệu Việt Vương. Vì các vị ấy tượng trưng cho tinh thần quật khởi của cư dân Văn Lang, có thể tạm thời bị đắm chìm nhưng không thể mất đi.
Thế sự dời chuyển, phương Bắc ngày càng suy yếu thì long mạch phương Nam lại dần dần vượng lên như một quy luật tuần hoàn. Đến thời loạn 12 sứ quân, cuối cùng nước Nam cũng xuất hiện một vị chân long thiên tử có khả năng thống nhất thiên hạ, chấm dứt binh đao, đó là Đinh Bộ Lĩnh Đinh Tiên Hoàng Đế.
Tương truyền do cơ duyên mà ngài đã đắc được ngôi huyệt quý dưới đầm nước, một ngôi huyệt hình đầu ngựa, hay còn gọi là huyệt Long Mã, tượng trưng cho việc ngồi trên lưng ngựa mà quét ngang thiên hạ, lên ngôi chí tôn. Huyền sử ghi lại việc ấy như sau:
“Truyện kể rằng lúc thời vua Đinh còn bé, có thầy địa lý Tàu sang nước ta, dõi theo long mạch đến Hoa Lư. Buổi tối thầy địa lý xem thiên văn, thấy có tia hào quang như dải lụa đỏ tự đầm nước bốc lên bắn thẳng vào sao Thiên Mã. Sáng hôm sau, thầy địa lý lần đến xem xét hồi lâu và đoán dưới đáy đầm tất có vật thiêng nên muốn thuê người bơi lặn giỏi xuống dưới đó xem sao.
Nguyên là trong đầm đó, người ta đồn rằng bên dưới có chỗ rất thiêng, xưa nay chẳng ai dám bén mảng tới. Vì thế, thầy địa lý treo giải thưởng rất hậu cho người nào có gan lặn xuống để dòm xem. Họ Đinh bèn nhận lời ngay. Rồi ông lặn xuống đó, lấy tay sờ quanh, thấy có một con vật hình như con ngựa đứng dưới đáy đầm. Ông bèn trở lên báo cáo lại cho thầy địa lý biết. Thầy bảo ông lặn xuống chuyến nữa và đem theo một nắm cỏ non, nhử vào mồm ngựa xem nó thế nào. Ông lại cầm nắm cỏ xuống, đứng trước đầu ngựa để nhử, thấy nó há miệng ngoạm lấy nắm cỏ. Ông bơi lên báo cho biết, thầy địa lý gật đầu bảo: “Dưới đầm quả nhiên có ngôi huyệt quý”. Rồi thầy đưa ra một số bạc vàng bảo với ông rằng: “Nay hãy tạm thù lao một ít, sau này sẽ xin tặng thêm. Tôi cần phải trở về bản quốc mấy tháng rồi lại sang ngay, bấy giờ ta sẽ nói chuyên sau”.
Lúc ấy tuy còn ít tuổi, nhưng ông rất thông minh. Nghe bọn khách nói chuyện với nhau, ông hiểu ngay là huyệt ở mồm ngựa, không còn hồ nghi gì. Đợi họ đi rồi, ông đem gói xương ở gác bếp xuống, lấy cỏ bao bọc xung quanh, rồi lặn xuống để vào mồm ngựa, ngựa bèn ăn hết ngay. Từ đó nhiều người phục tòng ông và tôn ông làm trại trưởng…
Cách mấy năm sau, thầy địa lý đem xương bố ở Trung Quốc sang, tìm đến chỗ đầm ấy để mai táng. Nghe nói Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành bậc anh tài cái thế, thủ hạ có hơn một nghìn người, thầy địa lý biết ngay là họ Đinh đã táng huyệt ấy rồi. Thấy uổng phí bao nhiêu công sức, thầy căm tức lắm, bèn đến bảo ông rằng: “Nghe nói ông đã được đất. Cái huyệt tuy đẹp, nhưng ngựa không có gươm thì không được tốt. Nay tôi tặng cho một thanh gươm, ông đem xuống treo ở cổ ngựa, như vậy thì ông sẽ dọc ngang trời đất, đánh đâu được đấy”. Đinh Bộ Lĩnh tin lời thầy địa lý bèn lặn xuống chỗ ngựa thần, lấy tay sờ cổ ngựa, để gươm vào đấy rồi bơi lên. Từ đó đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Ông dẹp được 12 sứ quân, thống nhất dư đồ, lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm thì bị tên hầu cận là Đỗ Thích ám sát, con cả là Đinh Liễn cũng bị giết. Vì thầy địa lý dùng kế đánh lừa để gươm vào đầu ngựa, dòng nước phía dưới luôn chảy và chuyển động khiến lưỡi gươm ngày càng cứa vào cổ ngựa, khiến ngựa bị rụng đầu, nên hai bố con ông mới thế.”
Huyền thoại nửa hư nửa thực này càng làm cho thế cục phong thủy Hoa Lư thêm phần huyền bí. Nhưng nó cũng có phần đúng khi đã nói lên rằng cuộc chiến phá hoại long mạch có chủ đích giữa triều đình Trung Hoa và nước ta suốt hơn nghìn năm qua vẫn chưa bao giờ chấm dứt. Gã thầy địa lý trong chuyện trên chính là đại diện cho cuộc chiến đó. Còn như dùng thuật làm đứt gãy long mạch dẫn đến Hoàng đế mất mạng thì có lẽ sức của con người không làm nổi việc đó nếu không có sự trợ giúp của pháp sư với pháp thuật cực mạnh. Tuy nhiên việc này là vi phạm Thiên ý nên sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng lớn mà không phải vị Pháp sư nào cũng có khả năng gánh chịu. Xét trên bề mặt thì long mạch xứ Hoa Lư do thừa Phong (thế núi hùng tráng đẹp đẽ) nhưng Thủy lại không tụ, nhiều sát khí và không vượng nên các đời vua bị hung sát và không lâu dài. Thế đất này là thế đất quật khởi đoạt thiên hạ trên mình ngựa chứ không phải nơi gây dựng đế đô muôn năm trị đời. Vị Thần long chủ của long mạch này có pháp lực cương mãnh nhưng không thâm hậu nên không thể kéo dài triều đại được.
Rồng vàng bảo hộ chân mệnh thiên tử
Đinh Tiên Hoàng Đế định đô ở Hoa Lư lập nên triều đại thế tập vững mạnh đầu tiên ở nước ra sau loạn 12 sứ quân. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh luôn được rồng vàng hộ vệ mỗi khi gặp nguy nan vì ông là chân mệnh thiên tử.
“”Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Tiền Lê Thái Tổ Lê Hoàn (tên gọi Lê Đại Hành là cách gọi sai từ thời tiền Lê do Lê Ngọa Triều bất hiếu và các đại thần không giỏi về lễ nghi mà ra- người viết tạm gọi ngài là Tiền Lê Thái tổ cho xứng với danh vị của ngài vậy) cũng là một chân mệnh thiên tử giáng trần tiếp nối đại thống nhà Đinh nên ngài cũng có rồng vàng hộ thân từ bé.
“Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngủ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Một ngôi huyệt quý giúp cho một quân vương hùng khí quật khởi. Đem cái quốc gia nhỏ bé đang bị chia cắt thống nhất trở lại, mở ra nền thái bình đầy tiềm năng, hiên ngang đối đầu với Trung Hoa phía Bắc. Quả là kỳ vĩ thay sức mạnh huyền bí của dòng họ Rồng nước Nam. Nhưng lẽ trời thịnh cực tất suy, hai triều Đinh Lê vụt sụp đổ ngay thời đỉnh cao, thật đáng tiếc. Phải đến khi đức Lý Thái Tổ đệ tử nhà Phật chấp chính mới thật sự đem lại phúc trạch lâu dài cho xã tắc. Ấy mới hay Phật pháp mới đúng là lời giải muôn đời cho các triều đại trường tồn vậy.
Đông Phong