‘Finlandia’: Bài ca về tự do và chiến thắng của người dân Phần Lan
Tác phẩm được Dàn nhạc Giao Hưởng Shen Yun trình diễn
Vào tháng 12/1917, Phần Lan tuyên bố độc lập khỏi Nga sau nhiều năm đầy thử thách với vai trò là một “Đại công quốc” trong Đế quốc Nga, chật vật xoay xở để giữ vững bản sắc và văn hóa dân tộc trong bối cảnh của chính sách “Nga hóa”. Đó cũng là năm mà Liên Xô khởi xướng Cách mạng Nga và Phần Lan không muốn dính líu đến.
Nhà soạn nhạc Jean Sibelius viết: “Chúng tôi đã chiến đấu suốt 600 năm vì tự do và tôi là một phần của thế hệ đã đạt được điều đó”. Tồn tại giữa hai cường quốc cạnh tranh nhau là Thụy Điển và Nga, Phần Lan đã chịu ảnh hưởng từ ngoại quốc trong nhiều thế kỷ. “Tự do! Tác phẩm Finlandia của tôi là câu chuyện về cuộc chiến này. Đó là bài ca về trận chiến của chúng tôi, bài ca chiến thắng của chúng tôi”, ông Sibelius viết.
“Finlandia” được sáng tác trong bối cảnh Phần Lan chống lại sự cai trị của Nga, và nhà soạn nhạc Sibelius đã tìm cách thể hiện tiếng nói và văn hóa Phần Lan mà không cần phải phỏng theo các giai điệu dân gian.
Tác phẩm đã thành công vang dội, không chỉ trong nước. “Finlandia” đã đưa Phần Lan lên sân khấu thế giới, nâng tầm những đóng góp nghệ thuật vào dòng nhạc cổ điển.
Tác phẩm được viết không lời [hát] dành cho dàn nhạc giao hưởng đã làm xúc động người nghe đến nỗi đã được dùng để đặt lời cho nhiều bài thánh ca, bao gồm “An Tâm Bên Chúa” (Be Still My Soul), “At the Table” (Ngồi Vào Bàn), “Land of the Pine” (Đất Nước của Những Cây Thông) và “Our Farewell Song” (Bài Ca Chia Tay của Chúng Ta). Tác phẩm được xem là một bài ca về chiến thắng và tự do; là một bài hát quốc gia của Phần Lan một cách không chính thức.
Bài thơ giao hưởng khải hoàn dài khoảng 8 phút là một tác phẩm được yêu thích trình diễn thường xuyên.
Vào ngày 22/10/2023, Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun đã trở lại thành phố New York để đáp lại sự mong đợi của khán thính giả, biểu diễn hai buổi hòa nhạc tại Phòng Hòa nhạc David Geffen ở Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Lincoln.
Chương trình gồm các sáng tác viết riêng cho dàn nhạc giao hưởng Shen Yun, và bản “Finlandia” của Sibelius, “Từ Tân Thế Giới” (New World Symphony) của Dvorak và Bản hòa tấu vĩ cầm “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” (Butterfly Lovers Violin Concerto).
Lịch sử Phần Lan trong 7 phần
Năm 1899, nhà soạn nhạc Sibelius được đề nghị soạn nhạc cho sự kiện “Lễ kỷ niệm Báo chí”.
Đây là một sự kiện gây quỹ cho quỹ hưu trí báo chí, mục đích là tài trợ cho nền báo chí tự do của Phần Lan chống lại các chính sách kiểm duyệt của Nga.
Nghệ sĩ Sibelius đã sáng tác một tác phẩm âm nhạc gồm bảy hoạt cảnh âm nhạc mô tả lịch sử của đất nước và dự tính viết những bản nhạc mà người Phần Lan sẽ công nhận là của riêng họ mà không cần phỏng theo nhạc dân gian.
“Anh không muốn gian dối trong nghệ thuật,” ông đã viết như vậy cho vợ của mình, bà Aino. “Nhưng anh nghĩ hiện giờ anh đang đi đúng hướng. Anh giờ đây đã nắm bắt được những xu hướng âm nhạc Phần Lan, thuần túy Phần Lan, ít hiện thực hơn nhưng chân thực hơn trước.”
Nhạc phẩm bắt đầu với đoạn dạo đầu, sau đó là hoạt cảnh có tựa đề “Bài hát của Väinämöinen” (The Song of Väinämöinen), vị anh hùng nửa thần nửa nhân trong sử thi Kalevala của Phần Lan. Hoạt cảnh thứ hai, “Người Phần Lan được Rửa tội bởi Giám mục Henry” (The Finns are Baptized by Bishop Henry), mô tả sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Phần Lan từ thế kỷ thứ tám. Hoạt cảnh thứ ba, “Cảnh từ Cung điện của Công tước Johan” (Scene from Duke Johan’s Court), ngụ ý về vị vua cai trị Phần Lan vào cuối những năm 1500. Phần thứ tư, “Người Phần Lan trong cuộc chiến tranh ba mươi năm” (The Finns in the Thirty Years’ War), đề cập đến một trong những cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử châu Âu.
Phần gần cuối, “Sự thù địch to lớn” (The Great Hostility), đề cập đến sự thống trị của Nga đối với Phần Lan, trước phần kết đầy thắng lợi, “Phần Lan thức tỉnh” (Finland Awakes).
Phần cuối cùng dường như quá yêu nước để quảng bá vào thời điểm đó và được biểu diễn dưới những cái tên như “Bản hợp xướng của người Scandinavi” (A Scandinavian Choral March) và “Khúc Ngẫu Hứng” (Impromptu) để thoát khỏi sự kiểm soát của Nga.
Tác phẩm rất được ưa chuộng, và một năm sau, lấy cảm hứng từ những bức thư ẩn danh của người hâm mộ, nhà soạn nhạc Sibelius đã sửa đổi hai phần cuối thành một tác phẩm riêng biệt có tựa đề “Finlandia”.
Khải hoàn ca
Nhạc phẩm “Finlandia” bắt đầu với tâm trạng bồn chồn lo lắng, tiếng kèn đồng trầm tượng trưng cho những gian khó và áp lực mà Phần Lan phải chịu đựng. Bầu không khí u tối sớm nhường chỗ cho giai điệu trang trọng nhưng đầy hy vọng của kèn gỗ, sau đó là âm thanh của đàn dây và rồi âm thanh của phần còn lại của dàn nhạc vang lên. Âm nhạc ngày càng trở nên hào hùng và tiếng kèn lệnh vang lên kiêu hãnh ở phần giữa của “mô típ chiến thắng”.
Sibelius được cho là đã lấy cảm hứng sáng tác từ khung cảnh cây cối và hồ nước thanh bình của vùng Aulanko. Âm nhạc khi thì trang nghiêm như hành khúc, khi thì sâu lắng thiêng liêng. Người nghe dẫu ở xa Phần Lan cũng đồng cảm với tình yêu nước và sự tự do mà âm nhạc gợi lên.
Tác phẩm được Dàn nhạc giao hưởng Helsinki công diễn đầu tiên. Họ đã đưa nhạc phẩm này đi lưu diễn khắp châu Âu, đến cả Triển lãm Thế giới được tổ chức tại Paris năm đó.
Bài thơ giao hưởng sôi động đã lay động trái tim của nhiều thính giả — hầu hết các bản thu âm “Finlandia” đều có phần điệp khúc, cùng với phần lời do nhà thơ V.A. Koskenniemi viết.
Lời bài hát “chính thức” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1937 khi ca sĩ opera Waino Sola đặt lời cho bài hát. [Sau đó] Thi sĩ Koskenniemi đã đưa ra toàn bộ lời bài hát mới vào năm 1939 sau Chiến tranh Mùa đông mà Nga nhắm vào Phần Lan. Nhà soạn nhạc Sibelius chỉ biên soạn nhạc phần điệp khúc cho dàn hợp xướng vào năm 1948.
Nhà soạn nhạc có chút bối rối trước sự nổi tiếng của tác phẩm như một bài thánh ca. “Nhạc phẩm này được viết cho dàn nhạc. Nhưng nếu thế giới muốn có hát bài ca này, thì không có gì là không thể,” ông sau này đã viết.
Tiết mục “Finlandia” mà dàn nhạc giao hưởng Shen Yun trình diễn ngày 22/10/2023 không có dàn hợp xướng; khán giả sẽ nghe nhạc phẩm ở dạng nguyên bản.
Nghệ sĩ Milen Nachev là chỉ huy dàn nhạc; cô Catherine Zhang là trưởng nhóm hòa nhạc.
Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun gồm các nghệ sĩ biểu diễn và lưu diễn cùng tám đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Quý vị vui lòng tìm hiểu thêm tại ShenYunSymphony.com.
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times