Hai loại trà có thể tiêu trừ dầu mỡ và thấp khí trong cơ thể
Hiện nay mọi người thường ăn nhiều thịt, đặc biệt là đồ nướng. Một số người ăn uống quá đà dẫn đến có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như chướng bụng, đau bụng, hoặc bị phù nề nặng vào ngày hôm sau. Dưới đây là cách bấm huyệt và tự làm hai loại trà giúp loại bỏ dầu mỡ và thấp khí tích tụ trong cơ thể.
Xoa bóp huyệt vị cải thiện táo bón, tiêu chảy
Bác sĩ Quách Đại Duy (Guo Dawei), Giám đốc Phòng khám Trung y Phù Nguyên tại Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, nếu bụng khó chịu, mọi người có thể xoa bóp các huyệt trên bụng – Huyệt Hạ Quản, Trung Quản, Thượng Quản, Thiên Khu, đến huyệt Hợp Cốc, Túc Tam Lý trên tay chân để trợ giúp tiêu hóa, kích thích nhu động ruột và tiêu trừ chướng khí.
Các huyệt Hạ Quản, Trung Quản, Thượng Quản trên bụng đều thuộc mạch Nhâm, có cùng tác dụng kiện Tỳ Vị. Các huyệt này được sắp xếp theo thứ tự, nằm ở vị trí phía trên rốn, lần lượt cách rốn bề ngang ba ngón tay (ngón trỏ, giữa, áp út), bốn ngón tay (ngón trỏ, giữa, áp út, út) và năm ngón tay. Huyệt Thiên Khu nằm ở hai bên trái phải của rốn cách rốn bề ngang ba ngón tay.
Khi ngón tay cái và ngón trỏ kẹp lại, nơi cơ nhô ra chính là huyệt Hợp Cốc. Huyệt Túc Tam Lý nằm ở cạnh ngoài đầu gối đo xuống khoảng bề ngang bốn ngón tay, thích hợp để tiêu trừ chứng đầy hơi, dạ dày khó chịu
“Xoa bóp huyệt có tác dụng điều chỉnh hai chiều”, có thể cải thiện táo bón, cũng có thể ngăn ngừa tiêu chảy, Bác sĩ Quách Đại Duy nhấn mạnh. Ông giải thích thêm rằng: “Những người hay bị táo bón nên bấm huyệt Túc Tam Lý nhiều hơn, có thể giúp nhuận tràng nhiều hơn; nếu cơ thể dễ bị tiêu chảy thì nên ôn cứu (dùng ngải cứu làm ấm) hoặc chườm nóng vào huyệt Túc Tam Lý, làm chậm nhu động ruột, ngăn ngừa tiêu chảy.”
Ấn mỗi huyệt trong khoảng 5 đến 15 giây, và lặp lại 10 đến 15 lần.
Tự chế 2 loại trà trừ thấp tiêu mỡ
Ngoài việc xoa bóp các huyệt vị, có thể chuẩn bị hai tách trà trong bữa ăn, giúp bạn tiêu hóa thức ăn, loại bỏ dầu mỡ trong dạ dày.
Trà kiện tỳ khứ thấp
Công thức: Hoàng kỳ 5 tiền [1 tiền khoảng 3.75g] , đậu đen 3 tiền, Quyết minh tử (hạt muồng) 3 tiền, Ngọc mễ tu (râu ngô) và Ý dĩ nhân mỗi loại 1.5 tiền.
Cách làm:
- Dùng nước lạnh rửa sạch các dược liệu để loại bỏ bụi bẩn và bùn đất, không nên ngâm.
- Cho 800-1000c.c nước vào đun với dược liệu, sau khi sôi thì tắt lửa đun trong 15 phút, là có thể dùng.
Hoàng kỳ bổ khí, Đậu đen trừ thấp khí (khí ẩm), Quyết minh tử lợi tiểu thông tiện, có thể cải thiện chứng phù nề. Ngọc mễ tu (râu ngô) ngoài việc trừ thấp khí, còn có tác dụng thanh nhiệt, trong khi Ý dĩ nhân giúp kiện tỳ trừ thấp khí.
Sau khi lỡ ăn uống quá độ hoặc dùng thức ăn nhiều thịt, có thể uống loại trà kiện tỳ khứ thấp, sẽ có tác dụng nhanh chóng giúp dạ dày bài tiết chất dầu mỡ ra ngoài cơ thể. Bác sĩ Quách Đại Duy nhắc nhở rằng, không nên dùng nước nóng khi rửa dược liệu, nếu không thành phần dược liệu dễ bị trôi mất.
2. Trà tiêu mỡ
Công thức: Sơn tra 1.5 tiền, Ô mai 0.5 tiền, Cam thảo 1.5 tiền, Lạc thần hoa (bụp giấm) 3 tiền, Hoàng kỳ 3 tiền.
Cách làm: Đun sôi với 1000c.c nước, dùng uống như trà.
Sơn tra vốn có tác dụng trừ dầu mỡ, loại bỏ cảm giác chán ăn, khi ăn quá nhiều thịt, nó có thể trợ giúp dạ dày tiêu hóa. Ô mai có thể sinh tân dịch làm dịu cơn khát, còn có thể tăng cảm giác thèm ăn. Hoàng kỳ bổ khí, cũng thúc đẩy tăng cường nhu động ruột. Bụp giấm có vị chua ngọt, theo quan điểm của Trung y, chua có thể làm se và hấp thu thức ăn đã tiêu thụ, giảm gánh nặng cho dạ dày. Cuối cùng, Cam thảo được dùng để điều hòa tác dụng của tất cả các vị thuốc, giúp trà có thể phát huy hiệu quả tốt hơn.
Thi Chi Ngâm thực hiện
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ