Khẩu trang có thể gây hại cho trẻ em
Như nhiều quốc gia và một số tiểu bang bỏ quy định đeo khẩu trang, một nghiên cứu của Đức cho thấy trẻ em đeo khẩu trang gây hại nhiều hơn có lợi.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể tận mắt chứng kiến, con cái chúng ta — từ trẻ nhỏ đến thanh thiếu niên — đã trải qua nhiều nỗi sợ hãi, căng thẳng tâm lý và thách thức về hành vi hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu vào tháng 03/2020. Người lớn cũng vậy, thật sự rất căng thẳng và lo lắng.
Một nghiên cứu hồi cứu mới đây xem xét dữ liệu từ cuối năm 2020 và năm 2021 đã xác nhận điều mà rất nhiều người trong chúng ta đã nghi ngờ từ lâu: Việc đeo khẩu trang như một điều kiện tiên quyết để học tập trên lớp và tham gia vào cuộc sống công cộng đang gây ra tổn hại cho trẻ em cả về tâm lý và thể chất.
Nghiên cứu trên được thực hiện tại Đại học Witten – Herdecke ở Đức, bao gồm dữ liệu từ hơn 20,000 người tham gia phản ánh về trải nghiệm của tổng số 25,930 trẻ em. Thời gian trung bình những đứa trẻ đeo khẩu trang là 270 phút (4 tiếng rưỡi) mỗi ngày.
Đa số các bậc phụ huynh (68%) đã báo cáo rằng việc đeo khẩu trang gây hại cho con cái của họ. Trên thực tế, các bậc cha mẹ đã báo cáo những tác hại về tâm lý và thể chất liên quan đến việc đeo khẩu trang ở 17,632 trẻ em. Những tác hại đó bao gồm:
- Khó tập trung
- Buồn ngủ hoặc mệt mỏi
- Nhức đầu
- Suy giảm khả năng học tập
- Cáu gắt
- Ít vui vẻ hơn
- Khó chịu
- Không muốn đến trường
Mặc dù đây là nghiên cứu hồi cứu và không nhằm mục đích thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa việc đeo khẩu trang cho trẻ em và tác động tiêu cực của nó, nhưng nhóm các nhà nghiên cứu người Đức lập luận rằng dữ liệu này minh họa về việc người lớn phải cân nhắc rằng một số nguy cơ tiếp xúc với virus corona có thể chấp nhận được để giúp trẻ em có “chất lượng cuộc sống cao hơn mà không cần phải đeo khẩu trang”.
Tiến sĩ Jeffrey I. Barke, một bác sĩ chăm sóc chính được chứng nhận bởi hội đồng chứng nhận hành nghề tư nhân ở Nam California không tham gia vào nghiên cứu nhưng đồng ý với điều trên: “Chúng ta nên luôn luôn đặt ra câu hỏi ‘Với giá nào?’ khi xem xét bất kỳ chính sách nào”. Tiến sĩ Barke nói thẳng thắn về vấn đề yêu cầu trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, đeo khẩu trang.
Ông nói: “Việc đeo khẩu trang cho trẻ em gây ra tác hại trực tiếp, bao gồm gia tăng sợ hãi, trầm cảm, ý định tự tử và rối loạn khả năng học tập. Và quan trọng nhất, việc đeo khẩu trang ngăn cản sự gắn kết quan trọng giữa học sinh và giáo viên vì không thể nhìn thấy các biểu cảm trên khuôn mặt”.
Như Giáo sư danh dự chuyên ngành Tâm lý học của Đại học Yale – bà Marianne LaFrance – đã nghiên cứu trong cuốn sách của mình: “Tại sao phải cười? Khoa học đằng sau các biểu cảm trên khuôn mặt”, khuôn mặt con người là nguồn tín hiệu phong phú về cảm xúc, ngôn ngữ và xã hội đối với người khác. Bà LaFrance trả lời khi tôi phỏng vấn bà vài năm trước, biểu hiện trên khuôn mặt phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người nhận ra. Từ hạnh phúc đến giận dữ, khuôn mặt của chúng ta có thể và thường biểu hiện một loạt các cảm xúc — thậm chí là những cảm xúc trái ngược nhau — vào cùng một lúc.
Nhưng khi mũi và miệng của trẻ em bị bịt kín bởi khẩu trang và chúng chỉ có thể nhìn thấy mắt người khác, chúng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều không chỉ trong việc học nói và hiểu ngôn ngữ mà còn trong việc học các tín hiệu xã hội và trí tuệ cảm xúc.
Theo một bài báo trên tạp chí Scientific American, trẻ từ 8 tháng tuổi đã bắt đầu biết đọc khẩu hình. Tuy nhiên, như Tiến sĩ David J. Lewkowicz, nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Haskins của Đại học Yale đã viết trong cùng một bài báo, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể tạo ra mối liên hệ giữa cử động môi và lời nói nếu chúng không thể nhìn thấy miệng của người chăm sóc.
Trẻ em trong độ tuổi đi học không phải là những người siêu lây nhiễm
Biện minh cho việc đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ, đặc biệt ở trường học, là để tránh lây lan virus corona từ những trẻ không có triệu chứng sang người lớn. Nhưng dữ liệu từ Thụy Điển cho thấy rằng trẻ em đến trường mà không đeo khẩu trang rất ít hoặc không gây nguy hiểm cho người lớn (hoặc những trẻ trong độ tuổi đi học khác).
Như Tiến sĩ Jonas F. Ludvigsson và ba đồng nghiệp của ông đã viết trong một bức thư đăng trên Tạp chí Y học New England, mặc dù Thụy Điển đã để cho các trường mầm non và tiểu học của họ mở cửa mà không quy định đeo khẩu trang, nhưng tỷ lệ nhiễm COVID-19 rất thấp, kể cả trong các trẻ em và trong các giáo viên của chúng.
Trên thực tế, trong số gần 2 triệu trẻ em Thụy Điển ở độ tuổi đi học tiếp tục đến trường mà không đeo khẩu trang, chỉ có 15 trẻ nhập viện vì COVID-19, tương đương với tỉ lệ 1:130,000.
Bốn trong số những trẻ này có bệnh nền nghiêm trọng (hai trẻ bị ung thư, một trẻ bị bệnh thận mãn tính và một trẻ bị rối loạn về máu.) Không có trẻ em nào bị COVID-19 tử vong.
Đeo khẩu trang cho trẻ em có hiệu quả không?
Ngoài những tác hại mà khẩu trang có thể gây ra, câu hỏi rằng liệu chúng có thực sự có tác dụng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hay không vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Vào tháng 11/2020, Tạp chí Y khoa Nội khoa đã công bố một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng để đánh giá hiệu quả của khẩu trang phẫu thuật trong việc chống lại SARS-CoV-2.
Trong nghiên cứu bao gồm hơn 6.000 người này, một nhóm các nhà khoa học Đan Mạch đã phát hiện ra rằng khẩu trang không làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2. Tỷ lệ lây nhiễm cao hơn một chút ở những người không đeo khẩu trang: 42 người tham gia đeo khẩu trang (1,8%) có kết quả dương tính với COVID-19 trong khi 53 người tham gia (2,1%) trong số những người không đeo khẩu trang có kết quả dương tính. Tuy nhiên, sự khác biệt trong mẫu này không được coi là có ý nghĩa thống kê.
Một phần các nhà nghiên cứu kết luận: “Khuyến cáo đeo khẩu trang phẫu thuật để bổ trợ cho các biện pháp y tế công cộng khác đã không làm giảm tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trên những người đeo khẩu trang.”
Các tiểu bang có quy định đeo khẩu trang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn
Nghiên cứu độc lập khác đã phát hiện ra rằng, các bang có quy định đeo khẩu trang có tỷ lệ lây lan COVID-19 thực sự cao hơn so với các bang không có quy định này.
Khi các nhà nghiên cứu từ Rational Ground (một trung tâm thông tin về COVID-19 cung cấp “những phân tích hợp lý và dựa trên thực tế về đại dịch hiện nay bằng cách sử dụng các biểu đồ, đồ họa vi tính, video và các phương tiện chuyên sâu khác”, theo trang web của họ) phân tích dữ liệu từ 50 bang từ ngày 01/05/2020 đến ngày 15/12/2020, họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy quy định đeo khẩu trang đã làm chậm sự lây lan của COVID-19.
Tại các bang quy định đeo khẩu trang, đã có 9,605,256 trường hợp mắc COVID được xác nhận, trung bình 27 người trên 100,000 cư dân mỗi ngày.
Ở những bang không có quy định đeo khẩu trang, đã có 5,781,716 trường hợp mắc COVID được xác nhận, trung bình 17 người trên 100,000 cư dân mỗi ngày.
Trong một ý kiến chi tiết về dữ liệu này, ông Daniel Horowitz, biên tập viên cao cấp của TheBlaze và là người dẫn chương trình phát thanh của Tạp chí Bảo thủ, đã viết: “Gánh nặng của những người muốn vi phạm Hiến pháp với một quy định hà khắc như vậy… là đưa ra bằng chứng khẳng định rằng chúng [khẩu trang] có tác dụng. … Nhưng trong khi họ buộc chúng tôi phải chứng minh 100% rằng chúng không có tác dụng, thì những người đưa ra quy định đeo khẩu trang không phải chứng minh bất kỳ hiệu quả nào, ngay cả khi những đứa trẻ 2 tuổi bị buộc phải đeo khẩu trang trên máy bay.”
Khẩu trang thông dụng thường ít có hiệu quả
Loại khẩu trang cũng rất quan trọng. Như Tiến sĩ Peter Weiss đã giải thích trong một bài báo trên The Epoch Times, các loại khẩu trang được sử dụng phổ biến nhất có khả năng kém hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Weiss viết: “Khẩu trang y tế có ba lớp sợi tổng hợp và sợi siêu mịn, có tác dụng ngăn chặn các hạt lớn, nhưng lại kém hiệu quả trong việc ngăn chặn các hạt nhỏ trong lây nhiễm virus COVID-19.”
Tiến sĩ Paul Alexander, một chuyên gia y học và dịch tễ học dựa trên bằng chứng, cũng đồng ý như vậy: “Việc chúng tôi kiểm tra toàn bộ bằng chứng liên quan đến những chiếc khẩu trang vải màu trắng và khẩu trang phẫu thuật màu xanh này cho thấy chúng không hiệu quả và không mang lại lợi ích gì”.
Ông Alexander là cựu cố vấn tổng hợp bằng chứng cho WHO/Tổ chức Y tế liên Hoa Kỳ về đại dịch COVID và cựu cố vấn cấp cao về đại dịch COVID cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump.
Ông Alexander cho biết: “Điều thực sự đáng sợ là tất cả những chiếc khẩu trang phẫu thuật màu xanh và những chiếc khẩu trang tương tự đều gây ra tình trạng hít phải sợi nhựa và có thể gây ra hậu quả tệ hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Những chất dẻo này sẽ phân hủy rất chậm theo thời gian, và như vậy, nó có thể vẫn còn trong phổi và tích tụ đến mức nguy hiểm. Chúng tôi thậm chí không biết đâu là mức ‘có thể chấp nhận được’, vì tốt hơn hết là chúng không nên có trong phổi”.
Khẩu trang vải, loại mà hầu hết trẻ em đều đeo đến trường, cũng không hiệu quả. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về khẩu trang vải được sử dụng bởi nhân viên y tế trong bệnh viện ở Việt Nam, gần 97% khẩu trang bị các hạt virus xâm nhập (so với 44% khẩu trang y tế.) Ngoài ra, công nhân đeo khẩu trang vải có nhiều khả năng nhiễm trùng đường hô hấp hơn.
Tiến sĩ Weiss ví một chiếc khẩu trang vải như việc buộc một sợi dây quanh eo khi lái xe và khẳng định đó là dây an toàn. “Cũng không quá lời khi nói rằng việc đeo khăn che mặt theo phong cách Gucci… giống như yêu cầu kỹ thuật viên chụp X-quang đeo tạp dề nhà bếp của bà ngoại khi chụp X-quang”.
Đeo không đúng cách
Khẩu trang phải được đeo đúng cách để có hiệu quả. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu trên những người đeo khẩu trang ở Nhật Bản, nơi mà đeo khẩu trang y tế là quy chuẩn văn hóa (không giống như ở Hoa Kỳ,) các nhà khoa học phát hiện ra rằng chỉ 23% người đeo khẩu trang tuân thủ các khuyến cáo. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng cho thấy 77% người dân Nhật Bản không tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn về khẩu trang.
Nếu bạn dành thời gian trong bất kỳ lớp học nào ở Hoa Kỳ nơi trẻ em được yêu cầu đeo khẩu trang, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng hầu hết trẻ em đều đeo không đúng cách. Các hướng dẫn của CDC quy định rằng bạn không được chạm vào khẩu trang của mình khi đang đeo nó. Nhưng trẻ em (và người lớn) liên tục chạm vào khẩu trang của họ.
Bà Angie Bowman, một bà mẹ bốn con và là một nhà giáo dục ở Medford, Oregon, cho biết: “Tôi thường không nhìn thấy những đứa trẻ đeo khẩu trang đúng cách. Tôi nhìn thấy chúng để khẩu trang xuống dưới mũi hoặc cắn vào phần giữa của khẩu trang để kéo nó ra khỏi mũi. Và tôi đã thấy những đứa trẻ dùng khẩu trang để lau mũi rồi đeo lại. Điều đó thật kinh khủng! Khẩu trang của chúng cuối cùng bị ướt, dính và có thể có nhiều vi trùng hơn trên đó. Theo quan điểm của tôi, trẻ em hoàn toàn không nên đeo khẩu trang”.
CDC khuyến cáo rằng các loại khẩu trang có thể tái sử dụng nên được giặt sạch ngay khi chúng bị bẩn hoặc ít nhất một lần một ngày. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều không biết về hướng dẫn này và cho con của họ đeo cùng một chiếc khẩu trang trong nhiều ngày liền. Khẩu trang dùng một lần, được thiết kế để vứt đi sau một lần sử dụng, thường được đeo lại trong nhiều tuần.
Tác hại ngoài dự kiến
Ảnh hưởng lâu dài của việc đeo khẩu trang và các biện pháp giảm thiểu COVID-19 khác đối với con em chúng ta là gì? Không ai có thể nói chắc chắn. Những gì chúng ta biết là tỷ lệ tự tử đang ở mức cao nhất mọi thời đại ở Hoa Kỳ, theo Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù tỷ lệ đó đã có xu hướng tăng lên trong một thời gian. Chúng tôi cũng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình kể từ khi bắt đầu áp dụng các biện pháp giảm thiểu COVID-19, cũng như các trường hợp tử vong do quá liều thuốc, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Theo CDC, hơn 96,750 trường hợp tử vong do sử dụng ma túy đã được báo cáo trong khoảng thời gian từ tháng 03/2020 đến tháng 03/2021, tăng gần 30% so với năm 2019.
Đồng thời, nhiều trẻ em hơn bao giờ hết được kê đơn thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, và thậm chí cả thuốc chống tâm thần.
Người lớn cũng vậy. Theo dữ liệu của chính phủ, đã có sự gia tăng ở những người trưởng thành bị rối loạn lo âu và trầm cảm kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Cô Sherry Syence, một bà mẹ của cặp song sinh 11 tuổi sống ở Asheville, Bắc Carolina, cho biết: “Tôi kịch liệt phản đối việc đeo khẩu trang cho trẻ em. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe thể chất của các em mà còn gửi cho các em một thông điệp rằng bản thân chúng là vật trung gian truyền bệnh. Tôi không muốn con tôi sống trong một môi trường có nền tảng là sự sợ hãi. Tôi muốn chúng trải nghiệm niềm vui trọn vẹn của tuổi thơ, được hít thở tự do và có những tương tác bình thường với những người khác mà không bị việc đeo khẩu trang làm cản trở. Các em cần được nhìn thấy toàn bộ các biểu cảm trên khuôn mặt của mọi người”.
Cặp song sinh của cô Syence theo học tại một trường học liên hợp nhỏ tại nhà, nơi việc đeo khẩu trang là tùy thuộc vào cha mẹ. Cô Syence và chồng quyết định đưa con rời khỏi trường công vì quy định đeo khẩu trang, cùng với nhiều lý do khác.
Tiến sĩ Barke nói: “Đừng bận tâm rằng khẩu trang có ít tác dụng bảo vệ chống lại virus đường hô hấp. Đừng bận tâm rằng những đứa trẻ không có triệu chứng chỉ đơn giản là không lây bệnh cho những người lớn có nguy cơ. Chúng ta phải luôn tự hỏi hậu quả của những quy định của chúng ta là gì?”
Tiến sĩ Jennifer Margulis là một nhà báo khoa học ở tiểu bang Oregon, là một nhà báo từng đoạt giải thưởng và là tác giả của cuốn sách “Con của bạn, theo cách của bạn: Chịu trách nhiệm về các quyết định mang thai, sinh con và nuôi dạy con cái của bạn để có một gia đình hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.” Cô từng đạt giải thưởng Fulbright và là mẹ của bốn đứa con, cô đã làm việc trong một chiến dịch sống còn vì trẻ em ở Niger, phía Tây của Phi Châu. Cô xuất hiện trực tiếp trên tivi vào khung giờ vàng tại Pháp và làm việc trong một chiến dịch sống còn của trẻ em ở Niger, phía Tây của Phi Châu. Tiến sĩ Jennifer Margulis là người nhận tài trợ của Fulbright và là diễn giả được chào đón. Tìm hiểu thêm về cô ấy tại trang JenniferMargulis.net.
Vân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: