Goldman Sachs: Sản xuất dầu sẽ gặp phải ‘vấn đề nghiêm trọng’ vào năm 2024, khiến giá dầu tăng
Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán rằng giá dầu sẽ tăng trên 100 USD một thùng trong năm nay và có thể có vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung vào năm 2024, do năng lực sản xuất dự phòng cạn kiệt.
Giám đốc chiến lược hàng hóa của Goldman Jeff Currie nói với Bloomberg News rằng, các biện pháp trừng phạt đối với xuất cảng dầu mỏ của Nga và nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc, khi nước này chấm dứt chính sách phong tỏa zero COVID, dự kiến sẽ làm tăng giá dầu cuối năm nay lên trên mức khoảng 80 USD hiện tại.
Giá dầu đã biến động kể từ khi đại dịch bùng phát, giảm xuống dưới 20 USD vào năm 2020, trước khi tăng vọt lên gần 130 USD/thùng sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, khiến nguồn cung bị gián đoạn và thiếu hụt so với nhu cầu toàn cầu.
Chiến tranh đã khiến giá xăng, dầu diesel, và nhiên liệu phi cơ tăng vọt khi các nhà máy lọc dầu hoạt động hết công suất, trước khi giảm trở lại trong năm, do các quốc gia đã tìm được nguồn thay thế.
Tháng Mười Hai năm ngoái (2022), Goldman đã đưa ra dự báo giá giảm đối với hầu hết các loại tài sản, ngoại trừ hàng hóa, được dự đoán sẽ tăng 43% do “thiếu hụt nguồn cung.”
Kể từ thời điểm đó, hàng hóa đã lên xuống thất thường và có mức tăng khiêm tốn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Lĩnh vực dầu mỏ kể từ đó đã có giá sụt giảm, với dầu giao dịch ở ngay trên mức giá sàn nạp thêm cho kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược 72 USD/thùng của chính phủ ông Biden, bất chấp dự đoán của các nhà kinh tế rằng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.
Thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ là nguyên nhân khiến giá tăng đột biến
Ông Currie nói với Bloomberg tại một hội nghị ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hôm 05/02 rằng tình trạng thiếu các khoản đầu tư rất cần thiết vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng đã trở thành yếu tố chính đẩy giá lên cao.
Ông nói rằng việc thiếu công suất này sẽ trở thành một vấn đề lớn trong năm tới khi giá dầu tăng vọt.
Ông Currie cho biết: “Siêu chu kỳ hàng hóa là một chuỗi các đợt tăng giá đột biến với mỗi mức giá cao lại càng thêm cao hơn nữa và mỗi mức giá thấp cũng lại cao hơn.”
Nhà phân tích của Goldman này dự đoán rằng thị trường dầu mỏ sẽ thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu vào tháng Năm, điều này sẽ khiến phần lớn công suất và kho dự trữ còn lại của các nhà sản xuất lớn trên thế giới bị sử dụng hết, đồng thời khiến giá tăng trở lại mức trên 100 USD/thùng vào năm 2024 do tình hình với Nga và Trung Quốc.
Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia bảo vệ hành động của OPEC
Trong khi đó, khi trình bày tại hội nghị ở Riyadh hôm 04/02, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã cho rằng việc thiếu đầu tư vào công suất lọc dầu là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung sắp tới.
Ông nhắc lại lập trường thận trọng của OPEC trong việc quyết định thời điểm tăng sản lượng sau khi ủy ban lãnh đạo của tổ chức này khuyến nghị không thay đổi sản lượng hồi tuần trước (30/01-05/02).
Hoàng tử nói, “Tôi sẽ tin khi tôi nhìn thấy, rồi sau đó mới hành động.”
Đề cập đến đợt giá tăng đột biến trong thời gian ngắn vào mùa thu năm ngoái khi OPEC+ cắt giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày, ông Bin Salman cho biết: “Nếu lúc đó mọi người tin tưởng chúng tôi, thì chúng ta đã không phải trải qua những lo lắng như vậy.”
Saudi Arabia và Nga là những nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC+, một nhóm gồm 23 quốc gia là các nhà sản xuất dầu mỏ chính của thế giới.
Khối này đang cố gắng cân bằng cung và cầu trong khi vẫn giữ giá đủ cao để làm thỏa mãn các thành viên của mình.
Hoàng tử tuyên bố rằng hành động hạn chế nguồn cung của OPEC+ đã cứu thị trường dầu mỏ trong thời kỳ nhu cầu lao dốc trong đại dịch.
Nhà phân tích của Goldman tin rằng OPEC sẽ tăng giới hạn sản xuất vào cuối năm nay
Ông Currie duy trì quan điểm của Goldman rằng OPEC+ cuối cùng sẽ dỡ bỏ các giới hạn sản xuất và có khả năng sẽ tăng sản lượng vào cuối năm nay, nhưng ủy ban giám sát thị trường của nhóm dầu mỏ này gần đây đã khuyến nghị rằng họ sẽ tạm thời duy trì mức sản lượng dầu hiện tại.
Nhắc lại dự đoán của mình rằng công suất sẽ bị căng thẳng khi cầu vượt cung vào cuối năm nay, ông Currie nói với Bloomberg: “Ngay bây giờ, chúng ta vẫn cân bằng ở mức thặng dư vì Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times