Khoa học gia Trung Quốc bị kết tội đánh cắp bí mật thương mại thuốc điều trị ung thư
Theo Bộ Tư pháp (DOJ), một người đàn ông Thụy Sĩ gốc Hoa đã bị kết án vì vai trò của ông này trong một âm mưu gia đình nhằm đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến thuốc điều trị ung thư.
Hôm 02/05, Biện lý Liên bang Jennifer Williams đã thông báo rằng ông Tiết Công Đạt (Xue Gongda), một thường trú nhân Thụy Sĩ mang quốc tịch Trung Quốc, đã bị kết án vì vai trò của ông này trong một âm mưu trị giá 10 tỷ USD nhằm ăn cắp thuốc điều trị ung thư từ chủ doanh nghiệp nơi ông làm việc và đổi thương hiệu thuốc này dưới danh nghĩa công ty y sinh của chính ông ta.
Theo một tuyên bố của DOJ, ông Tiết đã từng làm việc với tư cách là một nhà khoa học cho Viện Nghiên cứu Y sinh Friedrich Miescher (FMI) ở Thụy Sĩ, trực thuộc Novartis. Trong khi đó, em gái của ông này, bà Tiết Vũ (Xue Yu), từng là nhà khoa học tại GlaxoSmithKline (GSK) ở Pennsylvania cùng thời điểm đó.
Bà Williams nói: “Bị cáo này đã đánh cắp bất hợp pháp các bí mật thương mại để thu lợi cho các công ty do chính ông này và em gái ông ta kiểm soát, một trong số đó được chính phủ Trung Quốc cấp vốn.”
“Mạch sống của các công ty như GSK là tài sản trí tuệ của họ, và việc tài sản đó bị đánh cắp và chuyển ra ngoại quốc sẽ đe dọa hàng ngàn việc làm của người dân Mỹ và làm tê liệt hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hành vi phạm tội đó phải bị truy tố đến mức tối đa theo pháp luật.”
Bộ Tư pháp cho biết, cả ông Công Đạt và bà Vũ đều tiến hành nghiên cứu bí mật về bệnh ung thư cho các công ty tiềm năng của họ, và mỗi người đã ký các thỏa thuận bảo mật như một phần trong công việc của họ. Ông Công Đạt đã thực hiện nghiên cứu để xuất bản trên các tạp chí, và bà Vũ, em gái ông nghiên cứu các loại thuốc chống ung thư đang được phát triển sau đó.
Các công tố viên cho biết, trong khi làm việc cho các công ty tương ứng của họ, ông Công Đạt và bà Vũ đã chia sẻ thông tin bí mật vì lợi ích cá nhân của riêng họ, đánh cắp và gửi thông tin của công ty qua lại và tạo ra các công ty dược phẩm sinh học mới, qua đó họ có thể bán thuốc độc quyền dưới những tên gọi mới. Ông Công Đạt đã thành lập công ty Abba Therapeutics ở Thụy Sĩ, còn bà Vũ thành lập công ty Renopharma ở Trung Quốc. Thậm chí, Renopharma còn nhận được tài trợ trực tiếp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Bộ Tư pháp, dựa trên dữ liệu GSK bị đánh cắp, các đề án nội bộ của Renopharma cho thấy công ty này có thể trị giá tới 10 tỷ USD.
Hồi năm 2018, ông Công Đạt bị buộc tội và bị dẫn độ từ Thụy Sĩ sang Hoa Kỳ hồi tháng 12/2019. FBI đã bắt giữ bà Vũ cùng các cộng sự Renopharama của bà hồi tháng 01/2016.
Theo Bộ Tư pháp, bà Vũ đã nhận tội ăn cắp bí mật thương mại cùng với đồng nghiệp Lucy Xi (cùng làm trong GSK với bà Vũ). Hơn nữa, một người chị/em khác, bà Tiết Thiên (Xue Tian), đã nhận tội với âm mưu rửa tiền đối với những khoản lợi bất chính đáng kể mà Renopharma mong đợi sẽ nhận được. Một trong những giám đốc của Renopharma, ông Lý Đào (Li Tao), cũng đã nhận tội vì vai trò của mình trong âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của GSK. Giám đốc khác của Renopharma, bà Mai Ngạn (Mei Yan), hiện đã đào tẩu và đang sống tại Trung Quốc Đại lục.
Bà Jacqueline Maguire, một đặc vụ FBI liên quan đến vụ án cho biết: “Khi một công ty như GSK chi hàng tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển để đưa các loại thuốc mới ra thị trường, thì vụ đánh cắp các bí mật thương mại có giá trị này sẽ gây ra một mối đe dọa hoạt động đáng kể. Khi những bí mật đó bị đánh cắp nhân danh một địch thủ toàn cầu, điều này cũng gây nguy hiểm cho an ninh của quốc gia và sự ổn định của nền kinh tế của chúng ta.”
“FBI sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các nguồn lực điều tra của chúng tôi để bắt những tên tội phạm phải chịu trách nhiệm như ông Tiết và các đồng bị đơn của ông ta, những người đã trộm cắp tài sản trí tuệ để trục lợi cho bản thân và mang lợi ích cho chính quyền Trung Quốc. Các mối quan hệ của chúng ta với các đối tác khu vực tư nhân như GSK là rất quan trọng để phá vỡ hành vi gây hao tổn như vậy và đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: