Hoa Kỳ trừng phạt 5 công ty Trung Quốc bị cáo buộc tham gia đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Bốn trong số các công ty này là công ty con của Hikvision
Hôm 28/03, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đã trừng phạt 5 công ty Trung Quốc vì vai trò bị cáo buộc của họ trong việc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.
Bộ cho biết các công ty này bị cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền trong “chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác” ở Tân Cương.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm mục tiêu cụ thể vào công ty Công nghệ Điện tử Vu Điền Hải Thị Mỹ Điền (Yutian Haishi Meitian) và bốn công ty con của đại công ty giám sát video Hikvision của Trung Quốc, cụ thể là Công nghệ Điện tử Lạc Phố Hải Thị Đỉnh Hâm (Luopu Haishi Dingxin), Công nghệ Điện tử Mặc Ngọc Hải Thị (Moyu Haishi), Công nghệ Điện tử Bì Sơn Hải Thị Vĩnh An (Pishan Haishi Yong’an), và Công nghệ Điện tử Ô Lỗ Mộc Tề Hải Thị Tân An (Urumqi Haishi Xin’an).
Hành động này diễn ra chỉ hai tuần sau khi một quan chức cao cấp của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) cho biết bộ đang nhắm tới việc bổ sung thêm nhiều công ty vào danh sách trừng phạt vì sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương trong năm nay.
Tại một sự kiện ở Viện Hudson hôm 17/03, ông Robert Silvers, Thứ trưởng đặc trách chiến lược, chính sách, và kế hoạch của DHS, cho biết: “Một trong những ưu tiên cao nhất của chúng tôi cho năm 2023 là bổ sung thêm các công ty vào danh sách đó.”
Ông nói thêm, “dựa trên báo cáo đáng tin cậy từ tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng khác, chúng tôi rất biết, rằng có một lượng đáng kể các công ty hoạt động ở Tân Cương hoặc xung quanh Tân Cương đang tham gia vào các hoạt động ghê sợ đó, và chúng tôi muốn nêu tên họ, và chúng tôi muốn bảo đảm rằng hàng hóa của họ không vào được đất nước này.”
Theo ông Silvers, một mục tiêu khác của DHS trong năm nay là thuyết phục các quốc gia có cùng chí hướng ở châu Âu, cũng như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, và các quốc gia khác, theo đuổi các biện pháp thực thi tương tự như của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đã lên án các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc, gọi đó là nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm “gây bất ổn cho Tân Cương” và “kiềm chế Trung Quốc.”
Hikvision bị cáo buộc trợ giúp ĐCSTQ
Hikvision đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 vì liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc giam giữ và giám sát hàng loạt.
Công ty này đã bị chỉ trích nặng nề vì cung cấp công nghệ của mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Hikvision của Trung Quốc sản xuất hơn ⅕ số camera giám sát trên thế giới và giá trị thị trường của hãng này đã vượt qua Sony.
ĐCSTQ có khoảng 40% cổ phần trong Hikvision thông qua doanh nghiệp nhà nước Tập đoàn Trung điện Hải Khang (Zhongdian Haikang Group), được đầu tư bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electric).
Một báo cáo hồi tháng 11/2019 của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) nêu rằng Hikvision “đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, vận hành, và bảo trì liên tục” một hệ thống tập trung để tổng hợp và phân tích một lượng lớn dữ liệu của các cá nhân ở Tân Cương.
Bà Louisa Greve, giám đốc vận động toàn cầu tại Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng, Hikvision cung cấp “giám sát toàn diện và lập hồ sơ chủng tộc, hành động đang gây ra nỗi kinh hoàng tuyệt đối cho người Duy Ngô Nhĩ; họ đang tạo ra một nguyên mẫu để giám sát toàn diện ở những nơi khác ở Trung Quốc và có khả năng là trên toàn thế giới.”
Một báo cáo năm 2022 từ công ty thông tin giám sát video IPVM có trụ sở tại Pennsylvania cũng tiết lộ rằng Hikvision đã kích hoạt hệ thống báo động để hỗ trợ ĐCSTQ theo dõi những người biểu tình và học viên Pháp Luân Công.
Bản tin có sự đóng góp của Hannah Ng, Emel Khan, Sean Lin, và Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times