Nhà hoạt động: Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc vẫn tiếp tục không suy giảm
Theo ông Salih Hudayar, thủ tướng của chính phủ lưu vong Đông Turkistan, cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương thuộc miền viễn tây Trung Quốc vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác công nhận những hành động tàn bạo này là tội ác diệt chủng.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại giam giữ ở Tân Cương, nơi họ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tra tấn, cưỡng gian, cưỡng bức lao động, và tẩy não chính trị.
Năm 2020, chính phủ cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh là tội ác diệt chủng.
“Việc Hoa Kỳ công nhận tội ác diệt chủng này đã dẫn đầu cho sự công nhận tương tự của gần một chục nghị viện ở Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, Canada, v.v. Sự công nhận này cũng mang lại nhiều nhận thức hơn về những gì đang diễn ra với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Đông Turkistan,” ông Hudayar nói với chương trình “China in Focus” (“Trung Quốc tiêu điểm”) trên NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, hôm 18/01.
“Nhưng đáng buồn là vẫn chưa đủ để ngăn chặn tội ác diệt chủng này,” ông cho biết, “Chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện tội ác diệt chủng, kể cả trong năm 2023. Họ tiếp tục phủ nhận sự thật rằng họ đang thực hiện tội ác diệt chủng,” ông nói thêm.
Ông Hudayar nói rằng mặc dù ĐCSTQ đã dỡ bỏ các chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt trên toàn quốc, nhưng tình hình ở Tân Cương vẫn không thay đổi.
“Đáng buồn thay, chính quyền Trung Quốc, mặc dù đã chính thức tuyên bố rằng họ đã chấm dứt việc cách ly và chấm dứt các chính sách hà khắc zero COVID, nhưng quý vị vẫn thấy họ tiếp tục xây dựng cái gọi là cơ sở cách ly và trại tập trung trên khắp các sa mạc ở Đông Turkistan,” ông nói.
“Vì vậy, không có gì thay đổi khi nói đến người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc diệt chủng này vẫn tiếp diễn, sự thao túng của chính quyền Trung Quốc, những lời dối trá của chính quyền này vẫn tiếp diễn,” ông nói thêm.
Ông Hudayar nêu bật Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật hồi tháng 12/2021 và có hiệu lực từ tháng Sáu năm ngoái, cấm hàng nhập cảng từ Tân Cương trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng các sản phẩm không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Nhà hoạt động này tin rằng luật trên không đủ mạnh để chấm dứt hoạt động lao động cưỡng bức này.
“Chúng ta cần hiểu rằng không chỉ ở Đông Turkistan [Tân Cương], chính quyền Trung Quốc đang di dời hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, buộc họ phải đến các tỉnh khác ở Trung Quốc, nơi họ tiếp tục bị sử dụng làm lao động nô lệ,” ông nói.
Để chấm dứt nạn cưỡng bức lao động ở Tân Cương một cách hiệu quả, nhà hoạt động này đã đề nghị “luật mà về căn bản sẽ cấm tất cả các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.”
“Đây là cách duy nhất để chúng ta có thể ngăn chặn nạn cưỡng bức lao động cho đến khi Trung Quốc chấm dứt nạn diệt chủng — cho đến khi họ có thể cho phép các nhà điều tra độc lập đến Trung Quốc để đến Đông Turkistan, để xác nhận rằng họ không sử dụng lao động như thế,” ông nói.
“Họ sử dụng những lời dối trá như một công cụ ngoại giao, như một công cụ quản trị, vì vậy chúng ta không thể tin tưởng hết những gì chính quyền Trung Quốc nói, đồng thời thực hiện cuộc điều tra thích hợp của riêng mình và đánh giá tình hình theo đó,” ông Hudayar nói thêm.
Dân số sụt giảm
Theo ông Hudayar, khi các quan chức Trung Quốc báo cáo dân số hàng năm của Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm lần đầu tiên sau nhiều thập niên, hành vi diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của chế độ này đã góp phần đáng kể vào sự sụt giảm đó.
Theo một công bố của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) nước này, dân số Trung Quốc đã giảm khoảng 850,000 người xuống còn 1.41175 tỷ người vào năm 2022. Đây là đợt giảm dân số hàng năm đầu tiên ở Trung Quốc được báo cáo chính thức kể từ năm 1961 — năm cuối cùng xảy ra Nạn Đói Lớn trên toàn quốc.
Ông Hudayar cho biết sự sụt giảm dân số người Duy Ngô Nhĩ chiếm một phần đáng kể trong con số đó. “Kể từ năm 2017, mức tăng dân số của chúng tôi đã giảm mạnh ở một số khu vực xuống còn 0% do chính sách triệt sản bắt buộc, chính sách hôn nhân cưỡng bức, và chính sách bắt vào trại tập trung hàng loạt của chính quyền Trung Quốc.”
Theo một báo cáo năm 2021 (pdf) của Viện Chiến lược và Chính sách Newlines, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức đặt vòng tránh thai, phá thai, và chích hoặc uống thuốc làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt của họ, trong khi đàn ông Duy Ngô Nhĩ trong độ tuổi sinh đẻ bị nhắm đến để bắt vào trại tập trung, tước đi khả năng sinh sản của người Duy Ngô Nhĩ.
Bản tin có sự đóng góp của Naveen Athrappully
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times