Kỳ 8: Long mạch thời Lý – cuộc chiến âm thầm 200 năm
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Triều Lý là triều đại mà đạo Phật là quốc giáo, thiên tử xuất thân cửa Phật. Thế nên những cao tăng Phật môn chính là những người được Trời phái đến để chỉnh lại phong thủy cho Lý triều quật khởi.
Thiền sư bảo vệ long mạch hai trăm năm, dựng nên cơ đồ nhà Lý
Trong Tam giới thì cõi người là nơi mà cái nguyên lý Âm Dương được thể hiện mạnh mẽ nhất. Nghĩa là hai mặt đối lập nơi cõi này luôn tồn tại và rất đối lập với nhau. Do đó mà có Phật thì phải có Ma, có Chính ắt phải có Tà hiện diện. Vì thế dù vượng khí long mạch nước Nam sau gần nghìn năm đã vượng lên nhờ Phật Pháp hồng truyền nơi đây, nhưng vẫn không tránh khỏi ác nhân và tà ma quấy rối hòng làm đảo lộn an bài của Thiên thượng. Người đó chính là Tiết độ sứ Cao Biền, người đã dâng lên vua Đường trước tác phong thủy hiếm hoi là “Tấu thư địa lý kiểu tự” có ghi đầy đủ hình thế núi sông vượng khí và long mạch của nước ta và những nơi mà ông ta đã tự mình trấn yểm, đặc biệt là long mạch đất Tiêu Sơn Cổ Pháp và thành Thăng Long.
Tuy nhiên Thần phật đã định là nhà Lý sẽ chấp chính là điều hiển nhiên, nên đã đặc biệt an bài cho các cao nhân Phật môn nối nhau trong 200 năm mà phá hết các trấn yểm phong thủy của Cao Biền đối với Thăng Long và Cổ Pháp. Các cao nhân đó đến từ Thiền phái Diệt Hỷ (phái này do thiền sư Ti-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) người Ấn Độ sáng lập vào năm 580, truyền đến cuối đời Trần, trải qua 19 đời rồi ẩn tích đến ngày nay) đã chung tay làm nên kỳ tích này qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn truyền lại sự tích.
Khởi nguồn từ Thiền sư Định Không (729-808) đã lập chùa Quỳnh Lâm và tiên tri về sự ra đời của nhà Lý từ trước đó 200 năm:
“Pháp lai xuất hiện Thập khẩu đồng chung Lý thị hưng vươngTam phẩm thành công”
Tạm dịch:
“Pháp khí hiện raKhánh đồng mười tấmHọ Lý làm vuaBa đời sẽ thành công”
Ngài đã tiên tri sau ba đời nữa nhà Lý sẽ làm vua vì họ sẽ là người hoằng truyền Phật pháp tại phương Nam một cách chính thống. Tuy nhiên, bởi vì lý của Âm Dương nên chắc chắn sẽ có tà ma xuất hiện để quấy nhiễu tiến trình này. Do đó nhiệm vụ của Thiền phái Diệt Hỷ chính là Hộ Pháp vệ Đạo, phải đảm bảo mọi sự thành công. Thế nên ngài đã dặn dò đệ tử là thiền sư Thông Thiện:
“Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”. Nói xong, Sư cáo biệt rồi qua đời, hưởng dương 79 tuổi. Năm đó là năm Mậu Tý, niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ ba (năm 808).
Về sau quả nhiên y bát đời thứ ba truyền cho đời kế tiếp là một vị Thiền Sư tên là Đinh La Quý, là đệ tử của Thiền sư Thông Thiện. Thiền sư La Quý trụ trì chùa Song Lâm, làng Phù Linh, phủ Thiên Đức. Khi sắp tịch, sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng: “Thuở trước Cao Biền xây thành (Đại La) bên sông Tô Lịch, vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng Đế vương, nên cho đào đứt sông Diềm và những hồ ao liên hệ… đến mười chín chỗ mà yểm đó. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Ta lại trồng một cây Miên (cây gạo) ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt. Biết sau này ắt có vua hiền ra đời, để vun bồi chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, ngươi nên đắp lên một nền đất, xây lên ngọn tháp, lấy pháp để kín trong ấy, chớ cho người thấy”. Lúc trồng cây Miên (gạo), Sư có bài kệ rằng:
“Đại Sơn long đầu khởi Cù Vĩ ẩn Minh Châu Thập bát tử định thành Miên thụ hiện long hình Thỏ kê thử nguyệt nội Định kiến nhật xuất thanh”
Dịch thơ:
“Đại sơn đầu rồng dấyĐuôi rồng ẩn Châu MinhThập bát tử định thànhCây gạo hiện hình rồngThỏ gà trong tháng chuộtQuyết thấy mặt trời lên”
Nói xong, sư tịch, thọ 85 tuổi, nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (năm 936). Về sau người ta lý giải bài kệ ở trên đã nói rất chính xác về sự lên ngôi của nhà Lý và miêu tả rất đúng thời gian mà nhà Lý sẽ lên ngôi.
Thiền sư Thiền Ông kế thừa y bát chính là Sư phụ của Thiền sư Vạn Hạnh, thầy của tục gia đệ tử Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, người sáng lập nhà Lý. Thiền sư Vạn Hạnh đạo pháp cao thâm, chẳng những dạy Thái Tổ thành một bậc anh hùng văn võ toàn tài mà còn nhiều lần thể hiện Thần thông và tài tiên tri của mình phò vua giúp nước, cứu độ dân chúng. Ngài là người đã hoàn thành công cuộc 200 năm khôi phục và bảo vệ long mạch khai sinh ra nhà Lý, thậm chí còn nuôi dạy đào tạo Thiên tử tương lai. Công đức của Ngài quả thật là vô lượng. Vì thế mà vua Lý Nhân Tông đã có bài thơ rất hay về tài đức của Ngài như sau“Vạn Hạnh dung tam tếChân phù cổ sấm cơHương quan danh Cổ PhápTrụ tích trấn vương kỳ”
Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:
“Vạn Hạnh thông ba cõiThật hợp lời sấm xưaQuê hương tên Cổ PhápChống gậy trấn kinh vua.”
(còn tiếp)
Đông Phong