Các nhóm nhân quyền đề nghị Liên Hiệp Quốc trừng phạt Trung Quốc vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Trong năm kể từ khi ĐCSTQ bị cáo buộc phạm ‘các tội ác phản nhân loại’ ở Tân Cương, các nhà phê bình cho rằng chưa có nhiều hành động được thực hiện để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
Trong khi Liên Hiệp Quốc đang triệu tập Đại hội đồng lần thứ 78 ở Upper East Side của Manhattan với bài diễn văn của Tổng thống Joe Biden vào ngày 19/09, thì một diễn đàn khác đã được tổ chức tại Khách sạn St. Regis ở Midtown.
Nhóm đó lưu ý rằng trong năm kể từ khi cơ quan quốc tế này kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tham gia vào “các tội ác phản nhân loại” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi khác, thì vẫn chưa thấy họ đưa ra hành động nào để giải quyết.
Các diễn giả tại diễn đàn này cho biết, điều đó có nghĩa là không có gì ngoại trừ các tin tức tới tấp về “các tội ác phản nhân loại” của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi khác.
“Quý vị biết đấy, tôi nghĩ những bài báo về Tân Cương đã mờ nhạt một chút trên các tiêu đề hoặc trang nhất. Bất chấp tất cả các chính sách, những lời đề nghị, và các bài diễn văn khác nhau, vấn đề này đã dần ít được xem là một ưu tiên chính trị hơn,” ông Gady Epstein, Biên tập viên Cao cấp của tờ The Economist, cho biết. Ông là người điều hành cuộc thảo luận kéo dài gần ba giờ đồng hồ này, với mục đích thúc đẩy “một phản ứng quốc tế mạnh mẽ nhằm đáp trả các hành động tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ.”
Dự án Tranh tụng Chiến lược của Hội đồng Đại Tây Dương, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tổ chức sự kiện này.
Các nhóm ủng hộ nhân quyền và quyền của người Duy Ngô Nhĩ đã chỉ trích Liên Hiệp Quốc vì không có hành động cụ thể để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng được ghi nhận.
Họ cho rằng kể từ khi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HCHR) công bố một báo cáo toàn diện kể từ ngày 31/08/2022 thì hầu như không có hành động nào được thực hiện.
Báo cáo này kết luận rằng các chính sách của ĐCSTQ nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ khác ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc “có thể tạo thành các hành vi tội phạm quốc tế, đặc biệt là các tội ác phản nhân loại.”
“Bất chấp những khuyến nghị mạnh mẽ của báo cáo đối với chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn chiến dịch đàn áp trên diện rộng của họ, thì sự tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ Nhĩ Kỳ khác vẫn tồn tại,” Dự án Tranh tụng Chiến lược của Hội đồng Đại Tây Dương khẳng định, bao gồm cả những lo ngại được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đương nhiệm Volker Turk trích dẫn trong năm 2023 về “các vụ giam giữ tùy tiện quy mô lớn và sự chia cắt gia đình đang diễn ra” ở khu vực Tân Cương.
Dự án kết luận, “Báo cáo của Liên Hiệp Quốc là một lời cảnh tỉnh cần thiết đối với cộng đồng quốc tế, nhưng thực tế đang diễn ra về việc bỏ tù hàng loạt, lao động cưỡng bức, chia cắt gia đình, cùng với sự đàn áp ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ cho thấy rằng cộng đồng quốc tế vẫn cần phải hành động rất nhiều để ngăn chặn những hành động tàn bạo đang diễn ra, giúp họ đoàn tụ với những người thân yêu, và bác bỏ việc chính quyền Trung Quốc được miễn trừ trách nhiệm đối với các tội ác phản nhân loại.”
Cô Rayhan Asat, một luật sư nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ và thành viên cao cấp không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Đúng là một bi kịch khi điều gắn kết chúng ta lại với nhau là một nhu cầu cấp thiết cần phải có hành động quốc tế chống lại cuộc đàn áp không thương xót của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng bị nhắm mục tiêu khác.” Anh trai của cô Asat đã và đang “bị giam giữ trong trại tập trung kể từ khi anh ấy bị cầm tù bất công hồi năm 2016.”
Cô nói: “Trung Quốc đã cướp đi những năm tháng được ở bên những người thân yêu của chúng ta thông qua việc giam giữ hàng loạt, bỏ tù, các bản án dài hạn, và sự chia ly.”
“Mức độ đau đớn và tổn thương mà Trung Quốc đã gây ra cho những gia đình như gia đình tôi [và] đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ nói chung là không cách nào đo lường được và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.”
ĐCSTQ phản đối diễn đàn này
Trong khi nhiều chính phủ khác nhau cử đại diện đến buổi thảo luận — với việc Hoa Kỳ cử Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ phụ trách Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth van Schaack — thì có rất ít đại diện chính thức từ Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng là ĐCSTQ vẫn quan tâm đến sự kiện này.
ĐCSTQ đã cảnh báo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không được tham dự cuộc thảo luận trong một tuyên bố hôm 14/09 do phái bộ của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đưa ra, đề cập đến ba tổ chức bất vụ lợi đồng tài trợ cho sự kiện này là “các tổ chức chống Trung Quốc khét tiếng” đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc mà ĐCSTQ cho là hướng tới phát triển kinh tế và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người Duy Ngô Nhĩ.
Phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho biết: “Họ bị ám ảnh bởi việc bịa đặt những lời dối trá và truyền bá thông tin sai lệch độc hại về Tân Cương chứ không tôn trọng sự thật, đồng thời đang âm mưu sử dụng các vấn đề nhân quyền như một công cụ chính trị nhằm phá hoại sự ổn định của Tân Cương và phá hoại sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.”
Ông Peter Loeffelhardt, người đứng đầu Ban Giám đốc Bộ Ngoại giao Liên bang Đức đảm trách khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, đã bác bỏ các tuyên bố của ĐCSTQ “với một lời nhắc nhở có trọng tâm rõ ràng: nhân quyền là phổ quát, không đổi, phụ thuộc lẫn nhau, và liên quan đến nhau. Nhân quyền không tuân theo một hệ thống phân cấp nào và cũng không thể tách rời khỏi các chủ đề khác.”
Ông tiếp tục: “Luận điệu cho rằng nhân quyền là ‘một chướng ngại’ cho sự phát triển là cách nói sai lầm và nguy hiểm.”
“Nhân Quyền luôn cần phải là một chủ đề của cuộc thảo luận này. Khi chúng tôi nói đến các vi phạm nhân quyền, song phương và đa phương, thì đó không phải là can thiệp vào công việc nội bộ.”
Bằng lời khai cá nhân, ông Loeffelhardt lưu ý và cô Asat xác nhận rằng những hành vi được cho là vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ không dừng lại ở trong phạm vi đường biên giới của Trung Quốc.
“Chúng ta không được xem nhẹ những gì đang xảy ra ở quê nhà,” ông nói. “Chúng ta phải bảo đảm rằng các nhà hoạt động ủng hộ cho nạn nhân và tất cả những người lên tiếng về những vi phạm nhân quyền có thể xảy ra ở Trung Quốc có thể được hưởng các quyền căn bản ở đất nước chúng ta mà không bị các tổ chức ngoại quốc can thiệp hay đe dọa.”
‘Tầm tiếp cận rộng rãi của Trung Quốc’
Cô Asat cho biết cô là một trong những nhà hoạt động ủng hộ cho các nạn nhân ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi bị ĐCSTQ sách nhiễu ở Hoa Kỳ.
“Ngay cả những người Mỹ sống ở Mỹ vẫn nằm trong tầm tiếp cận rộng rãi của Trung Quốc. Những gì họ đang lợi dụng là gia đình của chúng tôi, những người thân yêu của chúng tôi, tính mạng của họ — trên thực tế họ đang giữ những người này làm con tin,” cô nói, mô tả cách các quan chức Trung Quốc “cho quý vị nghe giọng nói của người thân yêu của quý vị trong một giây, quý vị biết đó, họ đang còn sống. Vì vậy, quý vị phải thận trọng trong những hành động của mình để dè chừng những gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Cô Asat cho biết, kiểu “đàn áp xuyên quốc gia, đàn áp quốc tế vượt ra ngoài biên giới” này không nằm trong định nghĩa hiện hành của Liên Hiệp Quốc về vi phạm nhân quyền.
Cô nói: “Thật đáng buồn nhưng thật phẫn nộ khi không điều nào trong số đó đáp ứng được định nghĩa của bất kỳ chuẩn mực và luật pháp quốc tế nào mà Trung Quốc đã vi phạm.”
“Vì vậy, tôi nghĩ, cần phải có một cuộc thảo luận về việc pháp điển hóa các loại hành động nhà nước đang diễn ra bên ngoài biên giới của họ như là sự đàn áp xuyên quốc gia và đưa hành vi đó vào hệ thống trách nhiệm giải trình quốc tế.”
Trình bày thay mặt cho Hoa Kỳ, bà Van Schaack nói: “Mặc dù [ĐCSTQ] vẫn tiếp tục các nỗ lực đe dọa và bịt miệng những người lên tiếng về nhân quyền bằng một ví dụ khác về chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu, nhưng tôi cũng thấy vui khi biết rằng những nỗ lực của họ chỉ khiến quốc tế giám sát nhiều hơn đối với tình hình ở Tân Cương, và đặc biệt là những hành động tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ.”
“Giờ thì mặc dù quá trình khiến [ĐCSTQ] ra trước công lý vì những tội ác tàn bạo của họ ở Tân Cương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đánh giá của cao ủy đã đưa ra nền tảng vững chắc cho hành động tiếp theo, vì vậy chúng ta không được đứng yên, im lặng, hoặc đầu hàng trước sức ép của Trung Quốc buộc chúng ta phải nhắm mắt làm ngơ.”
Bà nói thêm: “Hoa Kỳ đã chọn đặt tên cho những hành động tàn bạo này theo đúng bản chất — là tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại. Và khi những hành động này vẫn tiếp diễn, thì thế giới phải kiên quyết phản đối hành động tàn bạo đó bằng cả lời nói và hành động.”
Đưa ra một bản sao bức thư kêu gọi “đừng tham dự” hôm 14/09 của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Quốc Sophie Richardson cho biết, “Bất kỳ chính phủ nào ra sức làm việc này, thì trước hết, không có cớ gì để họ ngồi trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times