Hồng Kông phát triển phương pháp y học chính xác giúp kéo dài sự sống cho trẻ bị ung thư máu
Trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML) đã kháng thuốc thường không còn các lựa chọn điều trị và được coi là không thể chữa khỏi. Gần đây, HK-HOPE của CUHK đã phát triển một phương pháp giúp xác định độ nhạy của các tế bào ung thư với một nhóm thuốc nhắm đích trong ba ngày. Kết hợp với các phân tích bộ gene, các bệnh nhân AML có thể nhận được các loại thuốc hiệu quả nhất tuỳ thuộc vào tình trạng của từng người.
AML là bệnh ung thư máu hiếm gặp nhưng có độ ác tính cao, chiếm 5% trường hợp ung thư của bệnh nhân nhi. Ở Hồng Kông, có khoảng 10 trường hợp bị bệnh mới mỗi năm. Hóa trị liệu và cấy ghép tế bào gốc vẫn là tiêu chuẩn chăm sóc trong hàng thập niên [đối với căn bệnh này]. Sự tiến bộ trong y khoa đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót tổng thể của các bệnh nhân bị AML mới được chẩn đoán lên đến 70%. Tuy nhiên, cơ hội sống sót giảm xuống còn 40% đối với những bệnh nhân bị tái phát.
Nhóm nghiên cứu HK-HOPE của CUHK đã hoàn thành một hồ sơ toàn diện về thuốc [điều trị] và bộ gene của các mẫu sinh thiết tủy xương từ 52 trẻ em bị AML và tích hợp với các thông số lâm sàng để cung cấp một bộ dữ liệu gene-thuốc-lâm sàng đa chiều đầu tiên. Bộ hồ sơ này được cung cấp miễn phí cho tất cả các nhà nghiên cứu trên thế giới để khuyến khích những nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, và lâm sàng sâu hơn về loại ung thư máu hiếm gặp này.
Từ bộ dữ liệu, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một mô hình phản ứng với thuốc cụ thể ở trẻ em, mối liên quan đến các đột biến gene, và các thuốc đích liên quan đến lâm sàng tức thì. Nghiên cứu đã tìm ra vô số loại thuốc đích từ một thư viện thuốc được chấp thuận cho thấy hiệu quả tốt hơn so với phương pháp hóa trị liệu tiêu chuẩn trong bệnh bạch cầu ở trẻ em. Các phát hiện dẫn đến việc ưu tiên dùng các loại thuốc mới được kiểm nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng sắp tới.
Thông qua phân tích thuốc và bộ gene, nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp y học chính xác (precision medicine) đầu tiên cho những bệnh nhi bị ung thư bạch cầu. Điều này giúp [các bác sĩ có thể] lựa chọn thuốc dựa trên bằng chứng ở các trường hợp tái phát để kéo dài sự sống cho bệnh nhân hoặc thậm chí chữa khỏi bệnh.
Giáo sư Lương Cẩm Đường, trợ lý giáo sư Khoa Nhi tại Khoa Y của CUHK (CU Medicine), cho biết với phương pháp thử nghiệm này, họ có thể thu được các kết quả thử nghiệm về độ nhạy của thuốc trong ba ngày. Kết hợp với phân tích bộ gene, họ có thể kịp thời lựa chọn các loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân không còn phương thức điều trị kịp thời, từ đó mang đến hy vọng cho những đứa trẻ bị bệnh.
Giáo sư Lý Chí Quang, giáo sư Khoa Nhi tại CU Medicine, tuyên bố rằng một bệnh nhi 14 tuổi bị AML dùng phương pháp thuốc chính xác này đã thuyên giảm bệnh với thời gian sống thêm là hai năm rưỡi, đáp ứng mong ước của bệnh nhi.
Sau khi điều trị, một bệnh nhi 14 tháng tuổi khác cũng thuyên giảm bệnh với thời gian sống thêm đáng kể.
Giáo sư Albert Martin Li, Giám đốc của HK-HOPE và Chủ tịch Khoa Nhi của CU Medicine nói thêm rằng họ đã thực hiện thành công phương pháp quản lý [bệnh] dựa trên y học chính xác ở bệnh nhi bị AML bằng cách sử dụng hiệu quả các dữ liệu quan trọng, và có thể áp dụng phương phápy học chính xác cho các loại bệnh bạch cầu khác.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times